LÃO HỆ
Năm ấy
tôi mới đi dạy học được hơn một tháng. Một anh giáo viên dân lập, không học qua
trường lớp sư phạm nào, cũng không có bằng cấp gì ngoài cái chứng chỉ học lực
Đệ Nhị chuyên khoa thời Pháp được coi là tương đương với lớp 9 phổ thông vùng
kháng chiến. Nói thế nhưng cũng phải mất sáu tuần học cấp tốc các môn Tâm lý
giáo dục, Giáo học pháp và Chính trị Mác Lê nin ở trường Sư phạm
trung cấp thành phố nhân dịp vào dịp nghỉ hè, sau đó có kiểm tra rồi nhận giấy
phân công. Tôi may mắn không phải ra ngoại thành mà được ở nội thành, về một
trường dân lập cấp 2.
Sáu tuần
học cấp tốc, tôi cùng 5 anh bạn được tổ chức Sở Giáo dục thành phố mượn cho một
căn phòng trong khu nhà một tầng khá rộng của một bà giáo già tốt bụng dạy Tiểu
học từ thời thuộc Pháp. Hai bữa ăn, thì học xong kéo nhau ra cửa hàng ăn uống
Mậu dịch quốc doanh, 3 hào một bữa. Thế là ổn.
Bây giờ
đã học xong, người ở nội thành, kẻ ra ngoại thành, sở Giáo dục trả lại nhà cho
bà giáo thành ra tôi không còn chỗ ở. Vì vậy khi nhận trường về dạy, đưa giấy
tờ cho ông hiệu trưởng xem xong thì ông hỏi tôi:
- Hiện
giờ đồng chí ở đâu?
Thời ấy
mọi người ở các cơ quan công sở hay trường học đều gọi nhau bằng đồng chí rồi
tuỳ tuổi mà xưng tôi hay xưng em xưng cháu. Thấy ông hiệu trưởng tóc đã bạc
trắng, tôi thành thật trả lời:
- Dạ,
thưa bác cháu chưa có chỗ ở.
Ông thư
ký văn phòng ngồi bàn bên cạnh nhanh nhảu góp luôn lời:
- Khỏi
phải lo chuyện ấy. Trước mắt tối đến đồng chí cứ về trường mà ngủ, chọn lớp nào
thoáng đãng mát mẻ ấy, kê ghế học sinh ra làm giường, sáng hôm sau kê trả lại,
thu dọn chăn màn đem xuống chỗ tôi để trên nóc tủ ấy.
Nghe ông
thư ký tốt bụng nói, ông hiệu trưởng bảo:
- Đồng
chí Sửu cho ý kiến hay đấy.
Rồi quay
sang bảo tôi:
- Vậy,
đồng chí cứ tạm như thế rồi tìm nhà ở sau nhé.
Tôi cảm
ơn hai người nhưng trong bụng nghĩ, vào thời buổi không mấy gia đình được ở nhà
rộng rãi. Một số người thu vén ở lại cho gọn dành một phần nhỏ cho thuê để có
thêm thu nhập thì cũng sợ mang tiếng là bóc lột, thì biết tìm nhà ở đâu bây
giờ? Thôi, hãy tạm yên tâm với giải pháp của bác Sửu đã rồi sẽ tính sau. Còn
việc ăn cơm thì cứ cửa hàng ăn Mậu dịch quốc doanh mà diễn.
Nhưng
thật bất ngờ, một hôm dạy xong tiết cuối, tôi đang thu xếp giáo án để xuống văn
phòng gửi rồi đi ăn cơm thì có cảm giác ai đó đang đứng sau lưng mình. Quay
lại, tôi nhận ra đó là Thu, cô bé nhỏ nhất lớp được tôi xếp ngồi bàn đầu. Tôi
hỏi em:
- Thu
chưa về à?
- Dạ, em
đợi thầy - Thu khẽ trả lời rồi rụt rè nói - Em nói chuyện với mẹ em ngày nào
thầy cũng ăn cơm mậu dịch, mẹ em bảo ở đấy người ta chỉ bán cơm đĩa, thầy ăn
thế sao đủ sức khoẻ để dạy chúng em rồi mẹ em bảo sao không chỉ cho thầy biết
nhà lão Hệ mà đến nói để lão nấu cơm cho.
- Nhà lão
Hệ nấu cơm thuê à? - Tôi hỏi.
Thu đáp:
- Dạ
không, lão ấy chỉ nấu giúp thôi.
-Thế lão
ấy làm nghề gì?
- Đạp
xích lô ạ.
- Mà sao
lại gọi là lão Hệ mà không gọi là ông Hệ hay cụ Hệ?
- Dạ, em
nghe mẹ em bảo, lão tự xưng mình là “lão” và cũng muốn mọi người gọi
mình là lão. Thấy lão cũng đã có tuổi rồi nên mọi người thấy gọi như thế cũng
hợp tai.
- Lão ấy
ở đâu?
- Dạ, ở
đường miếu Hai Xã gần phố nhà em. Nếu thầy muốn đến nhà lão em đưa thầy đi.
Nghe
chuyện Thu, tôi thấy lão Hệ này có chút khác người, tôi gật đầu rồi lấy xe đạp
chở em nhằm hướng xuống con đường Miếu Hai xã. Thấy thế, Thu ngồi sau lưng tôi
hỏi:
- Thầy
cũng biết đường Miếu Hai xã?
- Biết
chứ, thầy có đọc lịch sử thành phố và thấy nói xã Dư Hàng Kênh vốn là một
thôn của làng Hàng Kênh. Về sau do mâu thuẫn giữa dân làng nên thôn này tách
ra, lập làng riêng, lấy tên là Dư Hàng Kênh tức Hàng Kênh thừa và gọi tắt là Dư
Hàng. Vì chia tách nên đình chùa cũng phải chia. Hàng Kênh giữ lại ngôi đình
Hàng Kênh, có từ đầu thế kỷ 18, làng mới Dư Hàng được chia ngôi chùa Hàng, có
từ cuối thế kỷ 17. Vì không có chùa nên sau đó làng Hàng Kênh phải
xây chùa mới còn làng Dư Hàng Kênh phải xây đình mới. Ngôi miếu cũ vì ở ranh
giới hai làng nên không chia được, phải thỏa thuận là miếu chung, từ đó gọi là
Miếu Hai Xã. Tuy nhiên trong miếu, dân hai làng ngày trước vẫn làm hai khám thờ
riêng và đều thờ Ngô Quyền.
- Ô,
thầy không nói thì chẳng bao giờ em biết những chuyện ấy. Em chỉ biết đường từ
nhà em đến nhà lão Hệ phải qua Miếu hai xã thôi.
- Thế
lão Hệ có họ hàng với nhà em à?
- Dạ
không, là vì lão làm nghề đạp xích lô, bà con trong vùng ai đi đâu xa thường
hẹn trước để lão chở. Mẹ em cũng nhiều lần phải đi xa nên sai em xuống nhà lão
để hẹn trước.
Đến phố
chợ Cột Đèn, khi ngang qua một ngôi nhà nhỏ 2 tầng quét vôi màu vàng, Thu chỉ
tay và nói:
- Đây là
nhà em, thầy cứ đi thẳng đến ngã ba thì rẽ trái là vào đường Miếu Hai Xã.
Đường
Miếu Hai Xã vốn là đường đất cũ của làng nên nhiều đoạn lồi lõm khó đi, hai bên
hầu hết là các ruộng rau muống. Qua được khoảng non ba trăm mét, Thu bảo tôi
dừng xe và chỉ tay về phía một người đàn ông đang ngồi bên gốc cây khế trên bờ
ao ba mặt bao quanh là ruộng rau muống và bảo:
- Lão Hệ
kia rồi thầy ạ!
Khi hai
thầy trò đã đứng bên người đàn ông mà Thu bảo là lão Hệ, tôi lễ phép ngả mũ ra
và nói:
- Chào
bác ạ!
Ông ta
ngước mắt nhìn tôi nhưng không trả lời mà quay sang phía cô học trò của tôi:
-Thu đấy
à? Em đưa ai đến thăm lão đấy?
- Dạ,
thưa lão đây là thầy chủ nhiệm lớp của cháu.
- À ra
thế! Chào cậu giáo, cậu còn trẻ quá, lão gọi thế có được không?
- Thưa
bác không sao ạ - Tôi cười trả lời lão.
- Cậu
đừng gọi tôi là bác mà cứ gọi tôi là lão như bà con vùng này cho nó thân mật.
Tôi năm nay cũng đã 66 tuổi rồi, gọi là lão cũng được chứ cậu?
Nhớ lời
Thu nói lúc ở trường, tôi đáp:
- Dạ, được
chứ ạ. Ở làng cháu mọi người cũng đều lên lão vào năm 60 cả.
Sau khi
nghe Thu nói tình cảnh ăn cơm mậu dịch của tôi, lão Hệ cười khà khà:
- Thế
thì cậu đến đây ăn cơm với nhà lão cho vui. Nhà lão chỉ có hai vợ chồng với một
đứa con gái năm nay mới lên sáu nhưng hiện giờ có 6 miệng ăn, thêm cậu nữa là
7.
- Sao
chỉ có hai bác và em bé gái mà lại có 6 miệng ăn ạ?
- Là thế
này, ba miệng kia là ba anh thợ xa quê nhờ lão nấu ăn cho để đi làm. Hai anh
thợ mộc rong quê ở Thái Bình, một anh thợ hàn nồi rong quê ở tận Thanh Hoá. Họ
đều chưa có gia đình chung nhau thuê một căn nhà trọ ở làng Dư Hàng gần đây.
Thế nhà cậu ở có gần đây không mà định nhờ lão nấu cơm cho.
Tôi chưa
kịp đáp thì Thu đã lại nhanh miệng kể với lão Hệ về tình cảnh chỗ ở của tôi.
Nghe xong lão chép miệng bảo:
- Hoàn
cảnh nhỉ? Nếu cậu không chê nhà lão chật hẹp thì còn một gian buồng nhỏ cạnh
bếp, dọn đến mà ở tạm, có được không?
Tôi chưa
biết gian buồng lão Hệ nói chật hẹp ra sao nhưng tôi nghĩ được ăn ở cùng một
nơi thật là quá tiện. Vì thế tôi đáp luôn:
- Dạ, nếu
được thế thì tốt cho cháu quá. Hàng tháng cháu sẽ gửi lão cả tiền ăn và tiền
nhà cùng một lúc.
Lão Hệ
nhìn tôi rồi nhìn sang Thu như có ý hỏi cô bé chưa nói gì về lão với
tôi hay sao rồi chậm rãi nói:
- Lão có
cho cậu thuê nhà đâu mà lấy tiền của cậu. Còn tiền ăn, cậu ăn thì cậu phải đóng
góp, thế thôi. Mà cậu đóng tiền cho cậu ăn chứ nhà lão cũng không lấy một xu
nào đâu. Mỗi tháng 18 đồng bằng tiền ăn ở nhà ăn tập thể thành phô. Ở đấy, mỗi
tháng nhà nước còn trợ cấp thêm cho mỗi người ăn 3 đồng củi lửa nữa nhưng ở
đây, củi lửa lão kiếm được vì vậy 18 đồng chỉ hoàn toàn dành cho 2 bữa ăn thôi.
Nghe lão
Hệ nói, tôi cảm động quá chỉ còn biết nói mấy tiếng:
- Vâng,
cháu hiểu, cám ơn lão.
Ngay
chiều hôm ấy, tôi thưa chuyện với ông hiệu trưởng và ông thư ký văn phòng nhà
trường rồi đem cái chiếu đã cuốn gọn cùng gói quần áo dọn đến nhà lão Hệ và ăn
ngay bữa cơm đầu tiên ở nhà lão.
Vợ lão
Hệ trẻ hơn lão đến gần hai chục tuổi, không đẹp nhưng nom phúc hậu. Đứa con gái
lão trông nhỏ hơn tuổi lên 6 nhưng hay nói hay cười rất dễ thương. Ba anh sàn
sàn tuổi nhau và lớn hơn tôi chừng ba bốn tuổi. Hai anh thợ mộc, một anh tên là
Vãng, một anh tên là Thừa còn anh thợ hàn nồi tên là Lưu. Cả ba đều chuyện trò
với tôi rất thân thiện. Anh Vãng bảo:
- Bây
giờ đồ đạc cái gì cũng hiếm nên cái gì đã cũ hay hư hỏng người ta đều muốn chữa
lại để dùng. Tuy vậy, Thái Bình quê tôi hầu hết là nông dân nghèo, họ tự sửa
lấy hết nên tôi và anh Thừa phải rủ nhau ra Hải Phòng kiếm ăn. Hàng ngày chịu
khó đèo cưa đục sau xe, đi rong các phố phường thỉnh thoảng rao hai tiếng “mộc
ơ”, ai cần thì gọi vào nhà họ sửa cho cái bàn cái ghế hoặc cái cánh cửa tủ gỗ
lâu ngày bị long đinh hay bị xệ cánh.
Anh Lưu
thì bảo:
- Tôi
cũng thế. Bây giờ ở thành phố không nhà ai còn dùng nồi đất mà nồi đồng nồi
nhôm thì không dễ mua vì chỉ bán phân phối nên cái nào rò rỉ hay bị thủng bà
con đều phải đem chữa lại, nhờ thế tôi cũng có việc làm hàng ngày.
Bữa cơm
hôm ấy ở nhà lão Hệ được dọn trên một cái mâm gỗ cũ nước son đã mòn gần hết,
trên có một đĩa to rau muống luộc, một bát nước mắm cáy, một đĩa tép rang khế
chua và một bát lớn canh riêu cá chép lão Hệ cất vó từ dưới ao lên. Với tôi đó
là một bữa ăn ngon nhất trong mấy tháng vừa qua, kể từ khi tôi dời vùng ngoại ô
ven đô Hà Nội xuống thành phố Hải Phòng.
Được ở
nhờ nhà lão Hệ, tôi mới biết lão là là phu chân đăng ở Tân Đảo mới hồi hương
mấy năm nay. Ngày mới về để có nơi ăn chốn ở, lão đã tìm xuống Miếu Hai Xã mua
mấy mảnh ruộng rau muống, thuê người dào đất vật lên làm nền rồi dựng tấm nhà lá
này. Chỗ đất trũng giờ thành cái ao thả cá, trên trồng cây ăn quả.
Sau đó
lão Hệ lấy vợ, một người đàn bà đã gần lỡ thì, sinh cho lão đứa con gái và ở
nhà nuôi con, cơm nước, chăm bón mấy vạt rau muống và hái rau đi bán.
Ba hôm
sau là ngày chủ nhật nên tôi ngủ muộn hơn mọi ngày. Khi tỉnh dậy thì không thấy
lão Hệ đâu nhưng lại thấy anh Vãng ở nhà. Tôi hỏi anh Vãng thì được biết lão Hệ
đã đạp xích lô đi chợ Ruồn cách nhà 18 cây số từ sáng sớm để mua lợn. Tôi hỏi:
- Nhà
lão định nuôi lợn hay sao?
- Không,
lão mua về thịt làm thức ăn cho cả nhà tuần sau đấy. Cậu cũng biết bây giờ nhà
nước cấm thịt lợn lậu, người nuôi cũng không được thịt mà phải bán cho các cửa
hàng của nhà nước hoặc các tư nhân nhưng có giấy phép hành nghề thịt lợn. Lão
Hệ phải đi chợ xa mua lợn cho rẻ, cũng chỉ dám mua con lợn chừng 18, 20 cân
thôi nói là về nuôi rồi đem về trót lọt thì làm thịt. Làm thế mới có thịt mà ăn
và có thêm tí mỡ để xào nấu.
Tôi hỏi:
- Còn
anh, sao hôm nay không đi làm?
- Hôm
nay phiên tôi ở nhà chờ lát nữa lão Hệ về phụ giúp lão thịt lợn.
Tầm 9
giờ thì lão Hệ về. Sau khi đẩy chiếc xích lô vào gần nhà bếp trong đó có một
nồi to nước đã đun xôi sẵn. Lão Hệ bảo anh Vãng:
- Anh đã
chuẩn bị bao bì có tro bếp bên trong chưa?
- Rồi ạ.
- Thế
thì tiến hành ngay thôi.
Như đã quen
việc, anh Vãng lấy cái bao bì trong bếp ra, mở rộng miệng bao rồi đưa vào sát
cái hòm gỗ ở dưới thùng cái xe. Lão Hệ nhanh nhẹn mở dây buộc nắp hòm rồi
lùa tay vào trong vỗ vỗ. Một con lợn nhỏ nhưng béo hồng khẽ kêu ịt ịt vừa thò
đầu ra thì lão Hệ nhanh tay ủn cả người nó vào cái miệng bao trong tay anh
Vãng. Tôi thấy con lợn vừa thở vừa dãy dụa và kêu sặc sặc như bị nghẹt thở và
tôi hiểu ra nó đã bị hít tro bếp trong bao nên không thể kêu to thành tiếng
được. Lát sau con lợn nằm im thở, bấy giờ lão Hệ mới lôi nó ra rồi túm hai chân
sau dốc ngược đầu nó xuống cho anh Vãng cắt tiết. Thoáng sau chưa đến nửa giờ
họ đã cạo sạch lông con lợn rồi bắt đầu xả thịt.
Bữa trưa
hôm ấy như một bữa tiệc nhỏ, có tiết canh, có cháo lòng dồi và đủ mấy món thịt
lợn rán, xào, nấu.
Tôi hỏi
anh Vãng:
- Chủ
nhật nào lão Hệ cũng đi chợ Ruồn mua lợn về thịt à?
- Đâu có
- Anh Vãng đáp. Khoảng 3 tuần hay 1 tháng mới đi một lần thôi. Cậu tưởng đem
được con lợn về thịt dễ lắm à? Phải qua mấy chỗ quản lý thị trường gác, họ kiểm
tra đòi xem giấy chứng thực là người chăn nuôi. Lão Hệ đã phải đóng hòm kín chở
lợn và phải tìm cách vòng vèo qua mấy cung đường bờ ruộng mới đi thoát được
đấy. Rồi về làm thịt nữa, không cẩn thận bị công an khu vực và tổ trưởng dân
phố bắt được thì lôi thôi lắm. Lão bảo, rau thì nhà đầy ruộng, tôm tép thì mua
chợ Hàng gần ngay nhà còn cá thì nuôi dưới ao, cần bắt thì thả vó kéo lên. Mổ
con lợn để có ít thịt bồi dưỡng mấy ngày cho cả nhà còn chủ yếu là có lọ mỡ để
xào rau, rán cá cho các bữa khác.
Ít lâu
sau, đúng ngày chủ nhật lão Hệ đi chợ Ruồn thì hôm ấy tôi xuống thăm nhà mấy
học sinh xem các em ăn ở học hành ở nhà ra sao đến gần trưa mới về. Vừa tới đầu
ngõ vào nhà lão Hệ, tôi đã nghe tiếng lão giận giữ vọng ra:
- Các
chú có giỏi thì cứ tịch thu chiếc xích lô của lão đem về ủy ban đi. Nhưng lão
nói cho mà biết, nó là đầu cơ nghiệp của lão cũng giống như con trâu là đầu cơ
nghiệp của người nông dân ấy. Không có nó để đi kiếm ăn, lão sẽ vác chiếu lên
ủy ban nhịn đói nằm ngủ ngoài vỉa hè bao giờ trả xe cho lão thì mới về.
Tôi vội
đi vào nhà thì thấy ông tổ trưởng dân phố và anh công an khu vực đang đứng bên
chiếc xích lô cạnh cửa bếp, trên nền hiên bếp một con lợn đang cạo lông dở
dang. Anh Lưu trong phiên trực giúp lão Hệ vẫy tôi ra ngoài gốc khế rồi
khẽ nói:
- Hai
ông con đang làm lông con lợn thì họ xộc vào lập biên bản giết lợn lậu và đòi
lão Hệ điểm chỉ và nói sẽ tịch thu tang vật đưa lên ủy ban nhưng lão không chịu
mà bảo:
- Sao
lại gọi là giết lợn lậu? Tôi bỏ tiền ra mua lợn, tôi giết để ăn thịt chứ có đem
bán lậu cho ai để kiếm lãi đâu.
Ông tổ
trưởng nói:
- Không
bán nhưng nhà nước đã cấm giết lợn mà lão vi phạm thì can tội giết lợn lậu còn
chối cãi gì.
Lão Hệ
bảo:
- Nhà
tôi có 7 miệng ăn, tôi và vợ con có 3 phiếu mua thịt loại nhân dân, tháng 3
lạng một phiếu, cậu giáo phiếu cán bộ loại bét 4 lạng, ba anh thợ rong không có
hộ khẩu nên không có tem phiéu. Nếu xếp hàng mua đủ một lần được 1 cân
3. Một cân 3 lạng thịt, ngần ấy người ăn dè may ra cũng đủ một bữa.
Thử hỏi còn 59 bữa trong tháng ăn bằng cái gì? Hay là ăn bằng lợn gỗ. Vậy mà
mua một con lợn nhỏ về lấy cái ăn để sống cũng là phạm tội.
Thế là
họ bảo lão đã vi phạm chính sách lại còn nói xấu chính quyền và đòi tịch thu
chiếc xích lô cùng tang vật về uỷ ban.
Anh Lưu
kể xong ra hiệu cho tôi cùng nhau trở lại căn nhà bếp. Vừa lúc lão Hệ cất tiếng
nói:
- Hai
chú tịch thu những gì thì đem hết về uỷ ban đi. Hồi còn ở Tân đảo nghe cán bộ
Nhà nước gửi qua tuyên truyền hay lắm: “Nước ta độc lập rồi, mau về xây
dựng đất nước phồn vinh". Đang sống ở đất thuộc địa, làm phu cho
chủ Tây, nghe “độc lập” ai mà không thích. Nào ngờ mình đã ra đi từ nơi
nghèo khó, nay lại trở về nơi nghèo khó ấy. Biết thế này tôi đã ở lại
Tân Đảo, lấy một cô vợ người thổ dân rồi chịu khó làm ăn thế nào cũng đến ngày
khá giả.
Nghe lão
Hệ nói thế, anh công an bỗng đổi thái độ:
- Thôi,
nể lão là Việt kiều Tân Đảo hồi hương theo lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ,
lần này tha cho lão. Lần sau mà còn vi phạm nữa là không được đâu.
Nói xong
anh ta vò nát tờ biên bản vứt vào cái bếp củi đang còn hồng than rồi ra hiệu
cho ông tổ trưởng dân phố rút lui.
Tôi cứ
nghĩ, lão Hệ sẽ không bao giờ đi chợ Ruồn mua lợn nhỏ về giết thịt nữa. Nhưng
tôi đã nhầm, mấy tuần sau lão vẫn đi, có điều giờ lão khôn lên, nuôi một con
chó dữ, khi thấy người lạ nó nhe răng xù lông xông ra cắn và sủa vang lên báo
hiệu cho lão Hệ và người giúp việc biết, tống nhanh mọi thứ vào một
cái rọ và quẳng ngay xuống ao.
Mùa hè
năm ấy, trong đợt học tập chính trị của giáo viên liên trường dân lập, tôi bị
phê bình tơi bời vì đã phát biểu mấy câu bị quy là mất lập trường giai cấp.
Cuối đợt học, tôi bị xếp loại C. Lớp trưởng là một bà hiệu trưởng dân lập nổi
tiếng “bôn”, xách tập bản thu hoạch lên nộp cho lãnh đạo Sở và báo cáo về tôi.
Kết quả, hết hè năm đó tôi bị điều ra dạy ở ngoài hải đảo.
Tôi chào
gia đình lão Hệ và ba anh thợ rong rồi đem chăn chiếu và hành lý ra bến tàu
thuỷ.
Không
vướng chuyện gia đình lại cũng không có việc gì lớn, ba năm liền tôi không vào
thành phố, Cho đến năm học thứ tư, tôi được cử cùng hơn chục giáo viên hải đảo
vào thành dự Hội giảng mùa Xuân để học hỏi kinh nghiệm. Xong việc, còn được một
ngày nghỉ, tôi tìm về Miếu Hai Xã thăm lão Hệ thì mới hay lão đang ốm nặng và
tôi chợt nhớ ra lão đã thất thập cổ lai hy rồi.
Thấy tôi
về, lão mừng lắm, giơ cả hai bàn tay gầy trơ xương ra cho tôi nắm
rồi phều phào nói:
- Bọn
anh Vãng, anh Thừa và anh Lưu, chúng nó về quê lấy vợ cả rồi, vừa làm ruộng vừa
làm thợ ăn công điểm của hợp tác xã. Căn nhà này chỉ còn vợ chồng lão và đứa
con gái, buồn lắm cậu ạ.
Tôi hỏi:
- Không
còn ai nhờ lão nấu cơm nữa hay sao?
Lão khẽ
cười:
- Có
chứ, nhiều lắm. Nhưng lão già yếu rồi, không kham được nữa. Nhận giúp người ta
mà không lo cho ngưới ta được bữa ăn tươm tất thì tội nghiệp lắm, cậu ạ.
Rồi như
bỗng nhớ ra, lão vui hẳn lên, ngồi nhỏm dậy cầm tay tôi:
- Con bé
Thu nó vẫn xuống thăm lão luôn đấy cậu ạ. Ờ mà lão quên mất, sao lại vẫn gọi cô
ấy là con bé nhỉ? Giờ đã thành thiếu nữ mười tám xinh đẹp lắm lại đang học
trường trung cấp y của thành phố. Cô ấy bảo rất nhớ cậu nhưng không biết cậu
dạy trường nào ở ngoài đảo mà gửi thư ra.
Rồi đột
ngột lão hỏi tôi:
- Mà năm
nay cậu hăm mấy rồi?
- Dạ,
cháu hăm bốn.
Lão Hệ
cười ròn rã thành tiếng như không phải là người đang ốm nặng:
- Vậy
cậu hơn cô Thu 6 tuổi. Đẹp đôi đấy!
- Sao
lão lại nói thế ạ? - Tôi hỏi lão.
- Là cảm
giác người già mách bảo lão nói thế. Lão biết cô ấy rất quý mến cậu.
Nói rồi
lão giục tôi:
- Thôi
tranh thủ đi thăm cô ấy đi và nhớ làm sao cho lão kịp ăn bánh kẹo trước khi lão
về với tiên tổ nhé.
Lát sau,
tôi từ biệt lão Hệ. Tôi bước ra khỏi căn nhà đã nuôi tôi sống gần trọn một năm,
trong lòng xốn xang câu hỏi “Ra bến tàu ngay hay tìm đến nhà Thu, cô học trò bé
nhất lớp năm xưa?”. Mà phải, không có cô bé tốt bụng ấy thì sao mình quen
biết lão Hệ và có được những ngày ăn ở đầm ấm như một đứa con trong
một gia đình phúc hậu?!
Mời thư
giãn với nhạc phẩm NƠI TÌNH YÊU BẮT ĐẦU
của Tiến Minh,
qua tiếng hát của Lam Anh và Bằng Kiều:
*
Sài Gòn,
tháng 07.2018
NGUYỄN
BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.
........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác
giả gửi qua email ngày 24.07.2018.
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét