MỜI ĐỌC:

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

NHỮNG TÍCH TẮC QUANH TÔI CỦA NGUYỄN THÚY QUỲNH - Tác giả: Nguyễn Xuân Dương (Bắc Ninh)

(Nguồn ảnh: internet)

NHỮNG TÍCH TẮC QUANH TÔI
CỦA NGUYỄN THÚY QUỲNH
*

Cơn sóng thần nào không từ đáy biển
đang tràn qua mỗi tích tắc quanh tôi

Đâu phải chiến tranh
mà mấy chục cuộc đời nát vụn một ngày mìn nổ đá rơi
phút chốc chạm đường ray, đồng làng bời bời khăn trắng

Một chữ ký nhẹ tênh
kéo trập trùng sông suối núi đồi chui vào két nhỏ,
những tuổi teen tóc đỏ
dắt nhau vào nhà trọ bình dân còn quên tháo khăn quàng

Triệu triệu tín hiệu số rung túi quần trẻ chăn trâu
tấm áo hoàng đế vẫn lắm kẻ hân hoan chưng diện
lời nói thật tá túc nơi nào
Lẵng nhẵng theo tôi qua núi rộng sông dài
ngàn câu không muốn hỏi

Dừng lại trước những ngôi nhà siêu méo, siêu mỏng
hình hài những cái đầu
sự dị dạng trơ trơ của chúng ném vào tôi
câu trả lời chết điếng

May còn cánh rừng mấy nghìn tuổi
vọng tiếng khóc trẻ thơ
kết thành chiếc phao
cho tôi vịn
trôi qua những tích tắc tử thần.
*.

NGUYỄN THÚY QUỲNH
LỜI BÌNH:
Trong kỷ nguyên hiện đại mọi tích tắc, mọi khoảnh khắc đều có thể xẩy ra những thảm hoạ khôn lường, không chỉ đến từ thiên nhiên động đất, sóng thần vùi chôn cả một vùng rộng lớn dưới dung nham và nhấn chìm bao bán đảo xuống biển sâu - những thảm hoạ mà sức con người chưa thể ngăn nổi. Thế nhưng với bài thơ Những tích tắc quanh tôi, nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh không đề cập những thẩm hoạ đến từ thiên nhiên. Nhà thơ đau lòng, cay đắng vì những thảm hoạ khôn lường lại đến từ phía con người. Tức là từ một thế lực lẽ ra chính con người có thể ngăn cản được. Thế nhưng những tích tắc quanh ta lại luôn xẩy ra những thảm hoạ khủng khiếp. Đá lở do bắn mìn vùi hàng chục cuộc đời chỉ trong khoảnh khắc tai nạn ô tô, tàu hoả hàng ngày.
phút chốc chạm đường ray,
đồng làng bời bời khăn trắng
Vẫn chưa hết những thảm hoạ còn đến từ những ông quan - những đày tớ của dân chỉ:
Một chữ ký nhẹ tênh
Kéo trập trùng sông suối núi đồi
chui vào két nhỏ
Biết bao ruộng mật bờ xôi, biết bao đất đai làng mạc đã chui vào két những ông quan tham kéo theo thảm hoạ hàng triệu con người mất việc rồi đưa nhau bán sức lao động ở nước ngoài vẫn được gọi theo cái tên mỹ miều nửa Tàu nửa Việt "Xuất khẩu lao động". Để đến nỗi như trong bài một chuyến xe khách nhà thơ đã viết:
Ôi, quê tôi
mỗi ngày bao nhiêu chuyến xe đưa người
bao nhiêu người đàn ông hăm hở
vận may bán mồ hôi xứ dầu
bao nhiêu người đàn bà gửi lại con mình
vượt trùng khơi nuôi con thiên hạ
bao nhiêu người già
ngồi hoá thạch đầu sàn
bao nhiêu bé lớp một đến trường
                                 không cha đưa mẹ đón
Trong bài Đọc thơ ngày mất điện nhà thơ lại viết:
chợ lao động dài thêm
những đứng ngồi chờ việc
sân bay đông thêm những thắt đáy lưng ong
vừa khéo nuôi con vừa khéo chiều chồng
giờ phiêu dạt xứ người
lo giấc ngủ bữa ăn cho chồng con thiên hạ
Thử hỏi có cảnh nào đau lòng hơn thế mà chỉ là do một chữ ký nhẹ tênh diện ra trong một tích tắc. Nhưng theo tôi cái thảm họa này mới khủng khiếp:
những tuổi teen tóc đỏ
dắt nhau vào nhà trọ bình dân
còn quên tháo khăn quàng.
Kỷ nguyên hiện đại những kẻ mua bán dâm đã biết khai thác triệt để những nhà trọ kinh doanh hợp pháp và bọn trẻ sa đọa cũng đã biết khai thác triệt để. Nạn tình dục ở trẻ vị thành niên này kéo theo thảm họa cả một đất nước rồi sẽ bị huỷ hoại nhân cách, huỷ hoại sức khoẻ. Nạn nạo thai tràn lan ở lứa tuổi vị thành niên nhiều đến nỗi như nhà thơ Trần Nhuận Minh đã viết:
Những con lợn
Nuôi bằng thai nhi nạo
Khi chọc tiết
Khóc như người
(Khúc 29 - Bốn mươi khúc đàn bầu của kẻ vô danh)
Vẫn còn bao nhiêu thảm họa nữa do chính con người và nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đã viết:
Trái đất này mỏng manh và đáng thương biết mấy
Trước những mưu mô toan tính của con người
(Matxcova mùa đông Chín Mươi)
Trước những thảm họa đó nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh chỉ còn niềm tin và sự chở che cứu vớt duy nhất:
May còn cánh rừng mấy nghìn tuổi
Vọng tiếng khóc trẻ thơ
kết thành chiếc phao
cho tôi vịn
trôi qua những tích tắc tử thần
Nhưng nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh ạ, liệu những cánh rừng nghìn tuổi ấy còn tồn tại được bao lâu? Thế hệ chúng ta có thể nó còn tồn tại. Còn thế hệ con cháu chúng ta như nhà thơ Trương Đăng Dung đã viết trong bài Nói với con:
Bây giờ con ở đây
khi những cánh rừng già châu Phi bốc cháy
voi chạy về châu Âu chết cóng giữa mùa đông
khi hàng triệu con chim rời xứ lạnh bay về xứ nóng
kiệt sức rồi phải lao xuống biển sâu
Cuối cùng nhà thơ Trương Đăng Dung khát vọng:
Bố chỉ mong trái tim con đừng bao giờ lạc lõng
Trước những vui buồn bất hạnh của thời con
Tất cả những thảm hoạ đó các nhà thơ đích thực, các nhà thơ tâm huyết đã dự đoán cho một thế giới luôn bị những thảm hoạ bất trắc đến từ con người. Vâng những con người hiện đại đang tự đào hố để chôn mình. Phải chăng đó là thông điệp mà nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh muốn gửi gắm cho cõi người không chỉ một bài thơ Những tích tắc quanh tôi mà còn nhiều bài thơ khác nữa như: Về những con cá chết ở sông Nhuệ, Lời ru đàn vịt ngoài đồng, Nghĩ chơi 1. v.v..
Qua thế giới thi ca của Nguyễn Thuý Quỳnh ta mới thấy hết trách nhiệm công dân của các thi sỹ lớn lao biết chừng nào và ta cũng cảm nhận được tấm lòng nhân hậu của nhà thơ mênh mông biết chừng nào.
Tôi chỉ biết cảm ơn rất nhiều khi được đọc thơ của Nguyễn Thuý Quỳnh - Thơ chị đã bồi đắp thêm cho tôi tình yêu cuộc sống và trách nhiệm làm người./.

         
Mời thư giãn với nhạc phẩm KHÁT VỌNG
của Thuận Yến, qua tiếng hát Thanh Lam:
           
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.                                         


.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 22.08.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét