MỜI ĐỌC:

Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

TẢN MẠN VỀ THƠ CÁCH TÂN VÀ CÔNG CHÚNG - Tác giả: Nguyễn Khắc Kình (Hà Tây)

(Nguồn ảnh: internet)
TẢN MẠN VỀ THƠ CÁCH TÂN
VÀ CÔNG CHÚNG  
*
(Tác giả Nguyễn Khắc Kình)
Một bạn làm thơ trẻ nói với tôi:
- Hình như những người lớn tuổi thời nay không có cảm tình và cổ vũ cho thơ cách tân của giới trẻ?
Tôi đáp lại nhà thơ trẻ bằng một câu hỏi:
- Vậy bạn hiểu thơ cách tân là gì? Vì sao bạn yêu thích nó?
Sau một phút lúng túng, bạn làm thơ trẻ nói:
- Thơ cách tân là thơ của các nhà thơ trẻ viết không theo vần điệu, thơ chỉ để đọc theo một mạch suy tưởng, đọc thơ toàn khối và đi thẳng vào cái “Tôi”…
Nghe đến đây tôi đế thêm vào :
- Thơ phải “hiện đại hóa”, phải “toàn cầu hóa” nữa chứ, bạn?
Trong thực tế, thời đại nào cũng vậy, thời kỳ nào cũng vậy, công chúng luôn tìm đến thơ hay để đọc chứ đâu có phân biệt thơ nào là cách tân, thơ nào là không cách tân? Bởi lẽ, cách tân đâu chỉ ở hình thức biểu hiện mà trước tiên và sau cùng là ở nội dung tư tưởng mới của thơ, là sự chứa đựng giá trị nhân bản đích thực, nó lay động, đánh thức, nuôi dưỡng tâm hồn người đọc bằng hình tượng thơ, ngôn ngữ thơ…
Có một thời kỳ trước đây, ta đua nhau gắn mọi thứ với cái nhãn hiệu: “Đổi mới tư duy”, “Hộp đen”… để bàn thảo, hoạch định? Sau đó người ta cũng quên dần những gán ghép hình thức ấy để đi vào cái “cốt lõi” của phương châm hành động đích thực mang lại hiệu quả thiết thực! Cũng giống như hiện nay, trong nền thơ, ta đang đua nhau đưa ra những là: “Cách tân thơ”, “Siêu thực - hiện đại thơ”, “Toàn cầu hóa thơ”… vân vân và vân vân. Cứ nghe mà rối tung cả lên với không ít những “lý lẽ kinh viện” cao siêu, rườm rà… còn đâu đầu óc thanh thản mà cảm nhận, thưởng thức nữa?
Ta từng rất tự hào với kho tàng văn học phong phú từ Hán đến Nôm (trong đó có dòng thơ Hán - Nôm) của cha ông, ta từng tự hào với thơ tiền chiến, rồi dòng thơ hào hùng đi cùng hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc… Kho tàng thơ ca quý giá, đậm đà bản sắc dân tộc ấy đã thật sự đóng góp lớn lao vào công cuộc dựng nước, giữ nước, đóng góp to lớn vào thắng lợi của công cuộc chiến đấu gìanh lại tự do, độc lập của Tổ quốc ta!
Lội ngược dòng lịch sử văn chương, ta thấy rõ một điều rằng:
- Thời đại nào thì có thơ ca của thời đại đó, thơ ca mang đậm diện mạo thời đại, tư tưởng thời đại. Và, ta cũng dễ dàng nhận biết được rằng, trong quá trình vận động ấy tất yếu phải có sự đổi mới của thơ ca, trào lưu “Thơ Mới” những năm 1930 là một ví dụ, nó đã sản sinh ra những tác giả, tác phẩm thu hút được không ít độc giả. Tuy nhiên, để khẳng định được vị thế của “Thơ Mới”, nhiều luồng tranh luận, “bút chiến” cũng đã nổ ra để cuối cùng, thơ nào có công chúng thì thơ ấy “đứng được” và có cơ phát triển! Vận vào “Thơ cách tân” tính đến thời điểm hiện nay cũng vậy, muốn “đứng được” thì trước hết nó phải có người đọc, thơ phải được công chúng tiếp nhận tự giác! Tiến sỹ Phan Hồng Giang, trong một bài viết về thơ hiện nay đã có một liên tưởng thật xác đáng: “Văn chương thưa vắng người đọc khác nào bóng đá trước khán đài lưa thưa người xem” và “Văn thơ dở thì chỉ còn nước là chính tác giả cùng vợ con, bạn bè thân quý gật gù thưởng thức, như hàng xấu thì không ai mua dùng…”
Ở thời điểm này, trong các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ thơ ở các phường phố, thôn làng, các hội viên đủ các lứa tuổi, đủ các trình độ, ngoài việc đàm đạo về thơ phú, đọc cho nhau nghe những vần thơ theo thể thơ truyền thống, người ta còn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, như: Thơ Quang Dũng với thời kỳ Tây tiến, Thơ Chính Hữu, Hữu Loan với anh bộ đội thời chống Pháp, Thơ Phạm Tiến Duật và các bài hát thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Thơ Nguyễn Duy với thơ lục bát hiện nay, thơ Xuân Quỳnh, thơ Phan thị Thanh Nhàn với những người phụ nữ ..v.v..
Công chúng yêu thơ rất công bằng, rất tỉnh táo “Chọn thơ hay” để thưởng thức! Những bài thơ, tập thơ mang dấu hiệu “cách tân” ra đời, thời gian cũng đã không dưới chục năm nay nhưng nó chưa vào được công chúng, bởi như một số người đọc đã đánh giá: - Nó mới nảy nòi ra mà đã xa rời thơ truyền thống, chưa đi vững đã lo chạy vội theo kiểu “hiện đại hóa”, “Tân hình thức”, “siêu thực Âu - Mỹ”?…
Có điều cần sớm cảnh báo rằng:
- Chính những bạn làm thơ trẻ đang hăm hở, nhiệt thành với thơ cách tân nhưng hiểu về nó chưa đến nơi, đến chốn, những nhầm lẫn sinh ra do bị choáng ngợp bởi sự hấp dẫn của lối “thơ dịch”, bởi sự cổ súy quá lời của một số ai đó đang muốn nhanh chóng phất lên ngọn cờ “cách tân thơ”? Làm sao có thể đặt thứ thẩm mỹ: “Ở phần háng, phần hông dậm rựt, ở vòm ngực muốn ghì…” (thơ cách tân) bên cạnh: “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” hoặc: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn…” được? Làm sao người đọc có thể đánh nhòa cái nhìn của: “Anh lên xe, trời đổ cơn mưa/ Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ…” với cái nhìn của: “Hôm nay, trèo lên nhà cao, nhìn xuống thành phố/…Nhìn rõ dòng người đang nuốt từng cá thể” (thơ cách tân - “Hoan ca”)…
Tôi hỏi bạn làm thơ trẻ rằng:
- Thơ văn xuôi đang thịnh hành trong trào lưu thơ cách tân hiện nay có phải là thơ không vần? - (Im lặng!)…
Một đoản văn không bao giờ được gọi là một bài thơ văn xuôi, càng không thể là một bài thơ không vần nếu bản thân nó không có nhịp điệu ngôn ngữ (tiết tấu) và nhạc điệu, cho dù là mạch thơ dài hay ngắn (xuống dòng có viết hoa hay không viết hoa?). Thơ không vần tuy rằng thoát ly khỏi vần luật nhưng nhất thiết nó phải tồn tại bởi nhịp điệu, nhạc điệu của thơ thì mới được nhân danh thơ! Mọi sự ngụy biện rắc rối khác đều không có tính thuyết phục!
Có người lo lắng rằng:
- Khi bước vào “toàn cầu hóa” thì thơ ta phải “Anh ngữ hóa”, phải “Internet hóa” nên lúc ấy “Vần luật Việt”, “nhạc điệu Việt” đâu còn là cái gì? Từ suy nghĩ chủ quan thiếu cơ sở ấy mà “thơ văn xuôi” đã bị văn xuôi hóa một cách vô lối! Người ta cho rằng “cách đọc thơ bây giờ dường như không đọc câu, đọc chữ mà đọc để cảm nhận cả một khối tổng thể” và “Thơ hậu hiện đại là trò chơi ngôn ngữ, hiện thực được giấu kín vào các tầng lớp ngôn ngữ, những ma trận chữ nghĩa”. Thì ra là vậy, huyền bí và cao siêu là vậy? Chả trách gì đông đảo công chúng đọc thơ cách tân mà không dễ gì hiểu nổi, nói gì đến hưởng thụ cái đẹp của thi ca? Và có ai đó dõng dạc nói rằng người đọc thời nay, muốn đọc được thơ cách tân, muốn hiểu được thơ cách tân thì chí ít cũng phải được qua một lớp “bồi dưỡng” các kiến thức sơ đẳng về: “Phân tâm học”, “Tính dục học”?, hiểu về “Tư tưởng S.Freud”, “Vô thức trí não”?… Thế mới biết theo kịp được trào lưu “hiện đại hóa thơ” thật nhiều nỗi gian truân?, thế hệ  người đọc bây giờ cũng phải nâng cấp trình độ thẩm thơ? Tất nhiên! Giống như cái tai nghe hát Chèo, nghe hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, nghe hát Xoan Phú Thọ… bây giờ cũng cần được “Rock hóa”, “Za hoá” thì mới nghe được thủng, mới thấy được cái hay của vốn cổ dân tộc đó chăng?…
Trong câu chuyện với bạn làm thơ trẻ, tôi có vui nhắc đến món “Phở Việt” là món ẩm thực có hạng, được rất nhiều thực khách nước ngoài ưa chuộng, ca ngợi! “Phở Việt” đương nhiên đứng ngang hàng các món “Súp” của Tây, với nguyên liệu Việt, gia vị Việt và cách chế biến của người Việt, chứ đâu cần mượn thứ gia vị nào của Tây, cách chế biến Tây? Lại nữa: Dân ca quan họ Bắc Ninh, Hoát xoan Phú thọ, Nhã nhạc Cung đình Huế của đất nước ta đương nhiên là Di sản văn hóa phi vật thể của cả loài người kia mà, nó mãi mãi được tôn vinh, gìn giữ và phát huy trong đời sống, trong bối cảnh bão táp “toàn cầu hóa”…
Những ý kiến tản mạn trên đây của tôi về “thơ cách tân” có thể hơi lộn xộn và ở góc nhìn nào đó còn phiến diện, chủ quan… Biết vậy mà “lực bất tòng tâm”, mong bạn làm thơ trẻ bỏ qua cho! Lẩn thẩn lại nhớ một câu ca xưa, rằng: “Đi đâu mà vội mà vàng/ Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây?/ Đàng hoàng như chúng anh đây/ Chẳng đá nào vấp, chẳng dây nào quàng!” Đường đi của “thơ cách tân” còn đang ở phía trước, ta cứ tỉnh táo “cách tân thơ”, ta cứ dụng công thể nghiệm, cứ cho ra đời các tác phẩm “cách tân” như sự sinh sôi của tự nhiên… nhưng hãy tự nhắn nhủ nhau, hãy vô tư giúp nhau có lời khen, chê vừa đủ “độ” cần thiết, vừa đủ để chiêm nghiệm cùng sự đào thải nghiêm khắc của công chúng và thời gian! Cũng như có lần, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý sau khi đọc “Hoan ca” của Đỗ Doãn Phương đã có một lời chia sẻ với tác giả “Hoan ca” rằng: “…Tôi hy vọng anh (Đỗ Doãn Phương) sớm quên đi giải thưởng vừa được nhận của Hội Nhà văn Việt Nam để có những tác phẩm hay”.
Những ý kiến trái chiều khi nhìn nhận, đánh giá về một tập thơ,nhất lại là đối với những tập thơ được tặng giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam ,dưới các góc nhìn khác nhau là chuyện bình thường trong đời sống văn chương. Thiết nghĩ, sao ta không đạt ra tiền lệ “Tham khảo ý kiến của công chúng” khi xét và tặng “Giải thưởng thơ”? Giống như trao giải thưởng: “Bước nhảy hoàn vũ” hay “Giải bài hát Việt” hàng năm của VTV? Bên cạnh “Điểm” của Ban Giám khảo (Số ít người) còn tham khảo “Điểm” khán, thính giả bình chọn (Số đông công chúng)?
Thời buổi này, các phiên họp của Quốc hội, các cuộc chất vấn Thủ tướng Chính phủ, chất vấn các Bộ trưởng…còn được công khai trước công chúng cơ mà? Công khai, dân chủ sẽ thực sự giải phóng tư tưởng công dân, là hướng “mở” để tạo cơ hội cho mọi công dân thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trước cộng đồng là vậy chăng!
Đời sống văn hóa, văn chương nói chung, đời sống thi ca nói riêng sẽ ngày một sáng sủa hơn và thực sự được xác lập vị trí xứng đáng của nó trong quá trình tiến triển xã hội, một khi nó được trân trọng, một khi nó không bị những chi phối chủ quan, cảm tính gây nên “nhiễu xạ” đối với sự một thống nhất cần thiết giữa nhà thơ và công chúng, giữa tác phẩm và người đọc!
Câu hỏi thay cho lời kết ý kiến của tôi là câu hỏi: - Những gắng gỏi của chúng ta với sự phát hiện, cổ vũ, khuyến khích cho “Cách tân thơ” hiện nay phải chăng nhằm tăng tốc để theo kịp trào lưu “Hiện đại hóa thơ toàn cầu”? phải chăng đó là những việc làm nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới?

              
Mời thư giãn với nhạc phẩm GIỮA MẠC TƯ KHOA NGHE CÂU 
HÒ NGHỆ TĨNHcủa Trần Hoàn, qua tiếng hát Lê Sang:
            
*
NGUYỄN KHẮC KÌNH
Địa chỉ: Số 17/4, phố Ao Sen, phường Mộ Lao,
quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Email: Lynguyenlien1946@yahoo.com
Điện thoại: 0904 32 36 33
.

..

.

…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: phamngocthai1048@gmail.com gửi: 21.03.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

1 nhận xét: