(Nhạc trẻ Miền Nam trước năm 1975 ; Nguồn ảnh: internet) |
CA KHÚC Ở MIỀN
NAM
1954 ĐẾN 1975
*
Trong giai đoạn 1954-1975, ở Miền Nam, sáng
tác ca khúc tân nhạc rất đa dạng và phong phú với nhiều dòng nhạc, nhiều phong
trào ca nhạc trong một vườn hoa âm nhạc nhiều hương sắc. Ngoài hai dòng nhạc
phản chiến và nhạc tâm lý chiến mà trang Đặng Xuân Xuyến đã giới thiệu và nhiều
dòng nhạc khác như: nhạc Thánh ca Công giáo, Tin lành, nhạc đạo Phật giáo, nhạc
thiếu nhi, nhạc sinh hoạt cộng đồng…, ở Miền Nam thưở ấy còn có bốn dòng nhạc
chính được phổ biến rộng rãi nữa: tình khúc, nhạc vàng, nhạc trẻ và du ca.
TÌNH KHÚC 1954-1975
Ở Miền Nam từ
1954-1975, một lớp nhạc sĩ trẻ hơn xuất hiện với các bản tình ca
mới. Khác với dòng nhạc tiền chiến thường mượn cảnh mùa thu, mưa, sương, đêm
khuya... để nói lên tình cảm của mình, những nhạc sĩ này có cách thể hiện trực
tiếp hơn, ca từ lãng mạn vẫn là ngôn ngữ văn hóa nhưng mới mẻ hơn, trẻ trung
hơn và sống động hơn, với nhiều cung bậc tình cảm hơn, khoắc khoải, nồng nàn,
sâu lắng, say mê, man mác, hoài nhớ, tiếc thương... thường theo các
thể điệu Slow Rock, Slow, Valse, Ballad, Boston… Gần với nhạc tiền chiến hơn,
cung điệu cũng trau chuốt, nhưng khác nhạc tiền chiến là thường ít chậm hơn,
biểu hiện tâm trạng cá nhân không có không gian cụ thể và có tính hiện đại hơn,
và cũng xa rời nhạc cổ điển hơn so với nhạc tiền chiến, tình ca 1954-1975 là
dòng nhạc được giới trí thức, trung lưu và sinh viên, học sinh (SVHS) ở
miền Nam thưở ấy yêu thích.
Giai đoạn này, bên cạnh nhạc sĩ tiền bối Phạm
Duy vẫn sáng tác đều đặn những ca khúc có giá trị nghệ thuật: Cỏ hồng, Trả lại
em yêu, Mùa thu chết, Nghìn trùng xa cách, Nha Trang ngày về…, còn xuất hiện
thêm những nhạc sĩ với phong cách riêng: Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Hoàng Nguyên,
Nguyễn Ánh 9,
Khánh Băng,
Thanh Bình, Thanh Trang, Nguyễn Phú Yên, Trần Trịnh,
Nguyễn Văn Đông, Phạm Trọng Cầu,
Từ Công Phụng,
Văn Phụng, Trần Quang Lộc, Vũ Thành An,
Lê Hựu Hà, Cung Tiến, Lê Trọng Nguyễn, Phạm Mạnh Cương, Đức Huy, Phạm Đình
Chương, Quốc Dũng, Hoàng Trọng, Nguyễn Hữu Thiết, Vũ Đức Sao Biển, v.v…
Không thể kể hết những tình khúc nổi tiếng
đương thời: Các Bài không tên
của Vũ Thành An;
Tình lỡ, Đừng đến rồi đi, Tiếc một người của Thanh Bình; Thuyền em đi trong
đêm, Ngàn năm vẫn lạ, Tiếng chim rừng hát mừng sông núi, Cô giáo trẻ trên bản
làng xa của Nguyễn Phú Yên; Chiều nay không có em, Niệm khúc cuối, Mắt biếc,
Dấu tình sầu, Bản tình cuối của Ngô Thụy Miên;
Bài ca hạnh ngộ, Còn nắng trên đồi, Dạ khúc cho tình nhân, Lời gọi chân
mây, Vũng lầy của chúng ta, Uống nước bên bờ suối, Cho lần cuối của Lê Uyên -
Phương; Phiên khúc mùa đông, Huyền thoại người con gái của Lê Hựu Hà; Suối lệ
xanh của Phạm Mạnh Cương; Bây giờ tháng mấy, Lời cuối, Giọt lệ cho ngàn sau,
Mắt lệ cho người, Tuổi xa người, Bài cho em của Từ Công Phụng; Nụ cười thơ
ngây, Nếu một ngày, Vọng ngày xanh của Khánh Băng…. Đặc biệt là Vọng ngày
xanh viết năm 1956 được nhiều ca sĩ nổi tiếng đương thời như Minh Trang, Lệ Thu, Thái Thanh...
trình bày, trong đó thành công hơn cả phải kể đến danh ca Thái Thanh.
Bài hát này được nhà văn nữ nổi tiếng Françoise Sagan
viết lời Pháp và
nhờ vậy, ông được Hội Tác quyền Thế giới mời
gia nhập…
Nhiều tình khúc nổi tiếng khác rất được ưa
chuộng vào thời gian này như Thanh Trang với Huyền, Tình khúc mùa đông,
Duyên thề; Hoàng Nguyên với Cho người tình lỡ; Tà áo tím; Quốc Dũng với Đường xưa, Cơn gió thoảng; Nguyễn Ánh 9 với
Không, Buồn ơi, xin chào mi;
Văn Phụng với
Yêu, Tình, Suối tóc, Tôi đi giữa hoàng hôn; Vũ Đức Sao Biển với Thu hát
cho người; Y Vân với
Buồn, Ngăn cách, Ảo ảnh, Những bước chân âm thầm; Đức Huy với Bay đi cánh
chim biển, Cơn mưa phùn; Anh Bằng với Nỗi lòng
người đi; Nguyễn Hiền với Mái tóc dạ hương; Đan Thọ
với Chiều tím; Trần Trịnh với
Lệ đá; Tuấn Khanh
với Hoa xoan bên thềm cũ, Chiếc lá cuối cùng; Nguyễn Văn Đông với Hải ngoại thương
ca. Phạm Trọng Cầu
khi du học ở nhạc viện Paris (Conser - vatoire Supérieur de Musique
de Paris) cũng đã viết Mùa thu không trở lại để đời…
Hoàng Trọng thành
công với các bài hát theo điệu tango: Ngỡ ngàng, Lạnh lùng, Tiễn
bước sang ngang…, đặc biệt bài Ngàn thu
áo tím (lời Vĩnh Phúc) điệu valse luôn được công chúng trước nay ưa thích.
Cung Tiến nối tiếp dòng nhạc lãng mạn tiền
chiến với những tình khúc bất tử: Hương xưa, Hương xuân, Mùa hoa nở, Đêm hoa
đăng, Mắt biếc (khác bài Mắt biếc của Ngô Thụy Miên)…
Đặc biệt, Nguyễn Hữu Thiết với những tình khúc đậm đà màu sắc âm nhạc dân
gian, dân tộc, như: Giọt mưa chiều hay nước mắt em, Lời nguyền cho một
tình yêu, Chỉ có tình yêu, Cánh hoa xuân, Mưa chiều nhớ nhau, Hoa nhớ thương
ai,…
Phạm Duy, Trần Quang Lộc, Phạm Đình Chương,
Vũ Thành An,
Từ Công Phụng, Trần Trịnh, Cung Tiến, Ngô Thụy Miên… có nhiều tình khúc phổ
thơ nổi tiếng. Với Phạm Duy là: Còn chút gì để nhớ (thơ Vũ Hữu Định), Ngậm
ngùi (thơ Huy Cận),
Áo anh sứt chỉ đường tà (thơ Hữu Loan), Tiếng sáo Thiên
thai (1959 - thơ Thế Lữ), Tiễn em, Mùa thu Paris (thơ Cung Trầm Tưởng),
Tỳ bà (thơ Bích Khê),
Vần thơ sầu rụng (thơ Lưu Trọng Lư), Tình cầm (thơ Hoàng Cầm);
Em hiền như masoeur, Thà như giọt mưa, Hai năm tình lận đận (thơ Nguyễn Tất Nhiên),
Ngày xưa Hoàng Thị,
Đưa em tìm động hoa vàng
(thơ Phạm Thiên Thư),
Chuyện tình buồn và 12 tháng anh đi (thơ Phạm Văn Bình), Màu thời gian (1971-
thơ Đoàn Phú Tứ)… Với Trần Quang Lộc là: Về đây nghe em (thơ A Khuê), Em theo
đoàn lưu dân (thơ Phạm Hòa Việt), Có phải em mùa thu Hà Nội (thơ Tô Như Châu)…
Phạm Đình Chương
là: Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền),
Người đi qua đời tôi (thơ Trần Dạ Từ),
Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng)… Vũ Thành An
là Em đến thăm anh đêm 30 và Tình khúc thứ nhất (thơ Nguyễn Đình Toàn)… Từ Công
Phụng là Trên ngọn tình sầu (thơ Du Tử Lê)… Trần Trịnh là Lệ đá (thơ Hà Huyền
Chi), Chiếc lá cuối cùng (thơ Théophile Gauthier)… Cung Tiến là: Đôi bờ (thơ Quang Dũng),
Hoàng Hạc lâu (thơ Thôi Hiệu - Vũ
Hoàng Chương dịch), Kẻ ở (Mai chị về -
thơ Nguyễn Đình Tiên),
Khói hồ bay (thơ Nguyễn Tường Giang),
Nguyệt cầm (ý thơ Xuân Diệu),
Thuở làm thơ yêu em (thơ Trần Dạ Từ),
Vết chim bay (thơ Phạm Thiên Thư)
và ba bài: Vang vang trời vào xuân, Đêm, Lệ đá xanh đều phổ thơ Thanh Tâm Tuyền…Và
Ngô Thụy Miên là Tình khúc buồn (thơ Phạm Duy Quang)
và nhiều ca khúc phổ từ các bài thơ nổi
tiếng của Nguyên Sa: Áo
Lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em, Tình khúc tháng sáu, Tuổi 13…
Nổi bật nhất là Trịnh Công Sơn với
hàng loạt tình ca muôn thuở như: Tình nhớ, Tình xa, Phôi pha, Diễm xưa,
Nhìn những mùa thu đi, Hạ trắng, Biển nhớ, Cát bụi, Như cánh vạc bay, Còn tuổi
nào cho em, Tuổi đá buồn, Chiều một mình qua phố...
Các danh ca hát tình khúc giai đoạn này
có: Khánh Ly,
Duy Trác, Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Lan, Hoàng Oanh, cặp đôi
Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết…
Tuy chỉ có 20 năm, nhưng giai đoạn này tại
miền Nam đã hình thành một số lượng tình
khúc khổng lồ, trong đó có nhiều bản nhạc nổi tiếng, được yêu thích và lưu
truyền qua nhiều thế hệ.
2.
NHẠC VÀNG 1954-1975
Là dòng nhạc trữ tình bình dân, hình thành ở
Miền Nam từ sau 1954 với các bài hát được viết trên những giai điệu đơn giản,
chậm buồn đều đều, mang âm hưởng dân ca,
nhẹ nhàng của boléro, rumba, ballade, slow rock…, phổ biến nhất là bolero được hát bằng giọng thứ quãng âm trung hoặc
trầm chậm, ca từ bình dị, dễ nghe, dễ hiểu, chất chứa nỗi niềm của một con
người bình thường, nên dòng nhạc này đã thu hút một số lượng lớn khán giả bình
dân…
Ba đề tài chủ yếu phổ biến của “nhạc
vàng” là: Tình - Lính và Quê hương, sắc thái tình cảm thường là buồn thương...
và thường có giọng điệu tự sự, kể chuyện như các ca khúc: Hàn Mặc Tử (Trần Thiện Thanh),
Những đồi hoa sim (Dzũng Chinh), Chuyện tình Lan và Điệp (Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng)…
Ở miền Nam, nơi khai sinh và nuôi dưỡng dòng
nhạc này, có khi người ta dùng từ “nhạc sến”, hoặc tế nhị hơn thì gọi là “nhạc
trữ tình bình dân” để chỉ dòng nhạc này. Nhưng thực ra ở VN, vùng kháng
chiến từ đầu thập niên 1950 đã du nhập khái niệm "nhạc
vàng" từ Trung Hoa dịch từ "huangse yinyue" (hoàng
sắc âm nhạc) là nhạc tình thời thượng lúc đó đang phổ biến ở Thượng Hải.
Có lẽ người viết ca khúc đầu tiên theo điệu
bolero là Lê Trọng Nguyễn, Lam Phương rồi Trúc Phương. Lam Phương sáng tác
Chiều thu ấy từ 1952, lúc mới 15 tuổi, nhưng đến năm 1954 ông mới nổi
danh với hai bài Kiếp nghèo và Chuyến đò vĩ tuyến. Sau đó, trong
hơn 2 thập niên, ông viết gần 200 bài hát trữ tình được công chúng Miền Nam yêu
thích như: Thành phố buồn,
Nhạc rừng khuya, Nắng đẹp miền Nam, Bài Tango cho em, Tình bơ vơ, Duyên kiếp, Tình chết theo
mùa đông, Tình cố đô, Tình đau, Tình đầu muôn thuở, Tình đẹp như mơ, Tình mẹ,
Tình người viễn xứ, Tình nghĩa đôi mình chỉ thế thôi, Tình như mây khói, Tình
vẫn chưa yên, Tình thiên thu…
Còn Lê Trọng Nguyễn thành công ngay từ ca
khúc bolero đầu tiên là Nắng chiều cũng viết năm 1952, là một bản nhạc boléro
“kinh điển”, được viết với cung trưởng trẻ trung, buồn mà không bi lụy, rất
hiếm gặp trong thời kỳ đầu của dòng nhạc boléro và cả sau này. Nắng chiều còn
được biết đến ở Hồng Kông, Đài Loan và Nhật Bản.
Ông sáng tác không nhiều nhưng những tác phẩm của ông đều có giá trị nghệ thuật
cao, giai điệu và ca từ trau chuốt, hình ảnh đẹp như tranh: Chiều bên giáo
đường, Lá rơi bên thềm, Sóng Đà Giang, Sao đêm… thường được xếp vào dòng nhạc
tình khúc.
Trúc Phương cũng được biết đến trễ hơn, với
hai sáng tác đầu tay là Tình thương mái lá và Tình thắm duyên
quê viết năm 1957, kế đến là Chiều làng em (1958) và Đò
chiều (1959)... đều được nhiều người thích. Bản nhạc nổi tiếng nhất
của ông là Tàu đêm năm cũ viết vào đầu thập niên 1960, Sau đó, là khoảng 70 ca khúc
được phổ biến rộng rãi: Nửa đêm ngoài phố, Buồn trong kỷ
niệm, Thói đời, Hai lối mộng, Kẻ ở miền xa, Đêm gác trọ, Đêm tâm
sự, Đêm trên vùng đất lạ, Đêm Việt Nam, Đôi mắt người xưa, Đường chiều cao nguyên,
Hai chuyến tàu đêm, Hình bóng cũ…
Còn Hoàng Thi Thơ, người được xem là “khơi
dòng Việt hóa bolero”, sau Gạo trắng trăng thanh (1954), tiếp tục viết nhiều
tình ca quê hương nổi tiếng như Đường xưa lối cũ (1955), Duyên quê, Ai nhớ
chăng ai, Trăng rụng xuống cầu (1956)… Sau đó, dưới nhiều bút danh như: Hoàng
Thi Thơ, Tôn Nữ Trà Mi, Tôn Nữ Diễm Hồng, Bích Khê, Triệu Phong, Tố Tâm…, ông
viết rất nhiều bản nhạc vàng và tình khúc đậm chất dân ca rất được phổ biến và
ưa chuộng.
Nhưng người quảng bá tích cực nhất cho dòng
nhạc này là nhạc sĩ Phó Quốc Lân,
tác giả các ca khúc: Xuân ly hương, Hương lúa miền Nam, Mong ngày anh về, Vui
khúc tương phùng... Năm 1955, ông tái lập ban nhạc Lửa Hồng và sau đó cho ra mắt ban Nhạc Vàng
thuộc đài phát thanh rồi đài truyền hình Sài Gòn để trình tấu định
kỳ. Ngoài ra, các nhạc sĩ như Anh Bằng lập ra các hãng
Hương Giang, Dạ Lan; Ngọc Chánh
lập ra hãng Shotguns để phát hành băng và đĩa nhạc với nhãn hiệu "nhạc
vàng”.
Trong hồi ký của mình, Phạm Duy viết:
"Những bài hát thông thường và chỉ được coi là nhạc thương phẩm - mệnh
danh là nhạc vàng - với những tình cảm
dễ dãi phù hợp với tuổi choai choai, với em gái hậu phương và lính đa tình, tuy không được coi trọng nhưng
lại rất cần thiết cho vài tầng lớp xã hội trong thời chiến".
Ngoài các tên tuổi trên, nhạc sĩ tiêu biểu
cho dòng nhạc này là: Trần Thiện Thanh,
Châu Kỳ,
Duy Khánh, Anh
Chương, Đỗ Lễ, Hoài Linh, Hoài An, Phạm Thế Mỹ, Mạnh Phát, Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng,
Hàn Châu, Y Vân, Vinh Sử, Thanh Sơn, Anh Việt Thu, Anh Việt Thanh,
Trịnh Lâm Ngân
(bút hiệu ghép của Trần Trịnh, Lâm Đệ, Nhật Ngân), v.v...
Giọng ca tiêu biểu của nhạc vàng: Duy
Khánh, Chế Linh, Thanh Thúy,
Thanh Tuyền,
Giao Linh,
Hoàng Oanh, Anh Chương, Anh
Bằng, Nhật Trường,
Trung Chỉnh, Giang Tử, Minh Hiếu, Trúc Mai, Hà
Thanh, Ngọc Minh, Phương Dung,
Anh Khoa, Phương Hồng Quế, Sơn Ca, Băng Châu,
Thái Châu,
Nhật Trường (tức NS Trần Thiện Thanh)... Cùng với các nhạc sĩ, các ca sĩ này
cũng góp phần định hình dòng nhạc vàng với cách hát khác hẳn các ca sĩ của nhạc
tiền chiến hay tình khúc 1954-1975.
Hai dòng nhạc trữ tình - tình khúc và nhạc
vàng 1954-1975 “đối cực” về thính giả, nhưng có khi “đồng nhất” về tác giả. Một
số NS chuyên sáng tác nhạc vàng nhưng cũng có những ca khúc của họ được xếp vào
tình khúc, như một số bài hát của các NS Hoàng Thi Thơ, Y Vân, Nguyễn Văn Đông, Phạm Thế
Mỹ, Song Ngọc, Lam Phương, Anh Bằng,... Ngược lại, một số NS
trước đã nổi tiếng với tình khúc lại thành công trong nhiều bản nhạc vàng. Như
Phạm Mạnh Cương của tình ca Thu ca (1953) bất hủ, sau nầy viết nhiều bản nhạc
vàng được yêu thích: Tình mùa phượng thắm (1961), Tháng bảy mưa ngâu (1964)…
Hoặc Trần Trịnh của tình khúc Lệ đá nổi tiếng đã viết nhạc vàng cùng Nhật Ngân
trong bút hiệu chung Trịnh Lâm Ngân được phổ biến rộng rãi: Mùa xuân của mẹ,
Xuân này con không về…
Đề tài nhạc vàng sẽ trở lại nhiều lần trong
chuyên đề này ở các giai đoạn âm nhạc khác, do sự tồn tại lâu dài của nó trong
tầng lớp công chúng bình dân nhiều thế hệ.
NHẠC TRẺ 1960-1975
Vào cuối thập niên 1950,
nhạc kích động châu Âu và Mỹ bắt đầu thâm nhập thị trường miền Nam. Đầu những
năm 1960 thì nhạc trẻ (còn gọi là nhạc xanh) trở thành một hiện tượng của âm
nhạc Việt Nam, đó là dòng “ âm nhạc trẻ trung, tươi mới, tự do”, "trẻ" cả về âm nhạc, nhạc sĩ (trừ
Phạm Duy), nghệ sĩ biểu diễn lẫn công chúng. Thực tế, nhạc trẻ bao gồm âm
nhạc từ loại pop/rock nhẹ nhàng của Bread và The
Carpenters, cho đến những
bài hát yéyé của Pháp, và rock nặng (heavy rock)
của Mỹ. Gọi là nhạc trẻ cũng để phân biệt với nhạc tiền chiến,
nhạc vàng, tình khúc..., dù rằng nhiều bản nhạc trẻ của Phạm Duy, Lê Hựu Hà,
Nguyễn Trung Cang, Khánh Băng... cũng được xếp vào dòng tình khúc, được cả giới
trẻ lẫn giới trung lưu, trí thức ở Miền Nam thuở ấy say mê.
Bắt đầu là nhiều bản nhạc ngoại quốc
nổi tiếng được các nhạc sĩ đặt lời Việt
rất thành công và có những ca khúc để đời. Mở đầu cho trào lưu “Việt hóa” các
ca khúc Âu - Mỹ thời ấy có thể nói đến nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, ông đã chuyển soạn
lời Việt cho các ca khúc được nhiều người yêu mến như: Búp bê không tình yêu
(Poupée de cire, poupée de son), Gõ cửa ba tiếng (Knock three times), Chuyện
phim buồn (Sad movies), Lãng du (L’Avventura), Anh thì không (Toi jamais),
v.v... Sau đó nhiều nhạc sĩ khác, nhiều ban nhạc, cũng đã soạn lời Việt cho
nhiều ca khúc ngoại quốc khác: Phạm Duy, Quốc Dũng,
Trường Hải,
Jo Marcel, Kỳ Phát, Lữ Liên, Khúc Lan, Nam Lộc, Nguyễn Duy Biên, Tùng Giang,
trong đó có cả nhà báo Trường Kỳ (cột chèo với Vũ Xuân Hùng), v.v...
Nhạc sĩ Nam Lộc "Việt hóa" nhiều
bản nhạc ngoại quốc thịnh hành đương thời bằng cách đặt lời tiếng Việt: Trưng
Vương khung cửa mùa thu (Tell laura i love her), Mây lang thang (The cowboy's
work is never done), Dĩ vãng buồn (I’ll never fall in love again), Tình ca cho
em (Good bye to love), Như mùa thu lá bay (Ben), Chỉ là giấc mơ qua (Yellow
Bird), Một thời để yêu (Les amoureux qui passent), Phút bên em (L’Amour avec
toi), v.v...
Thành công hơn cả là Phạm Duy, với đa phần
là nhạc Pháp, với giọng hát bằng song
ngữ điêu luyện của ca sĩ Thanh Lan, đã gây được ảnh hưởng khá mạnh mẽ trong
giới trẻ: Khi xưa ta bé (Bang bang), Tình cho không biếu không (L'amour c'es
pour rien), Hỡi người tình lara (Dr. Zhivago), Chuyện tình (Love story), Người
yêu nếu ra đi (If you go away), Cuộc tình tàn (Je sais), Himalaya, Ngày tân hôn
(The wedding), Em đẹp nhất ðêm nay (La plus belle pour aller danser), Những nụ
tình xanh (Tous les garcons et toutes les filles), Viễn du trong tưởng tượng
(En partant), Trong nắng trong gió (Dans le soleil et dans le vent), Nắng đã
tắt (Il est mort le soleil), Ôi giàn thiên lý đã xa (Chèvrefeuille que tu es
loin), Tình yêu mùa đông (J'aime bien l'hiver), Chàng (Lui), Nàng (Elle etait
belle), Chỉ cần một giọt lệ (Rien qu'une larme), Tiễn em nơi phi trường (Adieu
jolie candy), Gọi tên người yêu (Aline), v.v…
Sau đó, không chỉ dừng lại ở việc hát nhạc
ngoại quốc, nhiều nhạc sĩ tự sáng tác các bản nhạc trẻ với tiết điệu nhanh
và lạ, lời ca dễ hiểu, gần gũi. Những người đầu tiên có thể kể tới là Phạm Duy,
Khánh Băng,
sau đó là các nhạc sĩ khác như Quốc Dũng,
Lê Hựu Hà,
Tùng Giang, Nguyễn Trung Cang, Ngọc Chánh, Jo Marcel, Trường Kỳ,
v.v …
Từ giữa thập niên 60, nhiều ban nhạc trẻ được
thành lập, như Les Fanatics của Công Thành, Spotlights của Tuấn Ngọc, Les
Vampires của Đức Huy, và nhạc sĩ Lê Hựu
Hà với nhiều ban nhạc trẻ nổi tiếng: Hải Âu (1965), Phượng Hoàng (cộng tác với
nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và ca sĩ Evis Phương - 1970) và sau đó là Mây Trắng.
Ông còn viết nhiều ca khúc nhạc trẻ rất được ưa chuộng như: Tôi muốn, Lời
người điên, Hãy nhìn xuống chân, Bài ca tuổi trẻ, Yêu người yêu
đời, Hãy ngước mặt nhìn đời, Đôi khi ta muốn khóc...
Nhưng trước đó, khoảng năm 1962, Khánh Băng đã viết rất nhiều ca khúc
có tiết tấu nhanh, sôi động, gần như thể loại nhạc kích động sau nầy, được
coi là những bài nhạc trẻ đầu
tiên ở Việt Nam: Sầu đông, Có nhớ đêm nào, Tiếng mưa rơi..., đặc biệt
bài Sầu đông có thêm lời tiếng Pháp và tiếng Anh, trong đó lời tiếng Pháp
do chính ông viết.
Tới năm 1971, Đại hội nhạc trẻ đầu tiên được tổ
chức tại sân Hoa Lư do Trường Kỳ,
Tùng Giang và Nam Lộc đứng ra chủ trì và
sự hợp tác của nhạc sĩ Phạm Duy,
với gần 20 ban nhạc quốc tế của Mỹ, Phillippines và Việt Nam tham gia. Sự thành
công của đại hội nhạc trẻ đầu tiên ở Sài Gòn đã đẩy mạnh nhạc trẻ lên cao
độ.
Tiếp theo đó nhiều đại nhạc hội khác được
tiếp tục được tổ chức: năm 1971 tại trường trung học Taberd với hơn 10.000
người nghe, năm 1974 tại Thảo Cầm Viên với trên 20.000 khán giả. Năm 1973, Phạm Duy, Ngọc Chánh và Thanh Lan đi dự Đại
hội âm nhạc quốc tế tại Tokyo,
tại đây bản nhạc trẻ Tuổi biết buồn của Phạm Duy được lọt vào chung
kết.
Thuộc thế hệ nhạc sĩ đi trước từ rất lâu,
nhưng Phạm Duy vẫn được coi là người đứng đầu và có những đóng góp lớn cho
phong trào nhạc trẻ với những sáng tác nhạc trẻ Việt và đặc biệt ca khúc
nhạc ngoại lời Việt của ông được cho là nhiều nhất và thành công nhất thời bấy
giờ.
Có người cũng xếp "Kích động nhạc” vào
dòng nhạc trẻ, nhưng thực chất 2 dòng nhạc nầy hoàn toàn khác nhau: "Kích
động nhạc" là loại nhạc "giật
gân", sôi động như twist hay rock and roll thường viết về đề tài
người lính Việt Nam Cộng hòa, gần với nhạc tâm lý chiến hơn, chứ không “vô tư”
như nhạc trẻ mà hai ca sĩ nổi tiềng trở
thành cặp bài trùng của loại nhạc kích động nầy là Hùng Cường - Mai Lệ Huyền.
NHẠC DU CA 1966 - 1975
Nhạc du ca trong phong trào Du ca ra đời đúng
lúc mọi người đang đòi hỏi một nền văn nghệ sống động, thức tỉnh và mới lạ.
Phong trào Du ca ra đời năm 1966 do hai nhạc
sĩ Nguyễn Đức Quang
và Đinh Gia Lập
thành lập, có khởi nguồn là một ban nhạc sinh viên lúc bắt đầu hình thành chỉ
có năm người: Nguyễn Đức Quang, Trần Trọng Thào, Hoàng Kim Châu, Nguyễn Quốc
Văn và Mai Thái Lĩnh (tức
Hoàng Thái Lĩnh), sau đó có thêm ca sĩ Phương Oanh và lấy tên chính thức là Ban
Trầm Ca, rồi cùng nhạc sĩ Phạm Duy lưu diễn nhiều
nơi tại miền Nam Việt Nam. Phong trào Du ca, là một đoàn thể hoạt động về văn
hóa và văn nghệ phục vụ cộng đồng, xuất hiện cùng lúc với phong trào làm công
tác xã hội của sinh viên, học sinh. Tôn chỉ của Phong trào là: "Dùng tiếng
hát chung của cộng đồng để tô điểm cho nền văn nghệ dân tộc một màu xanh đầy hy
vọng, đưa mỗi người đến gần nhau hơn để cùng lo xây đắp một quê hương tươi
sáng".
Du ca quy tụ khá nhiều các nhạc sĩ tên tuổi,
cũng như nhiều nhạc sĩ trẻ xuất phát từ phong trào: Nguyễn Đức Quang, Trầm Tử Thiêng, Anh Việt Thu,
Trần Tú, Nguyễn Quyết Thắng,
Phạm Duy, Ngô Mạnh Thu, Giang
Châu, Trần Đình Quân, Lý Văn Chương, Lê Quang Dũng, Nguyễn Văn Phiên, Võ Thị
Xuân Đào, Fa Thăng, Trần Trọng Thào, Hoàng Kim Châu, Nguyễn Quốc Văn, Bùi Công
Thuấn, Trần Quang Lộc, Mai Thái Lĩnh…
Trong đó, ba nhạc sĩ tiêu biểu nhất cho phong trào Du ca Việt Nam với nhiều ca
khúc được phổ biến rộng khắp là: Nguyễn Đức Quang, người sáng lập phong trào, Nguyễn Quyết Thắng
và Bùi Công Thuấn.
Những ca khúc trong phong trào du ca có mục
đích kêu gọi thanh niên hãy tự hào dân tộc, tin tưởng và hy vọng vào tương lai.
Những loại nhạc mà phong trào du ca thường sử dụng là Thanh niên ca, Thiếu nhi
ca, Sinh hoạt ca, Nhận thức ca, Sử ca,
Dân ca, những bài hát phản ánh thân phận quê hương và ca ngợi tình yêu con
người, quê hương.
Nhiều bài hát của Du ca đã trở nên quen
thuộc, được hát phổ biến, thậm chí trở
thành bài ca sinh hoạt trong học đường và các đoàn thể thanh thiếu niên bấy
giờ, như: Hướng đạo Việt Nam, CPS, Thanh sinh công, Thanh niên Phụng sự Xã hội
Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Thanh niên Caritas, Thanh niên Hồng thập tự,
Thiếu nhi thánh thể, Gia đình Phật tử…
Có thể kể ra những bài ca tiêu biểu có tác động lớn đối với lớp trẻ bấy giờ,
ngoài những ca khúc của Nguyễn Đức Quang, người sáng lập phong trào: Việt Nam,
Việt Nam của Phạm Duy; Đêm hồi động, Ta biết gì trên quê hương, Câu hát
tình quê, Hát gọi mặt trời lên, Lãng du ca của Trần Quang Lộc; Anh sẽ
về (thơ Khê Kinh Kha) của Nguyễn Hữu Nghĩa;
Đến với quê hương tôi, Những bước chân đi tới, Tình ca quê hương, Mãi mãi bên
nhau của Bùi Công Thuấn; Nước Việt Nam, Ta hát vang của Ngô Mạnh Thu;
Chiều trên quê hương, Tuổi trẻ chúng tôi của Giang Châu; Hòa bình ơi! Hòa bình
ơi! của Trầm Tử Thiêng; Đứa học trò trở về, Lặng
im, Nằm vắt tay lên trán, Gọi tên đất Mẹ, Quê hương tôi của Nguyễn Quyết Thắng,
v.v...
Trước năm 1975, phong trào Du ca có tác dụng
sâu mạnh đối với giới trẻ qua các đoàn,
toán ca như: Du ca Con Sáo Huế, Áo Nâu, Lòng Mẹ, Trùng Dương, Vàm Cỏ Tây, Vàm
Cỏ Đông, Hồ Gươm, Sông Hậu, Vượt Sóng, Giao Chỉ, Đà Nẵng, Kiên Giang, Sông
Phố, Mùa Xuân, Đồng Vọng, Phù Sa, Ca đoàn Trùng Dương, Trung Ương, Đuốc Việt,
Tình Người, v.v... Họ trình diễn ở khắp nơi ở miền Nam khi đó, trong trường
học, ngoài sân cỏ, trên sân khấu, trong các đoàn thể bạn… Khởi động phong trào
hát cộng đồng, hát chung khắp mọi nơi, sau này được lan truyền sang nhiều địa
hạt và nhiều giới khác, kể cả tôn giáo.
Du ca cũng đã phát hành một số tuyển tập nhạc
như: “Tuyển tập Du ca 1, 2 và 3”, “Những bài ca khai phá”, “Ta đi trên
dòng lịch sử”, “Những điều trông thấy”, “Hát từ tim - hát bằng hơi thở”, “Những
khuôn mặt Du ca”, “Hát cho những người sống sót”, “Anh hùng ca”, “Sinh hoạt
ca”… Đặc biệt, hai tập ca khúc của người đứng đầu phong trào, NS Nguyễn Đức
Quang để lại dấu ấn không phai mờ trong nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam từ đó
đến nay. Tập “Trầm Ca” gồm 10 ca khúc cho thanh niên và thời cuộc, những thao
thức lớn nhất về con người, đất nước có các bài hát tiêu biểu: Nỗi buồn nhược
tiểu, Người anh Vĩnh Bình, Tiếng hát tự do, Chiều qua Tuy Hòa, Việt Nam quê
hương ngạo nghễ… Tập “Những bài ca khai phá” gồm trên 40 ca khúc sinh hoạt đặc
biệt cho đoàn thể, sinh viên, học sinh dùng trong các buổi họp mặt công tác xã
hội, các hoạt động đám đông, là tiếng kêu gọi tuổi trẻ đến với nhau cùng vun
đắp niềm tin và xây dựng quê hương, đất nước: Không phải là lúc, Về với mẹ
cha, Dưới ánh mặt trời, Chuyện quê ta, Hy vọng đã vươn lên, Xin chọn nơi này làm
quê hương (thơ Nguyễn Ngọc Thạch),…
-----------
(Trích trong “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN
NHẠC VIỆT NAM ”
-
nghiên cứu, phê bình - Lê Thiên
Minh Khoa, xuất bản năm 2018).
*
Mời thư giãn với nhạc phẩm THÀNH PHỐ BUỒN
của Lam Phương, qua tiếng hát Chế Linh:
*.
LÊ THIÊN MINH KHOA
Địa chỉ: 117, Cách Mạng Tháng 8, phường Long Hương,
thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu.
Email:
lethienminhkhoabr@gmail.com
Điện thoại: 0908.274.494
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 26.12.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét