PHONG TỤC
ĐÓN TẾT CỦA
NGƯỜI VIỆT NAM
*
(Tác giả Vũ Quế Lâm) |
Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi sắp
về với mọi nhà. Là ngày hội lớn nhất trong năm, ai ai cũng đều được nghỉ ngơi
sau 360 ngày làm việc lo cơm áo gạo tiền. Đây là một phong tục của người Á
Đông, những nước khi xưa chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn hóa tín ngưỡng Trung
Hoa, mà nước ta là một trong số các nước đó.
Vì thế những ngày trước
trong và sau Tết Nguyên Đán, luôn là những ngày mà mọi người thường đi theo tục
lệ truyền thống dân gian đã có hơn từ ngàn năm nay, trong tục lệ còn có tín
ngưỡng và tâm linh. Nhân ngày Tết Nguyên Đán Đinh Dậu sắp đến, chúng tôi xin có
bài viết về phong tục ngày tết:
LỊCH SỬ NGÀY TẾT NGUYÊN
ĐÁN
Tết là một ngày bắt đầu
một năm mới, một tháng mới tính theo Âm lịch. Trong truyền thuyết, vào thời kỳ
Ngũ Đế, vua của nước Trung Hoa này có tên Chuyên Húc, ông gọi tháng giêng là
Nguyên, ngày mùng một là Đán. Còn sách Nhĩ Nhã: Nguyên có nghĩa bắt đầu,
Đán là sớm.
Vào đời nhà Thương (thế
kỷ thứ 5 Tr.CN - Trước công nguyên) lấy tháng Sửu (tháng 12, tháng chạp),
còn đời Chu (thế kỷ thứ 4 Tr.CN) lấy tháng Tý (tháng 11), còn đời Tần (thế
kỷ thứ 3 Tr.CN) lấy tháng Hợi (tháng 10).
Đến đời Hán Vũ Đế (tứ năm
136 Tr.CNđến 25 sau CN) căn cứ vào thiên văn và sự tuần hoàn của vũ trụ
qua bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, ông thấy mùa xuân hoa nở xanh tươi thời tiết đang
giá rét chuyển qua ấm áp nên lấy ngày đầu tháng Dần (tháng 1 - tháng giêng) làm
ngày đầu năm mới, và cho tổ chức hội hè đón xuân.
Tết nguyên Đán có nguồn
gốc là vậy.
Nước Việt Nam chúng ta có
cả ngàn năm bị giặc phương Bắc đô hộ, nên phong tục ấy đã được người dân chấp
nhận từ hàng ngàn năm qua, và cứ qua mỗi đầu năm mới, trong nét văn hóa đó có
những thay đổi cho phù hợp với nhân văn tại mỗi miền. Nhưng những nét chính đón
mừng năm mới không thể bỏ những tục lệ sau đây:
TỤC CÚNG ÔNG TÁO
Ngày 23 tháng Chạp hàng
năm (trước tết Nguyên Đán) là ngày ông Táo lên trời để trình với Ngọc Hoàng
Thượng Đế mọi việc hung kiết trong một gia đình năm qua. Theo quan niệm của
người Việt, ngày này là ngày bộ ba Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ vắng mặt ở trần
gian nên công việc lúc này tạm ngừng.
Mọi người lo việc đón
Tết. Hệ thống triều đình, làng xã, các dấu triện sẽ không xác nhận giấy tờ, văn
bản gì nữa. Nho sinh làm lễ tạ trường, thợ săn làm lễ đóng cửa rừng v.v… Nhà
nào cũng mua cá chép làm ngựa cho ông Táo về trời. Ngày hôm đó, gia đình nào
cũng làm mâm cơm cúng thật thịnh soạn, khấn trước bàn thờ, kể rõ mọi việc trong
năm và mong muốn trong năm mới mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió.
Tục cúng ông Công, ông
Táo liên quan tới câu chuyện về một sự tích. Chuyện kể rằng vợ chồng Trọng Cao,
Thị Nhi không có con, buồn phiền thường cãi nhau. Một lần vì cáu giận, Trọng
Cao đánh vợ, Thị Nhi tức giận bỏ đi. Thị Nhi gặp Phạm Lang và họ thành vợ thành
chồng. Mãi thấy vợ không trở về, Trọng Cao hối hận bỏ nhà đi tìm vợ. Hết
tiền ăn đường, Trọng Cao phải đi xin ăn. Một ngày kia, Trọng Cao vào đúng nhà
Thị Nhi xin ăn. Thị Nhi nhận ra chồng cũ liền hậu đãi.
Đúng lúc ấy Phạm Lang về.
Sợ chồng hiểu lầm Thị Nhi liền dấu Trọng Cao vào đống rơm. Phạm Lang vô tình
đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao chết cháy. Thương người
chồng cũ, Thị Nhi nhảy vào đám lửa chết theo, Phạm Lang thấy vậy, nhảy vào cứu
cũng bị chết cháy. Ngọc Hoàng cảm kích, cho ba người làm Táo quân.
Bởi vậy sau này, trong lễ
cúng ông Táo bao giờ cũng có một mũ đàn bà màu vàng để giữa hai mũ đàn ông màu
đen để hai bên, tượng trưng cho hai ông một bà. Cũng có nơi chỉ đặt một mũ nam
và một đôi hia. Mũ đặt trên chiếc kệ bên dưới mỗi mũ để 100 vàng thoi.
Trong thực tế, mũ áo này thay đổi theo màu sắc của ngũ hành.
Năm hành là: kim mũ màu
vàng – mộc mũ màu trắng – thủy mũ màu xanh – hỏa mũ màu đỏ và thổ mũ màu
đen (Năm hành được tính theo Lục Thập Hoa Giáp, thí dụ như năm Đinh Dậu có hành
là Hỏa – Sơn Hạ Hỏa)
Bài vị ở bàn thờ Thổ Công
thuờng ghi như sau :
“Đông trù tư mệnh, Táo
phủ thần quân, Thổ Địa long mạch tôn thần, Ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính
thần”
Khi sửa lễ cúng ông Công,
ông Táo người ta đều đốt bài vị cũ, thay bài vị mới. Sau khi lễ xong thì hóa
vàng, hóa luôn cả mâm mũ năm truớc và thả một con cá chép còn sống xuống ao, cá
sẽ hóa rồng để đưa ông Táo cưỡi lên chầu trời.
TỤC “GỬI TẾT” VÀ “BIẾU
TẾT”
Theo tục của người Việt,
con cái trong gia đình đã lớn, ra ở riêng hết, tết đến phải quy tụ về nhà tổ
đường (nơi thờ tự chính, đấng Cửu huyền thất tổ như ông bà, cha me…) nếu cha mẹ
còn sống, còn cha mẹ đã chết, người con cả (con trai trưởng) sẽ đại diện
gia đình để cùng nhau làm mâm cơm cúng bái tổ tiên (nếu người cha mẹ hay người
con trưởng đại diện cho cả một chi tộc thì lễ tại tổ đường sẽ đông đảo hơn một
gia đình).
Bởi vậy, các con thứ hoặc
ngành thứ, vào dịp tết có tục phải gửi lễ hoặc gửi góp giỗ đến nhà anh con cả
để cùng tưởng niệm Tổ Tiên gồm gà, hoa quả, vàng nhang. Nay mọi người thường
gửi bằng tiền, nhằm giúp gia đình anh con cả có điều kiện soạn mâm cơm cúng giỗ
tết chu đáo hơn.
Nay nhiều người hiểu sai
từ “gửi tết” bằng từ “biếu tết”, vì “gửi tết” có ý nghĩa như một nhiệm vụ phải
có của những người con gia đình nhớ đến ông bà cha mẹ đã quá vãng. Còn “biếu
tết” chỉ là sự kính trọng giữa người dưới đối với người trên, giữa những người
cùng làm ăn, những người đã, đang giúp đỡ mình hay gia đình mình, với hàng xóm
láng giềng, hay bạn hữu thân thiết. Tục “gửi tết” còn đối với những người trong
họ tộc nhưng khác chi, khác nhánh v.v.. cũng chung một gốc ông bà, gửi tết về
cúng kiến giỗ chạp tuy nhiên không có nghĩa vụ ràng buộc như người trong gia
tộc.
Tục này thường diễn ra
sau ngày rằm tháng Chạp đến hết ngày 30 hoặc 29 Tết nếu có tháng đủ tháng thiếu
trong âm lịch.
TỤC TRỒNG CÂY NÊU
Nêu là một cây tre để cả
ngọn cắm ở trong sân nhà. Trên ngọn nêu là túm lá dừa, lá lông gà, lá thiên tuế
hoặc những chiếc bánh, những con cá bằng đất nung cùng một tán tròn bằng tre,
phía dưới dán giấy đỏ. Cạnh cây nêu, vôi bột được rắc theo hình cung tên, mũi
tên hướng ra phía cổng để xua đuổi ma quỷ.
Tục này được gắn liền với
một câu chuyện kể về cuộc tranh giành đất đai giữa người và ma quỷ. Nhờ có
chiếc áo cà sa của Phật, người đã thắng. Áo cà sa được treo trên ngọn cây nêu,
áo tỏa hào quang đến đâu, quỷ phải lui tới đó. Cuối cùng ma quỷ phải chạy ra
biển Đông ở. Nhưng nuối tiếc vùng đất xưa, bọn ma quỷ vẫn muốn quay về.
Bởi vậy, để dọa ma quỷ,
người trồng cây nêu trước sân nhà vào năm mới có ý nghĩa là vậy (Nhưng nay dựng
cây nêu ngày tết chỉ còn ở những vùng quê mà thôi).
Ngoài ra, trong cuốn
“Lịch sử vương quốc Đàng ngoài” thì ở ngoài miền Bắc, người ta trồng cây
nêu bên cạnh nhà, cột nêu cao hơn nóc nhà, trên ngọn cột một cái thúng hay cái
hộp nhỏ có đục nhiều lỗ, bên trong đựng thoi vàng giấy, bạc giấy để cha mẹ đã
chết về nhận vào cuối năm có tiền ăn tết.
ĐÓN ÔNG BÀ
Vì sao có tục đón ông bà
? vì ngày 23 tháng Chạp khi đưa ông táo về trời tâu lên Ngọc Hoàng những chuyện
trong năm cũ của gia đình và nhận lời phán xét của Ngọc hoàng cho năm mới.
Ngày này ông bà cha mẹ
(người đã chết) cũng phải về chầu âm phủ để được Diêm vương phán xét việc đầu
thai hay chưa, ai được phong thần phong thánh v.v… cho nên từ 25 tháng chạp,
đến ngày cuối năm (trước khi cúng đón ông bà cha mẹ) người người đến nghĩa
trang thăm mộ gia tiên (rẩy mả) trước thăm viếng sau sửa sang lại ngôi mả cho
thật sạch sẻ để ông bà về đón tết.
Nên từ 23 tháng chạp trở
đi việc nhang khói, đánh chuông đánh trống tại các đình chùa đền miếu đều không
có, mọi sự tại các nơi này yên tĩnh.
Trong ngày 29 (hoặc 30
tết), các gia đình tổ chức mâm cơm mặn vào lúc giữa trưa, trước là đón ông
Công, ông Táo sau là đón ông bà cha mẹ về ăn tết cùng gia đình mình trong 3
ngày tết (đến khi hạ nêu thì tiễn ông bà). Tục này hiện nay rất phổ biến, không
loại trừ những người bên đạo Thiên chúa, vì đây là sự thành kính, hiếu thảo của
con cái với tổ tiên mà thôi. Trong ngày đón ông bà, tất cả mọi thành viên trong
gia đình đều tề tựu (nếu cúng tại tổ đường thì không khí đông vui, như đã vào
tết).
CÚNG GIAO THỪA
Trong cuốn “Việt Nam
phong tục” của cụ Phan Kế Bính có viết về Lễ cúng giao thừa.
– “Tục ta tin rằng mỗi
năm có một ông hành khiển coi việc trần gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công
việc cho thần kia, cho nên cúng tế đêm giao thừa là để tiễn ông cũ và đón ông
mới”. Đó là ý nghĩa của việc cúng giao thừa ngay vào lúc trừ tịch (0 giờ
ngày mới, tháng mới, năm mới), nhiều gia đình tổ chức rất long trọng, các đình
chùa, miếu mạo cũng chuẩn bị thật trang nghiêm nhằm tống cựu nghinh tân.
Khi cúng giao thừa bàn
thờ được lập giữa trời chứ không phải trong nhà. Có nơi cúng các hoa quả ngày
tết, có nơi cúng mặn. Ngày xưa, lễ vật thường gồm một đầu heo hoặc con gà, bánh
chưng xanh, bánh kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu và giấy tiền vàng bạc, đôi khi có
thêm áo mũ của vị hành khiển năm mới.
Khi đúng nữa đêm, các nơi
đánh chuông đánh trống, còn tại mỗi gia đình chủ nhà thắp 3 nén nhang (có người
dùng 3 cây nhang đại, cháy cả ngày chưa tàn) khấn vái trời đất, khấn vái ông
hành khiển mới, xin cho gia đình được một năm may mắn và những vận rủi sớm đi
qua.
Theo quan niệm dân gian
mỗi năm có một ông hành khiển, qua báo chí ta vẫn thấy vị hành khiển của
năm mới mang tên 1 trong 12 con giáp (theo đúng năm được gọi tên), người xưa
gọi là Thập nhị hành khiển vương hiệu.
Vị thần cai quản trong
năm được gọi là dương niên chi thần. Mỗi chi thần này còn có một phán quan giúp
việc (Vị thần hành khiển trong năm lo việc thi hành những mệnh lệnh trên thượng
giới, trình lên Ngọc hoàng Thượng đế những việc đang điều hành, còn vị phán quan
lo ghi chép công tội của mọi gia đình, mọi địa phương v.v..)
TỤC HÁI LỘC
Sau giao thừa, người Việt
thường có một cuộc “du xuân” để cầu may mắn. Người ta thường đến đền,
chùa để làm lễ. Khi ra về ngắt một cành hoa hoặc một nhánh cây gọi là hái lộc.
Về nhà, cành lộc thường đuợc trưng tại gian nhà chính và gìn giữ trọn một năm
mới bỏ đi. Người Việt chúng ta tin tưởng rằng việc hái lộc để lấy may. Cành lộc
thường là cành đa, cây đa lại là cây sống rất lâu. Chọn cành đa là họ mong muốn
sẽ trường thọ, nhiều tiền bạc, đông con nhiều cháu.
TỤC XÔNG ĐẤT
Vào ngày mồng một Tết, ai
là người bước chân vào đất hoặc nhà người khác đầu tiên được cho là người xông
đất. Theo quan niệm, người xông đất là người có ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh
của gia chủ trong một năm. Nếu người xông đất tốt thì mọi việc trong năm sẽ
thuận buồm xuôi gió, ngược lại, người xông đất xấu sẽ gặp rủi ro.
“Xấu” và “tốt” ở đây có
nghĩa là hợp duyên hợp vía. “Duyên” và “vía” ở đây cũng có thể là tính tình,
đạo đức tư cách của người tới xông đất; cũng có thể là người xông đất năm đó có
tuổi hợp với tuổi của gia chủ hay không.
Vì vậy người ta cố tránh
đến nhà nhau vào sáng sớm mùng một tết, còn ai được gia chủ có nhã ý mời tới
xông đất thì khi đến cũng phải rất thận trọng. Trước hết, trước khi bước vào
đất của gia chủ, người xông đất phải cười vui vồn vã với gia chủ, lì xì cho con
cái gia chủ thật mau mắn, sau đó mới chúc tết lẫn nhau…
KIÊNG NGÀY MÙNG MỘT TẾT
Quan niệm vào ngày mùng
một tết là ngày đầu tiên trong năm, nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp thì cả
năm sẽ trôi chảy, thuận lợi. Bởi vậy, vào ngày mùng một Tết, người ta chúc mừng
nhau những điều hay. Ngoài ra người dân còn kiêng cữ một số việc như sau:
– Kiêng quét nhà. Nếu
quét thì vun rác vào góc nhà. Sang sáng mùng hai mùng ba mới hốt đi vì sợ Thần
giữ của theo rác ra đi.
– Kiêng cho lửa, vì lửa
tượng trưng cho “vận đỏ”, “may mắn”. Cho lửa là cho đi sự may mắn
– Kiêng làm vỡ ly chén,
tô, đĩa vì sợ sự đổ vỡ.
– Kiêng chửi mắng đánh
đập con cái để mong cả năm yên ổn, thuận hòa.
– Kiêng đòi nợ, vay nợ vì
nếu phải trả nợ vào ngày mồng một thì sẽ mất mát, thua thiệt quanh năm
– Kiêng nói những câu
“mất”, “chết” để khỏi diễn ra sự mất mát, chết chóc trong cả năm.
– Kiêng khóc than để
tránh sự ảm đạm trong cả năm.
– Kiêng để đèn thắp trên
bàn thờ hết dầu vì như vậy có nghĩa là cuộc đời sẽ tàn lụi.
– Kiêng cho mượn đồ vật
dụng vì đấy là hình thức “trao của”, hệt như việc trả nợ.
– Kiêng ngồi giữa cửa vì
sợ cản trở sự trôi chảy, trót lọt của gia đình
– Người gia đình có tang
không được đến chúc tết người khác vào ngày mùng một vì sợ đem sự rủi ro
tới cho gia chủ và giảm lòng hiếu thảo với người đã khuất.
– Kiêng đi vào giờ xấu.
Giờ “xuất hành”phải là giờ hoàng đạo và khi đi phải chọn hướng tốt mà đi.
TỤC HỨNG NƯỚC ĐẦU NĂM
Ở nông thôn (và có thể ở
cả trong thành phố) người dân quan niệm rằng đầu năm mà có người gánh nước tới
nhà thì có nghĩa là tiền vào nhà như nước. Bởi vậy, những người gánh nước thuê
đầu năm được gia chủ đón tiếp rất niềm nở và được thưởng tiền nhiều gấp mười
lần ngày thường. Còn nơi thành phố, vì quá trình hiện đại hóa, nên đa số gia
đình đều có nước thủy cục, việc thuê người gánh nước không còn ai phục vụ cho
điều này nửa. Vì thế vào nửa đêm, các gia đình mở vòi nước cho chảy tràn hồ
chứa nước, xem như tiền vào nhà như nước.
TỤC MỪNG TUỔI
Năm mới mọi người lớn
thêm một tuổi, người lớn có tục lì xì (mừng tuổi) cho người ít tuổi hơn
mình, như lời nhắn nhủ, tiền lì xì ấy sẽ sinh sôi nẩy nở thêm nhiều, mà
vun đắp tương lai.
Tiền lì xì còn gọi là
tiền “mở hàng để lấy may”. Tại Chợ Lớn, các thương gia thường lì xì cho khách
hàng một bao lì xì màu đỏ trong đựng một tờ giấy bạc mới, dù người đó có
mua hàng hay không, họ cho là “tiền mở hàng” lì xì càng nhiều phong bao, họ cho
là trong năm sẽ phát đạt (vì như thế tức trong năm nhiều khách hàng hơn)
Trẻ em lại thích tiền
mừng tuổi, người lớn cho rằng như vậy trong năm có nhiều niềm vui trong cuộc
sống, qua sự ngây thơ của trẻ nhỏ khi được bao lì xì thì cười nói tíu tít v.v…
TỤC HÓA VÀNG
Trong ba ngày tết, thông
thường vào chiều ngày mùng 3, nhà nhà có tục hóa vàng (tiễn ông bà), nhiều gia
đình cũng mời bà con trong họ tộc đến để dự lễ này.
Lễ hóa vàng như đã nói,
tiễn đưa ông bà cha mẹ về lại tổ đường, hay chùa chiền mà họ đã gửi hương linh
(theo truyền thuyết khi người chết, họ vẫn còn 3 hồn, một hồn ở nơi chôn cất,
một ở nơi chết hoặc là chốn thờ tự và một hồn ở suối vàng). Sau còn ý nghĩa
khác, mời họ hàng phá mồi (tức dùng hết những món ăn ngày tết đã mua sắm
trong nhà như dưa hấu, bánh chưng, thịt mở, dưa hành v.v…)
Lễ hóa vàng là đốt hết
các loại giấy tiền vàng bạc đã để trên bàn thờ, khi đã đốt hết người ta đổ vào
đống tro những chén rượu cúng. Tục lệ cho rằng, có như vậy ở cõi âm các vị ông
bà cha mẹ mới có tiền tiêu xài trong năm mới.
Có nơi (nhiều vùng nông
thôn) vẫn có tục mua 2 cây mía dùng trong việc thờ tổ tiên trong 3 ngày tết,
trong ngày hóa vàng họ hơ mía trên đống tàn còn đang rực đỏ, có ý chuyển giao
cho tổ tiên có gánh quải tiền về, cũng là khí giới chống bọn cướp vàng nơi cõi
âm.
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐÁM CƯỚI ĐẦU XUÂN
của Trần Thiện Thanh, qua tiếng hát Tuấn Vũ:
*
VŨ QUẾ LÂM (theo Thiên Việt)
Địa chỉ: Thôn Thanh Thủy, xã Đông Xuân,
huyện Sóc Sơn, tỉnh Hà Nội.
- Cập nhật theo nguyên bản tác
giả gửi qua email ngày 25.12.2018.
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét