MỜI ĐỌC:

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

ĐỌC “UỐNG RƯỢU GẠO NHỚ TRƯƠNG PHI” - THƠ THẾ LỘC - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng)

(Nhà thơ Thế Lộc ngoài cùng bìa phải)
ĐỌCUỐNG RƯỢU GẠO
NHỚ TRƯƠNG PHI”  - THƠ THẾ LỘC
*
UỐNG RƯỢU GẠO NHỚ TRƯƠNG PHI

Vác xà mâu đứng giữa cầu
Hét to một tiếng mắt râu trợn trừng
Mấy mươi năm ông lẩy lừng
Chỉ trong gan tấc ông thành thiên thu
Tôi từ binh lửa mịt mù
Cũng  giống ông chỉ ở tù mấy năm
Còn ông thì đã yên nằm
Cỏ xanh mộ chí trăm năm vĩnh hằng
Tôi với ông chưa hề quen
Nhưng khi uống rượu không ngăn nỗi lòng
Cuộc cờ hưng phế, suy vong
Kiếm cung bỏ dở tấm lòng mang theo
Tử như ông, thân nhẹ hều
Sống như tôi, thân tựa bèo trôi sông
Nhìn trời chớp bể mưa đông
Chạnh thương cho mẹ chữ tòng theo cha.
*.
THẾ LỘC
(Tác giả Châu Thạch)
LỜI BÌNH:
Đa số người Việt ta, dầu có chữ hay không có chữ, chẳng mấy ai không biết Trương Phi. Bởi Trương phi là một trong những danh tướng nhà Thục Hán thời Tam Quốc bên Tàu, được truyền tụng và được yêu mến, có ảnh hưởng sâu đậm trong dân gian. Trong tiêu thuyết Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa của La Quán Trung, nhân vật Trương Phi cùng Lưu Bị và Quan Vũ kết nghĩa huynh đệ, bái trời đất tại vườn đào. Trương Phi là em út trong ba người.
Đọc bài thơ “Uống Rượu Gạo Nhớ Trương Phi” của Thế Lộc không ai không biết nhà thơ mượn nhân vật Trương phi để gởi tâm sự của mình vào đó. Cái chữ “rượu gạo” cũng đã mang một hàm ý sâu xa rồi.
Ngày xưa Trương Phi uống rượu gì ta không biết, thế nhưng cũng dễ đoán được. Vì một người uống rượu như lưu linh, lại là một võ tướng ngoài sa trường thì không có mỹ tửu đâu đủ để uống cho say túy lúy, trừ ra là rượu gạo. “Rượu gạo” cũng mang tính dân tộc. Những anh hùng trong lịch sử nước ta, như Quang Trung chẳng hạn, cũng xuất thân từ giai cấp nông dân, mặc áo vãi, uống rượu gạo mà phất ngọn cờ đào làm nên lich sử vẽ vang cho đất nước. Ngày nay, Thế Lộc dùng hai chữ “rượu gạo” trong thơ, một phần tỏ cái hào khí của mình cũng giống như người xưa vậy, một phần tỏ cái thân phận thường dân của mình trong cuộc sống thời nay, là cái thời mà bậc quyền thế, giới giàu sang chỉ uống toàn rượu ngoại đắt tiền.
Vào đề nhà thơ đã dựng lại một bức tranh thật hào hùng của người mãnh tướng năm xưa:
Vác xà mâu đứng giữa cầu
Hét to một tiếng mắt râu trợn trừng
Truyện xưa viết rằng: Trương Phi là người khẳng khái, bộc trực, rất nóng nảy. Trương Phi có võ nghệ siêu phàm, vô cùng dũng cảm. Trương Phi xử dụng vũ khí là một cây bát xà mâu dài 1, 8 trượng, cưởi tuấn mã màu đen chân trắng. Ông thật sự là nỗi khiếp đảm của quân thù. Một lần, trên cầu Trường Bản, Trương phi đã quát mấy tiếng khiến Tào Tháo hoảng sợ mà lui binh. Khi ấy Trương Phi chỉ có vài mươi kỵ sĩ, còn Tào Tháo thì có trăm vạn hùng binh. Trong trận ấy Hạ Hầu Kiệt, một viên quan hầu Tào Tháo phải vỡ mật, chết đi vì hoảng sợ khi nghe tiếng hét của Trương Phi.
Nhà thơ Thế Lộc nhắc lại chuyện nầy để làm gì? Tác giả muốn dựng lại hình ảnh của chính mình đã có một thời như thế. Tất nhiên, để anh hùng như Trương Phi thì ngàn năm mới có một người. Thế nhưng, bất cứ người lính chiến nào, ở trong thời đại nào,  ở trong quân ngũ nào, nếu không là kẻ khiếp nhược thì cái tinh thân Trương Phi vẫn có luôn trong dòng máu nóng. Thế Lộc dựng hình ảnh Trương Phi đứng trên cầu Trương Bản năm xưa để tưởng nhớ lại chính mình, còn tưởng nhớ đến một lớp người đã khoác áo chiến binh, mang một bầu máu nóng, thẳng thắng, bộc trực, gan dạ và oai hùng trong thời binh lửa.
Thế rồi tiếp bốn câu thơ sau, Thế Lộc đem mình ra so sánh với Trương Phi:
Mấy mươi năm ông lẩy lừng
Chỉ trong gan tấc ông thành thiên thu
Tôi từ binh lửa mịt mù
Cũng  giống ông chỉ ở tù mấy năm
Như trên đã nói, Trương Phi là người rất nóng nảy. Cũng bởi tính nóng nảy đó, ông đã chuốc họa vào thân. Do nôn nóng việc báo thù cho Quan Vũ, người anh kết nghĩa vườn đào của Trương Phi bị Đông Ngô hại chết mà ông đánh đập quân sĩ, làm cho khiếp đảm những người dưới trướng. Một đêm, uống rượu ngủ say, Trương Phi bị  Trương Đạt và Phạm Cương, vì lo sợ Trương Phi sẽ chém đầu bởi không làm tròn phận sự mà Trương Phi giao phó, đã âm thầm sát hại, dùng dao đâm ông chết. Cái chết của Trương Phi thật là bi đát, bởi không chết trên sa trường, không da ngựa bọc thây, là điều hảnh diện của võ tướng, của mọi người chiến binh gan dạ.
Khi nhà thơ Thế Lộc nói “Cũng như ông” tức là tác giả tự cho mình tuy không chết, tuy chỉ ở tù mấy năm nhưng nỗi đau có khi, còn nhiều hơn Trương Phi thuở xưa nữa, vì không chết trên sa trường, không poncho bọc thây, không thỏa lòng chỉ vì xuôi tay theo định mệnh an bài. Thật thế, làm thân trai mang bầu máu nóng, kẻ ra đi vì lý tưởng non sông, người ra đi vì lý tưởng của riêng mình, chẳng một ai muốn mình buông vũ khi để vào tù. Thà chết quách như Trương Phi, không chịu khổ lụy tiếp theo, để “huy hoàng rồi vụt tắt / Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Thế Lộc đã nhấn mạnh điều đó trong hai câu thơ sau, hai câu thơ tuy không nói rõ, nhưng như có một chút gì ganh tỵ với Trương Phi,  như cho rằng Trương Phi đã thỏa lòng vì đã ngàn năm yên giấc:
Còn ông thì đã yên nằm
Cỏ xanh mộ chí trăm năm vĩnh hằng
Thế rồi khi rượu đã say, nhà thơ không nói mình rơi lệ, nhưng ta biết lòng nhà thơ rơi lệ:
Tôi với ông chưa hề quen
Nhưng khi uống rượu không ngăn nỗi lòng
Cuộc cờ hưng phế, suy vong
Kiếm cung bỏ dở tấm lòng mang theo
Cuộc cờ thì có hưng có phế có suy vong là lẽ thường tình, nhưng thương cho người “kiếm cung bỏ dở” phải chịu bao điều đắng cay.
Từ sự cảm kích một danh tướng thưở xa xưa, nhà thơ đã chạnh lòng khi nhớ đến mình cũng đã từng mang ít hay nhiều hào khí như hào khí của Trương Phi. Bốn câu thơ cho ta tưởng tượng một cuộc đổi dời như nương dâu hóa biển và biết bao thân phận như bọt bèo trôi theo dòng lũ. Bốn câu thơ cũng gợi cho ta những tâm sự buồn thê thiết khi ai đó phải nhìn tận vào lòng mình để thấy “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.
Thế rồi bằng một sự so sánh, Thế Lộc đã đánh giá sự chết của Trương Phi và sự sống của mình rất khác nhau:
Tử như ông, thân nhẹ hều
Sống như tôi, thân tựa bèo trôi sông
Vâng đúng thế, chết đi thì “nhẹ  hều” còn sống thì phải mang nặng bao điều của cuộc sống. Điều đó là sự thật, và là sự thật đau lòng cho hàng triệu chiến binh đã buông tay súng vì bất đắc dĩ trước đây. Không cần phải kể lể, không càn phải thống kê, ai cũng biết rằng những người chiến binh đó khó mà vươn lên giữa đời như một thân cây  tươi tốt vì được bón hoa màu. Họ dầu ở đâu, thân cũng chỉ như “cánh bèo trôi” trên dòng sông đầy gềnh đầy thác!
Cuối cùng nhà thơ tỉnh người trong cơn say rượu gạo. Tỉnh người để thấy bão bùng nổi lên bốn phương, để nhớ người mẹ thân yêu mà mình hằng xa cách:
Nhìn trời chớp bể mưa đông
Chạnh thương cho mẹ chữ tòng theo cha.
 “Lòng mẹ bao la như biển thái bình”. Đối với tác giả, cha là cuôc sống hiện tại, mẹ là của cái thời thanh xuân, còn trai trẻ. Mấy ai mà quên được thời trai trẻ của mình, nhất là cái thời ấy, anh ta được vẩy vùng như hình ảnh của danh tướng Trương Phi. Hai câu thơ cuối như một lời nhắn gởi thân yêu về qua khứ, cũng như một lời từ biệt quá khứ không hẹn ngày tái ngộ.
Ngày mẹ lấy chồng. phải từ bỏ một thời con gái, lìa bỏ cha mẹ anh em để tòng phu. Sự phân cách đó, không chỉ buồn một lúc cho người ra đi, mà ngược lại nó tồn tại hòai trong ký ức mỗi khi tưởng lại giây phút chia lìa. Thế Lộc dùng hình ảnh người mẹ ra đi, như một ẩn dụ để gián tiếp bày tỏ nỗi niềm sâu kín trong tận con tim. Tiếng kêu ấy như dòng nước mắt nuốt vào, hóa thành nỗi đau tinh thần, trở thành nan y trong suốt cả cuộc đời còn lại.
 “Uống Rượu Gạo Nhớ Trương Phi” là một bài thơ bi hùng. Đọc bài thơ đó ta thấy hùng khí hiển hiện trong thơ, qua hình ảnh Trương Phi. Cũng qua hình ảnh Trương Phi tác giả phát họa được hình ảnh của chính mình một thời trai trẻ. Bài thơ có sự than thở tưởng như bi nhưng sự bi đó cũng nằm trong sự hào hùng, kể cả khi “kiếm cung bỏ dở” trong cuộc “hưng phế, suy vong”.
Đọc thơ, dầu người lớn tuổi đã trải qua chinh chiến hay người nhỏ tuổi ở thế hệ hòa bình, vẫn thấy cái tinh thần quật cường trong tâm hồn người chiến sĩ, dẫu họ thành hay bại trong cuộc cờ thế sự. Tuy họ sống âm thâm, nỗi lòng của họ mang theo cùng sự lãng mạn với chất Người hảo hán mà cha ông họ, thời đại họ đã giáo dục họ không bao giờ thay đổi ./.

 
Mời thư giãn với nhạc phẩm TÚY CA
của Châu Kỳ, qua tiếng hát Đan Nguyên:
             
*.
CHÂU THẠCH 
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
.



…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.12.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét