MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

VĂN THÙY CÓ MỘT KHÔNG HAI - Tác giả: Nguyễn Đăng Hành (Hà Nội)

(Nguồn ảnh: internet)
VĂN THÙY
CÓ MỘT KHÔNG HAI
*
(Tác giả Nguyễn Đăng Hành)
Văn Thùy - cái tên này tôi đã biết từ lâu. Ông vọc vạch làm thơ, mần mò thư pháp. Ông tích cực “sản xuất” thơ và phát tán thơ mình. Đọc thơ ông: thoạt đọc tạm được, cố đọc thì chán, phải đọc thì mệt. Ông thường viết theo thể lục bát nên thơ ông cũng mùi mẫn du dương trầm bổng (ấy là đọc qua thôi). Nhưng thưa! Đọc kỹ, đọc cẩn trọng để mà ngẫm, mà đọng thì than ôi! Cố ! Cố! Và cố mà chẳng thấy gì, có gì, còn gì để mà đọng.
Tôi cố đọc cố tìm một bài thơ nghiêm chỉnh, hoàn chỉnh, đáng là thơ mà chẳng thể! Ngay cả những bài thơ mà ông rất tự đắc đã được một số “nhà hứng chí” ca là: “tài hoa độc đáo”, “độc nhất vô nhị” thì nó cũng chỉ loáng lóe lên một tý ý, được một vài câu rồi lại nhòe mờ, vụt tắt hoặc lại lan man lai nhai lải nhải nó lung tung lẫn lạc, tác giả làm dáng làm điệu, mê mải chạy bám theo vần vèo quên cả làm thơ. Có lẽ ông cũng đọc, học, nhại, nhái và mê ca dao hò vè nhiều nên ông thường bị câu chữ lôi kéo thê thảm. Ông như thầy phù thủy non tay không điều khiển nổi âm binh, thơ ông như một ngôi nhà cổ, kim, đông, tây pha tạp,… Nào là xi măng sắt thép cột kèo, hoành phi câu đối, khẩu hiệu, ba lem bề bộn bừa phứa lại còn đắp vẽ trạm khắc tùy tiện vô lối nên thơ ông thường bị lạc mạch, lê thê rườm rà có chỗ quá cầu kì chải chuốt, mài câu đánh chữ sáo mòn lòe loẹt cũ rích, trơn lì hoặc lại bị dễ dãi thô thiển, tục tằn vô duyên,…
Vô tư mà nói nếu cứ cố tình mà bới nhặt bóc tách ở một vài bài thì cũng có những câu hay, tứ khá, ý lạ. Còn đa số để cả bài nguyên si thì đầu Ngô mình Sở, lan man lải dải lạc giọng lắm lời. Có những bài chưa chửa đã đẻ hoặc có những bài chửa trâu chửa trứng. Có những chữ, những câu, những tứ, những ý vẫn còn bụi bặm ôi oai, sượng sạo mất vệ sinh vô văn hóa .....
Ấy thế mà đùng một cái! Hai tờ báo Văn nghệ trẻ và Báo giáo dục thời đại cho ra hai bài báo giật gân rằng: “Văn Thùy tài hoa độc đáo”, “Văn Thùy độc nhất vô nhị” của tác giả Chu Thị Thơm và Linh Sơn. Cứ hai bài báo này ai mà chẳng tưởng Văn Thùy là nhà thơ thật sự đã biết làm thơ và thơ hay là đằng khác…
Quả tác giả 2 bài báo kia có "tài năng bản lĩnh" đã đưa Văn Thùy lên quá chín tầng mây. Vậy tác giả 2 bài báo ấy là ai? Viết vì động cơ gì? Xin thưa hai cũng chỉ là một. Còn động cơ gì à? Có mà trời biết được. Qua hai bài báo giật gân lạ kỳ ấy tôi đã mò tìm Lê Liêm - bạn thơ của Văn Thùy, đã được Lê Liêm cung cấp cho tập thơ mà tờ báo nọ đã quảng cáo. Lê Liêm đã bị tặng phải mua 10.000 đồng. Tôi chỉ xin nói qua về thái độ của Văn Thùy qua hai sự việc. Một là cái bìa thơ, bởi cái bìa sách như cánh cửa tựa linh hồn của tác phẩm.
Bìa một Văn Thủy trình bày: "Văn Thùy - Hợp tác xã thơ hồn rơm", "Lục bát lên đồng - Ca dao sổ lồng - Véo ra dòng điệu ru" của mẹ - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân 2008. Đó là bộ mặt tác phẩm. Sao lại là Hợp tác xã thơ mà lại là rơm rạ? Thưa quý vị, thơ là sản phẩm tinh thần, nó thiêng liêng quý trọng lắm, người làm thơ phải nghiêm túc nghiêm chỉnh, tâm, tầm, tài đáng tôn đáng kính lắm chứ! Còn lục bát là thể thơ độc đáo là di sản, tài sản linh thiêng, báu vật vô giá của dân tộc ta. Mấy ai, có ai được và đáng lục bát lên đồng? Ca dao à? Xin miễn dài dòng duy danh định nghĩa bởi nó đã và mãi là những câu ca vần thơ tinh túy quý giá đã và mãi lưu truyền sống cùng nhân gian sao lại sổ lồng?
Văn Thùy bỡn cợt chớt nhả, gồng mình, điệu đà làm dáng, cố khác đời, khác người, đôi khi dễ dãi dung tục tầm thường, lắm lúc thiếu tôn trọng độc giả - đây là cái tâm cái tầm Văn Thùy. Tôi định chẳng nói tới ba mặt bìa sau nữa nhưng vẫn bức xúc nên tôi xin sao chép nguyên bản văn phạm của Văn Thùy ở những mặt bìa sau ra đây để quý vị cùng thưởng thức và phán xét: 
"Lẻn vào sân Khổng cửa Trình 
Véo câu lục bát tụng kinh ghẹo rùa"
" Hợp tác xã thơ hồn rơm
Chuyên chế tạo ca dao 
Sản xuất thơ sạch
Nguyên liệu cổ truyền
Ngôn ngữ dân gian
Bền cùng trí nhớ
Kiểu dáng độc nhất
Chữ nghĩa gì nhất 
Giá bất đồng nhất"
"Thơ chui cấm đọc trộm
Không bán chỉ mừng tuổi thơ
Người yêu thơ mừng 20689₫
Người chán thơ 12898đ"
Đấy! Đây có phải là văn chương không? Thôi bàn cãi mà chi chính tác giả đã nhận ra và tự thú: 
"Thư pháp nửa mùa nửa chiêm
Lơ mơ hồn Việt lem nhem vía Tàu
Cả đời chầu chực miếng ăn
Về già lụ khụ ăn mày văn chương
Từ ngày liều mạng làm thơ
Họa hoằn ngoáp được vài câu
Ngửa ra trật thó có đầu không đuôi"
"Thơ ngông một đống thơ buồn một bao"
"Xổ ra một đống thơ tình
Nửa thành giấy góa nửa dành tặng nhau"
"Khấu đầu tạ tội thơ xưa
Đầu têu lục bát mọc thừa khấu đuôi"
"Có dăm bài tí tì ti 
Muốn tra lục lại lục đi lượt về
Toàn hơi lục bát choẻ hoe
Lên cơn động cỡn chích chòe nghêu ngao"
..."Thơ tôi chán nhất trần đời...
Bao nhiêu giấy tự tử đi
Mình sinh lẩn thẩn cũng vì bút danh"
Đã biết đã thấy... mà còn cố bung cái "của nợ" của chính mình cũng còn chẳng trọng chẳng ưa thì bắt ai phải đón đỡ quý trọng. Đấy là phần giấy trắng mực đen mà Văn Thùy đã bung ra để thiên hạ phải chịu. 
Dung tục hay Văn Chương mời quý vị phán xét. Còn đây là sự thật 100% mà tôi đã phải chứng kiến: Hôm rằm tháng Giêng ngày thơ Việt Nam tại Quốc Tử Giám Văn Miếu, tôi cùng nhà thơ Hoàng Xuân Hòa đi dạo quanh Văn Miếu, đi đến đoạn cuối góc cổng trông thấy một cái bàn nhỏ dài trên bàn chải Tờ báo có in tít chữ to đậm "Văn Thùy tài hoa độc đáo". Một ông già cũ kỹ nhàu nát, lôm nhôm, xộc xệch đang khua múa quảng cáo thơ mình phát tán bài báo ngợi ca mình đã được photo sẵn và gạ gẫm bán thơ - đó là Văn Thùy.
Thấy lạ mọi người xúm lại xem, tôi và anh Họa cũng đứng xem, chừng vài phút Văn Thùy nhận ra nhà thơ Hoàng Xuân Họa. Văn Thùy cớt nhả: "A! Chào nhà thơ lớn!". Anh Họa nhã nhặn đáp: "Anh mới là nhà thơ lớn nổi tiếng chứ!". Thế là Văn Thùy động cỡn oang oang: "Thơ tôi chó nó cũng thích". Hoàng Xuân Họa nghiêm mặt nhìn thẳng vào Văn Thùy: "Nói lại đi nào". Văn Thùy nhảy cẫng lên to mồm hơn: "Thơ tôi chó nó cũng thích đọc". Nhà thơ Hoàng Xuân Họa bực tức quát: "Ai là chó? Thế ra tất cả nhà văn nhà thơ đây là chó à? "... Thùy vẫn kệch cỡm lải nhải... Nhà thơ Hoàng Xuân Họa Chỉ thẳng vào mặt Thùy mắng lớn: "Nếu đây không phải sân Trình cửa Khổng tao cho mày mấy cái tát".
Tôi gàn và vội kéo nhà thơ Hoàng Xuân Hoa đi. Đó là hình ảnh đấy là hành vi của một con người mà hai tờ báo cỡ trung ương có uy danh đã có bài ngợi ca "Tài hoa độc đáo", " Độc nhất vô nhị". Phải chăng Văn Thùy "tài hoa độc đáo", "độc nhất vô nhị" ở cái chỗ ấy. Quả Văn Thùy có một không hai.
Bạn ơi! Thành nhân đã, thành danh sau! Nhân còn hơn danh. Sống đi chớ dại rớ rờ rơ!

    
Mời thư giãn với nhạc phẩm SẮC MÀU
của Trần Tiến, qua tiếng hát Trần Thu Hà:
           
*
Đa Tốn, ngày 20 tháng 02.2009
NGUYỄN ĐĂNG HÀNH
Địa chỉ: Thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn
huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội.
Email: nguyendanghanh1234@gmail.com
Điện thoại: 036.467.78.26
.
.
.



       ........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 24.06.2019
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

1 nhận xét:

  1. Tội nghiệp anh Văn Thùy quá.
    Vì muốn nổi danh người ta chẳng từ thủ đoạn tráo trở nào.
    Bái phục Nguyễn Đăng Hành!

    Trả lờiXóa