(Nguồn ảnh: internet) |
NHỚ QUÊ NHÀ
CỦA CHÂU LY
*
NHỚ
QUÊ NHÀ
Mẹ hỡi đêm nay lòng hoang lạnh
Con ngồi một bóng nhớ thương quê
Nhớ sao là nhớ căn nhà nhỏ
Ríu rít chim non gọi nắng về.
Con nhớ dưới chân hồ Bến Tuyết
Trăng vàng ai đổ, múc sương lên
Thấp thoáng bên ven đồi lộng gió
Có bóng người nuôi mộng cuối ghềnh.
Nhớ phố năm xưa từng bước vội
Con đường phủ bóng một vị vua
Quang Trung ngun ngút bàn chân mỏi
Lòng bỗng mù sương lạnh bốn mùa.
Con nhớ sông Ba từ dạo ấy
Cúc quỳ vàng rợp trổ đầy bông
Mẹ cũng một thời làm con gái
Mà lo con trở gót theo chồng...!
Đã mấy thu sang lòng bỏ ngỏ
Trường xưa áo trắng tóc ai bay..
Mang mang trong gió câu đèn sách
Bụi phấn rồi thêm bạc tóc thầy
Vẫn biết nơi đây trời viễn xứ
Quê người một cõi quá mênh mông
Tháng năm hư ảo nhoà thương nhớ
Đau nhói trong tim một nỗi lòng.
Con sãi ở chùa quét
mãi lá đa!
*
CHÂU LY
LỜI BÌNH:
(Tác giả Nguyễn Xuân Dương) |
Bài thơ đẫm đặc giọng hoài cổ. Hoài cổ có nghĩa
là tất cả đã lùi xa, tất cả là dĩ vãng. Một dĩ vãng đẹp biết bao và đã là dĩ
vãng thì nó rất ít tồn tại trong cuộc đời hiện tại mà chỉ tồn tại trong vùng
trời ký ức của đứa con xa quê lưu lạc Châu Ly! Trong một đêm như Châu Ly đã
viết “Mẹ hỡi đêm nay lòng hoang lạnh”.
Vâng chỉ khi người ta cô đơn lạnh lẽo họ mới kịp nhớ về cố hương nơi đó vẫn còn
bóng người mẹ già mòn mỏi chờ con. Nhưng con là phận gái, phận gái thì phải
theo chồng điều mà mẹ cũng đã từng lo lắng nhưng biết làm sao đây? Nhớ mẹ và
nhớ tất cả những gì của quê hương gắn với đời mẹ, gắn với tuổi thơ con.
Mẹ hỡi đêm nay lòng
hoang lạnh
Con ngồi một bóng
nhớ thương quê
Nhớ sao là nhớ căn
nhà nhỏ
Ríu rít chim non
gọi nắng về.
Có phải vì cô đơn nên tất cả đã kịp hiện về trong
trái tim trong tâm hồn để rồi từ đó những thi ảnh xa xưa đẹp như miền cổ tích
ùa ập tràn về? Nhớ căn nhà nhỏ nơi con đã được sinh ra và được dưỡng dục để trở
thành một ngừơi thiếu nữ rồi kể từ khi “Trở
gót theo chồng" thì tất cả đã thành dĩ vãng. Mẹ hỡi trong khu vườn năm
xưa ấy giờ có còn đàn chim nhỏ ríu rít gọi những tia nắng ban mai về sưởi ấm
căn nhà nhỏ, sưởi ấm cuộc đời của mẹ. Rồi:
Con nhớ dưới chân
hồ Bến Tuyết
Trăng vàng ai đổ,
múc sương lên
Thấp thoáng bên ven
đồi lộng gió
Có bóng người nuôi
mộng cuối ghềnh
Quê hương cứ hiện về. Mẹ hỡi hồ Bến Tuyết ngày
xưa nơi mà cứ hằng đêm ai đã đổ ánh trăng xuống đó cho lấp lánh ánh vàng và ai
đã múc sương lên cho hồ đỡ lạnh. Câu thơ đẹp biết bao nó được chắt ra từ trong
trí thưởng tượng hay chính đó là cảnh hồ xưa cũ. Giờ đây liệu có còn không? Nhà
thơ buông vào đây một thi ảnh khác nữa, một thi ảnh như mơ như thực. Tôi không
hiểu bóng người đã nuôi mộng cuối ghềnh là chính nhà thơ hay chàng trai đầu đời
nơi quê cũ? Nuôi mộng bên ven đồi lộng gió đẹp biết bao. Nhưng mộng vẫn chỉ là
mộng thôi và theo tháng năm giấc mộng cuối ghềnh ấy đã tan mất như những tăm
cá, như ánh trăng ai đổ xuống hồ như giọt sương mai đang tan dưới ánh mặt trời.
Tất cả đã thuộc về dĩ vãng. Một dĩ vãng buồn thương.
Nhớ phố năm xưa
từng bước vội
Con đường phủ bóng
một vì vua
Quang Trung ngun
ngút bàn chân mỏi
Lòng bỗng mù sương
lạnh bốn mùa
Phố nhỏ ngày xưa nơi đã nhiều tháng năm con vội
vã đi về. Nhớ lắm mẹ ơi con đường mang tên vua Quang Trung thuở ấy. Chỉ là một
cái tên thôi nhưng với tuổi thơ con thì hình bóng nhà vua kiêu hùng như đang
ngun ngút bàn chân mỏi, vẫn đi về cùng con. Giờ đây nơi quê người đất khách này
con nhớ về phố nhỏ, nhớ đường Quang Trung mà sao “Lòng bỗng mù sương lạnh bốn mùa”. Không chỉ mùa đông lòng con lạnh
mà cả những mùa hè rực nắng, mùa xuân tươi vui và mùa thu bang lảng nơi bạt
ngàn Tây Nguyên lòng con cũng hoang lạnh mù sương.
Con nhớ sông Ba từ
dạo ấy
Cúc quỳ vàng rợp
trổ đầy bông
Mẹ cũng một thời
làm con gái
Mà lo con trở gót
theo chồng...!
Mẹ hỡi sông Ba dạo ấy có còn không hay như một
nhà thơ đã viết: “Chỉ còn ao nước nhỏ/
Dưới chân cầu lặng yên”. Có còn không hoa cúc quỳ vàng rực lên trong nắng.
Nhìn hoa cúc quỳ trổ đầy bông sao mẹ lại lo lắng con sẽ trở gót theo chồng điều
mà mẹ cũng đã từng phải như thế, phải trải qua. Thương con lo vun vén hạnh phúc
cho con nhưng người mẹ nào lại muốn rời xa những đứa con yêu và suốt đời vẫn là
bé bỏng.
Đã mấy thu sang
lòng bỏ ngỏ
Trường xưa áo trắng
tóc ai bay..
Mang mang trong gió
câu đèn sách
Bụi phấn rồi thêm
bạc tóc thầy
Đã bao mùa thu qua đi lòng con đã hoàn toàn bỏ
ngỏ cho những kỷ niệm tuổi học trò, tuổi áo trắng mộng mơ trôi vào quá khứ.
Hoài niệm chồng lên hoài niệm. Những thi ảnh ở đây đẹp nhưng sao cứ như xát
muối vào lòng ta. Mẹ ơi con nhớ mẹ nhớ thầy. Tháng năm cứ chồng chất nỗi nhớ.
Thầy ơi tóc thầy đã bạc không chỉ vì thời gian mà còn bạc vì bụi phấn rắc trên
tóc thầy trong những tháng năm thầy bỏ công dạy dỗ chúng con thành người.
Vẫn biết nơi đây
trời viễn xứ
Quê người một cõi
quá mênh mông
Những câu thơ than thân trách phận này đã gieo
vào lòng ta nỗi cảm hoài khôn nguôi. Theo chồng, xa quê lưu lạc nơi chân trời
góc bể, nơi quê người viễn xứ lòng con không bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ,
nỗi nhớ quê hương. Nỗi nhớ ấy đã và mãi mãi:
“Tháng năm hư ảo
nhoà thương nhớ
Đau nhói trong tim
một nỗi lòng”
Mời nghe nhạc phẩm GIỮA MẠC TƯ KHOA NGHE CÂU HÒ NGHỆ TĨNH
của Trần Hoàn, qua tiếng hát Lê Sang:
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 19.06.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét