(Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside ; Nguồn ảnh: internet) |
CHUYỆN TẢN MẠN
BÊN MỘT CÁI HỒ SINH THÁI
*
(Tác giả Nguyễn Bàng) |
- Hôm
nay chúng ta thử dạo quanh hồ sinh thái ở khu này xem sao.
Ông Thứ,
người cao tuổi nhất vội can ngay:
- Ấy
ấy chớ dại, lối đi ven hồ họ sợ tốn tiền nên chỉ lát gạch có 0,7m, một người đi
cũng chật; cũng sợ tốn tiền nên họ không thuê người trông nom quét dọn, giờ
đang mùa mưa hoa và cỏ dại hai bên lối đi quanh hồ leo mọc um tùm, đi lại
sẽ bị cọ vào chân ngứa ngáy đấy mà coi chừng có rắn leo ẩn trong bụi rậm nữa.
Nghe thế
không ai dám đi quanh hồ nữa.
Anh Châu
có nhà ở đường số 9 sát cạnh Vietopia kể:
- Hồi
Him Lam chào mua đất, họ cho xem bản đồ quy hoạch thì đây là khu thể dục vui
chơi giải trí có hồ sinh thái đẹp, đất đường số 9 lại chỉ có một dãy phố nhìn
sang đây quang đãng nên giá đắt hơn các đường khác đến vài ba chục triệu một
mét. Khi dân xây nhà xong thì Him Lam liền cho Vietopia thuê một khoảng lớn đất
để họ kinh doanh, giờ lại cho cty bạt nhún Arena jump thuê thêm một phần nữa để
họ xây một khu nhà toàn sắt thép và tôn che hết tầm mắt của dân sống ở đường số
9, còn hồ thì mấy năm vẫn là bãi đất hoang đầy rác rưởi và chuột bọ. Sau dân
bảo nhau kiện, mãi họ mới chịu bỏ tiền ra làm hồ, làm qua quít cho xong gọi là
có nên cái hồ mới thảm hại như ta thấy, không hơn gì một cái ao tù hãm thì hỏi
nó thanh lọc bầu không khí ở đâu, nó sinh thái cái gì.
Quả thật
nước hồ quanh năm xanh đen nhìn rất bẩn, những ngày mùa khô cạn, những con cá
vàng người ta thả vào chiều 23 Tết sau khi cúng ông Công ông Táo thiếu oxy,
ngoi lên cả đàn ngáp ngáp trông rất tội nghiệp, có con chết, vài ngày sau nước
hồ bốc lên mùi thối tức thở.
Mình bèn
bảo ba người:
- Không
dám dạo quanh hồ sinh thái này nhưng các bác đều rất thích hồ nước đẹp, vậy tôi
xin đọc lại mấy vần thơ viết về hồ nước của các thi nhân nổi danh nghe cho đỡ
buồn nhé!
Họ đều
gật đầu. Và mình bắt đầu vừa giới thiệu vừa đọc:
(Hồ Bourget trong bài thơ “Le Lac” ; Nguồn ảnh: tác giả cung cấp) |
Đây là
cảnh hồ trong thơ Lamartin trong bài "Le Lac", một bài thơ hay nhất
của ông, đã đưa ông nổi tiếng khắp nước Pháp và nhiều nước trên thế giới:
Hồ có nhớ buổi
chiều xưa không nhỉ?
Chúng tôi dạo thuyền,
chiều vắng lặng êm trôi.
Nghe lan xa trên
sóng dưới bầu trời.
Tiếng vỗ nhịp của
mái chèo khua động.
Mang hòa điệu du
dương cùng nhịp sóng
Đây là
cảnh hồ trong bài thơ “Hồ Xuân và thiếu nữ” của Thế Lữ, một nhà thơ nổi danh trên
văn đàn vào những năm 1930:
Tiếng diều sáo nao
nao trong vắt,
Trời quang mây xanh
ngắt màu xanh lơ .
Thuyền trôi nước
đẩy hững hờ
Hàng cây lặng đứng
trên bờ trông mong
Và đây
là cảnh hồ sen trong thơ Lý Bạch từ đời nhà Đường cả nghìn năm trước:
Có cô con gái nhà
ai,
Hái sen, chơi ở bên
ngòi Nhược Da.
Mặt hoa cười cách
đoá hoa,
Cùng ai nói nói mặn
mà thêm xinh.
Áo quần mặc mới
sáng tinh,
Nắng soi đáy nước
rung rinh bóng lồng.
Thơm thơ vạt áo gió
tung,
Bay lên phấp phới
trong không ngạt ngào
Nghe
xong, anh Tuấn bảo:
- Thế là đủ cả hồ Tây, hồ Ta, hồ Tàu. Sao cảnh hồ trong thơ
xưa đẹp thế nhỉ? Giờ các cụ nhà thơ ấy sống lại liệu có viết nổi câu thơ nào
cho cái hồ trước mắt chúng ta kia?
Ông Thứ
nói như để đáp lời anh Tuấn:
- Xưa ở
Việt Nam
mình thiếu gì hồ nước đã trở thành danh thắng quốc gia như Hồ Gươm, Hồ Tây ở
Thủ đô Hà Nội. Thơ hiện đại về Hồ Gươm, Hồ Tây thì có cả ngàn bài, thơ cổ cũng
không hiếm. Tôi nhớ Phạm Quý Thích, người Hoa Đường, huyện Đường An, nay thuộc
Bình Giang, Hải Dương, đỗ Tiến sĩ, làm quan triều Nguyễn, chức Trung thư học
sĩ. Ông để lại 6 tập sách. Trong Thảo Đường thi tập của ông có 4 bài về Hồ Gươm,
xin đọc bản dịch bài Hồ Gươm I:
Bờ lau sóng táp hồi
hồi
Thành xưa chung
bóng trăng soi chập chờn
Còn nguyên huyết
mạch nước non
Vòm trời vẫn sáng
đâu mòn Đẩu,
(Tháp Rùa và xa xa là ven hồ phía Bắc hồ Gươm ; Nguồn ảnh: tác giả cung cấp) |
Thơ văn
cổ viết về Hồ Tây thì có bài Tụng Tây Hồ Phú hoặc Tây Hồ cảnh tụng, là một bài
phú của Nguyễn Huy Lượng, một danh nhân tài hoa bậc nhất Thăng Long. Bài
phú được đánh giá là: "Trước và sau Nguyễn Huy Lượng, chưa hề có một
tác phẩm nào viết về non sông đất nước Thăng Long Hà Nội hay đến thế, đẹp đến
thế”:
Sắc dờn dờn nhuộm
thức lam xanh, ngỡ động bích nổi lên dòng lẻo lẻo;
Hình lượn lượn uốn
vòng câu bạc, tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhò nhò.
Dư nghìn mẫu nước
trời lẫn sắc;
Trải bốn bên hoa cỏ
nhiều mùa.
(Hồ Tây, Hà Nội xưa ; Nguồn ảnh: tác giả cung cấp) |
Anh Châu
nhẹ vỗ tay khen hay quá rồi lại ngậm ngùi nói:
- Ấy vậy
mà bây giờ hồ Gươm đang bị biến dạng từng ngày bởi những kiến trúc hiện đại làm
bằng được để kiếm tiền trước mắt như toà nhà Hàm cá mập, Bảo Việt, VP
Bank. Hồ Tây cũng thế, những kiến trúc quanh hồ rất ngổn ngang và lộn xộn,
trong đó cao ốc mọc lên khá nhiều đang bủa vây Hồ Tây điển hình như các
chung cư Watermark, HCMCC Tower, Golden Westlake, Sun Garden City, West Point,
Vườn Đào, các tòa nhà thuộc dự án Ciputra...
Hồ Gươm
bây giờ đã mất khả năng tự làm sạch và bị ô nhiễm trầm trọng, hiện hàng ngày
phải cho công nhân thu gom rác trên mặt Hồ Gươm, chủ yếu là lá cây, xác cá
chết. Hồ Tây còn nghiêm trọng hơn khi gần đây phát hiện nhiều loại tôm cá nổi
trên mặt hồ sau cơn mưa lớn và số lượng cá chết vớt được khoảng 4 tấn. Phố đi
bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đã mang lại một không gian vui chơi, giải trí mới cho
người dân Thủ đô và khách du lịch. ... Mặc dù lượng khách đến phố đi bộ quanh
hồ rất đông, nhưng tình trạng rác nhiều 'dọn không kịp' trên phố đi bộ quanh hồ
Gươm đã khiến người dân lo ngại. Hồ Tây cũng chẳng hơn gì, người ta vứt bừa bãi
rác rưởi, thức ăn... xuống mặt nước xanh; người ta đổ đất lấn chiếm diện tích
mặt hồ; người ta bẻ và phá hoại cây xanh cùng vi phạm các công trình đô thị nơi
đây.
(Hồ sinh thái Him Lam ( Q.7, Sài Gòn) ; Nguồn ảnh: Tác giả cung cấp) |
Nhìn
đồng hồ đã gần 7h, anh Tuấn nói như kết luận:
- Sắp hết giờ đi bộ rồi các bác ạ! Thời “ăn không từ thứ
gì” và “bán” cũng “không từ cái gì”! miễn là…ăn được, bán được và có
quyền được ăn được bán, phải không các bác. Thế thì chửi thằng chủ làm cái hồ
sinh thái Him Lam kia mỏi mồm cũng thế thôi, chửi làm gì cho thêm mệt sức.
*Mời thư
giãn với nhạc phẩm ĐƯỜNG VỀ HAI THÔN
của Phạm Thế Mỹ, qua tiếng hát của Anh Thơ và Việt Hoàn:
*
Sài Gòn,
10.07.2018
NGUYỄN
BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.
........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác
giả gửi qua email ngày 10.07.2018.
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét