(Làng Đá, Quang Vinh, Ân Thi, Hưng Yên) |
VÀI CÂU CHU YỆN VỀ
SỐ PHẬN ĐỜI NGƯỜI
*
(Tác giả Đỗ Việt Phương) |
*. Câu hỏi đầu tiên là
vận mạng con người có thay đổi được không?
Bạn có tin vận mạng của mỗi người không cố định mà có thể thay đổi tùy theo
hành động? Nếu sống thiện, tu tâm tích đức sẽ giúp thay đổi được số mạng. Đọc
câu chuyện dưới đây bạn sẽ có câu trả lời tin hay không tin vận mệnh con người
có thể thay đổi được khi tâm ta luôn hướng thiện?
Đời vua Hán cảnh Đế có người bán dầu tên Bùi Độ nghèo khổ lang thang, được
thầy xem tướng số cho biết sẽ chết đói vì coi tướng,
trên mặt có hai đường chỉ chạy xéo từ cằm lên mép miệng.
Ngày kia Bùi Độ gặp một thiếu nữ ngồi khóc bên giếng sâu. Hỏi ra sự tình
mới biết thiếu nữ mang vàng đi để chuộc tội oan của cha, chẳng may bị đánh rơi
xuống giếng. Ai cũng nói dưới giếng có con trăn to, thiếu nữ đang tuyệt
vọng muốn quyên sinh. Bùi Độ thương tình, nghĩ mình trước sau cũng chết
đói nên liều mạng leo xuống tìm được vàng cho thiếu nữ. Nhờ đó gia đình
thiếu nữ được phục hồi danh dự và quyền thế.
Một lần gặp lại, nhà tướng số kia kinh ngạc nói rằng tướng chết đói của Bùi
Độ đã biến mất mà thay vào đó là tướng công khanh phú quý rực rỡ!
Đúng vậy, sau này thiếu nữ tên Ngọc Hà đền ơn, đem Bùi Độ về dạy học và
giao ước vợ chồng rồi mới thưa với phụ thân. Cha nàng gửi gắm
Bùi Độ sang một người bạn khác để nhờ tiến cử. Thời gian xa cách Ngọc Hà, Bùi
Độ đã lạc lòng với những hình bóng giai nhân khác.
Trên bước đường tiến quan, Bùi Độ ghé vào thăm nhà tướng số cũ để tạ ơn,
nhưng ông bảo Bùi Độ đã hiện lại tướng chết đói. Bùi Độ tức giận bỏ đi.
Sau khi được làm quan, Bùi Độ đánh mất nhân cách, chỉ lục lạo, cưỡng bức
các cô gái đẹp, bị triều đình hạ lệnh bắt về kinh trị tội. Bùi Độ sợ hãi trốn
vào rừng rồi chết đói cạnh một mỏm đá!
Cuộc đời số mệnh của mỗi con người được ẩn hiện qua tướng số, tử
vi, phong thủy. Tuy nhiên, những điều này hoàn toàn có thể thay đổi theo
thời gian, phúc đức của mỗi con người. Chính vì thế đừng ỷ vào việc mình có một
số mệnh tốt mà làm những điều thị phi, bởi bạn sẽ không lường trước
được vận hạn xấu sẽ đến khi nào.
*. Vậy có nên phó mặc cho
số phận?
Chắc chắn rằng không rồi. Bởi người xưa đã khuyến cáo: Đức năng thắng số vì
thế không được an phận, chấp nhận đầu hàng số phận. Chúng tôi trích dẫn câu
chuyện của hiền giả Kỳ Hiểu Lam, người Trung Quốc, sống vào triều Thanh, trong
cuốn “Duyệt vi thảo đường bút ký”, ông miêu tả về một vị Đạo sỹ tài ba đàm luận
về số mệnh. Nội dung rất sâu sắc và thiết thực cho đến tận ngày nay.
Dưới đây là nội dung chủ yếu của câu chuyện.
Minh Thịnh là huyện lệnh của huyện Hiền. Ngày nọ ông tiếp nhận một vụ án
oan, muốn vì dân thường mà xử lại, nhưng lại sợ thượng cấp không vừa ý, vì thế
mà rất lưỡng lự. Trong số thuộc hạ có người tên là Môn Đấu, người này có một
người bạn có công năng đặc dị, vì vậy Minh Thịnh bèn phái Môn Đấu đi thỉnh mời
vị kia để đoán trước sự tình và chỉ cho cách làm thế nào mới tốt.
Môn Đấu tuân lệnh đến thỉnh mời. Vị kia nghe xong trang trọng trả lời:
“Minh Thịnh huyện lệnh thân như cha mẹ của chúng dân trong huyện, thì nên xem
xét dân chúng có bị oan hay không, hơn là dò xét thượng cấp có vừa ý hay không.
Chẳng lẽ ông ấy đã quên câu chuyện của Lý Vệ tiên sinh năm xưa?”.
Môn Đấu trở về, bẩm báo lại đầu đuôi mọi sự. Minh Thịnh vừa nghe thì giật
mình kinh sợ, nhớ lại xưa kia Lý Vệ tiên sinh đã từng kể cho ông ta một câu
chuyện. Nhưng người này là người như thế nào mà lại biết được chuyện ấy? Thật
là thần kỳ. Nhưng dù sao đi nữa, Minh Thịnh giờ đã biết cần xử lý vụ việc ra
sao.
Trước khi trở thành quan Tri phủ, một lần Lý Vệ lên thuyền vượt sông, thì
gặp một vị Đạo nhân. Để tiết kiệm chút tiền mọn, một hành khách đã tranh cãi
với chủ thuyền. Đạo sỹ thở dài nói: “Đối với một kẻ sắp bị chết đuối, ông ta
vẫn còn tranh cãi chỉ vì một chuyện tầm thường, thật là không đáng!”.
Lý Vệ nghe xong, lúc đó không hiểu Đạo sỹ nói lời ấy là có ý gì. Một lát
sau, đột nhiên một cơn gió bắt đầu thổi mạnh trên sông. Vị hành khách kia không
giữ được thăng bằng, bị ngã xuống nước và chết đuối. Lý Vệ giờ mới biết vị Đạo
sỹ có năng lực siêu phàm.
Lúc đó, gió càng ngày càng mạnh, con thuyền chòng chành muốn lật. Đạo sỹ
bước chân theo trận đồ, không ngừng niệm thần chú. Cơn cuồng phong rất nhanh
chóng dừng lại, mọi người đều thoát nạn.
Lý Vệ hướng về Đạo sỹ bái ba bái tạ ơn cứu mạng. Đạo sỹ bèn nói: “Vừa rồi
người kia chết đuối, là vì mệnh của ông ta đến đó đã tận, ta không thể cứu
được. Ông là quý nhân, hôm nay gặp họa nhưng được giải cứu, cũng là trong mệnh
đã định như vậy, ta không thể không cứu. Cho nên ông không cần cám ơn ta”.
Lý Vệ nghe xong, thụ giáo được rất nhiều, lại bái tạ và nói: “Nghe ngài dạy
bảo, từ đầu tới cuối tôi đều được lợi ích. Từ nay về sau cả đời tôi sẽ an phận
mà thủ mệnh”.
Đạo sỹ lại nói:
“Ông nói lời này không hoàn toàn là đúng. Một cá nhân đối với vinh nhục,
thăng trầm, phú bần, đều không truy cầu thì người đó là đang an phận, tức là an
mệnh, chính là thuận theo tự nhiên. Không an mệnh, tức là lừa đảo lẫn nhau, đấu
đá với nhau, chuyện xấu gì cũng làm. Những việc như vậy thảy đều tạo nghiệp.
Ví như Lý Lâm Phủ, Tần Cối, bọn họ nếu có thể thủ mệnh, thuận theo tự
nhiên, thì sau đều được làm Tể Tướng, bởi số mệnh đã định như thế. Nhưng bọn họ
năm đó chỉ vì tranh giành địa vị Tể Tướng, mà bài trừ những người trái ý, dùng
hết tâm kế mà hãm hại trung lương, đâu biết rằng dù có cố hay không thì sau này
đều được làm Tể Tướng, vì thế chỉ là tự mình gia tăng ác nghiệp mà thôi.
Về phần quốc kế dân sinh lợi hay hại thế nào không thể nói mệnh; đối diện
với trăm họ đang trong cảnh khốn cùng, oan ức, thì không thể để mặc như thế,
nhưng cần tùy kỳ tự nhiên. Hết thảy những người phụ trách thì đều phải chịu
trách nhiệm.
Gia Cát Khổng Minh từng nói: ‘Thần cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi, còn
về việc thành hay bại, lợi hay không, thì thần không rõ, nhưng cũng có khả năng
lường trước được!’. Chính là đạo lý ấy.
Trời Đất dưỡng dục nên nhân tài, quốc gia thiết đặt vị trí cho các cấp quan
lại, mục đích là để ích nước lợi dân.
Thân là quan lại, nắm giữ quyền hành, mà bó tay ủy thác hết cho số mệnh,
thì Trời Đất cần gì phải sinh ra những người tài như thế, quốc gia cần gì phải
thiết lập quan lại như thế?
Cao nhân thánh hiền cần phải hiểu được Mệnh, đó chính là đạo lý chân thực,
hy vọng ông có thể lĩnh hội được toàn diện”.
Đạo sỹ nói xong xuống thuyền, rồi liền biến mất sau đó.
*. Câu chuyện về đạo lý
“Không cầu mà được” của vị Hòa Thượng:
Ở trong một ngôi chùa cổ trên núi có một vị lão hòa thượng và tiểu hòa
thượng sinh sống. Hôm ấy, trong chùa không còn một chút dầu đèn nào, vì vậy vị
lão hòa thượng liền gọi tiểu hòa thượng lên và nói: “Con hãy cầm bát
xuống dưới núi mua một chút dầu.”
Tiểu hòa thượng nghe xong liền vội vàng chạy xuống chân núi để mua dầu. Sau
khi mua được dầu, tiểu hòa thượng lo lắng mãi vì sợ đi đường sẽ làm rơi vãi
hết. Tiểu hòa thượng cẩn thận từng li từng tí, chỉ để tâm vào việc bưng bát dầu
đi mà không chú ý nhiều đến con đường. Kết quả, khi về đến chùa thì bát dầu đã
rơi vãi mất hơn một nửa.
Lão hòa thượng lắc đầu nói: “Con hãy xuống núi mua lại một lần nữa
đi.”
Tiểu hòa thượng trên mặt lộ rõ ra vẻ buồn rầu và chán nản thầm
nghĩ: “Đường đi gập ghềnh như vậy, mình đã để tâm vào bát dầu mà vẫn bị
sóng ra ngoài hết. Thật không biết phải làm sao đây?”
Lão hòa thượng nhìn vẻ mặt của tiểu hòa thượng, trong lòng hiểu rõ băn
khoăn của cậu ta. Lão hòa thượng nói: “Lần này con hãy chỉ để ý đường
đi, đừng để tâm vào việc lo sợ dầu sóng ra ngoài.”
Kết quả, lần này tiểu hòa thượng đã thành công, mang về chùa nguyên một bát
dầu không bị vương vãi chút nào.
Câu chuyện nói cho chúng ta biết một đạo lý là: “Vô cầu nhi tự đắc” (Không
cầu mà được). Vào lúc chúng ta có tâm lo lắng được mất thì trong lòng chẳng
những mệt mỏi mà hiệu quả thu được cũng sẽ không tốt. Trái lại, khi chúng ta có
thể “cầm được và buông được” thì chính là cảnh giới “Liễu ám hoa minh hựu nhất
thôn” (Tạm dịch: Trong bóng tối nhìn thấy đường ra”)
*. Thế còn duyên nợ vợ
chồng thế nào?
Bạn sẽ thấy quanh mình có những cặp vợ chồng êm ả sống với nhau đến khi đầu
bạc răng long, có những cặp vợ chồng dù đánh chửi nhau hàng ngày cũng vẫn chung
sống đến cuối đời, lại có những cặp mới thì tha thiết, sau vài năm đã chia
ly vì lý do này khác, hay có những cặp đôi dù rất yêu nhau nhưng cũng không nên
vợ chồng. Vậy đâu là căn nguyên?
Đó chính là duyên nợ vợ chồng. Theo Phật giáo giảng, để có thể trở thành vợ
chồng kiếp này của nhau, cả hai đều phải có duyên tiền định, tức là có mối quan
hệ nhân duyên từ các đời trước trong sự tái sinh luân hồi của con người.
Duyên nợ vợ chồng kiếp này có được nhờ mối quan hệ nhân quả từ các đời
trước mang đến cho đời này.
Trong đạo Phật thì các kiếp trước và kiếp này là một chuỗi thời gian có
liên hệ đến nhau, đó là sự hoán đổi liên tục từ cảnh giới này sang cảnh giới
khác đi kèm với đức và nghiệp của mỗi người. Điều này được giải thích từ việc
con người ta sinh ra ai cũng mang theo một lượng đức và nghiệp nhất định, lượng
đức và nghiệp này được tích lại do những hành động của mỗi người trong các đời
trước.
Nếu lượng đức của bạn lớn và lượng nghiệp của bạn ít thì đời này bạn có thể
có một cuộc sống tương đối hạnh phúc và ngược lại, nếu đức của bạn ít và lượng
nghiệp của bạn nhiều thì bạn sẽ gặp khó khăn, khó khăn đến từ công việc, từ sức
khỏe hay từ mối quan hệ tình cảm giữa vợ chồng, con cái và các mối quan hệ xã
hội khác.
Nếu vợ chồng bạn sống bình yên bên nhau, hẳn là các kiếp trước hai bạn có
thiện duyên với nhau, người này đã làm những việc tốt cho người kia và ngược
lại. Nếu vợ chồng bạn đời này thường xuyên xung đột với nhau, người chồng hay
lấn át, bắt nạt vợ hoặc ngược lại, thì đó là do trong kiếp trước một trong hai
bạn đã gây ác duyên với người kia, và đến kiếp này thì hoán đổi lại.
Có câu chuyện này trong Phật giáo, một người vợ sau gần 40 năm sống chung
với chồng, vẫn phải chịu cảnh đối xử tệ bạc của chồng cho dù người chồng được
nhiều người xem là tốt bụng.
Người vợ bèn tìm đến với Phật Pháp, đọc kinh Phật và hiểu được quy luật nhân
quả nên đã có suy nghĩ rằng: “Chắc do đời trước mình làm điều gì đó không
tốt với chồng mình, cho nên bây giờ đành cố gắng mà đối diện với hoàn
cảnh, cố sống tốt coi như trả món nợ trước đây”. Tuy nghĩ được thế nhưng lòng
đầy ngổn ngang, đầy những điều thắc mắc.
Thực sự người vợ rất muốn biết mình và chồng có ác duyên gì với nhau mà mấy
mươi năm người vợ vẫn chưa trả xong và thế là một lần bà được một hòa thượng đã
dùng công năng túc mệnh thông (là khả năng nhìn thấy được quá khứ và tương lai
của một người) để xem giúp cô. Hóa ra đời trước người vợ là một phú ông giàu
có, dù đã có vợ rồi nhưng vẫn ham mê sắc dục, dụ dỗ một người nữ tỳ rằng
ông sẽ đưa lên làm thiếp với đầy đủ danh chính ngôn thuận. Tuy nhiên, phú ông
này nuốt lời sau khi có được quan hệ với cô gái đó khiến cô gái đó oán hận ông
đến tận xương tủy. Và thế là đời này ân oán phải trả, người phú ông kia trở
thành người vợ, còn người vợ lại thành người chồng, họ là vợ chồng với đầy đủ
danh nghĩa như cô nữ tỳ xưa kia mong muốn, như những gì phú ông đã hứa mà không
làm cho cô. Những oán hận tích lại từ kiếp trước đó giờ thể hiện ra
bằng sự hành hạ của người chồng đối với người vợ, để bắt người vợ phải trả cái
nợ trước đây. Người vợ sau đó hiểu ra, những bất hạnh và khổ đau đúng là
vì nghiệp lực luân báo.
Hay có chuyện hai vợ chồng đang sống bình yên với nhau, nhưng bỗng nhiên
người vợ ngoại tình dẫn đến sự bất hạnh trong cuộc sống gia đình. Việc này có
thể lý giải theo hai cách, thứ nhất là có thể sự bất hạnh mà người chồng phải
chịu là kết quả của món nợ nào đó trong kiếp trước, thứ hai là nếu không phải
vì món nợ trước đây phải trả thì đó chính là việc người vợ đã tạo ra một nghiệp
mới, nghiệp này ắt rồi sẽ phải trả về sau.
Cho dù bạn là ai, bạn có tin vào quy luật nhân quả hay không thì bạn
vẫn phải chịu sự chi phối của nó. Các quy luật được định ra bởi tạo hóa,
đơn giản nhất đó là gieo nhân thiện gặt quả thiện, gieo nhân ác nhất
định sẽ gặt quả ác.
Nếu bạn hiểu được điều này, có lẽ bạn sẽ ngưng oán trách số phận không mang
lại cho bạn một người chồng/người vợ tốt đẹp như bạn mơ ước, bạn sẽ hiểu rằng
có lẽ bạn chịu khổ cũng là để trả nghiệp, một khi trả xong rồi thì không còn nợ
nữa, lúc đó hạnh phúc sẽ đến với bạn. Ngược lại, nếu bạn không hiểu điều này, cứ
ôm hận trong lòng thì những cái hận ấy sẽ trở thành lý do để đời sau hai người
lại phải kết ác duyên đế kết sổ ân oán.
Vậy nên lời khuyên cho bạn là đừng rơi vào cảm giác đau khổ bất hạnh khi
phải đối diện với những mâu thuẫn trong cuốc sống vợ chồng, hãy hiểu rằng chịu
khổ không phải là điều bất hạnh, thực ra đó là lúc nợ vay phải trả mà thôi, hãy
đối diện với những khó khăn đó bằng thiện tâm và thái độ bình tĩnh. Một khi bạn
thấy lòng mình không dậy sóng nữa, bạn sẽ thấy những sự việc tiếp theo sẽ có kết
quả tốt hơn.
Vợ chồng đến được với nhau là nhờ nhân duyên tiền định, cho dù đó là thiện
duyên hay ác duyên. Nếu là thiện duyên bạn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, nếu
là ác duyên thì đấy là cơ hội để bạn thiện giải và bồi hoàn lại những món nợ cũ.
*.
ĐỖ VIỆT PHƯƠNG
Địa chỉ: Khu tập thể đóng
tàu Bạch Đằng
Ngã tư An Dương, Lê Chân, Hải Phòng.
Email: dovietphuong118@yahoo.com.vn
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 04.06.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét