(Nguồn ảnh: internet) |
VÌ LÝ THUYẾT
CHỈ LÀ MÀU XÁM
*
Đã đăng trong Tạp chí Tia Sáng:
(Tác giả Dương Quốc Việt) |
Chỉ có thái độ chủ động đón nhận sự khác biệt trong quan
điểm, và luôn biết lấy thực tiễn làm thước đo - để điều chỉnh nhận thức, mới là
hành xử đúng đắn trong cuộc sống này!
“Mọi lý thuyết đều là màu
xám
Chỉ có cây đời mãi
mãi xanh tươi”
Đó là những lời thơ
trong tác phẩm “Faust” của đại thi hào Johann Wolfgang (von) Goethe
(1749-1832). Nó như muốn nhắc nhở con người, cần phải biết cảnh giác với mọi
hiểu biết, cũng như áp dụng lý thuyết, thậm chí kể cả với những điều được coi
là chân lý. Tại sao lại như vậy? Và có cái gọi là chân lý tuyệt đối, hay chân
lý khách quan hay không?
Trở về với cuộc đối
thoại diễn ra vào ngày 14/7/1930 gữa hai thiên tài Albert Einstein
(1879-1955)-nhà vật lý lý thuyết và Rabindranath Tagore (1861-1941)-một triết
gia, nhà thơ, người cũng từng đoạt giải Nobel như Einstein, bàn về tính
khách quan của chân lý, đã để lại cho nhân loại nhiều suy ngẫm-học hỏi (xem bài
“Einstein và Tagore: Đối thoại về tính khách quan của chân lý”, Tia Sáng,
20/08/2017). Tuy vậy, trước đó rất lâu, các nhà toán học đã đặt câu hỏi
rằng, các chân lý trong toán học có khách quan hay không? Rồi có thể chứng minh
tính khách quan của các chân lý trong toán học hay không? Và từ định lý
Bất toàn-năm 1931 của Kurt Friedrich Gödel (1906-1978), người ta rút ra
rằng, nói chung, việc chứng minh cho tính khách quan của các chân lý toán học
là không thể. Như vậy, hóa ra xét đến cùng, để nhận thức chân lý không thể
thiếu vắng vai trò của “đức tin”!
Bởi thế, những ai đã
nhận thức được điều này thường sẽ lảng tránh những tranh luận tự do về quan
điểm lý thuyết. Không phải là vì họ sợ tranh luận, mà do họ ý thức được rằng,
mọi cuộc tranh luận quan điểm lý thuyết
một cách tự do, cho dù giữa những người cùng có năng lực nhận thức
cao-có tâm sáng và biết phục thiện, cũng sẽ không thể có phân định đúng sai.
Bởi một trong hai người, đều có cái “quyền” không tin-không chấp nhận cái lý
thuyết cũng như cách lập luận mà đối phương sử dụng trong lập luận của họ.
Xem ra mọi cuộc tranh
luận lý thuyết đều chỉ có thể ngã ngũ khi những người tranh luận, có cùng nhân
sinh quan và thế giới quan, và cùng chấp nhận một hệ tiên đề hay những giả
thuyết ban đầu nào đó. Cũng giống như những người học trò tranh cãi về những
điều bị giới hạn trong khuôn khổ các giả định và quy tắc mà bài giảng từ thầy
của họ đã định ra. Và tất nhiên khi các tiên đề, các giả thuyết, hay các giả
định... không còn đúng nữa, thì các luận điểm tranh cãi cũng tức khắc trở nên
vô nghĩa.
Cũng xin nói thêm
rằng, khi người ta không ý thức được giới hạn chủ quan của lý thuyết mà họ tin
vào, thì các cuộc tranh luận sẽ trở thành những cuộc “so găng” của những định
kiến, và thường có kết thúc tồi tệ. Thậm chí đôi khi các đối tượng còn thóa mạ
nhau, bất chấp cả đạo lý. Cái điều mà đã từng diễn ra không ít, nhất là trên
các trang mạng xã hội.
Câu nói của nhà toán
học nổi tiếng George Polya (1887-1985): “Thật ngu xuẩn nếu chỉ khư khư ôm lấy giả thuyết của
mình” như nhắc nhở con
người ta nhiều điều. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, khiến việc từ bỏ định kiến
của con người, không thể dễ dàng. Vì thế mà biết bao kẻ bị nhồi nhét bởi
những lý thuyết lỗi thời, hay giáo điều, vẫn cứ ôm lấy những lý thuyết đó, như
một thứ chân lý tuyệt đối, thậm chí còn bảo vệ điên cuồng bằng bạo lực với
những ai chống lại nó.
Ở một nền giáo dục bị
sai lệch, không có tinh thần “khai phóng”, sẽ tạo ra những lớp người học vẹt
chỉ tin vào những thứ họ được học-được dạy. Do thiếu được giáo dục tư duy phản
biện, họ trở nên mông muội-cuồng tín theo những quan niệm của các ông thầy dạy,
mà không cần biết rằng, chính cái chỗ dựa-được họ coi là nền tảng ấy, cũng
chẳng có gì đảm bảo là đúng đắn-khách quan cả. Đã thế họ còn mang thái độ ghẻ
lạnh với những quan điểm khác biệt, và nguy hại hơn nữa khi họ máy móc áp dụng
lý thuyết giáo điều hạn hẹp của mình vào thực tiễn đời sống xã hội, góp phần
làm xã hội suy thoái.
Rõ ràng chỉ có thái độ
chủ động đón nhận sự khác biệt trong quan điểm, và luôn biết lấy thực tiễn làm
thước đo-để điều chỉnh nhận thức, mới là hành xử đúng đắn trong cuộc sống này!
Bởi “cây đời” là thực thể của tự nhiên-chúng tồn tại khách quan, còn lý thuyết
là của con người, được tạo lập bởi con người-không thể không mang dấu ấn chủ
quan, nhằm muốn phản ánh bản chất cái thực thể khách quan kia. Do vậy dẫu lý
thuyết có sâu-rộng đến mấy, cũng luôn có nguy cơ bị lạc hậu trước thực tiễn
cuộc sống. Chính vì thế, mà từ lịch sử của loài người cho thấy, biết bao lý
thuyết đã phải lần lượt ra đi, nhường chỗ cho những nhận thức mới.
Mặc dù “từ bỏ thành kiến không bao giờ
quá muộn” như Henry
David Thoreau (1817-1862)-nhà văn, nhà thơ, nhà tự nhiên học, nhà sử học, nhà
triết học, nhà địa hình học mẫu mực người Mỹ, đã khuyến cáo, nhưng tiếc thay “người ta chỉ nghe thấy điều
mình hiểu”- cái mà Goethe đã
cảnh báo. Hơn thế nữa con người còn bị dẫn dắt bởi những tham vọng bất kham-cái
khuyết tật vốn có của loài người, mà tạo hóa đã ký gửi. Vì thế mà thời đại nào
cũng có thể xuất hiện những thế lực muốn thống trị và dẫn dắt xã hội, dựa
trên những học thuyết phản động-lỗi thời, xa rời bản chất tự
nhiên. Do vậy việc loại bỏ thành
kiến, loại bỏ những tư tưởng hủ bại, luôn là một cuộc chiến dai dẳng-khốc liệt
trong xã hội loài người.
Bởi những lý do trên,
nhân loại tiến bộ luôn dùng mọi biện pháp, nhắc nhở, giáo dục, răn dạy hậu thế,
và đặc biệt cảnh tỉnh họ-thông qua những bài học lịch sử về mối nguy cơ của
những thế lực muốn đóng khung chân lý. Cùng với đó, là tạo lập những hệ thống
ngăn chặn hiệu quả để “cây đời mãi mãi
xanh tươi” theo dòng chảy của
tạo hóa.
Mời thư giãn với nhạc phẩm SẮC MÀU
của Trần Tiến, qua tiếng hát Trần Thu Hà:
*
Hà Nội, ngày 07.08.2019
DƯƠNG QUỐC VIỆT
Địa chỉ: Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
.
....................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả
gửi qua email ngày 12.08.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm
của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét