MỜI ĐỌC:

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

CHỢ 3 TƯ - Tùy bút Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

(Nguồn ảnh: tác giả cung cấp)

CHỢ 3 TƯ
*
(Tác giả Nguyễn Bàng)
Chưa nhạt nắng chiều, ông hàng xóm đã bấm chuông gọi đi dạo mát cho vơi nỗi tù túng của cả hai người suốt ngày trong căn nhà ống chật hẹp.
Ra đến chân cầu Him Lam, cả hai định vào khu vui chơi giải trí của khu dân cư để đi bộ quanh cái hồ sinh thái thì thấy tấp nập người kéo nhau vào một khu lều bạt mới dựng với 3 chữ nổi bật: Chợ 3 Tư. Vậy là Khu vui chơi giải trí đã cho thuê mặt bằng để mở chợ cuối tuần. Bên dưới 3 chữ Chợ 3 Tư là một mảng sân xi măng đã được giả làm vườn đào với hơn chục cây hoa bằng giấy dày đặc những cánh hoa hồng thắm như má các cô thiếu nữ tạo cho ta một cảm giác ảo không khí Tết đang tràn về cùng với chợ 3 Tư.  Ồ, mà sao lại gọi là chợ 3 Tư nhỉ? Tôi thầm thắc mắc trong lòng như thế nên hỏi ông hàng xóm:
- Này ông, chợ 3 Tư là chợ gì ông nhỉ?
Muốn biết nó là chợ gì thì vào trong khắc biết. Hôm nay ta dạo chợ chơi thay vì đi bộ nhé!
Thế là hai ông già rủ nhau bước qua mảnh sân trồng hoa đào giấy, chen chân cùng mọi người dạo khắp các gian hàng trong chợ.
Sau chừng hơn một tiếng đồng hồ, cả hai mái đầu bạc đều đã ướt mồ hôi, bèn đưa nhau ra khỏi dãy nhà bạt, tìm một chiếc ghế đá bên gốc cây vỉa hè ngồi nghỉ. Ông bạn hàng xóm hỏi:
- Thế nào, ông đã biết chợ 3 Tư là chợ gì rồi chứ?
- Thì cũng như ông đã thấy! Có cả hơn trăm gian  gian hàng trong khu chợ chính mà mặt hàng bày bán chủ yếu là quần áo và phụ kiện cùng mỹ phẩm rồi các vật trang trí trong nhà mà họ ghi là home décor,… tất cả đều đồng loạt ghi là Sale SẬP GIÁ UP TO 50%++. Khách mua, đa phần là nam nữ thanh niên, chen vai thích cánh nhau thật sôi động. Nhưng tôi có cảm giác khu quần áo, phụ kiện này không có nhiều lựa chọn cho khách vì các mặt hàng khá giống nhau và đây là lúc những người bán xả hàng cuối năm.
Khu chợ thứ hai đông vui hơn là khu ăn uống gồm rất nhiều gian hàng nhỏ, không gian rộng hơn hẳn khu hàng chính. Ở đây có đầy đủ các món ăn luôn từ Thổ Nhĩ Kì, Malays, Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam ... Có nhiều người phải đứng ăn vì thực khách rất đông mà lại không có nhiều bàn ghế. Chắc chúng ta muốn ăn cũng phải đứng mà ăn thôi, ông ạ! Lúc khách ăn xong cũng không thấy ai lau dọn gì cả, chỉ khi có khách mới vào ngồi, nhà hàng mới dọn nên khoản vệ sinh trông nhôm nhoam lắm. 
Lại thấy các biến báo chương trình buổi tối tại phiên chợ với các gameshow,  bói bài Tarrot miễn phí theo khung giờ, biểu diễn nghệ thuật đường phố với các ca khúc sôi động rồi các dịch vụ hot và các trò giải trí đa dạng. Chắc hẳn chợ 3 Tư về tối sẽ sôi động vui tươi  gấp bội ban ngày?
- Đúng thế nhưng xem ra chợ tối không phải là dành cho người già chúng mình vì ta sẽ không thể chen vào được đâu. Vì vậy, biết chợ 3 Tư như hôm nay là đủ rồi, ông ạ!
- Vâng! Nhưng tôi vẫn còn thắc mắc về cái tên Chợ 3 Tư. Nếu ông biết thì xin ông giải thích cho tôi được biết?
Nghe tôi hỏi, ông hàng xóm không trả lời mà hỏi lại:
- Ban nãy vào chợ, ông có để ý tới một gian hàng ghi là “Tiệm 40 tên cướp” không?
- Tôi có thấy tên gian hàng đó nhưng không thấy họ bày bán hàng gì?
- Họ không bán hàng mà chỉ tặng cho khách hàng 1 đồng tiền vàng, tất nhiên là tiền vàng giả khi khách hàng có phiếu ghi đã mua một mức tiền theo quy định. Khách hàng sẽ đem đồng tiền vàng đó đến ban tổ chức để  đổi quà tặng Cũng là một hình thức khuyến mãi mà thôi. Nhưng cái tên Chợ 3 Tư có thể suy ra từ cái tên “Tiệm 40 tên cướp” đó.
Nghe nói thế, đầu óc tôi đã có phần ngộ ra đôi chút. Tôi vội nói:
- Là 40 tên cướp trong truyện Ali Baba và bốn mươi tên cướp, một trong những truyện đặc sắc nhất trong bộ truyện Nghìn lẻ một đêm của người Ba Tư, một tập truyện dân gian đồ sộ của nhân dân Ả Rập, có nguồn gốc lâu đời và được lưu truyền rộng rãi khắp Trung Đông và Thế giới. Tôi đã say mê đêm ngày đọc bộ truyện này từ hồi học Tiểu học. Riêng truyện Ali Baba và bốn mươi tên cướp thì không nhớ mình đã đọc đi đọc lại bao nhiêu lần.
- Thì tôi cũng say mê Nghìn lẻ một đêm chả kém gì ông. Ba Tư. Iran là một đất nước có di sản văn minh lâu đời, lưu giữ trong lòng mình kho tàng văn hóa kỳ vĩ và vô giá, thuộc trong số những xứ sở phong phú nhất trên Thế giới. Nơi đây cũng chính là quê hương của Lễ Tết cổ truyền có từ hơn 3000 năm nay và cũng là đất nước của những phiên chợ Ba Tư huyền thoại đã đi vào không ít áng văn chương, âm nhạc và hội họa.Thế ông đã bao giờ nghe bản nhạc Phiên chợ Ba Tư chưa?
Tôi ngớ người ra khi thấy ông hàng xóm bỗng hỏi như thế và tôi thành thật đáp: 
- Tôi có nghe tên bản nhạc đó nhưng thú thật chưa một lần được nghe nó.
- Cũng phải thôi vì chúng ta đã phải sống mấy chục năm thời bao cấp đầy thiếu thốn, chỉ được nghe ca nhạc trên đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền vào những chiếc loa phát thanh công cộng ở đường phố, vườn hoa hay những hộp loa nhỏ lắp đặt trên tường nhà mình, toàn các bài hát gọi là nhạc đỏ hay nhạc cách mạng thường để cổ vũ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, phục vụ kháng chiến chống Mỹ, truyền đạt những chính sách của nhà nước, khuyến khích tình yêu lý tưởng cộng sản, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, tình yêu quê hương đất nước hoặc cổ vũ lao động, xây dựng, tinh thần lạc quan, yêu đời, cống hiến cho tập thể…Trong hoàn cảnh ấy, làm sao mà được nghe Phiên chợ Ba Tư? 
Nói thế để thấy tôi có may mắn hơn ông là từ những năm trước khi nước nhà thống nhất, tôi đã nhiều lần được nghe bản nhạc Phiên chợ Ba Tư do chồng một cô bạn đồng nghiệp của tôi đi du học Liên Xô đem về.
- Bản nhạc đó hẳn là hay lắm?
- Không chỉ hay lắm mà là một kiệt tác thế giới.
- Vậy nội dung của nó thế nào hả ông?
- Nó mô tả lại những chuyện kể kỳ diệu của nàng Sê-hê-ra-dát (Scheherazade) trong ‘Nghìn lẻ một đêm’ mà chúng ta đã đọc. Bằng những âm thanh và các giai điệu nhạc tuyệt vời, bản nhạc miêu tả chi tiết một phiên chợ Ba Tư cổ vô cùng sống động. Khởi đầu là cảnh những người đánh lạc đà đang tới chợ rồi cảnh những kẻ ăn mày đang cầu xin bố thí. Tiếp đến là sự xuất hiện bất ngờ của nàng công chúa xinh đẹp khiến tất cả chợ đột ngột lắng xuống sững sờ…và rồi cảnh những người làm trò tung hứng, những người làm trò dụ rắn trong chợ. Khi Đức vua Hồi giáo đi qua chợ, những kẻ ăn mày lại lên tiếng cầu xin. Rồi những người đánh lạc đà tiếp tục lên đường, tiếng xe đi xa dần, xa dần…cho đến lúc tan chợ, không gian trở nên vắng vẻ, hoang vu trong tiếng nhạc êm buồn liu riu. Rồi, bỗng dưng nghe tiếng “xầm” cuối cùng, đó là tiếng cổng chợ đóng lại. 
- Ông nghe nhạc mà thấy được mọi cảnh của phiên chợ Ba Tư. Sức hình dung của ông thật là tuyệt vời - Tôi thành thật khen nhưng ông hàng xóm lại khiêm tốn nói:
- Tuyệt vời cái gì! Lần đầu được nghe đĩa nhạc Phiên chợ Ba Tư, tôi thấy rất hay nhưng chưa hình dung hết những cảnh sôi động của phiên chợ. Sau đó được chồng cô bạn vừa cho nghe lại vừa thuyết minh giảng giải, tôi mới cảm nhận và hình dung ra các cảnh đó. Từ đó càng nghe lại càng thấy sự mô tả của bản nhạc thật là kỳ diệu. Nhân vật trung tâm của phiên chợ là nàng công chúa xinh đẹp vì thế càng lắng nghe bản nhạc “Phiên chợ Ba Tư”, ta có thể “nhìn được” và “cảm nhận được” mình đang đứng trước một bức vẽ một nàng công chúa xứ Ba Tư thế giới cổ tích huyền diệu. Khi nàng công chúa đột nhiên xuất hiện, các nốt nhạc đột nhiên dịu xuống đến nao lòng như báo hiệu sự xuất hiện của một ngôi sao sáng rồi nền nhạc chuyển sang giai điệu nhịp nhàng, uyển chuyển miêu tả bước đi của công chúa khiến mọi âm thanh trong chợ đang ào ạ như tiếng dòng nước chảy bỗng ngừng lại dường như bị mê hoặc bởi sắc đẹp mê hồn của công chúa rồi mọi thứ của buổi họp chợ như bừng tỉnh trong niềm vui hân hoan được đón nàng.
Tôi nghĩ, những nhà tổ chức ra chợ 3 Tư hôm nay đã lấy nguồn cảm hứng từ bản nhạc Phiên chợ Ba Tư để  đặt tên cho chợ nhưng họ không viết là Chợ Ba Tư mà cách điệu chữ Ba thành con số 3 còn chữ Tư vẫn để nguyên để đánh vào sự tò mò của người qua lại khi nhìn thấy tên chợ.
- Họ thật lãng mạn và giàu sáng tạo - Tôi phụ hoạ thêm lời ông hàng xóm nhưng ông lại bảo:
- Ông khen họ thế cũng đúng. Nhưng tôi có cảm giác cái tên ấy không ăn nhập gì với sự hoạt động của chợ mà chỉ là một sự sính ngoại thôi. Đã là chợ Ba Tư thì phải có không khí cổ tích diệu kỳ. Ở chợ 3 Tư này chỉ thấy các gian hàng giúp khách hàng có thể mua được ít bộ quần áo hạ giá và tìm được mấy món nho nhỏ mà dễ thương bông tai, vòng tay hay các vật trang trí trong nhà hoặc mấy thứ mỹ phẩm…Chợ lại nhiều hàng ăn hơn là các gian hàng bán sản phẩm nên nó không đơn thuần là nơi mua sắm mà xem ra là một điểm hẹn vui chơi cuối tuần cho một bộ phận giới trẻ. Nó đúng là một sân chơi luôn rồi. Giới trẻ đến không chỉ mua sắm mà còn ăn uống, ngồi nói chuyện với bạn bè, tụ tập chụp hình, check-in… Mấy đứa cháu tôi bảo, nhiều người cứ tới chợ rồi ở từ sáng tới chiều chơi chứ cũng không nhất thiết mua gì. Họ bảo, đi để có những khoảnh khắc cười thả ga bên bạn bè.
Chúng còn khoe chúng đã đi chơi khoảng hơn chục chợ cuối tuần như kiểu chơ 3 Tư này . Chúng kể cho tôi nghe toàn các chợ tên Tây như: Saigon Urban Flea Market, Hello Weekend Market, Saigon Holiday Market, BUS Station Market, The Box Market, 1Spot, The New District, Chợ SALE,  Chợ 2Days Sale Chợ Sale4Share…Toàn những cái tên tôi nghe mà chả biết phát âm lại như thế nào cho đúng. Thế này thì người lao động và đặc biệt bà con ở các miền quê lên thành phố chơi, có nhìn thấy chợ cũng chẳng biết là cái chợ gì. Đúng là bệnh sính dùng tiếng nước ngoài.
- Nghe những cái tên Tây ấy rối rắm quá - Tôi tỏ ý  tán thành rồi nói thêm: Tôi rất thích đi chơi chợ, ngày bé được theo bà hay mẹ đi chợ thì vui như đi hội; khi có vợ, những ngày nghỉ đi chợ cùng vợ, xem người ta mua bán rồi xách làn đựng đồ cho vợ, tôi thấy hạnh phúc lắm. Hôm nay cùng ông dạo chợ 3 Tư, chỉ nhìn thiên hạ mua bán, vui chơi ăn uống. tôi cũng rất thích mắt. Nhưng giá như cái tên chợ được gọi cho đơn giản mà dễ hiểu thì hay biết mấy. Chẳng hạn ở vùng quê tôi ngày xưa, chợ làng nào thì gọi theo tên làng ấy: Chợ Noi là của người kẻ Noi, chợ Giá là chợ của làng Giá…Tên chợ gắn liền với tên làng như thể làng sinh ra chợ và nhắc đến chợ người ta nghĩ ngay đến làng. Vì thế, theo tôi, chợ 3 Tư này là chợ cuối tuần tổ chức ở khu dân cư Him Lam, quận 7 thì gọi là Chợ cuối tuần Him Lam hay Chợ cuối tuần quận 7 nghe cho dễ hiểu.
Ông hàng xóm khẽ mỉm cười châm biếm:
- Gọi theo các cụ ngày xưa thì An nam mít quá lấy đâu chỗ để khoe rằng ta đây biết tiếng Tây. Riêng cái chợ 3 Tư giờ gọi theo ý ông thì còn đâu là lãng mạn và sáng tạo về chữ nghĩa nữa?!
Nói xong ông kéo tay tôi đứng dậy mà rằng:
- Thôi, để khỏi nhàn đàm mệt óc, nhân tiện vừa đi chợ 3 Tư, tôi mời ông về nhà tôi cùng nhau nghe kiệt tác âm  nhạc Phiên chợ Ba Tư lấy xuống từ trang mạng để cùng nhau được sống đúng với một phiên chợ Ba Tư Tư cổ xưa vô cùng sống động và đặc biệt là sẽ nhìn được một nàng công chúa Ba Tư diễm huyền xinh đẹp qua những âm thanh và các giai điệu nhạc tuyệt vời.

  
Mời thư giãn với nhạc phẩm không lời: PHIÊN CHỢ BA TƯ
           
*
Sài Gòn, 14/ 01/ 2019
NGUYỄN BÀNG                                                
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.

.

.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 14.01.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét