(Nguồn ảnh: internet) |
KHOẢNG LẶNG
CỦA NGUYỄN KHOÁI
*
Hòa bình về thăm nhà bạn
Hỏi hoài gặp được chị đây
Chị khóc, tiếng ghìm nén lại
Tấm tức nén đêm vào ngày
Chị kể: Bao nhiêu thư ảnh
Anh gửi về từ Tà Cơn
Chồng mới lén mang đốt sạch
Tro tàn một thuở Trường Sơn
Con gái của người liệt sỹ
Thấy mẹ héo rũ, không hồn
Cắn răng, ghì vai mẹ khóc
Chập chờn, khoảng lặng, cô đơn
Con ơi! Bên đời nghiệt ngã
Người đâu lại khác lạ đời
Hậm hực nhiều đêm mẹ khóc
Canh khuya tiếng vạc ngang trời
Giá mà ngày xưa vẫn thế
Êm đềm dòng nước xanh trôi
Giá mà gặp người tử tế
Giờ mẹ đang ru cháu rồi
*.
NGUYỄN KHOÁI
LỜI BÌNH:
Nguyễn Khoái
là một người lính đã từng lăn lộn trên chiến trường Miền Nam trong những năm
tháng chống Mỹ cứu nước. Nhưng anh may mắn hơn bao người đồng đội khác. Chiến tranh
kết thúc anh trở về vẹn nguyên. Chính vì lẽ đó anh luôn đau đáu trong tâm can,
trong huyết quản rằng anh tồn tại được như ngày nay là nhờ xương máu của bao
đồng đội đã ngã xuống ngoài chiến trường. Anh trở về và đã lấy thơ làm công cụ,
làm phương tiện chuyển tải những nghĩ suy những trăn trở về những điều được mất
trong cuộc sống. Về những đổi thay dâu bể không như những gì mà bạn bè anh khát
vọng khi ngã xuống ở chiến trường và hơn nữa để tri ân những anh hùng liệt sỹ.
Anh đã viết rất nhiều về nỗi đau chiến tranh Khoảng lặng là một trong số những
bài thơ đó. Bài thơ cũng lấy tứ về người vợ mất chồng đứa con mất cha. Nhưng
khác với rất nhiều bài thơ cùng một đề tài như văn bản của bài thơ hé lộ...
Khoảng lặng
là một câu chuyện có thực trong đời được Nguyễn Khoái kể lại bằng ngôn ngữ thơ
- Thứ ngôn ngữ giàu cảm xúc và có sứcc lan tỏa mạnh liệt. Những lời kể đẫm đầy
nước mắt và như rỏ máu
Hòa bình về thăm nhà bạn
Hỏi hoài gặp được chị đây
Chị khóc, tiếng ghìm nén lại
Tấm tức nén đêm vào ngày
Nguyễn Khoái
là người sống có nghĩa có tình. Sau chiến tranh anh đã đi thăm nhà bạn. Khổ đầu
chỉ mang tính tự bạch về một cuộc viếng thăm. Qua cuộc viếng thăm gian nan khó
nhọc ấy anh đã gặp được người vợ và đứa con của bạn mình. Những tưởng cuộc đời
của chị chỉ là nỗi đau mất chồng và đứa con với nỗi đau mất cha. Nhưng không
phải như thế mà:
Chị kể: Bao nhiêu thư ảnh
Anh gửi về từ Tà Cơn
Chồng mới lén mang đốt sạch
Tro tàn một thuở Trường Sơn
Đọc khổ thơ
sao tôi thấy lòng mình uất nghẹn. Có thực trong đời sống hiện tại vẫn còn những
kẻ vô học, vô cảm và vũ phu như thế, vô ơn như thế. Một thằng đàn ông đốn mạt
nhất trong những kẻ đốn mạt khi ghen tuông với cả những kỷ vật vô giá của người
liệt sỹ. Đốt hết những thư ảnh của chồng chị. Nỗi đau của người phụ nữ ở đây không
chỉ là nỗi đau mất chồng mà còn cọng vào đây nỗi đau phải sống chung với thằng
chồng mới mà sự khốn nạn đã đi đến tận cùng khốn nạn Nỗi đau ấy sẽ bám riết sẽ
hành hạ chị cho hết một kiếp người. Cuộc sống của hai mẹ con người vợ liệt sỹ
đã được Nguyễn Khoái kể lại quá đủ đầy thiết nghĩ tôi không còn đủ lời để bình
luận. Đứa con gái sẽ sống sao đây khi phải sớm tối vào ra đối mặt với thằng bố
dượng vô học vô cảm như thế. Hai mẹ con cứ thế héo rũ và cứ ước mơ, cứ khát
vọng:
Giá mà ngày xưa vẫn thế
Êm đềm dòng nước xanh trôi
Giá mà gặp người tử tế
Giờ mẹ đang ru cháu rồi
Nhưng chúng
ta đều hiểu đó chỉ là những ước mơ và khát vọng bi thương không bao giờ trở
thành hiện thực. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, oán hờn chồng chất oán hờn trên
đôi vai của hai mẹ con người liệt sỹ cho trọn một kiếp người.
Mời thư giãn với nhạc phẩm HOA TÍM NGƯỜI XƯA
của Thanh Sơn, qua tiếng hát Dương Hồng Loan:
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 20.07.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét