MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

NHỮNG CON DIỀU XƯA CŨ ẤY… - Tùy bút Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

(Nguồn ảnh: tác giả cung cấp)

NHỮNG CON DIỀU XƯA CŨ ẤY…
*
(Tác giả Nguyễn Bàng)
Một chiều chủ nhật, đạp xe ra hóng mát ở Phú Mỹ Hưng, một khu đô thị đa chức năng kiểu mẫu, nơi tập trung sinh sống của những người có thu nhập cao ở phía Nam Sài Gòn, chợt thấy một ông già và mấy cháu bé đang chơi thả diều. Giờ là lúc con diều đã bay lên cao và đang no gió vì vậy, ông già thảnh thơi ngồi trên một phiến đá nhìn lên trên bầu trời trong xanh, nơi con diều của ông đang vẫy cánh vờn bay nô đùa với những áng mây trắng đang bồng bềnh trôi thu hút ánh mắt của mấy người như tôi đứng quanh ông cũng đang ngẩng cao đầu lên ngắm nghía. Mấy đứa cháu ông thì vừa chạy tung tăng bên con suối giả xem cá vàng bơi lội vừa thỉnh thoảng nhìn lên con diều đang bay trên trời cao reo lên đẹp quá rồi đồng thanh hát vang lên:
Mai nối dài dây 
Cho diều, diều nhớ 
Để em cùng diều 
Bay cao, cao nữa...
Nghe tiếng hát của bọn trẻ, tất cả từ ông già thả diều đến những người đứng xem như thả hồn bay lên những áng mây, thật đúng với câu “diều lên mỏi cổ”.Tôi cũng vậy và tôi bất giác nhớ đến ông bác, anh trai của mẹ tôi, một người đã lừng danh chơi diều cả một vùng quê ngoại ô Hà Nội.
Hồi ấy, hôm nào biết bác tôi làm diều là tôi sang xem cả buổi. Bác tôi ngồi trên một chiếc chiếu đậu trắng, xung quanh ngổn ngang những vật liệu như giấy, tre nứa và chỉ lụa cùng kéo, cưa, đục và dao nhọn. U tôi bảo, bác được ông bà ngoại cho học chữ Nho từ nhỏ, viết chữ rất đẹp, hát ca trù cũng rất hay nhưng tài nhất là làm được những con diều rất tinh xảo. Bác mê chơi diều từ nhỏ, mê đến nỗi hồi mới hơn 10 tuổi, bác thường hay xúc trộm thóc của bà ngoại đem bán để lấy tiền mua giấy và chỉ lụa, có lần bà ngoại bắt được doạ nếu tái phạm bà sẽ đốt hết diều sáo đi mà vẫn không chừa. Bác tôi khéo tay thật, ông có thể làm ra cả đàn diều với đủ hình chim, thú hoặc mô phỏng các nhân vật nổi tiếng trong các pho truyện của Tàu hay truyện khuyết danh ở ta.  
Có lần bác hỏi tôi:
- Cu cháu có biết ai là người làm ra chiếc diều đầu tiên không?
Thấy tôi nghệt mặt ngồi im như để chờ bác nói thì bác tôi liền giảng giải:
- Nước Tàu chính là xứ sở của diều, chiếc diều đầu tiên trên thế giới cũng là bắt nguồn từ thời Xuân thu Chiến Quốc ở bên Tàu. Cách nay đã hơn 2000 năm, sách cổ của Tàu có ghi lại rằng: "Mặc Tử làm diều gỗ, ba năm mới làm xong, bay một ngày là hỏng".
Chiếc diều gỗ do thầy Mặc Tử ấy làm chính là cánh diều sớm nhất trên thế giới đấy. Mãi hơn 700 năm về sau, đến thời Đông Hán, người Tàu mới phát minh ra kỹ thuật làm giấy, trong dân gian bắt đầu xuất hiện diều được dán bằng giấy, gọi là "Diều giấy”.  
Tôi há hốc miệng nghe bác tôi nói và hoàn toàn tin là đúng vì u tôi đã bảo, bác học chữ Nho rất giỏi.     
Rồi bác tôi nói thêm:  
- Diều phải có sáo. Chơi diều mà không có sáo thì chả khác gì phải nhắm rượu suông. Làm xong con diều này, bác sẽ làm sáo cho nó. Lần này bác sẽ làm sáo kép chứ không làm sáo đơn mà làm hẳn bộ hòa âm 7 chiếc sáo, ở xa vài cây số vẫn nghe thấy tiếng sao vi vu. Làm diều đã khó nhưng làm sáo diều còn khó gấp bội. Nào là tạo thân sáo, quét sơn ta lên thân sáo nhiều lớp cho kín thân sáo, lại đẹp và bền lâu, Rồi khoét miệng sáo ra sao mới là khó nhất. khoét sao cho sáo hứng được gió, giữ được gió tạo nên những tiếng kêu trầm bổng thật hay thì mới được nhiều người thích như câu ca:
Diều lên sáo thổi ve ve,
Bà ngồi bóng mát, bà nghe sáo diều
Rồi vừa phết giáy gió làm áo cho diều, bác tôi vừa mở mang thêm sự hiểu biết cho tôi:
- Mà việc thả diều nó có nhiều ý nghĩa hay lắm chứ không phải chỉ là một thú chơi đâu cu cháu ạ. Người Tàu họ quan niệm thả diều là để xua đuổi tà khí, xua đuổi những điều rủi ro. Còn người Việt ta thì diều sáo là sự cầu mong mưa tạnh gió hòa của những người làm nghề nông, là biểu tượng về sự khô ráo mà người nông phu mong đợi trong những ngày ẩm ướt hay mưa lũ. Diều lên cao trên không trung, sáo kêu to, rõ tiếng giữa trời xanh là thông báo một thời tiết tốt. Con diều và tiếng sáo còn có tác dụng điều hoà âm dương, nối mối quan hệ giữa trời và đất; giữa cao và thấp, giữa khô tạnh và ẩm ướt, góp phần làm cho thời khí nhẹ nhàng, dịch bệnh tan biến.
Một lần, vào cuối tháng Hai, bác tôi cho tôi và anh con cả của bác theo chân lên làng Bá Giang ở tận Đan Phượng, tỉnh Sơn Tây, bảo để sẽ tham dự Lễ hội thi diều sáo đã có truyền thống hơn hai trăm năm của làng này theo lời mời của các văn thân làng ấy. Bác tôi dự định sẽ làm một con diều lớn mang theo dàn sáo 9 chiếc tượng trưng cho sự sự trường cửu, vĩnh hằng và may mắn đồng thời thể hiện sự độc đáo của con diều như sự kỳ vĩ của voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao trong  truyền thuyết.. Vì diều to, sáo lớn không dễ đem đi đường xa nên phải lên Bá Giang cho sớm và phải làm trước sẵn mọi thứ ở nhà để khi lên chỉ lắp ghép và hoàn thiện con diều. Được cái, người dân làng Bá Giang này rất hiếu khách và rất thẳng thắn công tâm nên lần ấy bác tôi đã được treo giải nhất với phần thưởng là một vuông nhiễu tím và một gói tiền nhỏ khiến chúng tôi ra về lòng đầy phấn chấn sau khi đã tặng cho dân làng cả diều lẫn sáo.
Bác tôi học giỏi nhưng là một Nho sinh lỗi thời nên khi thời đại giáo dục bỏ bút lông dùng bút săt chấm dứt thời kì thi cử Nho học và nền giáo dục phương Tây ngày càng được chiếm lĩnh thì tất cả những Tứ thư, Ngũ kinh, rồi Bắc sử, Nam sử cùng với Đường thi, Tống thi…đều xếp xó bỏ bồ hết. May còn có bàn tay viết chữ Nho đẹp và cái giọng hát ca trù hay, bác tôi chuyển sang làm nghề cung văn kiếm sống, chuyên viết sớ, làm bùa, cúng đuổi tà ma cho các nhà hoặc làm chân cung văn trong các buổi hầu đồng. Thì giờ nhàn rỗi, bác vẫn chơi diều và dạy cho lớp trẻ trong làng biết làm diều, vì thế làng tôi những ngày tạnh ráo đầy tiếng sáo diều vi vút suốt từ chiều hôm đến tàn đêm trăng.
Năm tôi bắt đầu học trung học, tìm đọc sách ở thư viện và biết đến bài Thôn cư ( Ở quê) của Cao Đỉnh nói về trẻ em thả diều với gió đồng:
Tháng ba cỏ mọc, oanh bay,
Trên đê liễu rủ, xuân say hương lòng.
Trẻ con nghỉ học về đồng,
Thả diều cùng với gió đông trong làng.
Tôi toan khi nào về quê sẽ đọc bài thơ đó và nhờ bác tôi bình giảng cho nghe thì làng tôi bắt đầu diễn ra cuộc Cải cách ruộng đất. Bác tôi không có ruộng nên không thuộc thành phần nào từ bần nông, trung nông đến phú nông hay địa chủ nhưng lại bị quy kết là hành nghề mê tín dị đoan và cấm không được tiếp tục mà phải vào hợp tác xã làm công ăn điểm.
Mặc dù mẹ là nông dân nhưng được ông bố cũng là một Nho sinh không đỗ đạt gì về làng bốc thuốc chiều chuộng nên đã sống hơn bốn chục năm trong đời, bác tôi đâu biết đến công việc đồng áng. Mọi việc ngoài đồng đều do bà ngoại và con gái lớn là u tôi lo toan gánh vác. Nay phải vào Hợp Tác Xã thì bác biết làm gì cho có công điểm. Đã thế bác lại rất sợ đỉa mà đồng làng tôi thì nhung nhúc đỉa, hễ thấy mùi da thịt người là lăn xả bám vào hút máu. Mà thời ấy, miếng vải để vá víu quần áo rách cũng rất hiếm, nên các bà các chị người làng tôi phải nhặt nhạnh những manh áo quần cũ nát cắt gạn từng miếng khâu nối lại thành cái xà cột bọc chân cẳng mỗi khi lội ruộng, ngoài ra còn phải đeo bên thắt lưng một ống tre đựng vôi trộn bột ớt để mỗi khi bị đỉa bám thì quyệt vôi ớt làm cho chúng rời miệng ra. Cực chẳng đã, nhưng không nhẽ ngồi chịu đói hay ăn bám vợ, bác tôi kiếm hơn chục con vịt cái thả chúng ra đồng tự kiếm ăn, tối lại về chuồng ngủ rồi đẻ trứng cho bác tôi bán. Cũng may thời đó làng quê không có trộm cắp. Thú chơi diều của bác tôi và của một số dân làng không ai cấm cũng tự nhiên biến mất. Giờ dân làng chỉ nghe thấy tiếng kẻng chói tai sáng trưa chiều tối gọi xã viên đi làm, về nghỉ hay ra sân kho họp hoặc cân thóc. Những đêm trăng sáng một vài nhà có sân vườn, hương hoa cau vẫn tỏa thơm nhưng không nhà nào còn nghe thấy tiếng sao diều vi vút nữa.
Hai mươi năm sau cải cách ruộng đất, làng quê vẫn đói dài đói rạc thì bác tôi qua đời. Sau khi lo mồ yên mả đẹp cho bác xong xuôi, gia đình dọn lại nhà cửa và thấy trên cái gác tre trong chái nhà nơi bác tôi ngủ còn cất xếp mấy chục con diều rất đẹp cùng những bộ sáo diều rất tinh xảo. Bà bác tôi bảo anh con cả:
-Tinh hoa của ông ấy phát tiết hết vào những con diều sáo này nhưng thật tội nghiệp, đằng đẵng hơn hai chục năm nay, ông ấy có được chơi một ngày nào đâu. Hay là anh đem chúng ra mộ thầy, hóa hết đi cho ông ấy có cái chơi ở dưới Suối Vàng.
Nhưng anh con cả không nghe lời mẹ mà thưa lại:
- Con nghĩ những chiếc diều sáo này là di sản văn hóa của gia đình mà thầy con để lại. Đem đốt đi thì chúng sẽ thành tro bụi hết. Xin u cho con được giữ lại để chừng nào đến ngày lại được chơi diều sáo, con sẽ dùng và con tin ngày đó sẽ đến.
Ông anh họ tôi nói đúng nhưng phải đến 10 năm sau, thời bao cấp mới chấm dứt. Người nông dân quê tôi được khoán việc rồi khoán hộ không còn phải đợi kẻng đi làm của hợp tác hợp te nữa mà tự mình hăng hái ra đồng sản xuất nên đời sống được cải thiện nhanh chóng. Không nhà nào phải cân lợn hơi bán cho hợp tác xã mua bán để lấy những đồng tiền rẻ bèo và lĩnh vài mẩu tem phiếu rồi hôm sau lại ra cửa hàng Hợp Tác Xã chầu chực đưa tem phiếu và tiền ra để mua miếng thịt từ con lợn mình đã đổ mồ hôi bèo cám nuôi nó mới cân cho Hợp Tác Xã ngày hôm qua. Ông anh họ tôi vừa làm nông vừa đi buôn đi bán, đã có chút của ăn của để bèn bắt đầu thực hiện đúng lời hứa với bà mẹ mình nay cũng đã về nằm cạnh nấm mộ của người chồng, đem những con diều sáo cũ của bố anh ra thả. Tiếng sáo diều vi vút  trầm bổng ngân lên trong không trung của làng quê khiến mọi người khoan khoái như vừa trút được hơi thở nặng và muốn được hát lên những lời trong trẻo hòa nhịp cùng tiếng sáo diều đã lâu im bặt trong sự nghèo đói tối tăm. Rồi nhà này nhà kia, một lớp người yêu diều sáo mới đua nhau làm diều sáo và chơi thả diều.
Nhưng cuộc vui nào cũng có ngày kết thúc. Chưa đầy chục năm sau, nghe tin quê mình đã lên phường, tôi ở xa về thăm quê. Chỉ có cái lối rẽ từ con đường cái quan vào làng nay gọi là phố mang tên làng được mở rộng và trải bê tông còn các đường thôn ngõ xóm vẫn y nguyên đất cát nhưng hai bên người ta xây toàn nhà ba bốn tầng khiến tôi có cảm giác đi trong một khe núi chật hẹp và tức thở. 
Ông anh họ giờ cũng như tôi, cả hai đều đã bạc trắng mái đầu.  Khi hai anh em dã ngồi yên bên ấm nước trà xanh, ông ấy bảo:
- Từ ngày lên phường, đất làng ta ven đô có giá lắm. Dân tứ xứ kéo nhau đến tìm mua đất làm nhà, ai cũng thích ở gần trung tâm thành phố. Giờ không còn ngõ họ Lê, ngõ họ Nguyễn hay ngõ họ Đặng...như ngày xưa nữa  mà nhà cửa xen trộn nhau giữa người làng cũ với người từ các nơi khác mới đến ở, nhà nào cũng cổng sắt kín bưng, tối lử tắt đèn không dễ gì sang nhà nhau cho được. Ruộng đất cũng đang dần hết vì quy hoạch làm đường, xây chung cư hay phân lô bán. Dân làng ta sống chủ yếu bằng tiền bán đất và làm nhà cho sinh viển ở các trường đại học quanh vùng thuê trọ. Nhà tôi bán đi một miếng đủ tiền xây lên căn nhà ba tầng này đấy, diện tích còn lại cũng được gần mười căn nhà trọ.
Lúc sắp ra về, tôi bỗng hỏi ông anh họ:
- Dạo này, bác có còn chơi diều sáo nữa không?
Ông cười rõ to rồi nói:
- Chú không thấy tôi vừa nói sao mà hỏi kỳ vậy! Còn không gian nào mà thả diều cơ chứ. Đường thôn ngõ xóm thì như chú đã đi và đã thấy. Mấy cánh đồng còn lại cũng đang hết dần vì các dự án này dự án khác. Cả mấy cái bãi tha ma như Ma Tối, Ma Láng, Cầu Vậy, người ta cũng đã di dời hết mộ đi để san lấp và chia lô thì lấy chỗ đâu mà thả diều nữa. Tôi đang lo nghĩa trang làng mình rồi cũng sẽ phải lên tận Yên Kỳ Bất Bạt trên miền bán sơn địa Ba Vì đây.
- Vậy những con diều ngày xưa của ông, bác có còn giữ lại không?
- Không! Với cảnh nhà chen nhà, đường nối đường như hôm nay ở làng mình, tôi nghĩ không bao giờ còn có cảnh diều bay diều sáo tre bay lưng trời ở quê mình nữa. Tôi nhớ lại lời u tôi lúc thầy tôi mất, tôi đã đem tất cả diều sáo trong nhà ra mộ hai cụ hóa hết cả rồi. Vậy là cụ ông sẽ có sẽ có sáo diều vui chơi dưới Suối Vàng và cụ bà cũng ngậm cười nơi Chín Suối vì ý nguyện đã được thực thi. Sau khi hóa những chiếc sáo diều ấy, mấy ngày ngày đầu tôi mất ăn mất ngủ vì buồn, tiếc, nhớ nhung những kỷ vật ấy nhưng rồi cũng cũng phải dần quên đi khi chúng đều đã trở thành hư vô nơi cát bụi..

&

Tôi tìm cách làm quen với ông già ở Phú Mỹ Hưng, trò chuyện với ông và được biết ông là một việt kiều Mỹ mới về thăm quê nhà. Nghe tôi nói về những con diều của bác tôi, ông bảo ông cũng mê chơi diều từ nhỏ và cũng biết ít nhiều cách chế tác diều sáo. Quê ông xưa thường chơi diều dái không kiểu cách cầu kỳ nhưng phải có dái tức là có cái bánh lái để lái diều lên thẳng.
Vì vậy sang đến Mỹ, ông cũng làm diều và tìm cách để chơi diều ở những quảng trường rộng lớn. Ở Mỹ, người ta cũng chơi diều phong phú lắm, đẹp lắm, nhiều ý nghĩa lắm. Người ta coi thả diều không chỉ là một trò chơi để ngắm nhìn, thư giãn và sảng khoái mà còn là một môn chơi - một bộ môn thể thao đích thực, có chức năng rèn luyện sức khỏe. Nhưng diều của họ hầu hết đều làm theo kiểu công nghiệp nên trông con nào cũng như con nào, rực rỡ màu sắc nhưng không có nét đặc sắc riêng. Bởi vậy, con diều dái của ông trở thành một con diều kỳ thú bậc nhất ở xứ người.
Ông giãi bầy vì sao có cuộc thả diều này:
- Về quê hương kỳ này, tôi thấy thương và lo cho lũ trẻ con cháu trong họ tộc quá. Thương vì chúng ở thành phố không có nhiều chỗ chơi, không có nhiều trò chơi. Lo ngại vì thấy chúng suốt ngày chúi mắt vào màn hình máy tính hay điện thoại với ba cái trò chát chít vô bổ hoặc mấy truyện tranh nhảm nhí. Vì thế tôi đã lang thang đi tìm chỗ để bày cho chúng chơi diều, mãi mới thấy khoảng đất còn trống ở khu đô thị mới này.  Mà lạ, người ta dành đất lớn và đẹp rồi đổ tiền vào xây sân gôn cho các đại gia nhà giàu nhưng không ai nghĩ tới dành một khoảng đất chơi nào cho con trẻ? Nên tôi sợ rằng, khi tôi về Mỹ, khoảng đất này cũng sẽ thành biệt thự hay các căn hộ. Bấy giờ, con diếu đang vi vút trên trời cao kia sẽ chỉ còn là một vẻ đẹp thoảng qua trong tâm hồn lũ trẻ.
Rồi ông tâm sự thật lòng:
- Hồi chưa đi Mỹ, ở Việt Nam tôi có đọc một bài văn và thuộc lòng rất nhanh mấy câu này nhưng nay không còn nhớ tên tác giả;
Diều bay, diều lá tre bay lưng trời… Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời… Gió đưa tiếng sáo, gió nâng cánh diều
Trời cao lồng lộng, đồng ruộng mênh mông hãy lắng nghe tiếng hát giữa trời cao của trúc, của tre
Diều hay như thế, quý như thế, nó mang cả nét cái chân quê và cả cái Hồn Việt đẹp như thế, vậy mà để mất đi thì buồn quá! 
Nghe hai tiếng Hồn Việt, lòng tôi bất giác lại nao nao nhớ tới ông bác tôi và những con diều sáo tài hoa ngày xưa do ông làm. 
Hồn của bác tôi, hồn của những con diều xưa cũ ấy ở đâu bây giờ?!

            
Mời thư giãn với nhạc phẩm LÀNG TÔI
của Văn Cao, qua tiếng hát của tài tử Hương Lan:
          
*
Sài Gòn, 23.06.2018
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.




  ........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 23.06.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét