NHỊP CẦU VẪN
NỐI BỜ VUI
*
(Nhà thơ Nguyễn Thị Mai) |
Tôi lại vinh dự được thưởng thức cuốn thơ chọn Nhịp cầu văn chương (tập
II - Nhà xuất bản Hội Nhà văn) của nhiều tác giả do Công ty Thiết kế Mỹ thuật
Hải Đăng ra mắt bạn đọc lần thứ hai này.
Vẫn chỉ hơn 3 chục tác giả với hơn trăm bài thơ như Nhịp cầu văn chương tập
1, vẫn các cây bút say mê nàng thơ từ mọi miền đất nước về góp mặt với cả trăm
nỗi niềm tâm sự, nhưng tâm trạng cảm xúc thơ lần này phong phú hơn, đa chiều
hơn.
Nhận xét trước hết cho Ban biên soạn - Những người có con mắt xanh chọn
thơ: Lần này mỗi chùm thơ ba bài được chọn đều tay hơn, tập trung chủ đề, tập
trung tâm trạng hơn. Nghĩa là không có sự chênh lệch chất lượng trong mỗi chùm
thơ trong mỗi tác giả. Như vậy, bạn đọc sẽ định hình được giọng điệu, phong
cách và thế giới quan của riêng mỗi người. Kinh nghiệm chọn thơ lần này, Ban
Biên soạn đã làm nên cái phong phú, đa chiều trong nội dung, nghệ thuật cả tập
thơ khiến người đọc thú vị, không thấy đơn điệu. Cảm giác như thưởng thức bữa
buffet giàu món ăn, đa hương vị, đẹp sắc màu.
Về tác giả và thơ: Với cả trăm nỗi niềm tâm sự như đã nêu ở trên, tâm trạng
các nhà thơ được ta cảm nhận qua hai phương diện: Hướng nội và hướng ngoại.
Hướng nội:
Là tâm trạng bộc bạch nỗi niềm, bày tỏ cái bản thể trong mình. Nỗi buồn,
niềm vui, khổ đau, sung sướng, hạnh phúc và cô đơn… Tất cả đã phân chia về hai
thái cực.
Một là, tâm trạng khắc khoải thương nhớ một thời đã qua, miền quê đã qua và
những con người yêu thương đã qua. Đó là ký ức buồn và đẹp. Nghèo khó nhưng
chan chứa nghĩa tình. Ai cũng có không nhiều thì ít những tâm trạng ấy nên rất
đồng cảm và xúc động khi chạm phải những câu thơ như:
Tôi về tìm lại ngày xưa
Cùng em một thuở bắt cua đồng làng…
…Mẹ tôi bên bí, bên bầu
Sáng thì chợ Đợ chiều Cầu, Ba Đê
Cánh cò hớt hải tìm về
Lưng còng mẹ gánh bốn bề bão dông
(Tôi về - Nguyễn Trưng Dụng)
Sông xưa xô mảnh quê nghèo
Tiếng chèo quẫy nước ngược chiều heo may
(Nhớ đò - Bùi Thủy Nguyên)
Thuyền tình xa bến trôi xuôi
Chòng chành ngọn sóng xô đời trái ngang
(Ai ngồi ngắm sông - Lê Tất Sơn)
Điển hình cho tâm trạng khắc khoải nhớ thương, nuối tiếc về dĩ vãng, hồi ức
đẹp về những con người thân yêu là các bài: Quê nghèo (Đặng Xuân
Xuyến), Bến sông quê (Bùi Thanh Hà), Thèm ánh trăng quê (Hoài
Nhan), Quê hương (Ca Vĩnh Trúc), Tôi về (Nguyễn Trưng Dụng), Nhớ
đò (Bùi Thủy Nguyên), Giấc mơ trôi, Tháng Mười hồn quê (Trần
Xuân Trường), Mắt ai còn trong đêm (Nhật Thông), Nợ tình với quê (Trần Lập
Công), Ngày ấy (Nguyễn Thị Nữ), Mẹ tôi (Đỗ Văn Tài), Về
thăm lại miền Trung (Đặng Thị Ngọc Vân), Hoài cổ (Trang Minh)… có
lẽ đây là chùm các bài gây nhiều xúc động nhất với người đọc, trong đó có những
câu thơ đẹp và ấn tượng lạ lùng.
Hai là, tâm trạng thật buồn, cô đơn khiến người đọc cũng cảm thấy trái tim
mình se sắt: Sài gòn chiều mưa đổ/ Chất
ngất nỗi bơ vơ/ Trong lòng người giông tố…góc phố chiều cô độc/ Câu thơ nguệch
ngoạc buồn/ Khói bay vương bờ tóc/ Mắt cay nồng xót thương (Lặng lẽ nơi này
- Vương Thiên Nga). Cô đơn trong cuộc đời và cô đơn trong tình yêu. Tác giả Lê
Thị Tâm Chung với cả chùm thơ đã dội vào lòng bạn đoc một nỗi thương cảm xót
xa: Bước chân vô định ngại ngùng/ Tim
quặn thắt… rối bời cùng hoang mang (Khát xuân). Giận hờn níu ánh ban mai/ Lỗi thề mà tiếng thở dài buốt đêm! (Lỗi
thề). Còn có tâm trạng thất tình nào não nề hơn tâm trạng này: Sớm mơ em nhỏ ngàn dư lệ/ Rũ bóng hình anh
trong suối mê/ Đốt từng dĩ vãng sâu đau khổ/ Mà bóng người yêu cứ đổ về…/ Bốn
nẻo âm u mường sương gía/ Em tưởng đông về, ơ chưa thu/ Sao tim em buốt khi
đương hạ/ Sao bóng người yêu đã mịt mù (Anh trong suối mê - Dung Thị Vân).
Đành rằng mất tình yêu là đớn đau, là tuyệt vọng nhưng người ta còn có một cách
là thoát khỏi nỗi tuyệt vọng ấy để an nhiên cõi lòng. Đó là chùm thơ của tác
giả Đàm Vượng. Cả chùm thơ là tâm trạng miên man cõi mộng, thoát khỏi hiện
thực, tìm đến cái đẹp trong cảm thức mê trôi và thi vị hóa cuộc đời. Và tác giả
Nhật Thông quan niệm “Khi cô đơn là một niềm vui” thì chị đã vượt lên để yêu
cái gì mình có: Mình ngồi trong lòng phố
/ Với một mình mình thôi/ Vị cà phê tan loãng/ Đắng ngọt nào sinh sôi. Với Hoài
cổ của Trang Minh: Liêu xiêu chiều bóng đổ/ Giọt buồn nào mặn môi/ Ngõ hồn đau
vụn vỡ/ Mành buông chiều trong tôi. Thế là các tác giả đã hướng tới cái
thiện bằng thi ca. Còn nữa những bài thơ “nhỏ lệ” vì yêu nhưng không nhiều
trong Nhịp cầu văn chương lần này. Cái nhiều là tâm trạng tin yêu cuộc đời,
hướng ra ngoài cuộc sống với con mắt nhìn vui tươi trong trẻo và đầy trách
nhiệm.
Ấy là hướng ngoại:
Trong Nhịp cầu văn chương II, bên cạnh số ít bài thơ đau khổ cô đơn
thì số nhiều là các bài thơ mang tâm trạng vui vẻ, yêu đời, yêu cuộc sống nhất
là tình yêu đối với quê hương đất nước và niềm tự hào dân tộc. Cuộc sống của
chúng ta hôm nay, cho dù đã phát triển tốt đẹp hơn rất nhiều thế kỷ trước nhưng
không ít nỗi buồn do mất đi nhiều giá trị văn hóa đạo đức, do xã hội nhiều nỗi
tiêu cực, do môi trường bị tàn phá, do thân phận con người mong manh bé nhỏ…
nhưng nếu có con mắt nhìn theo chiều hướng tích cực vẫn nhận ra những giá trị
đích thực để ta yêu những gì ta đang có. Và chính vì cái nhìn tích cực đó mà
người cầm bút đã vẽ lên bức tranh hiện thực sinh động tươi mới, thổi vào hồn
người đọc những rung động trước cái đẹp chân thiện mĩ. Ai đọc Trẩy
hội Chùa Hương của Nguyên Thủy chẳng thấy một cảnh hội chùa nên thơ,
tuyệt đẹp, đọc Mùa vàng của Trang Minh không thấy một tình yêu ngọt ngào say
đắm và Mùa hoa bên sông của Đỗ Thị Hoa Lý, Sông mẹ của Bùi Thanh Hà,
Núi
Tản sông Đà của Bùi Thủy Nguyên, Tháng Mười hồn quê của Trần Xuân
Trường, Mù Cang Chải của Trần Khánh Toàn… không thấy miền quê đất Việt
mình đẹp một vẻ đẹp bình yên, an lành, đằm thắm và thơ mộng. Những khi lòng
nặng buồn hay mệt mỏi căng thẳng bởi những sự đời rối ren, bạn hãy đọc những
bài thơ trên và bắt gặp những câu thơ sau đây sẽ thấy người nhẹ nhõm, yêu đời
yêu cuộc sống hơn rất nhiều:
Suối reo gọi gió lưng trời
Những cây chè cổ xa xôi mời chào
Nắng chiều níu gió xôn xao
Tình xưa thấm đất, tưới vào muôn dân
(Lên suối Giàng - Đặng Thị Ngọc Vân)
Nét thần thả xuống trần gian
Từng khuông nhạc ruộng bậc thang lưng trời
Mù Cang Chải nắng vàng phơi
“Mâm xôi” mời gọi bao lời thiết tha
(Mù Cang Chải - Trần Khánh Toàn)
Sông Hương đẹp dịu dàng lắng đọng
Cầu Tràng Tiền thơ mộng lung linh
Trăng thôn Vĩ Dạ ẩn mình
Đò đưa với điệu hò tình Đông Ba
(Về Cố Đô - Đỗ Văn Tài)
Đặc biệt trong tập thơ này, tình yêu non sông đất nước, thương nhớ quê
hương gắn liền với niềm tự hào dân tộc được thể hiện khá nhiều. Nhất là đối với
các tác giả ở xa Tổ quốc như Hoài Nhan với chùm bài Thèm ánh trăng quê, Hương
quê, Nhớ nắng quê, Đỗ Thị Hoa Lý với bài Tiếng Việt rưng rưng chan
chứa tình người. Bên cạnh đó là những bài thơ viết về cuộc chiến tranh bảo vệ
Tổ Quốc trong cái nhìn nhân văn của người làm thơ khi đọc lên ta thấy nhoi nhói
trong lòng. Ví như các bài: Tiếng sóng, Tổ Quốc tôi (Trung Tín), Thạch
Hãn - Quảng Trị (Lê Thanh Hảo Vân), Ngủ đi đồng đội ơi
(Nguyễn Quốc Dũng), Nhẹ bước chân, Cõi lặng (Lê Tất Sơn), Tàn
nhưng không phế (Ca Vĩnh Trúc), Nợ một vòng tay, Điều
không muốn (Dương Văn Lượng)… và trong cảm xúc tự hào dân tộc, duy nhất
có bài Lán Nà Lưa của tác giả Nguyễn Mạnh Dưỡng là bài thơ thể hiện
niềm kính trọng lãnh tụ được phản ánh qua hình tượng nghệ thuật chiếc lán ngày
xưa Bác Hồ đã ở: Chắt dòng ngọt/ từ rừng
sâu bão nổi/ Ngát một vùng/ Ấm cội/ Đỏ hoa.
Yêu quê hương đất nước, tự hào dân tộc là cảm xúc thật lòng, trong sáng.
Nhưng cũng còn một cách cảm xúc thật lòng, trong sáng và đầy tính xây dựng nữa.
Ấy là thể hiện nỗi đau về sự trớ trêu, bất công ngang trái ở đời làm hủy hoại
những giá trị đạo đức văn hóa xã hội. Cảm xúc này bộc bạch khó vô cùng với thơ,
nhưng các cây bút vẫn thể hiện rất giỏi. Điển hình là chùm bài của tác giả Đặng
Xuân Xuyến và bài Gốc họa của Phạm Quốc Khánh. Đây là hai cây bút tả thực rất
thành công với giọng thơ hóm hỉnh nhưng không phải trào phúng, nói tửng từng
tưng nhưng quá đau đời. Nói thẳng nói thật phũ phàng nhưng không phải đả phá
chế độ mà nhằm xây dựng nhân cách con người. Bạn đọc nếu đọc kỹ, nghiền ngẫm kỹ
còn thấy nỗi uất nghẹn của người viết ra những dòng thơ kia bởi sự mong manh
nhỏ bé của thân phận chỉ biết kêu trời. Nhưng xét cho cùng viết được những dòng
thơ như thế cho đời, chắc chắn tác giả là những công dân đầy trách nhiệm làm
người, sống có tâm, có đức. Người viết thật bản lĩnh, ban Biên Tập còn bản lĩnh
hơn khi tìm ra, đưa được những bài thơ nói thẳng nói thật cho in vào tập.
.
Mời đọc chùm thơ 3 bài
của tác giả Đặng Xuân Xuyến:
.
Tuy Nhịp cầu văn chương tập II còn một số bài viết với giọng điệu
cũ, từ ngữ còn diệu vợi điệu đàng, một vài bài xáo, cá biệt có bài chỉ tả là
chính, bài không có tứ thơ hoặc không có tứ nổi bật, có chùm còn nhẹ, chưa sâu
sắc… nhưng vẫn có nhiều chùm thơ rất khá của các tác giả: Nguyễn Quốc Dũng, Bùi
Thanh Hà, Đỗ Anh Thư, Lê Tiến Vượng, Nguyễn Lâm Diễm, Trần Xuân Trường, Trần
Lập Công, Nguyễn Việt Anh, Dương Văn Lượng, Nguyễn Mạnh Dưỡng, Đặng Thị Ngọc
Vân, Vương Thiên Nga, Lê Thanh Hảo Vân. Trong đó ba bài của Nguyễn Việt Anh rất
ngắn gọn, súc tích và tính hàm ý cao.
Trong tập cũng có những bài xuất sắc, động lòng trắc ẩn như: Ngủ
đi đồng đội ơi (Nguyễn Quốc Dũng), Mai về làm cát bụi (Đỗ Anh Thư), Tôi
về (Nguyễn Trưng Dụng), Cõi lặng (Lê Tất Sơn), Nốt
trầm mùa xuân (Trần Xuân Trường), Tâm sự dân vùng cao (Trần Lập Công),
Vỉa
hè, ông Ác, ông Thiện (Lê Tiến Vượng), Đêm
Nguyên Tiêu (Lê Huy Khôi)…
Và cuối cùng, tôi muốn nêu một vài câu thơ tài hoa - những câu thơ đích
thực là thơ. Đọc xong, dư ba còn ngân nga mãi trong lòng:
Người con gái khỏa chân vào mây trắng
Những hạt nước bắn tung miền im lặng
Để cuối trời hoa nắng rắc rưng rưng
(Bến sông quê - Bùi Thanh Hà)
Từng hàng mộ góp thành quê
Bao nhiêu bia trắng lời thề không tên
(Ngủ đi đồng đội ơi - Nguyễn Quốc Dũng)
Báo sẽ bẻ bông vùi dưới nước
Lại lội mò vớt hạt mồ hôi
(Lửa yêu thương - Trung Tín)
Bồng bềnh những kiếp phù vân
Giữa lơ lửng núi đắp thân phận người
(Trầy hội chùa Hương - Nguyên Thủy)
Liêu xiêu bóng chị đổ về
Đất cằn nuôi để bốn bề bão giông
(Về thăm lại miền Trung - Đặng Thị Ngọc Vân)
Giọt xanh bên ngõ thì thầm
Thả trôi ta giữa nốt trầm mùa xuân
(Nốt trầm mùa xuân - Trần Xuân Trường)
Liêu xiêu quán cóc lòa xòa
Thuốc lào nhả khói bay ra tiếng cười
(Vỉa hè - Lê Tiến Vượng)
Hồn ta nửa Phật nửa ma
Nhìn Ông Thiện hệt như là người thân…
… Nhìn ông Thiện đứng mãi cười
Nghe như khúc khích kiếp người phù du
(Ông Thiện - Lê Tiến Vượng)
Vỡ ra tất cả ngày xưa
Lại thành những mảnh bơ vơ không hồn
(Đêm Nguyên Tiêu - Lê Huy Khôi)…
Nâng chén rượu lên môi
Mắt mình trôi dưới đáy
Đặt chén rượu xuống rồi
Thấy mình lơ lửng cháy
(Uống rượu một mình - Nguyễn Lâm Diễm)
Từ những thành quả nghệ thuật trên, thật mừng cho các tác giả và người biên
tập. Mong rằng Nhịp cầu văn chương còn bắc tiếp, bền vững và đi xa nữa đến với
bạn đọc khắp mọi miền Tổ Quốc.
Xin chúc mừng các tác giả có tên trong tập thơ này.
Mời thư giãn với nhạc phẩm CHẢY ĐI SÔNG ƠI
của Nguyễn Trọng Tạo, thơ Lê Huy Mậu, qua tiếng hát Anh Thơ:
*.
Thanh Xuân, ngày 16/01/2019
NGUYỄN THỊ MAI (bút danh Hạnh Hoa)
Địa chỉ: phường Thanh Xuân Trung,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: maihoiphunuvn@gmail.com
Điện thoại: 098.205.56.20
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 30.05.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét