MỜI ĐỌC:

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

NẮNG HỒN NHIÊN VÀ MƯA NGẬM NGÙI TRONG BÀI THƠ ‘NẮNG CỦA THUỞ NÀO’ - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng)

(Nguồn ảnh: internet)

NẮNG HỒN NHIÊN VÀ MƯA NGẬM NGÙI
TRONG BÀI THƠ ‘
NẮNG CỦA THUỞ NÀO
*
NẮNG CỦA THUỞ NÀO

Chào phượng vĩ , mai ta về rất mới
Nắng hồn nhiên như nắng tự thuở nào
Nhớ ngày xưa ngang cửa lớp vội chào
Mà đôi mắt nhìn nhau lưu luyến quá

Chào phượng vĩ, có bàn tay vội vã
Lén tìm nhau, giây phút ngợp huy hoàng
Nhớ câu thơ ngày ấy áo em vàng
Ta có lẽ mai về yêu hoa cúc

Chào phượng vĩ, khi không mà rưng rức
Chạm môi nhau rơi khẽ tiếng thở dài
Ta buổi chiều ngó qua cửa mây bay
Mà nhớ quá áo dài em rất trắng

Chào phượng vĩ, ngày ta về thôi nắng
Mưa hoàng hôn rơi ướt tóc ngậm ngùi
Có lẽ là tất cả đã xa xôi
Ta cũng thế, đi bỏ trường, bỏ lớp...

Mấy mươi năm, thật thà như mắt chớp
Trường ta xưa áo trắng bỏ quên đời
Sách vở nào tình một thuở nguyên khôi
Là tất cả, dĩ nhiên là mất cả...!!!
*.
KAO HOÀNG
LỜI BÌNH:
(Tác giả Châu Thạch)
Kao Hoàng, một người bạn facebook của tôi. Lúc đầu tôi không cảm tình với anh ta mấy vì nhìn chiếc ảnh mang kính đen, đội mũ đen, hai tay chống nạnh trông rất cô hồn. Thế rồi đọc những lời cương trực trên dòng fay của Kao Hoàng tôi biết mình sai lầm. Tôi yêu mến cái phong cách của anh từ đó. Sau nầy đọc thơ Kao Hoàng tôi lại tìm được một tâm hồn rất nghệ sĩ trong anh.
Hôm nay, đọc bài thơ “Nắng Của Thuở Nào” tôi như được nương theo thơ ấy, để linh hồn đi trên dòng sông ký ức, quay về quá khứ cúa một thời thanh xuân . Chắc không mấy ai không biết bài thơ “Tuổi Mười Ba” của Nguyên Sa với hai câu thơ “Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc/ Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường”. Hai câu thơ của Nguyên Sa đã được Kao Hoàng nhớ lại trong bài thơ của anh bằng hai câu thơ rất mới “Nhớ câu thơ ngày ấy áo em vàng/Ta có lẽ mai về yêu hoa cúc". Bằng hai câu thơ nầy, Kao Hoàng đã nhắc tôi hoài cảm vê một thời vàng son, yêu đương và vụng dại.
Bài thơ có 5 khổ, Kao Hoàng đã đặt cụm từ “Chào phương vĩ” vào trong câu đầu của 4 khổ thơ. Điều đó gây ấn tượng cho ta về những niềm vui tràn đến, náo nức trong tâm hồn những ai rất lạc quan và mau cảm xúc.
Khổ thơ đầu nhà thơ đầy háo hức khi báo tin sẽ quay về chốn cũ:
Chào phượng vĩ , mai ta về rất mới
Nắng hồn nhiên như nắng tự thuở nào
Nhớ ngày xưa ngang cửa lớp vội chào 
Mà đôi mắt nhìn nhau lưu luyến quá
Cái cụm từ “Nắng hồn nhiên” kèm theo những kỷ niệm tuổi học trò được nhắc đến, gói gọn nhẹ trong mấy câu thơ, lại mở cho ta một khung trời đầy hình ảnh thân thương, cho ta hình dung lại một thời hoa mộng của tuổi học trò. Bốn câu thơ khêu gợi sự hiển hiện trong tâm hồn ta bóng nắng sân trường, khung cửa lớp em ngồi và đôi mắt em nhìn ta lưu luyến. Đời đi học không mấy ai không có một lần như thế. Thơ hồn nhiên làm sao! nhắc cho ta nhớ tình thuở ấy cũng hồn nhiên như vậy!!!
Thế rồi qua hai khổ hai thơ sau, Kao Hoàng không chỉ nhắc cho ta nhớ lại bàn tay âu yếm tìm ta, mà còn nhắc lại cả những bài thơ ta chép để mang vào lớp học, để trao cho nhau như mượn lời thơ gởi lời tình yêu dấu đến em:
Chào phượng vĩ, có bàn tay vội vã
Lén tìm nhau, giây phút ngợp huy hoàng
Nhớ câu thơ ngày ấy áo em vàng
Ta có lẽ mai về yêu hoa cúc

Chào phượng vĩ, khi không mà rưng rức
Chạm môi nhau rơi khẽ tiếng thở dài
Ta buổi chiều ngó qua cửa mây bay
Mà nhớ quá áo dài em rất trắng
Nhà thơ thật khéo léo khi mượn câu thơ được yêu mến thuở xưa để tạo xúc cảm trong hồn người đọc. Chỉ hai câu thơ nhưng cho ta nhớ tổng quát tất cả những bài thơ Nguyên Sa đã viết, chắp cho ta đôi cánh mộng mơ để bay về một thời lãng mạn của năm xưa, cho ta nhớ lại từ sân trường, con đường phố em qua đến chiếc áo em bay bay trong gió.
Thê rồi đột ngột nhà thơ cho chiếc áo dài em trôi vào một cõi xa xăm, qua màng mưa bay để nỗi nhớ bay theo chiếc áo dài “em rất trắng”:
Ta buổi chiều ngó qua cửa mưa bay
Mà nhớ quá áo dài em rất trắng
Câu thơ khiến ta đón một cơn gió rét bất ngờ làm se lạnh tâm hồn. Câu thơ khiến nỗi buồn xa vắng bởi bóng em mờ ở một nẽo rất xa xăm nào đó. Đọc thơ, kỷ niệm đẹp ngày xưa bỗng lắng xuống một nỗi niềm. Mưa bay không có tiếng rì rào nên cõi lòng ta tịch lặng trong nối sầu man mác.
Ở ba khổ thơ trên, Kao Hoàng chào phượng vĩ trong tâm thức vui, nhớ về kỷ niệm. Qua hai khổ cuối cùng, nhà thơ chào phượng vĩ với tâm thức bi quan trong tình yêu và bi quan trong cả cuộc đời:
Chào phượng vĩ, ngày ta về thôi nắng
Mưa hoàng hôn rơi ướt tóc ngậm ngùi
Có lẽ là tất cả đã xa xôi
Ta cũng thế, đi bỏ trường, bỏ lớp...

Mấy mươi năm, thật thà như mắt chớp
Trường ta xưa áo trắng bỏ quên đời
Sách vỡ nào tình một thuở nguyên khôi
Là tất cả, dĩ nhiên là mất cả...!!!
Tác giả kết bài thơ bằng hai câu thơ như ngọc lung linh: “Sách vỡ nào tình một thuở nguyên khôi/ Là tất cả, dĩ nhiên là mất cả…!!!”. Câu thơ đầu như khối tình Trương Chi thuở trước, câu thơ sau như trái tim Trương chi đã tan ra thành khói. Trái tim Kao Hoàng ngày nay tan ra trong cô lạnh vì không có giọt nước mắt của mỹ nhân, đau buồn hơn trái tim Trương Chi ngày ấy đã thỏa lòng mà tan ra khi nàng Mỵ Nương nhỏ cho một giọt nước mắt thảm sầu.
Bài thơ “Nắng Của Thuở Nào” Kao Hòang viết về hai thời phượng vĩ, thời phượng vĩ tắm trong ánh nắng hồn nhiên và thời phượng vĩ tắm trong mưa. Dầu phượng vĩ tắm trong thời nào thì bài thơ như một tấm thảm bay, chở ta về qúa khư rất hồn nhiên, rồi hạ ta xuống trên miền đất sầu se lạnh. Miền đất se lạnh cũng đẹp vô cùng bởi những quả tim tình yêu như núi ngọc lung linh, dưới cơn mưa bay còn có nắng hoàng hôn dát ánh vàng lên núi./.

Mời thư giãn với nhạc phẩm CHUYẾN TÀU HOÀNG HÔN
của Hoài Linh - Minh Kỳ, qua tiếng hát Tuấn Vũ:
             
*.
CHÂU THẠCH 
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
.


…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 22.05.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét