(Nguồn ảnh: internet) |
NỖI DAY DỨT TRONG
BÀI THƠ
HAI NĂM TÌNH LẬN ĐẬN
*
HAI NĂM TÌNH LẬN ĐẬN
1
Hai năm tình lận đận
Hai đứa cùng xanh xao
Mùa đông, hai đứa lạnh
Hơi thở dài như nhau?
Hai năm tình lận đận
Hai đứa cùng hư hao
(Em không còn thắt bím
Nuôi dưỡng thời ngây thơ
Anh không còn luýnh quýnh
Giữa sân trường trao thư!)
Hai năm tình lận đận
Hai đứa đành xa nhau
Em vẫn còn mắt liếc
Anh vẫn còn nôn nao
Ngoài đường em bước chậm
Trong quán chiều anh ngóng cổ cao…
2
Em bây giờ, có lẽ
Toan tính chuyện lọc lừa
Anh bây giờ, có lẽ
Xin làm người - tình - thua
Chuông nhà thờ đổ mệt
Tượng Chúa gầy hơn xưa
Chúa bây giờ, có lẽ
Rơi xuống trần gian, mưa
(Dù sao thì Chúa cũng
Một thời làm trai tơ
Dù sao thì Chúa cũng
Là đàn ông… dại khờ!)
Anh bây giờ, có lẽ
Thiết tha hơn tín đồ
Nguyện làm cây thánh giá
Trên chót đỉnh nhà thờ
Cô đơn nhìn bụi bặm
Làm phân bón rêu xanh
(Dù sao cây thánh giá
Cũng được người vinh danh!)
3
Hai năm tình lận đận
Em đã già hơn xưa!...
*.
NGUYỄN TẤT NHIÊN
LỜI BÌNH:
(Tác giả Bùi Huyền Tương) |
Xưa nay, không ít những cuộc tình đằm thắm da diết, rồi phải chia lìa cách
xa do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có khi là duyên cớ không thể giải thích
được, không thể buộc lỗi cho ai. Nói chung, những cuộc tình chia xa này đã được
thi ca nhắc đến khá nhiều. Nhà thơ Hồ DZếnh đã từng thốt lên: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở/ Đời mất vui
khi đã vẹn câu thề”.
Đọc bài thơ “Hai năm tình lận đận” của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, tôi không
nằm trong tâm trạng cảm xúc này. Mà tâm trạng man mác buồn và nỗi day dứt khôn
nguôi trước cuộc tình trải qua thời gian rất đẹp.
Bài thơ là câu chuyện tình trong muôn vạn câu chuyện tình. Nhưng ở đây lại
đi theo trình tự khắc khoải thắt lòng: Đằm thắm thủy chung - Chia tay trong ám ảnh - Đơn phương vọng nhớ. Rồi, cậy nhờ vào đấng
siêu nhiên - vào Đức Chúa Trời mà giãi bày cầu nguyện.
Vào thế kỷ trước (1973), nhà thơ Phạm Thiên Thư đã viết bài thơ
“Vết
chim bay” được nhiều người biết đến, được xem như một trong
những bài thơ yêu thích. Đấy là mối tình ngân vọng từ hai trái tim
yêu tha thiết. Mối tình chớm nở, nhưng không dám chạm đến, sợ tình tan loãng
theo khói sương. Rồi cuộc tình chia xa không biết vì sao. Thế rồi, cứ ngắm nhìn
theo mây khói mà hoài tưởng, ngóng trông trong nỗi đau mà không lụy, không vật
vã kêu thương.
Ngược lại, cuộc tình trong bài thơ “Hai năm tình lận đận” lại đơn phương
vật vã trong nỗi chia xa. Càng đọc, càng ngẫm ta càng nhận ra những lăn lóc
thân phận, những bể dâu nhân thế, những thế thái nhân tình mà nghiệm sinh.
Nhiều khi không khỏi chơi vơi thảng thốt trước cõi phù trầm lắm nỗi đa đoan.
Nhân vật trữ tình trong bài thơ thuộc tạng người chân thật, thủy chung, đắm
chìm trong giấc mơ tình yêu cao thượng. Còn người tình của anh thì sao nhỉ? Cái
nhan đề bài thơ hẵn đã là chìa khóa gởi đến người đọc để mở cửa nội dung bài
thơ rồi. Nhưng lận đận thế nào không chỉ ở phía chàng trai - người trong cuộc mà còn dành ở phía người
đọc.
Hai năm khoảng thời gian ngắn ngủi so với một đời người. Nhưng hai năm với
cuộc tình… Đủ để cảm, để để hiểu, để dâng hiến hương vị tình yêu. Bài thơ tồn
tại song song hai trạng thái cảm xúc đan xen nhau trong thế tương phản. Ngay ở
khổ thứ nhất: “Hai đứa cùng xanh xao/ Mùa
đông hai đứa lạnh” và khổ thứ hai: “Em không còn thắt bím/ Nuôi dưỡng thời ngây
thơ/ Anh không còn luýnh quýnh/ Giữa sân trường trao thư”
Thì ra cuộc tình đã chớm nở ở thuở hoa niên đầy mơ mộng. Lúc nàng còn tuổi
thắt bím, chàng vụng về lính quýnh trao thư nơi sân trường. Cái tâm trạng này
được tác giả đặt trong ngoặc đơn ( ) như dòng hồi tưởng, tiếc nuối một thời đã
qua. Tạo nên thế đối nghịch với hiện tại cuộc tình đang đằm thắm trong thời
buổi khó khăn: Hai đứa cùng đói lạnh, cùng xanh xao và cùng hư hao. Nhưng, đã
đồng cảm sẻ chia trong nghĩa thủy chung đến từng hơi thở “Hơi thở dài như nhau?” Và cũng có thể là tiếng thở dài cùng nhau
chia sẻ trước khốn khó đời thường. Tác giả đặt dấu hỏi (?) sau câu thơ như lời
tự vấn, lời độc thoại với chính mình, còn là lời nhắn gởi đến người tình. Rằng,
em còn nhớ “Hai năm tình lận đận” với
bao khốn khó, nhưng ta vẫn thủy chung, vẫn quấn quýt bên nhau. Dấu chấm hỏi như
bao trùm lên nỗi tiếc thương. Với tôi, câu thơ này cùng với câu “ Trong quán
chiều anh ngóng cổ cao” và câu “Thiết tha
hơn tín đồ” đã tạo nên điểm nhấn, tạo nên thần thái của bài thơ.
Nếu hai khổ thơ đầu tạo nên sự đối nghịch, thế tương phản để hiển lộ tình yêu đằm thắm thủy chung. Thì khổ thơ thứ ba đã tạo nên thế tương đồng: “Em vẫn còn mắt liếc/ Anh vẫn còn nôn nao/ Ngoài đường em bước chậm/ Trong quán chiều anh ngóng cổ cao…”.
Nếu hai khổ thơ đầu tạo nên sự đối nghịch, thế tương phản để hiển lộ tình yêu đằm thắm thủy chung. Thì khổ thơ thứ ba đã tạo nên thế tương đồng: “Em vẫn còn mắt liếc/ Anh vẫn còn nôn nao/ Ngoài đường em bước chậm/ Trong quán chiều anh ngóng cổ cao…”.
Thế sao lại đành xa nhau? Khổ thơ để lại trong lòng người đọc cảm xúc miên
man day dứt. Rồi tự đặt cho mình câu hỏi xoáy xiết trong nỗi vấn vương. Bài thơ
trải dài cảm xúc theo thể ngũ ngôn. Nhưng lại rơi vào một câu thơ phá cách “Trong quán chiều anh ngóng cổ cao…”. Nếu
thử bỏ đi hai từ “cổ cao” câu thơ trở thành: “Trong
quán chiều anh ngóng” vừa tròn trịa thể 5 chữ, vừa thể hiện phần nào tứ
thơ. Tôi tin rằng, tác giả vẫn biết điều đó. Nhưng nhà thơ lại thêm vào hai từ
“cổ cao” chắc hẵn đã có dụng ý, có
chủ đích rồi. Nếu như: “Trong quán chiều anh ngóng” theo
bước em qua đường thì mức độ quyến luyến bồi hồi ở tầng cảm xúc thấp hơn. Đằng
này “anh ngóng cổ cao…” cùng dấu chấm
lửng (…) thì cho phép người đọc nhận ra cường độ quyến luyến bồi hồi đã dâng
lên đỉnh điểm cùng những bâng khuâng còn giấu kín trong lòng làm sao nói hết.
Tôi nghĩ đến điều này khi bắt gặp một loạt hình ảnh, từ ngữ đầy hình tượng: mắt liếc, nôn nao, bước chậm, ngóng cổ cao…
Thời gian cứ trôi. Để rồi: “Em bây
giờ, có lẽ/ Toan tính chuyện lọc lừa/ Anh bây giờ, có lẽ/ Xin làm người - tình - thua”. Vẫn biết sự tương phản, đối nghịch tạo nên thần thái
cho thơ. Song, người đọc khi chạm vào khổ thơ này không khỏi nao lòng. Bởi cái
thế tương phản không chỉ ở thủ pháp mà còn chính ở tâm trạng của chàng trai
luôn trung thành với tình yêu. Hai từ “có
lẽ” thật ám ảnh, vừa phỏng đoán, vừa khẳng định dè dặt suy nghĩ của chàng
trai. Nhưng lại hiện ra trước mắt người đọc hai tính cách: em - toan tính lọc lừa, anh - xin làm người tình thua. Em toan tính lọc lừa điều gì? câu thơ đặt
ra cho người đọc bao suy nghĩ. Rồi ám ảnh, rồi chiêm nghiệm riêng tư…
“Anh bây giờ, có lẽ/ Xin làm người - tình - thua”. Mạch cảm xúc của bài thơ không dừng ở đó. Mà tiếp tục
tuôn trào. Qua hụt hẫng tình trường, anh tìm đến giáo đường mỗi chiều sau tiếng
chuông nhà thờ gióng đổ và dưới tượng Chúa mà nguyện cầu, giãi bày tình cảm kín
thầm. Qua những câu thơ đầy hình tượng, ta nhận ra Chúa cũng chạnh lòng thương
cảm trước tấm lòng của một tín đồ đức hạnh, phụng hiến cho tình yêu cao cả: “Chuông nhà thờ đổ mệt/ Tượng Chúa gầy hơn
xưa/ Chúa bây giờ, có lẽ/ Rơi xuống trần gian, mưa”
Khi đọc những đoạn cuối của bài thơ. Tôi hơi ngờ ngợ. Bởi, tác giả đã táo
bạo dùng những ẩn dụ, vay mượn hình ảnh thánh thiện, thiêng liêng để ví von
mình. Nhưng khi đọc những dòng thơ này. Theo tôi, ta không nên tìm đến ý nghĩa
câu chữ mà tìm đến xúc cảm thi ca. Mỗi khi người ta đã chịu đựng đến tột cùng
của đức khiêm nhẫn, thì sự vay mượn để ví von đấy là tấm lòng thành thật: “Anh bây giờ, có lẽ/ Thiết tha hơn tín đồ”.
Và rồi: “Nguyện làm cây thánh giá/ Trên
chót đỉnh nhà thờ”. Chàng trai chỉ nguyện làm cây thánh giá để sẻ chia nỗi
cô đơn. Qua đó cho phép ta hiểu rằng, đấy là đức khiêm cung, tôn quý những gì
thuộc về thiêng liêng thánh thiện của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Anh mượn
hình ảnh cây thánh giá để ngợi ca lòng vị tha, tính bao dung rộng lớn để ngợi
ca tình yêu thương, chia sẻ: “Dù sao cây
thánh giá/ Cũng được người vinh danh!”. Và như thế anh đã: “Thiết tha hơn tín đồ”
Bài thơ trải đều theo dòng tự sự. Với nỗi bi thiết trước sự gãy đổ của tình
yêu đôi lứa. Ở đó ta còn nhận ra đức khiêm nhẫn, khiêm cung, lòng tự trọng. Và
tính bao dung độ lượng của con người. Dẫu cho dư âm bài thơ gợi trong lòng
người đọc một nỗi buồn man mác. Nhưng, khi đọc kỹ ta thêm thấu hiểu cái da diết
bên trong.
Mời thư giãn với nhạc phẩm HOA TÍM NGƯỜI XƯA
của Thanh Sơn, qua tiếng hát Dương Hồng Loan:
*
BÙI HUYỀN TƯƠNG
(tên thật: Bùi Văn Tường)
Địa chỉ: Trường Trung học Cơ sở Tịnh Hòa,
thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Email: buihuyentuongqng@gmail.com
Điện thoại: 079.555.44.49
.
.
……………………………………………………………………………………………………………………………………..………
- Cập nhật từ email: tranchicuong27@yahoo.com.vn gửi
ngày 13.07.2018
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét