(Nguồn ảnh: internet) |
MỘT GÓC TÌNH LẠ
(Ghi chép tại Bệnh
viện Chợ Rẫy)
*
(Tác giả Nhụy GiaLai) |
Hắn nhập viện trước ba
tôi đến cả tuần. Khoảng chừng 27, 28 tuổi nhưng nét mặt
hắn trông khá già dặn phong trần, pha chút bậm trợn với vẻ gân guốc và râu ria
lởm chởm. Thì hắn là dân lơ xe tải mà, từng chinh chiến khắp mọi nẻo đường nam
bắc. Có điều tới vận xui nên trong lúc làm hiệu cho xe “de”lui, hắn trượt chân
không tránh kịp, bị kẹp giữa hai chiếc xe tải đến nỗi … bẹp đầu và chấn thương
tùm lum. Nằm liệt ở một góc, nhưng hắn trở thành tâm điểm của cả phòng bởi
thường xuyên “quậy”, chẳng cho ai ngủ nghỉ cả. Lúc mê sảng la hét đã đành, lúc
tỉnh hắn cũng hay càm ràm than thở, chưởi thề, rồi lôi cả ông bà ông vãi ra oán
trách. Chăm sóc cho hắn có hai người. Cô em gái người mũm mĩm và vụng về, đụng
đâu bị hắn la đó chịu không thấu nên hay lãng lãng ở bên ngoài. Cô vợ (như lời
cô tự giới thiệu) thì gầy tong teo, nước da xám tái, khắc khổ nhưng được cái
chịu khó và mát tay. Hết quạt mát, lau rửa, cho ăn, giúp tiêu tiểu rồi dỗ dành
… trông cô chu đáo đến tội nghiệp. Tối đến, trong khi
em gái hắn trãi chiếu dưới sàn ngủ ngon lành thì cô nằm khoanh ở đuôi giường,
ôm đôi chân hắn gác lên mình và vỗ về cho hắn ngủ. Hắn có vẻ “chịu” vợ hắn lắm.
Cũng có lần hắn dở chứng đuổi: “Mày biến
đi, coi kiếm thằng nào trai trẻ bồ với nó được thì bồ, tao cóc cần ai hết, tao
thân tàn ma dại rồi, để cho tao chết đi”. Cô vợ dỗ một chặp không được,
phát cáu: ”Thôi
im cái mồm cho bà con nhờ, tao bực tao bỏ cho chết mẹ bây giờ”. Vậy là hắn
im. Cái kiểu ăn nói, xưng hô mày tao của cặp đôi này thật lạ, không “đụng hàng”
với ai được. Thấy tôi nhìn, cô vợ phân bua: “Tụi em quen vậy rồi, từng là bạn bè với nhau mà...”
Được hai hôm thì mẹ và
chị hắn vào. Vợ hắn thoáng thấy bóng họ là lẳng lặng chuồn mất, còn hắn vừa càm
ràm vừa úp mặt vô tường như không hay không biết. Tôi cũng không để ý lắm, cho
tới lúc hắn vặn mình hất văng bàn tay bà mẹ đặt trên trán, miệng rít lên giận
dữ: “Bà còn muốn gì nữa? Bà để cho tôi
yên có được không? Tôi chết thì bà mới bằng lòng hả? Về đi, về hết đi”. Mẹ
hắn bật khóc, chị hắn nài nỉ - trong khi hắn tuôn xối
xả những lời oán trách, chưởi thề bất cần đời. Đại khái hắn không cần cái gia
tài của mấy người, chuyện riêng của hắn mặc kệ hắn, đã đuổi hắn thì hắn đi, hắn
cũng không cần ai thăm nom gì cả… Hắn vùng vằng dữ quá, tôi buộc phải chạy
sang ôm ghì tay hắn xuống, dỗ dành: “Bình
tĩnh, bình tĩnh đi em. Chuyện riêng tư có gì từ từ mai mốt khỏe rồi hẳn nói, em
làm vầy ảnh hưởng vết thương sao lành được”. Không biết vì nghe lời tôi hay
đuối sức mà hắn trở nên xụi lơ, đôi dòng nước mắt lăn dài trên má…
Trưa và chiều hôm đó hắn
lơ cơm, lơ sữa; bà mẹ và hai chị em năn nĩ ỉ ôi lắm hắn mới nuốt vài muỗng gọi
là. Tối lại không còn người để gác chân và vỗ về giấc ngủ, hắn càng quậy dữ, la
hét cả đêm. “Bộ nhớ” của hắn có khi bị chập nặng rồi - Tôi thầm nghĩ
giữa những lần lơ mơ thiếp đi vì mệt mõi.
Sáng hôm sau khi cùng
ngồi bên ngoài hành lang chờ hết giờ bác sỹ thăm khám bệnh, tôi nghe cô em mũm
mĩm nói với bà mẹ:
- Hay là mẹ về đi, để con
cùng chị ấy chăm ảnh cho
Bà mẹ ngước mặt lên,
trông bà hốc hác hẳn, hai mắt trũng sâu:
- Về là về thế nào? Tụi
bay giấu tao mấy hôm rày chưa đủ sao? Tưởng tụi bay chăm lo cho nó, ai dè tụi
bay giao hết cho cái con đượi đó. Nó mà có mệnh hệ gì thì…
- Thì mẹ thấy đó, ảnh đâu
có chịu cho mình chăm sóc đâu? Chỉ có chị ấy thôi. Mà tính chị ấy cũng tội lắm,
lại chịu khó nữa. Tại má chưa biết đó.
- Biết, biết cái gì? - Bà mẹ lớn giọng: Cũng tại cái con đó mà xảy ra
bao nhiêu chuyện lộn xộn trong nhà. Cái thằng này cũng gan trời lắm, cả ba mẹ
mà nó còn xem chẳng ra gì, động một tý là bỏ nhà đi. Để coi nó thi gan được bao
lâu, hay cuối cùng thì cũng cóc chết ba năm quay đầu về núi...
- Thôi mà mẹ - Cô gái xuống giọng nài nỉ: Miễn sao ảnh khỏe lại
là mừng rồi, có gì tính sau.
- Trước sau cái gì? Nói
càng thêm tức quá…
Rồi bà chợt thở dài.
Quay sang tôi, thấy tôi tỏ vẻ quan tâm, bà liền kể lể đầu đuôi sự việc: “Cái con đó có phải dâu con gì đâu? Nó làm
gái hết thời, có hai đứa con riêng lại chẳng đẹp đẽ gì. Vậy mà thằng Út nhà tôi
chết mê chết mệt đòi cưới về làm vợ. Cả nhà chẳng ai đồng ý, thế là nó bỏ
đi luôn, sống với con đó cả năm nay rồi. Bị tai nạn cũng không thèm nhắn nhà về
lấy một tiếng. Thật là khổ cho con với cái…” Tôi ngồi im nghe, không dám
nói gì, bụng thầm nghĩ: Có khi tụi nó thương yêu nhau thiệt thì sao? Biết đâu
được? Gặp phải cái thứ bồ bịch trời ơi đất hỡi thì nó tiếc gì cái thằng bẹp đầu
nằm một đống mà không bỏ đi từ bảy đời nào rồi ???
Chiều hôm sau nữa hắn
mắc…ị, mấy mẹ con xúm quanh, người lo che màn, người lấy chậu…lăng xăng lít
xít. Ở bệnh viện thấy cảnh đó hàng ngày hóa quen nên tôi cũng không để mắt đến
làm gì, nhưng lần này không hiểu vì sao hắn rên la quá xá. Ba mẹ con cuống lên
gặng hỏi, hỏi gì hắn cũng không nói, chỉ rên la thảm thiết hơn. Bà mẹ giục cô
con mũm mĩm đi gọi bác sỹ, cô đi một chặp lại quay vào cùng …vợ hắn. Thì ra mấy
hôm nay cô ả cũng chỉ loanh quanh đâu đó trong bệnh viện thôi. Không lý gì đến
mọi người đang nhìn ngó, cô ả hỏi như quát: “Sao, đau cái gì, đau ở đâu? “ Hắn huơ tay ra hiệu cho vợ lại gần nói
nhỏ, con vợ cứ oang oang: “Thì nói đại đi
chứ mắc cỡ gì? Ở bệnh viện chớ phải ngoài đường đâu mà mắc cỡ? Cái gì? Ba bốn
ngày rồi không ị được hả? ối giời, tưởng sao, để đó tui làm cho…”. Mọi
người còn đang ngơ ngác chưa biết thế nào thì vợ hắn đã nhanh nhẹn lục xách lấy
cục xà phòng thấm ướt xoa lên mấy đầu ngón tay, cúi người lật nghiêng nửa thân
dưới của hắn lên rồi chọc, ngoáy, nắn bóp… Một tràng âm thanh không thể diễn tả
của con người lúc đang giải quyết nỗi buồn khó nói vang lên, thế là xong. Những
gì cần phải làm tiếp theo trở nên đơn giản …
Trong khi vợ hắn cùng cô
em mũm mĩm lo thu dọn “chiến trường” thì hắn cứ trân trân mắt nhìn lên trần
nhà, gương mặt chẳng biểu lộ nét xúc cảm nào. Mẹ hắn lặng lẽ bước ra ngoài hành
lang, cũng không nói không rằng. Tôi thoáng thấy nét mặt bà dịu hẳn đi, có lẽ
bà đã cảm nhận phần nào một tình cảm chân thật bên trong con người mà bà đang
ghét cay ghét đắng. Tôi nghĩ thầm: dù là trai tứ chiến, gái giang hồ thì họ vẫn
có quyền yêu nhau, ai dám bảo tình yêu của họ là không cao đẹp???
Mời thư giãn với nhạc phẩm TÌNH ĐẸP MÙA CHÔM CHÔM
của Vinh Sử, qua tiếng hát Lưu Chí Vĩ và Dương Hồng Loan:
*
Tháng 11 năm 2011
NHỤY GIALAI
(tên thật: Phạm Văn Nhụy)
Địa chỉ: Số 177, đường Phạm Văn Đồng,
thành phố Pleiku, tỉnh Gialai
Email: nhuygialai@gmail.com
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 20.05.2019
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét