(Khu lăng mộ Hàn Mặc tử ; Nguồn ảnh: internet) |
CỦA PHẠM HIỀN
*
Ngày Hàn đi
Trăng không vàng
như trăng thu
Hàn về với Chúa
Trăng lu
Biển Quy Nhơn
đêm nay cùng bạn
Tháng tám trăng
hoàng hoa
Sóng ri rầm vỗ
chân Ghềnh Ráng
Mảnh vở trăng
rớt xuống Quy Hoà
Hàn về với cõi
bao la
Thơ Hàn đã dâng
lên Chúa
Chúa đã ban
phước lành...
Chúa đã đọc
những lời thơ xanh
Ta cùng bạn đêm
nay đọc thơ trăng hoà nước mắt
Đồi thi nhân
từng hồi gió nấc
Ơi hời người đi
xa
*.
PHẠM HIỀN
LỜI BÌNH:
Bài thơ được viết bằng
nước mắt. Lấy trăng và Chúa làm chủ đạo cho ngôn ngữ, vì đời thơ của Hàn Mặc Tử
là trăng và Chúa:
"Trăng nằm sóng soãi trên nhành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi"
....
"Rồi một mai mình tôi bên giếng Ngọc
Với sao sương tôi nằm chết như trăng
Không có một nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn tôi và rửa vết thương tâm"
Với linh cảm đó Hàn Mặc
Tử đã về với nước Chúa trong đau thương bị người đời bỏ rơi quên lãng trong túp
lều bên cạnh nhà thương Quy Hoà.
Qua bài thơ ta thấy Phạm
Hiển như đã lấy trăng đắp lên nấm mồ của Hàn Mặc Tử nơi Ghềnh Ráng, ngày xưa
thì hoang vu lạnh lẽo, còn ngày nay là nơi hội tụ của các thi nhân, là điểm đến
của những ai yêu thơ Hàn Mặc Tử
"Ngày Hàn đi
Trăng không vàng như trăng thu
Hàn về với Chúa
Trăng lu"
Thương tiếc Hàn Trăng đã
khóc. Nước mắt nhạt nhoà làm lu mờ cả khuôn trăng. Vũ trụ còn biết khóc thương
cớ sao con người lúc đó lại ghẻ lạnh. Có chăng chỉ một nữ sỹ Mai Đình đến thăm
Hàn khi Hàn đã ở vào những ngày cuối cùng của một kiếp người. Hàn Mặc Tử đã lấy
nhật trình để che mặt. Nhưng nữ sỹ Mai Đình đã kiên quyết đòi được xem mặt Hàn
một lần. Người ta bảo sau lần ấy nữ sỹ Mai Đình đã thuộc về Hàn, ở vậy suốt đời
làm thơ về Hàn và thờ Hàn Mặc Tử.
Giờ đây có bao nhiêu
người đã khóc thương, nước mắt đã chan đầy mộ Hàn nơi Ghềnh Ráng.
Ta hãy đọc những câu thơ
đầy xót xa thấu hiểu:
"Biển Quy Nhơn đêm nay cùng bạn
Tháng tám trăng hoàng hoa
Sóng rì rầm vỗ chân ghềnh ráng
Mảnh vỡ trăng rớt xuống Quy Hoà"
Phạm Hiển chìm sâu vào
tâm tưởng rồi nấc lên gọi Hàn:
"Đồi thi nhân từng hồi gió nấc
Ơi hời; người đi xa"
Với các nhà thơ trên mộ
Hàn Mặc Tử phải có trăng và phải là trăng của Hàn: Trăng chết, trăng vỡ, trăng
lu, trăng nằm sóng soãi...
Nhiều khi tôi cứ trộm
nghĩ chính sự ra đi của Hàn Mặc Tử ở tuổi thanh xuân lại làm cho Hàn trở thành
bất tử
Sinh thời chỉ có nhà thơ
Chế Lan Viên mới dám đưa ra một lời tiên đoán mang tính khẳng định "Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau
cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại của thời kỳ này chút gì
đáng kể đó là Hàn Mặc Tử". Còn người đời và ngay cả Xuân Diệu cũng lên
tiếng chê bai khắc nghiệt. Chỉ sau khi Hàn về với nước Chúa người ta mới xúm
lại kẻ khen người chê. Trong tác phẩm "Thi nhân Việt Nam"
Hoài Thanh đã viết "Một người đau
khổ nhường ấy, lúc sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ mất rồi ta xúm lại kẻ chê
người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn"
Phạm Hiển chỉ có khóc,
nước mắt thấm ướt mộ Hàn bằng những câu thơ.
Mời thư giãn với nhạc phẩm HÀN MẶC TỬ
của Trần Thiện Thanh, qua tiếng hát Sơn Tuyền và Tuấn Vũ:
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 10.07.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét