MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2019

EM CÓ VỀ LỐI CŨ CỦA ĐINH TIẾN HẢI - Tác giả: Nguyễn Xuân Dương (Bắc Ninh)

(Nguồn ảnh: internet)
EM CÓ VỀ LỐI CŨ
CỦA ĐINH TIẾN HẢI
*
EM CÓ VỀ LỐI CŨ

Sóng Tây Hồ
Xôn xao trên mắt nắng
Hồn lang thang
Mây dạt phía chân trời
Em có về?
Ngang qua mùa xưa cũ
Ngắm me vàng
Rụng mải miết lối đi...

Ta xa nhau
Rơi mất tuổi xuân thì
Heo may gió
Nghe lòng mình lá rụng
Con đường chiều
Nhớ mối tình thơ vụng
Chạm lên mùa
Đau thủa tóc còn xanh

Em có về? Trong màu nắng mong manh
Phủ Tây Hồ
Vọng chuông chiều hư ảo
Cơn bão lòng
Nhủ! Xin đừng dông bão
Nửa đời buồn, mái tóc chấm sương pha

Chiều Hồ Tây
Sóng gợn phía khơi xa
Xoay chiếc lá
Cơm nguội vàng đã chín
Ta gặp nhau
Rồi chia ly bịn rịn
Vạt nắng vàng
Rung giữa những lặng im.
*.
Hà Nội, ngày 15.09.2016
ĐINH TIẾN HẢI
LỜI BÌNH:

Biết nói gì và biết viết gì đây sau khi đọc bài thơ Em có về lối cũ? tên bài thơ hay đây là câu hởi cho em và có lẽ còn cho bao nhiêu người trên cõi này - Một cõi người rất nhiều những chia ly dâu bể khi mỗi kiếp người như nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng viết:
Bao cánh chim bay biệt xóm làng.
Rơi tiếng hót nơi nào không biết nữa
Mỗi kiếp người chỉ như kiếp chim di trú để mưu sinh vì “Những “truyền thống” “tiềm năng”/ không níu được chân người ở lại” (Thơ Nguyễn Thúy Quỳnh). Thì những lứa đôi chia ly dang dở trong mối tình đầu nơi quê hương xứ sở và ngay cả nơi tôn nghiêm thơ mộng như Phủ Tây Hồ của nhà thơ là không tránh khỏi.
Âm hưởng nhẹ nhàng nhưng không vì thế không man mác đượm buồn. Nó cứ nhẹ thôi, rất khẽ khàng gieo vào lòng ta vạn ngàn tiếc nuối. Không gian thơ lại là Phủ Tây Hồ nơi tĩnh lặng, ảo mờ nhất của kinh thành Hà Nội. Chính ngôn ngữ tài hoa cùa nhà thơ Hải Tiến Đinh đã dìm được lòng ta vào cõi thẳm sâu của chia ly và thương nhớ. Tôi đã có được cái may mắn vào những năm tháng đầu đời từng ngồi ôn bài thi ở chính nơi đây “Nơi tĩnh lặng ngàn năm rêu phủ  (Ý thơ Trần Anh Trang). Và giờ đây thi ảnh của Phủ Tây Hồ lại được tái tạo bằng thứ ngôn ngữ thi ca nhiều rung cảm và tôi như đang cùng nhà thơ ngưỡng vọng những kỷ niệm không bao giờ tàn phai.
Sóng Tây Hồ
Xôn xao trên mắt nắng
Hồn lang thang
Mây dạt phía chân trời
Em có về?
Ngang qua mùa xưa cũ
Ngắm me vàng
Rụng mải miết lối đi
Phải tinh tế và tài hoa lắm mới lưu giữ được những thi ảnh hư ảo này vào thi ca để gửi gắm cho người đọc cùng mê say và càng thêm tiếc nuối vì mấy ai trong chúng ta giờ có thể trở về ngồi bên bờ hồ Tây nơi Phủ Tây Hồ mà nhìn ngắm những mắt nắng xôn xao trên sóng nước hồ Tây hay sóng nước xôn xao trên mắt nắng. Hiểu thế nào đây cũng thuộc về sự giao thoa của hư ảo. Rồi cứ thế thả hồn lang thang như gió như mây trôi dạt phía chân trời. Sao nhà thơ không níu hồn mình ở lại? Vì giờ đây nhà thơ đang dõi nhìn đang ngóng đợi “Em có về” với anh cùng những kỷ niệm của mùa xưa cũ. Tất cả chỉ là một câu hỏi và em mãi vẫn không về để cùng anh đi trên con đường lá me vàng mải miết rụng rơi. Cái gì giờ đây đều thuộc về xưa cũ và rụng rơi nhè nhẹ trong hồn. Chỉ vì bây giờ:
Ta xa nhau
Rơi mất tuổi xuân thì
Heo may gió
Nghe lòng mình lá rụng
Con đường chiều
Nhớ mối tình thơ vụng
Chạm lên mùa
Đau thủa tóc còn xanh
Ở đây nhà thơ không hề đưa ra một lý do nào vì sao tình yêu đang đẹp thế của tuổi xuân thì mà rơi mất. Tình yêu đã mất thì lòng người cứ se lạnh như những heo may và lá me vàng cứ rụng mãi, rụng xuống vào trong cõi lòng hoang vu quạnh vắng. Con đường cũng như ngẩn ngơ tiếc nuối cho đôi lứa và nó cũng trở nên lạnh giá vì không được sưởi bởi hơi ấm bàn chân đôi tình nhân vẫn nhẹ bước trong những buổi chiều xưa. Thì ra đây chỉ là mối tình của thơ ngây vụng dại lại là nguyên nhân của chia ly dang dở. Cũng chính vì thế nỗi chia ly làm đau mãi đau cho đến muôn đời “Thủa tóc còn xanh” Và một câu hỏi xé lòng như một điệp khúc bi thương:
Em có về? Trong màu nắng mong manh
Phủ Tây Hồ
Vọng chuông chiều hư ảo
Cơn bão lòng
Nhủ! Xin đừng dông bão
Nửa đời buồn, mái tóc chấm sương pha
Mới ngày nào đó họ xa nhau, những kỷ niệm vẫn vẹn nguyên tươi rói thế nhưng cái khắc nghiệt của thời gian đã kịp để lại dấu ấn của tàn phai “Nửa đời buồn, mái tóc chấm sương pha”. Thi ảnh ở đây bây giờ nhuốm màu hiu hắt, nắng thì mong manh và tiếng chuông chiều thì thuộc về hư ảo. Đọc khổ thơ tôi lại nhớ đến bài thơ Bão của nhà thơ Tế Hanh có câu “Cơn bão tạnh lâu rồi. Nhưng cơn bão lòng anh thổi mãi”. Còn với Hải Tiến Đinh thì “Cơn bão lòng”  dù đã thầm nhắc nhủ “Xin đừng giông bão” thì nó vẫn cứ thổi cho tan nát một cuộc tình. Thổi mãi cho hai mái tóc chấm sương pha vẫn không ngừng nghỉ
Chiều Hồ Tây
Sóng gợn phía khơi xa
Xoay chiếc lá
Cơm nguội vàng đã chín
Ta gặp nhau
Rồi chia ly bịn rịn
Vạt nắng vàng
Rung giữa những lặng im
Cuộc tình chỉ thoáng qua vậy thôi sao? Nó nhanh chóng mất đi với tốc độ của chiếc lá cơm nguội vừa rụng vừa xoay nghiêng trong chiều Hồ Tây sóng gợn phía khơi xa. Đọc khổ thơ sao lòng tôi cứ xa xót cho những cuộc tình không trọn vẹn. Vật cản giữa hai con người không phải là bức tường thành vững chắc hay như “Cái rặng mùng tơi xanh rờn” của Cụ Nguyễn Bính mà chỉ là “Vạt nắng vàng/ Rung giữa những lặng im” đã thành rào cản không thể vượt qua của mối tình đầu. Xa xót quá!

      
Mời thư giãn với nhạc phẩm VỀ ĐÂU MÁI TÓC NGƯỜI THƯƠNG
của Hoài Linh, qua tiếng hát Quang Lê:
           
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.                                         


.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 10.07.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét