MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

THƠ HOÀNG QUÝ - MỘT HIỆN DIỆN VỮNG CHÃI - Tác giả: Du Tử Lê (Hoa Kỳ)

(Nguồn ảnh: internet)
THƠ HOÀNG QUÝ
- MỘT HIỆN DIỆN VỮNG CHÃI
*
(Nhà thơ Du Tử Lê)
Qua nhà thơ trẻ Trịnh Sơn, chúng tôi nhận được một số thi phẩm của nhà thơ Hoàng Quý. (*)
Cảm nhận đầu tiên là niềm hứng khởi mạnh mẽ, khi tôi được chạm vào tiếng thơ họ Hoàng, bởi nhiều bất ngờ, lớn.
Với tôi, giữa khi cõi - giới thi ca của chúng ta gần đây, càng lúc càng nhập / nhòa chân dung, nhợt nhạt cá tính thì, thơ họ Hoàng hiện ra, vạm vỡ mới và, lạ.
Thơ Hoàng Quý không chỉ mới, lạ ở cách nói, (mà) nó còn vạm vỡ ở cả phương diện tu từ học (rhetoric) nữa. Ông cụ thể hóa những chữ trừu tượng bằng những hình ảnh cụ thể, quen thuộc. Giống như một thứ tiếp - thủ - ngữ và tiếp vĩ ngữ (prefix & suffix), thí dụ: "cánh đồng đời", "giấc mơ phì nhiêu"...
Hay:
“Trên đĩa dầu loang loáng của kiếp người.”
(Tự Khúc)
Hoặc:
“Rất nhiều khi ta thảng thốt mơ giấc phì nhiêu của đời người em đâm đuống
Em trổ ống ta đánh cồng và ca hát khúc ca của Mường Người. (…)
“…Giấc mộng của em của ta không là gì cả. Hiện. Và xóa. Không là gì cả!
Không
là gì...
một nhúm phì nhiêu.”
(Giấc phì nhiêu)
Hoặc nữa:
“Gió mãi loay hoay đi tìm mái nhà mình
Cỏ chen vật vã mưu sinh
Mỗi ngày
Đời người thêm một đoạn văn viết dở…”
(Điệp Khúc)
Bên cạnh sự giầu có về nhân - xưng - đại - danh - tự, so với các ngôn ngữ khác, tiếng Việt theo tôi, còn phong phú về phương diện tính - từ . Nhưng họ Hoàng rất ít dùng. Ông loại, giảm chúng trong thơ của mình, để nỗi buồn trong sinh phần thơ ông, nổi cộm những đường - gân - liên - tưởng khác(?):
“Chợt nhớ ngày xa ấy gió
Đuềnh đoàng nón thúng quai thao (…)
Chợt nhớ ngày xa ấy chiều
Hai bờ sương khói như reo
(Chợt Nhớ Sông Cầu)
Hoặc:
“Ô mường ta ở đâu, cha ta ở đâu
Mẹ ta, anh chị ta ở đâu
Ta đang đói hơn con ma đói, khát hơn con ma khát
Cái đầu ta nhớ, cái tim ta đau
Ta như ngọn măng mới nhô con hổ đạp gãy
Ta như quả ớt vỏ đẹp nhưng trong ruột cay”
(Ngẫu  hứng qua Mường)
Hoặc nữa:
“Ở phía trước’
Ở phía trước nữa
Ai như ta?
Ai đã là ta?
Chao ôi! Đời nến sáp
Ta đấy à, hay chưa từng ta!”
(Đêm nghe gió qua vườn) 
Tuy nhiên, trên tất cả mọi tân kỳ kỹ thuật (dù rất cần thiết cho thơ), với tôi, vẫn là những thông điệp (mà,) họ Hoàng đã gửi, đã “gieo, trồng” trên dặm trường thi ca đời ông.  
Tôi muốn nói, với Hoàng Quý, thi ca là chiếc cầu nối qúa khứ nghìn năm một đất nước - - Hầu khua thức hồn thiêng dân tộc- - Tìm về cuống rốn cội nguồn một tổ quốc, hôm nay.
Sau khi đọc “Ngẫu hứng qua Mường” và, “Những ngấn bùn trên mũi chân tổ quốc,” tôi muốn mượn câu thơ mở đầu bài “Tự khúc” của ông:
“Tôi đã đến đã gieo trồng và vun xới”
Để nói với ông rằng:
Vâng. Ông “đã đến đã gieo trồng và vun xới” cho / với thơ hiện đại, như một hiện diện vững chãi, khả tín trước những sạt, lở thi ca và chữ, nghĩa châng lâng, bập bềnh mảng tối!
-----------
(*): Được biết nhà thơ Hoàng Quý sinh năm 1950 tại Phú Thọ, hiện sống tại Thành Phố Vũng Tàu, Việt Nam. Ông khởi viết rất muộn, năm 1982 mới viết bài thơ đầu tiên. Tác phẩm chính: Giấc phì nhiêu (1996), Đi bên mùa lá rụng (2000), Ngang qua cánh đồng (2002. Tái bản: 2004), Giả trang (2007)…, cùng nhiều trường ca: Đối thoại trắng (2004), Những ngấn bùn trên mũi chân Tổ quốc (2011)…



          
Mời thư giãn với nhạc phẩm MÁI ĐÌNH LÀNG BIỂN
của Nguyễn Cường, qua tiếng hát Tùng Dương:
           
*.
Calif. Aug. 18-2013
DU TỬ LÊ
Địa chỉ: Miền nam California, Hoa Kỳ.
Email: dutule@dutule.com
.





…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: lethienminhkhoabr@gmail.com ngày 17.07.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét