MỜI ĐỌC:

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

CÓ MỘT NGƯỜI THƠ 'RA PHỐ MÀ CHẲNG QUÊN LÀNG' - Tác giả: Nguyễn Khắc Kình (Hà Tây)

(Nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan)
CÓ MỘT NGƯỜI THƠ
"RA PHỐ MÀ CHẲNG QUÊN LÀNG"
*
(Tác giả Nguyễn Khắc Kình)
 Sau ba tập thơ đã xuất bản: Bão mùa thu (1998), Trăng goá (2005), Nón không quai (2008), Nguyễn Thị Thuý Ngoan, một nhà thơ nữ của Đất Cảng Hải Phòng lại cho ra mắt tập thơ thứ tư: “Ngôi nhà không bình yên- Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2010.
Ngôi nhà không bình yên” có những bài thơ tiếp nối dòng tâm sự, chia sẻ nỗi niềm của thân phận một người đàn bà goá chồng từ hơn 30 năm trước, khi chị mới 27 tuổi đời…Chính vì vậy mà ở lời tựa của tập thơ Thuý Ngoan đã viết: “Tôi làm thơ là để chống lại nỗi buồn và sự cô đơn…”. Tuy nhiên, ở tập thơ “Ngôi nhà không bình yên”, Thuý Ngoan đã thực sự tìm đến một bình diện mới, một hướng nghĩ mới để viết và tự tin bước lên một nấc thang cao hơn về góc nhìn của thơ và cung cách thể hiện thơ!
Điều đặc biệt là Thúy Ngoan vẫn dành cho thơ lục bát một số lượng trên hai phần ba của tập!
Cái trục xuyên suốt của các bài thơ trong “Ngôi nhà không bình yên” là: Người thơ đã ra thành phố làm ăn, sinh sống từ hơn nửa thế kỷ qua nhưng không một giây phút nào không đau đáu nhớ về “Hồn quê đất tổ” của mình:
Ra phố mà chẳng quên làng
Bờ tre, ngọn lúa, họ hàng ở quê…
(Giao thừa)
Có thể nói “Ngôi nhà không bình yên” là tập thơ Thuý Ngoan đã đặt tâm để khắc hoạ được một số bức tranh nông thôn Việt Nam qua các thời kỳ với những xóm nghèo thân thương, lam lũ, những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng giàu lòng yêu thương, nhân hậu…   
Quê hương có trong thơ Thuý Ngoan không chỉ là hương cau, cái ổ rơm ngày mùa, là mái trường xưa, là giậu tầm xuân, gốc khế, bờ tre, là phiên chợ quê mua bán đổi trao thân tình …Mà sâu xa hơn, da diết hơn là nỗi niềm chia sẻ cùng những người nông dân mà gần gặn nhất là người cha, người mẹ của mình: 
“Cha ngồi chẻ lạt bên thềm
Chẻ đôi cả những buồn phiền đầy vơi” 
và người mẹ: 
“Mẹ đi nhổ mạ tháng mười
Lạt mềm trói mấy kiếp người vào nhau..”
(Về quê) 
Người thơ đau đáu nhớ về nơi: 
“Mộ cha, mộ mẹ, mộ chồng
Cao như ba bát cơm lồng …Mẹ ơi!” 
(Ba bát cơm lồng)
Thuý Ngoan viết về những gia đình liệt sỹ ở quê mình, có gia đình cả hai con là liệt sỹ!.. Người thơ nhớ về làng quê cách đây hơn nửa thế kỷ, những năm 1956-1957, cái thời đã ghi một dấu ấn không dễ quên khuây: 
 “Đội về”!Bão táp phong ba 
‘Sửa sai” mọi sự đã qua mất rồi!”
(Một thời để nhớ)…
Tác giả đã nhìn nhận được sự đổi thay cơ bản của làng quê hôm nay:
“Bây giờ đời đã đổi thay
Ruộng xưa, đất cũ mà đầy bát cơm” 
khác xa với cái thời:
“Xã viên đi cấy chăng giây
No công, no điểm mà gầy bát cơm” 
(Ba bát cơm lồng)
Rồi quá trình đô thị hoá diễn ra ở mọi vùng quê đã làm cho bức tranh nông nghiệp, nông thôn đổi khác tất yếu theo cơ chế thị trường, để rồi:
“Ao hồ phun cát lấp đầy
Gái trai ra phố vai gầy mưu sinh” 
(Thương lắm làng quê)
Nhà thơ bộc bạch nỗi lòng mình với bao vui, buồn lẫn lộn: 
“Bây giờ trời đất đổi thay
Sân gôn, dự án trao tay nhà hàng”…
rồi nữa:
“Chạy dồn mồ mả nghĩa trang
Đền bù thừa thãi hất sang người nhà?…”
Và trong cảnh “chợ trời” đất cát ấy thì chính nhà thơ cũng “vội” về nơi chôn rau cắt rốn để nhờ mua một vuông đất xây lại phần mộ cho người chồng quá cố, nhờ mua thêm một vuông đất “dự phòng” cho mình nay mai? bởi người thơ nghĩ rằng: “Về già em lại sợ xa? Nhờ mua tấc đất để mà gần nhau”! (Mua đất)
Ở tập thơ này, Thuý Ngoan đã mở rộng góc nhìn để có những câu thơ đằm thắm ân tình, gắn bó với cộng đồng sâu sắc hơn như bài: “Viết ở đền bà Chúa kho”, “Túi quà”, “Chợ Xuân”, “Đánh giày”, “Thương lắm làng quê”, “Chia tay vỉa hè”… Những câu thơ xa xót: 
“Cổng vào hai dãy ăn mày
Nón mê tơi tả ngoài này vào trong”
(Viết ở đền thờ bà Chúa kho)  
hoặc:
“Ngửa tay run giữa chợ người
Lưng còng sát đất vẫn lời xưng: Con.”
Lạy người má phấn, môi son
Thiện tâm chúc phúc cháu con cho người”
(Chợ xuân). 
Trước hình ảnh một bà cụ già còng lưng cúi lạy “người má phấn, môi son”, chúc phúc cho họ để được đồng tiền bố thí ở giữa chốn phồn hoa, lễ hội thì nhà thơ rưng rưng xúc cảm: “Lưng cong như dáng mẹ tôi/ Nón mê nức nở giữa trời tái tê”… Đó là sự thật không hiếm gặp ở đâu đó ?…Bài thơ ngắn: “Đánh giày” của Thuý Ngoan như một tiểu phẩm sâu sắc gây xúc cảm cho người đọc, ấy là: “Cô ơi! Mời cô đánh giày/ Cháu ngước nhìn tôi lời mời năn nỉ”… “Mũi giày tôi soi gương/ Vầng trán cháu giọt mồ hôi xanh màu cỏ tái”…Và ngay sau đó “Tôi cùng đoàn người…/ Bước vào hội trường nghe thành tích của phường”/ “Về xoá đói giảm nghèo.”../ “Và những đứa trẻ lang thang trên phố”/ “Tiếng vỗ tay râm ran”…? Bài thơ chưa thật hoàn chỉnh về cấu tứ nhưng điều biểu cảm  tâm trạng nhà thơ thì đạt tới độ sâu xa cần thiết của thơ!...
Ở đây người đọc cần thống nhất với nhà thơ một điều rằng: Bất cứ một bài thơ nào cũng tồn tại với 2 “Trường thức ảo” nằm ở phía sau câu chữ, đó là “Trường thức” phản ánh hiện thực và “Trường thức” tiếp nhận giáo huấn? Nó luôn cùng đồng hành và tương tác lẫn nhau để hình thành cái gọi là: “Tư tưởng” của thơ!.. Viết như thế nào để người đọc cảm nhận được các “Trường thức” ấy mà không phải nghe lời tuyên huấn bất đắc dĩ là tuỳ thuộc vào tài hoa của nhà thơ?... Ví dụ, khi đọc bài “Bác tôi” : “Bác ngồi ôn chuyện xa xôi/ Bước qua oan trái bác tôi vẫn cười”.... Ngay trong đời sống hôm nay, đâu đó còn có trẻ lang thang đánh giày, còn có các cụ già đi ăn xin, còn có những “đại gia” nhiều  tiền, lắm  vàng đi “ buôn đất ” bằng  các “Dự án đầu tư bất động sản?” trá hình…thì ta cần được hiểu đó là điều tất yếu bất khả kháng của sự yếu kém về quản lý trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường không ít nghịch lý, cam go?.. Điều ấy nhà thơ đã “đánh động” tới bằng thơ để ta cùng suy ngẫm và mong mỏi đặt ra được trách nhiệm công dân?... Phải chăng đó chính là: “Tư tưởng thơ”!
Sống giữa phố phường phồn hoa nhưng Thuý Ngoan vẫn luôn đau đáu: “Hoa cau không phải bùa mê/ Phố đông mà bỗng nhớ quê cồn cào (Hương cau ở phố) và: “Giàu sang giữa chốn phồn hoa/ Mà em vẫn ngát như là hương cau (Vẫn là em)
Bởi luôn tâm niệm rằng: “Phố đông vui lắm mà không thể…/ Tôi gửi hồn tôi ở chốn quê” nên đôi khi nhà thơ vẫn cảm thấy cô đơn ngay trong ngôi nhà bình yên của mình? những gì đích thực “không bình yên” thì nằm bên ngoài, ở ngôi nhà lớn của cộng đồng đang ngày đêm vận động chóng mặt  theo cơ chế thị trường đó chăng? Đó là một điều tâm sự thật lòng của tác  giả vì bây giờ đây, ở cái tuổi “bà nội, bà ngoại”, cái tuổi đủ độ chín chắn để nhìn nhận cuộc đời với đầy đủ mặt trái, mặt phải của nó thì ngay trong lòng tác giả luôn lẫn lộn buồn, vui và nỗi niềm về thân phận một người đàn bà goá vẫn vương vất thường nhật là điều dễ đồng cảm, ấy là: “…Rượu đầy vò!/ mà không đàn ông!/ Ngôi nhà thành vò rượu rỗng.” (Vò rượu rỗng) hoặc: Mẹ như con còng lạc phố bơ vơ/ Lấy thơ làm chỗ dựa/ Mộc mạc như xôi không đỗ/ Thật như bùn / nuôi cây lúa lớn lên…” (Nói với con)… 
Về làng, người thơ vui cùng làng quê đổi mới, người  dân có bát cơm đầy, đường làng đổ bê tông, nhà xây mái bằng, cửa tôn, cổng sắt… nhưng vẫn thoáng buồn và nuối tiếc những bờ tre xanh, những mặt ao làng hoa bèo nở tím ngát…Bây giờ: “Chỉ còn cây gạo đầu đình/ Bơ vơ như gái thất tình đứng trông”. Phiên chợ quê bây giờ cũng không còn như xưa:
“Giỏ cua, mớ ốc chào mời
Áo nâu, chân đất một đời thương nhau”
Mà nay đã là phiên chợ đầy rẫy hàng giả, bán mua gian lận: 
“Giả mà như thật mười mươi
Táo, lê để mãi vỏ ngoài vẫn tươi?”
(Chợ Gừng)
Trong tập thơ này, những  bài thơ lục bát chiếm tới hơn hai phần ba số bài mà những câu thơ hay của tác giả lại rơi vào những bài thơ lục bát, điều đó càng có cơ sở để khẳng định sở trường viết thơ lục bát ngày càng vững tay của Thuý Ngoan với  những câu thơ lục bát không cầu kỳ về câu chữ nhưng giàu biểu cảm nội tâm của một tấm lòng đôn hậu dễ đồng cảm với người đọc. Cứ mộc mạc như:
“Bến nào cũng đứt dây neo
Cuối chiều buộc chặt bến nghèo vào thơ”
(Xin đừng)
hoặc:
“Anh đi ! Còn một em thôi
Hoàng hôn đổ bóng cuối trời mồ côi”
(Ký ức quê chồng) 
“Lưng còng như dáng mẹ tôi
Nón mê nức nở giữa trời tái tê”
(Chợ xuân)
Với những câu thơ tự nhiên,nhẹ nhõm, giản dị như thế mà thơ Thuý Ngoan cứ chầm chậm thấm vào lòng người đọc…
Từ những tác phẩm của Thuý Ngoan, trong đó có tập thơ “Ngôi nhà không bình yên”, một lần nữa cho người đọc điều hy vọng về sức sống và sự quyến rũ của thể thơ lục bát, trong trào lưu ồn ã của nhiều loại hình thơ “cách tân” trên thi đàn hiện nay!
Thuý Ngoan là một trong số các nhà thơ nữ thực sự có duyên với thể thơ lục bát và đã nhất mực thuỷ chung với giai điệu “sáu-tám” mộc mạc mà đằm thắm, sang trọng!
Chúc nhà thơ nữ của Đất cảng Hải phòng, dẫu :“Em - vầng trăng cả đời không viên mãn” sẽ viên mãn trong “lao động thơ ”, bởi chính tác giả cũng đã tự tin và “Tự thoại” rằng: “Đời viên mãn chắc gì thơ tròn được!”?..

            
Mời thư giãn với nhạc phẩm CHÂN QUÊ
của Song Ngọc, thơ Nguyễn Bính, qua tiếng hát Quang Linh:
            
*
NGUYỄN KHẮC KÌNH
Địa chỉ: Số 17/4, phố Ao Sen, phường Mộ Lao,
quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Email: Lynguyenlien1946@yahoo.com
Điện thoại: 0904 32 36 33
.
                                            .
.



…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: ngocthai1948@gmail.com gửi ngày 21.09.2015.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
         .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét