(Nguồn ảnh: internet) |
CÓ HẬU
*
(Nhà văn Phan Trang Hy) |
Tôi kể chuyện này
có thật ít nhất cũng được 51%. Có thể bạn hỏi sao không là 100% mà lại là 51.
Thôi thì, tôi cũng xin thú thật chỉ có 51% là thật, còn 49% là giả. Giả chứ
không phải dối! Giả chứ không phải gian! Và bạn có thể cho tôi chỉ biết hư cấu,
hư cấu theo cái cách của bọn làm văn nghệ. Cũng được, nếu bạn nghĩ như thế.
Chuyện là thế này.
Mà tôi bắt đầu kể
như thế nào đây khi tôi chứng kiến tại xóm tôi có hai người. Cứ gọi tên cả hai
là ông Thật và ông Giả. Tôi xin chú ngoặc xin lỗi những ai có tên trùng với hai
ông ấy. Thật lòng tôi chẳng biết đặt tên khác được.
Vì là hàng xóm
láng giềng, nên tôi chơi thân cả hai người. Biết hai người không ưa gì nhau,
nên tôi cũng tùy thời cơ tạo mối quan hệ gắn bó. Thế nhưng, tội cho thân tôi,
tội cho những việc làm, những nghĩ suy của tôi hòng làm cho ông Thật và ông Giả
thân thiện nhau. Nhiều lần, tôi chơi oách, làm tiệc mời, nhất là tất niên mời
cả hai đến dự. Cả hai chẳng thèm đến. Chỉ có bà con láng giềng. Hoặc năm khi
mười họa, lão Thật đến thì lão Giả xin khất hẹn, khi lão Giả có mặt thì lão
Thật vắng bóng. Dù cả hai không thèm gặp mặt nhau, nhưng bà con trong xóm thấy
tính tôi hiền, lại thật thà, có chi nói nấy, nên bà con tin tưởng, giao cho tôi
nhiệm vụ hòa giải, tạo sự liên kết mối tình hàng xóm láng giềng cho hai lão.
Tôi mặc lời cảnh báo của vợ tôi: “Ông mà rớ vô chuyện của hai ông ấy thì phiền
lắm đấy!”...
Không thể một lúc
gặp được cả hai người, tôi chỉ còn cách tìm từng người để trò chuyện. Thôi thì
đủ chuyện, đủ lời qua tiếng lại giữa tôi và họ. Thường là những sáng chủ nhật,
tôi hẹn gặp họ uống cà phê. Một hôm, tôi gọi điện mời họ. Cả hai đều hứa sẽ đến
quán. Tôi đến trước ngồi đợi. Lão Thật đến trước. Lão Giả đến sau. Chẳng thèm
chào tôi, lão Giả quay lưng một mạch ra khỏi quán. Tôi chỉ còn biết cười trừ.
Cả buổi sáng hôm ấy, lão Thật tâm sự hết với tôi những điều chất chứa trong
lòng. Và có khi có chút gì vui vui, tôi gọi mời hai lão. Lão Giả đến trước. Thế
là tôi và lão cụng li, nói chuyện rề rà suốt buổi. Còn lão Thật, có thể lão
đến, nhưng không thèm ngồi với tôi vì bên tôi đã có lão Giả.
Như cái nhà kho
sau vườn của những ông chủ giàu có, tôi đang tích trữ những tâm sự, những nỗi
lòng của hai lão. Tôi nghe đủ cả niềm vui, nỗi buồn, sự lo lắng, thương yêu,
gắt gỏng của cả hai. Tôi đựng chứa đầy ắp những tiếng cười, những giọt nước mắt
của cả hai. Tôi xếp chồng trong tôi một mớ hỗn độn, xen kẻ giữa những ý nghĩ,
hành động, lời nói, giữa những quá khứ, hiện tại và tương lai của hai lão.
Có lúc tôi mệt
nhoài vì lời qua tiếng lại của hai lão mà chỉ có một mình tôi nghe, nhận lấy.
Tôi thường nói đi nói lại cái điệp khúc với hai lão khi chia tay (chỉ một trong
hai lão thôi): “Thôi mà! Cũng là bà con hàng xóm láng giềng, thương nhau chín
bỏ làm mười. Có thế bà con hàng xóm mới vui!”. Chắc các bạn cũng đoán được lời
của cả hai lão!...
Tôi có lúc chán vì
chuyện bao đồng. Ngẫm đi ngẫm lại lời vợ tôi cũng có chỗ đúng. Nhưng rồi tôi
nghĩ, mình ở giữa hai người, như là số mệnh đi. Đã là hàng xóm, tôi không thể
chọn một trong hai để chơi. Phải chọn cả hai mới hợp lẽ. Vì lẽ nhà tôi nằm lọt
giữa hai nhà của họ. Bên trái nhà tôi là nhà lão Thật, bốn tầng. Bên phải nhà
tôi là nhà lão Giả cũng bốn tầng. Còn nhà tôi là nhà cấp bốn. Lọt phỏm giữa hai
nhà, tôi chỉ còn biết cam phận làm người hòa giải chứ biết làm gì bây giờ.
Không ai gần hai lão bằng tôi, xét về phạm vi không gian lẫn thời gian. Tôi
cười vu vơ cho ý nghĩ không đâu vào đâu của mình.
Đang lúc suy nghĩ
mông lung, tôi nhận được tin nhắn. Tôi mở di động ra xem. Không phải một tin,
mà là hai tin. Tin thứ nhất: Mời thầy uống cà phê ở quán Hương Sen. Đó là tin
của lão Giả. Còn tin thứ hai là của lão Thật cũng nội dung như lão Giả nhắn.
Tôi không muốn làm mất lòng của hai lão. Tôi chẳng biết nên trả lời như thế nào
đây. Nếu không trả lời, thì sợ cả hai trách. Tôi đang phân vân thì có tiếng vợ
tôi: “Anh chuẩn bị xong chưa? Sáng nay anh chở em may áo quần mà”. Tôi sực nhớ
lại lời hứa với vợ. Tôi bèn điện lại báo cho cả hai biết là tôi không thể đến
uống cà phê được vì lí do rất ư là chính đáng. Thật may cho tôi. Tôi thầm cảm
ơn vợ tôi đã cứu tôi bàn thua với hai lão hàng xóm.
Tôi chở vợ đi vòng
vòng khắp phố, thư giãn sau khi cô ta tốn khoảng 1 tiếng 55 phút cho việc chọn
vải và đo ở tiệm may Làm Đẹp. Gọi là thư giãn cho nó có vẻ nhàn nhã, chứ thật
ra tôi chở vợ ghé chợ, tiện thể cô ta mua ít thức ăn cho bữa trưa. Mất thêm cả
tiếng nữa ở chợ. Cả buổi sáng hôm ấy, tôi thoát cảnh khó xử với lão Thật và lão
Giả, nhưng lại mang cái vòng nặng nợ vợ nhà. Tôi tự an ủi chính mình là có lúc
phải như thế mới hợp với những bức tranh thư pháp ghi một loạt chữ “nhẫn” được
bày bán, được tô vẽ bởi gương mặt của những người treo nó. Khi chở vợ về, tôi
cố nở bung xòe nụ tươi, nhưng tôi cảm thấy từng cánh mày, cánh mép của tôi đang
cụp xuống. Tôi vẫn cố làm như chẳng có gì. Vợ tôi thấy tôi có vẻ lạ, bèn hỏi:
“Hôm nay, anh làm sao thế?”. Tôi ấp úng: “Chẳng có chi…, chẳng có chi...”. May
mà còn 15 phút nữa là đúng 12 giờ, nên vợ tôi hối: “Chở em về nhanh đi anh!”.
Lần đầu tiên, kể từ khi hai đứa lấy nhau đến giờ, cô ấy mới hối tôi như thế.
Tôi muốn kể về vợ
tôi, về chuyện của hai đứa tôi cho các bạn nghe. Kể nhằm để quên lão Thật và
lão Giả. Nhưng như ở phần đầu, tôi ở giữa hai lão. Muốn tránh hai lão cũng
chẳng được. Vả lại, tôi là thầy giáo, đang mưu sinh bằng nghề dạy. Tôi nói mưu
sinh là vì ngoài đồng lương nhận từ tiền thuế của dân, tôi phải dạy kèm thêm
những đứa trẻ hàng xóm, trong đó có con của lão Thật và lão Giả.
Các bạn biết
không? Rất là lạ. Con của hai lão lại thân thiết với nhau. Rất là thân là khác.
Ngược hai lão 180 độ. Tôi lấy làm mừng vì các con của hai lão có tình thân như
vậy. Bọn chúng là học trò của tôi kia mà. Thực ra, tôi dạy ở trường Cao Thắng,
trong khi chúng học tại Phan Bội Châu. Tôi chỉ dạy kèm chúng từ lớp 6 đến lớp
9, lại kèm bộ môn văn, cái môn tưởng dễ, nhưng khó gặm, nên cũng có tình cảm
thầy trò với bọn chúng.
Lão Thật có hai
đứa con: trai đầu, gái út. Lão Giả cũng vậy. Hai đứa con trai của hai lão đều
sinh giống cả ngày, tháng, năm sinh. Hai đứa con gái của hai lão kém anh 4 năm
2 tháng 12 ngày 6 giờ 15 phút.
Còn tên của các
con lão lại hiệp nghĩa với từng lão như bất cứ người làm cha làm mẹ nào cũng
muốn tên con mình có ý nghĩa gắn kết với mình. Thằng Nam , con Nữ là con của lão Thật;
thằng Trai, con Gái là con của lão Giả. Cứ cho là cũng thuận tai: Thật – Nam -
Nữ; Giả - Trai – Gái.
Nhân ngày 20 – 11,
ngày lễ dành cho những người dạy học như tôi, một chút buồn, một chút vui, một
chút bâng khuâng cho nghề nghiệp. Tôi đang ngồi đọc những bài thơ trong tập san
của Sở giáo dục viết về nghề giáo, thì có tiếng gọi:
- Thầy ơi! Chúng
em đến thăm thầy đây.
Ra mở cổng, thì ra
là Nam
và Trai, con của lão Thật và lão Giả đến thăm tôi. Hai đứa ra bộ thân ghê lắm.
Mới đó mà chúng đã 28 tuổi rồi. Cùng chung lớp, chung trường, chung cả thầy
dạy, kể cả tôi, giờ chúng lại cùng nghề. Công việc của bọn chúng cũng khá – khá
theo cái kiểu kiếm khá tiền ấy mà.
Qua chuyện trò,
tôi biết thêm về hai gia đình của lão Thật và lão Giả. Biết qua lời kể của Nam và
Trai. Thật là kì cho hai lão. Thằng Nam nháy mắt với Trai, rồi nói:
- Thưa thầy! Ba em
lạ lắm. Thấy bác Giả có thứ gì là ba em phải sắm thứ ấy cho kì được. Tết vừa
rồi, bác Giả sắm được chậu mai cảnh, thì ba em cũng tìm cách có chậu mai như
bác Giả.
Tôi nghe Nam
nói thế, bèn nhớ lại. Đúng rồi! Tết vừa rồi đi thăm hàng xóm, lão Giả đã tâm sự
với tôi: “Thầy thấy đó, lão Thật hơn gì tôi. Thấy tôi mua chậu mai, lão nóng
mặt nóng mũi thế nào cũng mua chậu mai cho hơn tôi. Nhưng nào có hơn được. Chậu
mai tôi mua 4 triệu, còn chậu mai lão có 3 triệu 9. Hơn gì được tôi, phải không
thầy?”.
Thằng Trai lại
ngắt lời Nam :
- Ba em cũng lạ
lắm thầy ạ. Thấy bác Thật mua chiếc xe máy đời mới là ba em hối em đăng báo bán
chiếc xe cũ, và mua chiếc xe giống như xe của bác Thật. Chỉ tội cho tụi em phải
chiều ý của ba mình.
Tôi cười nhớ lại
cái lần lão Thật tâm sự cùng tôi khi uống cà phê: “Thầy thấy đó, lão Giả hơn gì
tôi, thấy tôi có xe, lão cũng mua xe. Bắt chước tôi thì có, thầy ạ!”.
Trong tôi, một
chuỗi các sự việc, sự kiện của hai lão hàng xóm, sát cạnh nhà tôi hiện lên
trong trí nhớ của mình. Nhà lão Thật có gì, thì lão Giả cũng phải tìm thứ ấy,
dù chẳng biết để làm gì. Dẫu không thích đọc sách, nhưng thấy lão Thật sắm một
tủ sách để đọc, để nghiền ngẫm, lão Giả bèn tìm cách lôi kéo tôi: “Thầy thích
đọc sách gì cứ qua nhà tôi lấy mà đọc. Chữ nghĩa trong sách nhà tôi thiếu thứ
gì. Đâu phải chỉ có lão Thật mới có sách? Tôi mới sắm một tủ sách ngon lắm.
Thầy qua lão Thật làm gì cho mất công”. Tôi ầm ừ trả lời: “Cảm ơn! Khi nào cần,
tôi sẽ qua mượn”. Lão Giả cười vui: “Nhớ nghe thầy!”. Còn lão Thật, trong một
lần bách bộ, tôi cùng lão vừa đi vừa nói chuyện, lão mời tôi: “Mời thầy qua nhà
tôi hát karaoke. Tôi vừa sắm một dàn máy xịn lắm”. Chả là lão sắm để cho bằng
lão Giả ấy mà! Và từ đó, mỗi lần nhà lão Giả vang lên tiếng nhạc, thì nhà lão
Thật cũng tiếng nhạc vang lên. Nhà tôi ở giữa, dù không sắm dàn máy, vẫn được
nghe nhạc miễn phí. Giống như cửa hàng, siêu thị khuyến mãi trong các đợt giảm
giá những mặt hàng gần hết hạn sử dụng cùng các mặt hàng lỗi thời, các mặt hàng
ế..., tôi cũng được hai lão hàng xóm khuyến mãi những dòng nhạc, bài hát thịnh
hành của thời hiện đại.
Một hôm, tôi bị
ốm. Sốt cao. Giọng đờ ra, tôi như người mất tiếng nói. Tôi nằm liệt giường. Sau
này, tôi biết cả hai lão hàng xóm nhắn tin mời tôi uống cà phê buổi sáng. Không
thấy tôi nhắn lại, cả hai đến thăm tôi. Tôi không nhớ lão Thật hay là lão Giả thăm
tôi trước. Trong đầu tôi như đun nóng bởi cái nóng khủng khiếp như chưa từng
có. Tôi như không biết gì...
... Bên tai tôi có
tiếng thì thầm của vợ: “Nè anh! Lão Thật chết rồi. Bị trúng gió chết. Tội cho
lão thật!”. Vừa lúc đó thằng con trai tôi ở ngoài chạy vào, báo tin: “Ba ơi!
Bác Giả chết rồi! Bị nhồi máu cơ tim”. Tôi vội dậy, đến thăm hai lão. Tôi không
biết phải thăm ai trước, ai sau. Nhưng rồi, thuận theo quy luật âm thanh, tôi
đến thăm lão Thật trước. Tôi không ngờ mới cùng lão trò chuyện, uống cà phê,
giờ lão đã từ trần. Dù gì đi nữa, lão cũng là hàng xóm, là bạn hàng xóm của
tôi. Biết tôi có thể viết chữ tương đối rõ, đẹp, nên gia đình lão nhờ tôi đã
ghi cáo phó giúp, để gọi là... Xong việc, tôi lại đến thăm lão Giả. Như lẽ tự
nhiên dành cho người có chút chữ, bà con hàng xóm nhờ tôi viết cáo phó cho lão
Giả. Tôi không thể tin được. Hai lão đến cái chết cũng trùng nhau: cả hai đều
từ trần cùng thời điểm – cùng giờ cùng ngày; kể cả năm sinh cũng như nhau; chưa
hết, giờ nhập quan, thành phục, lễ viếng, đưa linh, di quan, hạ huyệt cũng
trùng nhau; chưa hết cả hai an táng cùng một nghĩa trang. Chỉ có cái tên, cái
họ là khác thôi.
Cả xóm tôi được
nổi tiếng khắp quận. Nổi tiếng vì tin đồn có hai đám tang cùng xảy ra một lúc,
lại gần nhau, chung một tổ dân phố. Cả hai đêm, cả tổ phải nghe những điệu nhạc
ai oán bởi những nghệ nhân dân gian trình tấu. Kèn trống nổi lên. Âm thanh tang
chế vang lên như báo cho mọi người biết kiếp người đang hết. Giờ, tôi không còn
được hai lão khuyến mãi dàn âm thanh hifi khi cả hai ra sức hát karaoke nữa.
Giờ, tôi cũng không còn được hai lão khoe những quyển sách; cũng không còn ai
rũ đi uống cà phê. Tôi đang được gia đình hai lão khuyến mãi điệu sầu bi.
Cả hai gia đình
lão cùng thuê dịch vụ mai táng một chỗ. Việc mai táng tiến hành đồng thời.
Trong khi đưa tang hơi lộn xộn một tí. Gọi là một tí vì không biết nên di quan
tài của ai trước. Cuối cùng một sáng kiến cực vui trong tang lễ là làm cái lễ
bốc thăm để có quyền di quan trước. Chứng kiến lễ bốc thăm, tôi sực nhớ tới
những năm tháng khó khăn, có được mặt hàng phân phối nào là phải tiến hành bốc
thăm để được nhận. Giờ, không thể không bốc thăm, vì hai gia đình ai cũng muốn
xong việc di quan, an táng. Chỉ tiện cho hàng xóm khi đưa tang là lên bất cứ xe
nào cũng được, vì tất cả các xe đưa tang đều cùng đến một chỗ. Chợt có tiếng ai
đó như đang đùa khi xe chạy được một quãng: “Tất cả cùng về La Mã”.
Ngồi trên xe đưa
tang, tôi chợt nhớ tới việc làm của hai lão. Cả hai, chẳng ai chịu thua ai. Khi
lão Thật dành dụm tiền, sắm cho vợ cái vòng vàng, đeo ở cổ tay, thì lão Giả,
chẳng biết nghe ai, cũng mua chiếc vòng giả vàng để đeo cho vợ. Lão Giả đã khoe
với tôi: “Thầy biết đó, thời buổi này, làm đẹp, tội gì mua vàng thật. Lỡ bị
cướp, bị trấn lột thì khổ! Thật quá hóa ngu mà thầy”. Nghe lão khoe, tôi chỉ
cười trừ cho cái lí sự của lão. Chưa hết, lão còn lên lớp tôi: “Thầy thấy ở
cuộc đời này, có bao nhiêu thứ thật thì có bấy nhiêu thứ giả. Có Phật thật, thì
cũng có Phật giả; có tiền thật thì cũng có tiền giả; có bằng cấp thật thì bằng
cấp giả thiếu gì; đạo đức thật có đó, thì cũng có đaọ đức giả thôi... Có bao nhiêu
thứ thật thì có bấy nhiêu thứ giả ở trên đời... Nhiều khi, những thứ giả lại
cần hơn những thứ thật kia mà!”. Nghe lão nói một hơi, tôi nghiệm ra lời lão
cũng có điểm đúng. Cây mai giả lão mua, đã chưng 5 cái Tết rồi mà vẫn còn đẹp,
luôn hợp thời; chớ mai thật như của lão Thật, có năm mai nở sớm, có năm mai nở
muộn, thì chẳng có mai để chưng Tết. Hoặc như mấy thằng cha có bằng giả mà làm
chức này chức nọ lại có quyền lợi hơn những người có bằng thật và sống thật.
Hoặc đâu đó, có kẻ sử dụng âm vật giả, dương vật giả, đôi khi lại rung, bóp hơn
cả thật, chớ chẳng chơi đâu... Tôi thở dài cho chuyện thật giả.
Rồi xe cũng đến
nghĩa trang. Hai cái huyệt của hai lão nằm sát bên nhau. Khi cả hai quan tài
nằm yên dưới ba tấc đất, người thân, bà con, bạn bè đã bỏ chút đất cho người
dưới mộ. Tôi nắm đất hai tay, cùng bỏ một lượt xuống hai huyệt. Tôi thầm khấn :
“Hai người giờ đã yên phận. Chắc cả hai không còn tranh hơn thua. Xin chúc hai
người an lạc bên nhau!”.
... Tôi chợt tỉnh
giấc. Đầu tôi vẫn còn nặng trịch.
Mấy ngày sau, tôi
khỏe hẵn. Lại đến trường dạy. Chuẩn bị cho hội trại mừng ngày thành lập trường,
học sinh lớp tôi chủ nhiệm đang tập văn nghệ. Chúng đã kéo tôi vào sự đam mê
của chúng. Chúng nhờ tôi cho ý kiến về kịch bản, cách đóng... Đọc kịch bản, tôi
thấy bọn nhỏ bây giờ khác thế hệ chúng tôi trong cách nghĩ. Chúng có cái hay,
cái đúng của chúng. Cuộc sống tương lai đâu có dành cho những kẻ chớm lão như
tôi. Cuộc sống của chúng thì để cho chúng quyết định. Thế hệ chúng tôi nào có
quyết định được gì khi không còn hơi sức để làm việc.
Và rồi, tin lão
Thật và lão Giả làm sui với nhau làm cho cả xóm tưng hửng. Trừ tôi! Thằng Nam thì lấy con
Gái. Thằng Trai thì lấy con Nữ. Bọn chúng đã làm cho cha chúng vào cái thế
chẳng đặng đừng. Dù hai lão không ưa nhau, nhưng con cái hai lão ưa nhau, thì
chúng có quyền bắt hai lão phải chiều chúng. Chúng dọa, nếu chẳng sống được
cùng nhau thì chúng chẳng thèm lấy ai, để cho gia đình hai lão tiệt nòi. Sợ
tiệt, nên hai lão tìm đến tôi phân trần. Tôi đã thuyết phục hai lão nên vì con
mà chấp nhận cho chúng lấy nhau. Chúng quyết định đời chúng, chứ những người
thuộc thế hệ như hai lão, như tôi, thì có quyết định được gì cho cuộc sống sau
này của chúng. Tôi đưa ra cái lí là bọn chúng lấy nhau không vi phạm đạo đức,
không vi phạm luật pháp. Chẳng có điều gì khó xử ngoài chuyện niềm vui nhân
theo cấp số nhân.
Hai lão đồng ý trở
thành sui gia. Và ngày cưới của con các lão cũng trùng nhau. Cả hai đều thống
nhất ngày rước dâu, đưa dâu. Thống nhất tổ chức hôn lễ tại nhà hàng lớn của
thành phố. Hai lão nhờ tôi giúp ý kiến in thiệp cưới, thiệp mời như thế nào cho
phải. Tôi cười:
- Hai bác lo gì
chuyện ấy. Tôi nghĩ nên ghi cả tên vợ chồng các bác và tên thằng Nam - con Gái,
thằng Trai – con Nữ vào cả.
Cả hai lão ôm tôi,
ghì chặt lấy tôi. Người tôi có chút đau bởi vòng tay của hai lão. Tôi đau,
nhưng hạnh phúc, hạnh phúc bởi hai lão là hàng xóm của tôi, không còn ganh ghét
nhau nữa.
Tôi mường tượng
trước mắt tôi, cháu của hai lão xúm xít bên nhau. Cháu nội của lão Thật là cháu
ngoại của lão Giả; còn cháu nội của lão Giả là cháu ngoại của lão Thật. Bọn
chúng vui hát bên nhau. Chúng hát rằng chúng có ông nội, ông ngoại tên là Thật,
là Giả. Và bên tai tôi vẳng lên bài hát “Đám cưới đầu Xuân”.
Bạn có cùng tôi dự
đám cưới con của hai lão không? Xin mời bạn đi coi cũng được!
Mời thư giãn với nhạc phẩm TÀ ÁO CƯỚI
của Hoàng Thị Thơ, qua tiếng hát Giao Linh:
*
Đà Nẵng, Tháng 2.2012
PHAN TRANG HY
Địa chỉ: 81 Thạch Lam, phường Phước Mỹ,
quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Email: phantranghy@gmail.com
Điện thoại: 093.548.44.82
.
.............................................................................................................
- Cập
nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 16.02.2019.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét