MỜI ĐỌC:

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

THƯ NGỎ GỬI NHÀ THƠ HỮU THỈNH, VÀ BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM - Tác giả: Nguyễn Thái Sơn (Sài Gòn)

(Nguồn ảnh: internet)
THƯ NGỎ GỬI NHÀ THƠ HỮU THỈNH
VÀ BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM   
(ĐỂ ĐƯỢC GIẢI THÍCH, KẾT LUẬN, GIẢI QUYẾT)  
*
(Tác giả Nguyễn Thái Sơn)
Ngày 18/1/2008, ngay bên Linh cữu Nhà văn Nguyễn Khải tại Nhà Tang Lễ thành phố Hồ Chí Minh, số 25, đường Lê Quý Đôn, tranh thủ sau khi thắp hương viếng Nguyễn Khải, Nhà thơ Hữu Thỉnh bảo tôi, đại ý: Hội Nhà văn muốn anh về làm Trưởng Văn phòng Đại diện Tạp chí Thơ, cùng với việc in và phát hành Tạp chí Thơ tại thành phố Hồ Chí Minh, nếu đồng ý anh làm “phương án” đưa tôi sớm.  
Ngay đêm hôm ấy tôi làm “phương án chi tiết”, với những nội dung chính, hiện còn lưu trong máy (*)  
Sau 4 lần được Nhà thơ Hữu Thỉnh mời/gọi từ Sài Gòn ra Hà Nội để “gặp gỡ, bàn bạc, họp, nhận nhiệm vụ…”, trong đó có 3 lần “họp tạp chí”, mỗi chuyến đi từ 10 đến 12 ngày. Một năm sau, đầu tháng 1/2009, Nhà thơ Hữu Thỉnh điện vào bảo “…sẽ giao quyết định bổ nhiệm trong mấy ngày tới”. Đêm 7/1/2009, Nhà văn Phạm Đình Trọng (ở cùng phòng với tôi tại “Hội thảo Văn học với Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa" diễn ra ở Biên Hòa, Đồng Nai) cùng tôi sang phòng Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận Quyết Định. Suốt đêm ấy Phạm Đình Trọng, tôi gần như thức trắng để “bàn bạc về Tạp chí Thơ - Ấn phẩm phía Nam”.
Hôm sau, 8/1/2009, trong Hội thảo, ở hội trường, tại nhà ăn, nói chung là “mọi lúc mọi nơi”, tôi luôn được Nhà thơ Hữu Thỉnh giới thiệu với các nhà văn dự hội thảo, đại ý: anh Sơn nay đã là người của Tạp chí Thơ tại phía Nam, và sẽ tổ chức bài vở, biên tập, in, phát hành tạp chítại thành phố Hồ Chí Minh, mong được mọi người giúp đỡ, ủng hộ…
Hội thảo diễn ra trong một ngày, tối 8/1/2009, khi thấy Phạm Đình Trọng và tôi mang  đồ lề ra dãy xe ca để về Sài Gòn, Nhà thơ Hữu Thỉnh bảo: “Hai anh đừng đi xe lớn, chờ tôi cùng ngồi xe của Hội Nhà văn Thành phố (16 chỗ ngồi) để còn bàn bạc thêm về công việc của Tạp chí Thơ”. Trên xe thấy đã có các nhà văn Lê Văn Thảo, Lê Quang Trang, Trần Văn Tuấn và mấy nhà văn nhà thơ khác. Anh Lê Văn Thảo tỏ vẻ “khó chịu”, nói với tôi và Phạm Đình Trọng, đại loại: “Những mấy xe ca, các anh ngồi ở đó rộng rãi thoải mái, sang đây làm chi cho chật, lại còn phải chờ đợi ông Thỉnh chưa biết đến bao giờ…”. 
Gần nửa giờ sau Nhà thơ Hữu Thỉnh ra xe. Trên đường từ Biên Hòa về Sài Gòn, khoảng một tiếng đồng hồ, ông nhắc lại những nội dung đã nói trong ngày ở hội thảo, và còn có ý “gửi gắm”, “giao nhiệm vụ”: mong lãnh đạo Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh cùng các anh chị tận tình giúp đỡ để anh Sơnhoàn thành tốt nhiệm vụ, để Ấn phẩm phía Nam của Tạp chí Thơ ngày càng khởi sắc!  
Các nhà văn xuống xe rải rác ở các phố, lái xe đưa Nhà thơ Hữu Thỉnh và tôi đến địa chỉ cuối cùng là Khách sạn Victory Sài Gòn ở 14 Võ Văn Tần, quận 3. Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy Nhà thơ Hữu Thỉnh không mời lên phòng nghỉ mà bảo “nói chuyện ở đây (phòng lễ tân) cũng được”. Năm câu ba điều chẳng đâu ra đâu, tôi “nhét” chiếc phong bì “vừa phải” vào túi hành lý của Nhà thơ Hữu Thỉnh, nói “nhờ anh mua quà cho anhchị em ở tạp chí, và…”. Rồi chia tay. Nhiều người hỏi: phong bì…bao nhiêu? Không ít người nói: hay là phong bì “nhẹ” quá! Tôi cần phải thưa rằng: phong bì ấy không “thật nặng” không “quá nhẹ”, bởi nó hoàn toàn không mang tính “hậu tạ”. Tôi “về” Tạp chí Thơ không do nguyện vọng, nhu cầu cá nhân, mà là do “Hội Nhà văn muốn anh về làm Trưởng Văn phòng Đại diện Tạp chí Thơ, cùng với việc in và phát hành Tạp chí tại thành phố Hồ Chí Minh …” như Nhà thơ Hữu Thỉnh nói cạnh Linh cữu Nhà văn Nguyễn Khải trước đó một năm. Giả sử có chuyện “hậu tạ” chăng nữa, mà tôi lại “đưa” ngay sau lúc nhận Quyết Định theo kiểu “tiền trao cháo múc”, hóa ra “hạ thấp mình hạ thấp người” quá. “Nó” chỉ có thể được “thực thi” trong lần ra Hà Nội sau đó chừng chục ngày để nhận Giấy Phép in Tạp chí Thơ tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng “…lần ra Hà Nội để nhận Giấy Phép in Tạp chí Thơ tại thành phố Hồ Chí Minh” ấy đã chưa thành sự thật, cho đến hôm nay, 14/12/2014, nghĩa là chỉ còn ít ngày nữa là tròn …6 năm kể từ khi giao Quyết Định, Nhà thơ Hữu Thỉnh KHÔNG BAO GIỜ NHẮC ĐẾN TỜ QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM ấy nữa.
*
*           *
Tôi không thể hiểu, rằng do đâu Nhà thơ Hữu Thỉnh lại có thể hành xử như vậy.
Tôi cũng chưa thể biết rằng, với tờ Quyết Định này, và những gì tôi trình bày ở trên, Ban Chấp hành, và “những cơ quan cấp trên của Hội Nhà văn Việt Nam, sẽ trả lời, giải thích và giải quyết sao đây!
Với việc giao Quyết Định Bổ nhiệm, rồi 6 năm sau đó, cho đến tận bây giờ, Nhà thơ Hữu Thỉnh cùng một số cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam đã ngang nhiên tự vô hiệu hóa Quyết định ấy. Việc làm ấy đã vi phạm Luật pháp của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, cụ thể là Luật “Cán bộ, công chức”.

-----------

   
         
Mời nghe nhạc phẩm THƯƠNG CA TIẾNG VIỆT
của Đức Trí, lời: Hà Quang Minh, qua tiếng hát Mỹ Tâm:
             
*
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 01.2015
NGUYỄN THÁI SƠN
Địa chỉ: 156/7N/7 Tô Hiến Thành, phường 15
quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Email: nguyenthaison1710@gmail.com
.



  ....................................................................................................
- Cập nhật từ email ngocthai1948@gmail.com gửi ngày 05.11.2015
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.      
.

1 nhận xét:

  1. HÌNH ẢNH MỘT TAY TRÍ THỨC, VĂN NGHỆ SĨ ĐAM MÊ QUYỀN LỰC THẾ NÀO?
    - Dương Trọng Dật -
    .
    Nhà văn Võ Văn Trực (trong tác phẩm "Vết sẹo và cái đầu hói") quả đã mất không ít công phu khi dựng lại chân dung anh trí thức Quách Quyền Lực. Học hết cấp 3, đi bộ đội, có năng khiếu sáng tác văn chương, sau năm 1975 Lực được điều về làm việc tại Nhà xuất bản Văn nghệ Đại chúng. Từ đây, bằng sự nhanh nhẹn, tháo vát, cần cù và cả tài “láu lỉnh trong học thuật”, Lực đã có những bước thăng tiến chóng mặt trên con đường công danh. Từ phụ trách hành chính tuyên truyền, lên lãnh đạo một Nhà xuất bản rồi Viện trưởng Viện Văn hiến, Tổng Biên tập báo Văn hiến nghìn năm, được phong giáo sư và được bầu làm Tổng Thư ký Hội Văn hiến Quốc gia. Thủ đoạn tiến thân của Lực là chà đạp, lừa lọc, mị dân, mị từ cấp dưới đến cấp trên. Nhưng có một điều lạ: càng leo cao thì Lực càng đa nghi, đa nghi đến mức bệnh hoạn. Niềm tin duy nhất của Lực là những trò mê tín dị đoan, đến mức anh trở thành nô lệ của thần quyền. Bên cạnh Lực còn có Cấu - Thanh Cấu, một kẻ “lưu manh khoác áo trí thức” và Phan Chấn, một “trí thức lưu manh”. Nhà văn đã dùng hết tâm huyết để xây dựng bộ ba nhân vật này nhằm thực hiện ý đồ nghệ thuật của anh. Anh lôi “xềnh xệch” các nhân vật, đặt nó vào các tình huống khác nhau. Nhưng những nhân vật, tiếc thay, chỉ là những con rối vô hồn chuyển động một cách thô sơ theo bàn tay vụng về của người điều khiển. Những chi tiết được nâng lên mức “độc chiêu” về một trí thức cơ hội tầm cỡ thực ra chỉ đáng mặt là mánh khóe của một anh chàng láu cá vặt. Và anh chàng Lực, cái con người được liệt vào hàng “thủ đoạn cao thủ” mà một nhân vật đã lộng ngôn nói rằng “Bốn ngàn năm lịch sử mới đẻ ra một thằng như Quách Quyền Lực” và dù được vẽ mày vẽ mặt – được thổi vống lên là “nhân vật điển hình chưa từng thấy trong văn xuôi Việt Nam” – Cuối cùng vẫn hiện nguyên hình là một con bù nhìn bằng rơm của một phù thủy non tay ấn, không hơn.

    Đối lập với đám nhân vật “phản diện” là những nhân vật được coi là chính diện. Nổi bật trong số họ là Cù Văn Hòn – người phó – vốn là bạn thân thiết với Quách Quyền Lực từ thời còn để chỏm. Hòn được mô tả là trí thức có tài, có tâm, biết chịu đựng và biết tha thứ. Hòn vừa là nơi để Lực chà đạp, vừa là nơi để Lực thực hiện mưu đồ công danh. Nhưng Hòn lại là chỗ dựa tinh thần của Lực khi gặp hoạn nạn, một “đấng cứu thế” và là đối trọng tinh thần của Quách Quyền Lực. Nhân vật tâm đắc này đã được nhà văn dùng khá nhiều tâm huyết khắc họa trên cái nền những trí thức được coi là đứng đắn của Viện Văn hiến. Có điều, nhà văn càng dụng tâm đề cao bao nhiêu thì chất con người của Hòn càng bị hạ thấp bấy nhiêu. Một trí thức thật hay ngụy trí thức? Một người biết chịu đựng, biết tha thứ hay một kẻ mê muội, hèn nhát. Một tâm hồn cao thượng hy sinh vì tình bạn hay chính là kẻ đồng lõa với tội ác? Nhà văn cố tô son trát phấn cho nhân vật Hòn, nhưng thứ son phấn cấp thấp không tuân thủ theo ý muốn của anh. Và nhân vật đã chết yểu ngay khi anh đặt nó vào môi trường “chợ trời trí thức” của Viện Văn hiến, cái môi trường mà không biết anh cố tình hay hữu ý gắn cho là hoàn cảnh điển hình của giới văn nghệ nước nhà. Cái môi trường ngập ngụa trong sự thô tục, vô văn hóa với đủ thứ mua bán: mua bán giải thưởng, mua bán chức tước, mua bán bạn bè và mua bán cả nhân cách. Hoàn cảnh tù đọng, vấy bẩn ấy không chỉ dìm chết tức tưởi nhân vật Hòn. Đi xa hơn, nó đã nổi loạn, ăn tươi nuốt sống những gì ở xung quanh. Và nhà văn, chẳng còn cách nào khác hơn là phải bất lực vùng vẫy trong vũng lầy đầy cách ứng xử nhặt nhạnh từ đường phố, cái môi trường có phần mông muội do chính anh tự tạo ra. Nó như cái bát quái trận đồ, làm lẫn lộn giả chân, cái hiện tượng cái bản chất. Cuối cùng, nó biến thành cơn địa chấn, nhấn chìm tất cả, sổ toẹt tất cả, không chỉ tác phẩm văn học mà cả cái phẩm chất người, cái thiên chức cao quý của một nhà văn.

    Trả lờiXóa