MỜI ĐỌC:

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

12 LOẠI QUẢ BÁO THEO QUAN NIỆM CỦA PHẬT GIÁO - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

(Nguồn ảnh: internet)
12 LOẠI QUẢ BÁO THEO
QUAN NIỆM CỦA PHẬT GIÁO
*
(trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT, 
Đặng Xuân Xuyến ; Văn Hóa Thông Tin ; 2006

Theo phật giáo, nhân là nguyên nhân, quả là kết quả. Nếu nhân là hạt giống thì quả là mầm cây. Nếu nhân là mầm cây thì quả là sự đơm hoa kết trái...
Mỗi hiện tượng vừa là nhân mà cũng vừa là quả. Tương quan nhân quả ấy gọi là tương quan duyên sinh và đã được Đức Phật nói đến qua giáo lý duyên khởi. Từ nhân đến quả phải trải qua một quá trình chịu sự tác động và ảnh hưởng to lớn của các yếu tố (gọi là duyên) theo một tiến trình tất yếu (nhân - duyên - quả). Vì vậy, tùy thuộc vào sự tác động mạnh hay yếu, thuận hay nghịch của các duyên mà cho kết quả sớm hay muộn, xấu hay đẹp.
Do tiến trình diễn tiến của nhân quả xảy ra không đồng nhất trong một khoảng thời gian nhất định, nên  người  ta  có sự phân loại tính chất của nhân quả theo thời gian như sau :
1. Hiện báo: Ðây là quả báo trong kiếp hiện tại, ví như anh gây gổ với người khác thì bị người khác đánh lại, anh vi phạm pháp luật thì bị pháp luật trừng trị... có nghĩa quả báo này mau lẹ, không đợi đến thời kỳ sinh trái, mà đã phát lộ trong thời kết bông. Quả báo này gọi là hiện báo hoặc hoa báo. Vì thế, tục ngữ mới có câu: “Ðời xưa trả báo thì chầy. Ðời nay trả báo một giây nhãn tiền
2. Sinh báo: Sinh báo là gây nhân kiếp này nhưng đến đời kế sau mới chịu quả báo. Trong kinh có câu: “Muốn biết nhân kiếp trước, hãy xem sự thọ hưởng đời nay. Muốn rõ quả kiếp sau, nên xét sự tạo tác trong hiện tại”.
3. Hậu báo: Ðây là nói sự gây nhân trong kiếp này, nhưng phải đến ba, bốn, trăm, ngàn, thậm chí đến vô lượng kiếp sau, khi hội tụ đủ duyên mới thọ quả báo.
4. Ðịnh báo: Ðịnh báo là quả báo nhất định phải gánh chịu, không ai có thể chuyển biến được. Ví dụ: Thuở xưa vua Lưu Ly cử binh đến đánh dòng họ Thích, Ðức Thế Tôn can ngăn ba lần mà không được. Tôn giả Mục Kiền Liên bạch hỏi sao Phật không cứu độ hàng tộc thuộc, thì ngài bảo đó là định nghiệp. Tôn-giả không tin, dùng thần thông đem giấu năm trăm người họ Thích trên cung trời. Nhưng khi Lưu Ly dẹp xong hàng Thích Chủng, thì năm trăm người ấy cũng đều thành huyết mà chết.
5. Bất định báo: Bất định báo là nghiệp báo có thể chuyển biến sửa đổi được. Ví như người kiếp trước đã tạo nghiệp lành, đáng lẽ phải hưởng phú quý trọn đời ở kiếp này nhưng ỷ thế làm quan, tham mê tài sắc, cưỡng hiếp, hãm hại người khác, thì phước lộc dần dần tiêu giảm, có thể bị tù ngục, ô danh, hoặc chết bất đắc kỳ tử. Hoặc kiếp trước kém nhân lành, nên kiếp này thân phận nghèo khổ, hèn hạ nhưng nếu người ấy gắng sửa đổi tâm tánh, hết sức làm việc thiện, thì nghiệp chướng dần dần tiêu giảm, bản thân hay con cháu có thể sẽ tiến đến vinh quang, phú quý.
6. Cộng báo: Cộng báo là quả báo với nhiều người. Ví dụ khi người cha ốm nặng thì người mẹ và các con phải lo lắng, vất vả phục dịch. Hoặc trong chiến tranh, tuy nhiều người không phải ra trận tuyến nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh như nghèo đói, bệnh tật, mất mát thân nhân.... Ðó đều là ảnh hưởng nặng nhẹ thuộc Cộng báo, do nghiệp sát sinh từ nhiều kiếp về trước.
7. Biệt báo: Ðây là quả báo riêng của mỗi cá thể trong chúng sinh, còn được gọi là Bất cộng báo. Ví dụ xe ô tô mất lái lao xuống vực, hơn trăm hành khách trên xe đều thiệt mạng, chỉ duy nhất một cháu bé còn sống và may mắn nữa là cháu chỉ bị xây xước nhẹ.
8. Cận tử báo: Là quả báo lúc sắp chết. Khi con người già yếu sắp chết, những nghiệp thiện ác từ các kiếp dồn lại, ảnh hưởng mạnh hơn lúc bình thường. Nếu nghiệp thiện thì khiến người ấy vui vẻ hòa nhã, mắt tai không lờ lãng, khi lâm chung xả báo an lành. Nếu thuộc về nghiệp ác, thì kẻ đó trở nên nóng nảy, ưa buồn giận khó khăn, lúc sắp chết đau yếu mê man.
9. Thục vị thục báo: Ðiều này là trạng thái của nghiệp báo lúc chưa thuần thục và đã thuần thục. Chẳng hạn, có kẻ trọn đời làm ác nhưng cả đời vẫn gặp may mắn, tốt đẹp, có người cả đời làm việc thiện mà trong đời thường gặp những bất hạnh, khổ đau. Lý giải về quả báo này, Đức Phật nói: “Có người trọn đời làm lành mà khi chết bị đọa vào ác đạo, bởi nghiệp lành đời này chưa chín muồi, song nghiệp dữ kiếp trước đã đến lúc thuần thục. Có kẻ trọn đời làm ác nhưng khi chết sinh lên Thiên cung, bởi nghiệp ác đời này chưa thuần thục mà nghiệp lành kiếp trước đã đến thời kỳ chín muồi. Việc nhân quả rất phức tạp, tùy theo thế lực mạnh yếu mà đến trước hoặc sau. Cho nên các đệ tử của ta chớ nên thờ ơ, phải gắng chuyên tu cho đạo nghiệp được tinh thuần. Vì biết đâu, có kẻ tuy đời nay yên ổn hưởng lạc làm lành, nhưng nghiệp ác những kiếp về trước đã sắp đến thời kỳ thuần thục!”
10. Chuyển báo: Chuyển báo là những biến trạng khổ vui, do sức tu thiện hay làm ác của đương sự. Ví như có người làm đủ những điều ác, song đời sống hiện tại càng thêm an ổn vinh quang. Trong đây có hai nguyên nhân:
1. Là do phúc của họ quá nhiều, tuy có phần tổn giảm bởi làm ác, nhưng dư phúc hãy còn.
2. Là do thế lực của nghiệp ác quá mạnh, khiến cho bao nhiêu phúc đời này và đời trước đều phát cho kẻ ấy hưởng, để rồi sẽ chịu quả báo ác đạo ở kiếp sau. Sự Chuyển báo này cơ bản thuộc về trường hợp thứ hai. Nói theo các khác, đây gọi là trạng thái “dồn phúc” hoặc “dồn nghiệp” của đương số.
11. Thế gian báo: Ðây là những quả báo khổ vui trong ba cõi: Dục, Sắc và Vô sắc. Nguyên nhân chính của sự lưu trệ trong tam giới, là vì khi gây nhân chúng sinh còn chấp ngã.
Trong truyện ký nhà Phật có chép việc một ni cô tụng kinh Pháp Hoa ba mươi năm, nhưng tâm còn nhiễm thanh sắc, nên kiếp sau chuyển làm nàng kỹ nữ thanh sắc vẹn toàn; nơi miệng thường bay ra mùi thơm hoa sen.
12. Xuất thế gian báo: Thế gian báo là quả báo thuộc lục phàm. Trái lại, xuất thế gian báo là quả báo của tứ thánh: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật. Quả báo tứ thánh do bởi khi tu lìa ngã chấp mà được thành tựu. 
. .....................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét