MỜI ĐỌC:

Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

BÀN THÊM VỀ TỨ THƠ - Tác giả: Phạm Quốc Ca (Lâm Đồng)



BÀN THÊM VỀ TỨ THƠ 
*
(Tác giả Phạm Quốc Ca)
Tứ thơ là một khái niệm quen thuộc trong thi học nhưng vẫn còn có thể bàn đến nhiều điều nhằm hiểu biết sâu sắc hơn và tránh những ngộ nhận, nhầm lẫn như đồng nhất tứ thơ với chủ đề trữ tình, tứ thơ là biểu hiện của ý thơ… Bài viết của chúng tôi nhằm mục đích ấy.
1. Tứ thơ là gì?
Tứ thơ là một khái niệm quen thuộc trong thi học, từ xưa tới nay đã có nhiều người bàn đến. Ở Việt Nam Huy Cận, Xuân Diệu, Mã Giang Lân, Hà Minh Đức, Nguyễn Xuân Nam, Phan Ngọc, Phan Huy Dũng và nhiều người khác đã có những kiến giải tinh tế trong các công trình nghiên cứu của mình. Ví dụ: “Suy nghĩ về nghệ thuật” (Huy Cận) [2], “Công việc làm thơ” (Xuân Diệu) [3], “Vấn đề sáng tạo tứ thơ” (Hà Minh Đức) [4], “Tìm hiểu thơ” (Mã Giang Lân) [7]…Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều nhận định những bài thơ hay thường có tứ thơ độc đáo.
Về tầm quan trọng của tứ thơ, Xuân Diệu đã viết: “Ngôn từ, lời chữ, vần rất là quan trọng, bởi thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ. Tuy nhiên, đó là cái quan trọng thứ hai. Mà cái quan trọng thứ nhất làm rường cột cho tất cả là cái tứ thơ, nó chủ đạo cả bài. Làm thơ khó nhất là tìm tứ” [3].
Trong bài “Thơ là gì?” (Tạp chí Văn học, số 1, 1991) nhà nghiên cứu Phan Ngọc cho rằng: “Thơ là cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này”. Thực ra phải thay các từ hết sức quái đản bằng diễn đạt đúng hơn là độc đáo. Thơ sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Hết sức quái đản thì đã ra ngoài địa hạt thơ. Ở đây ta đọc ra sự nhấn mạnh của nhà nghiên cứu vào khía cạnh tứ thơ. Quan niệm của Phan Ngọc gần với định nghĩa của Côleritgiơ: “Một bài thơ là những ngôn từ sáng giá đứng trong một trật tự hoàn hảo”.
Chủ đề trữ tình có thể là một nhưng sẽ có nhiều bài thơ hay khác nhau do cách cấu tứ khác nhau. Các nhà nghiên cứu Trầm Nhân Khang, Hoàng Bội Ngọc (Trung Quốc) đã chỉ ra một thực tế: cùng thể hiện nỗi nhớ của người chinh phụ, Lý Bạch có Bài hát đêm thu, Kim Xương Tự có Xuân oán và Trần Đào có Bài hát Lũng Tây. Cả ba bài thơ này đều là những kiệt tác của thơ Đường [6]. Trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước đã có hàng vạn bài thơ thể hiện một chủ đề lớn là sức sống bất diệt của dân tộc ta, đất nước ta dưới bom đạn của kẻ thù. Có nhà nghiên cứu đã gọi đây là một tứ thơ lớn của thời đại [4]. Thực ra đây chỉ là một motif chủ đề trữ tình quen thuộc mà thôi.
Xuân Diệu quan niệm tứ thơ là ý được hóa thân trong một hình tượng cụ thể. Phan Huy Dũng cho rằng trong một bài thơ dài có thể có nhiều tứ thơ. Chúng tôi cho rằng những cách hiểu này đã quá mở rộng nội hàm khái niệm tứ thơ.
Theo chúng tôi: tứ thơ là cách liên kết, cấu trúc các ý thơ và sắp xếp mọi yếu tố cấu thành của bài thơ nhằm tập trung thể hiện có hiệu quả nhất chủ đề trữ tình.
Nếu hiểu thơ là nghệ thuật ngôn từ thì khi đã xác định chủ đề trữ tình rồi, nhà thơ phải đầu thai nó trong một tứ thơ độc đáo, thú vị, thể hiện rõ tài năng sáng tạo của mình. Vì vậy tứ thơ liên quan trực tiếp đến hiệu quả thẩm mỹ của bài thơ. Nếu chủ đề là nói cái gì? thì tứ thơ là nói bằng cách nào cho độc đáo và có hiệu quả thẩm mỹ nhất?. Chính nói bằng cách nào? làm nên chất thơ chủ yếu của một văn bản nghệ thuật ngôn từ.
Tứ thơ có thể xem như một cái khung kết cấu trong đó mạch thơ vận động: có khởi đầu, phát triển và kết thúc. Khởi đầu giống như khơi đúng mạch ngầm để lời thơ tuôn chảy. Tứ thơ sẽ dẫn dắt mạch trữ tình nhắm đến chủ đích nghệ thuật. Nếu không có tứ thơ chỉ đạo, dẫn dắt, ý thơ sẽ tản mạn. Kết thúc các bài thơ hay thường bất ngờ, nâng bài thơ lên một tầm cao mới về ý nghĩa khái quát cũng như hiệu quả thẩm mỹ. Ví dụ hai câu kết của bài thơ Tiếng bom ở Seng Phan (Phạm Tiến Duật):
Tôi ở xa Seng Phan
Nghe bom dội đêm ngày
Âm i tiếng tàu bay
Dội vào trong trí nhớ

Tôi đến gần Seng Phan
Nghe cây ầm ầm đổ
Cốc chén chẳng nằm yên
Lung lay cả ngọn đèn
Tiếng bom như tiếng thú.

Tôi đứng giữa Seng Phan
Cao hơn tiếng bom là khe đá, tiếng đàn
Là tiếng mìn công binh phá đá
Là tiếng điếu cày rít lên thong thả
Tiếng oai nghiêm xe rú máy bên đường
Thế đó, giữa chiến trường
Nghe tiếng bom rất nhỏ.
Tứ thơ thể hiện rõ nhất tài năng sáng tạo của nhà thơ. Nhiều bài thơ ta có thể quên lời nhưng không thể quên cái tứ độc đáo của nó. Mặc dù vậy, có tứ thơ hay chưa đủ. Tứ thơ còn phải hoà quyện, hóa thân vào tình, ý, hình ảnh làm nên sinh thể bài thơ. Tứ thơ càng kín đáo càng hay. Lê Quý Đôn có lời khuyên về thi pháp thơ “Mạch kị thẳng, ý kị lộ”. Đây là một lời bàn về thơ rất tinh tế.
Tứ thơ cần tự nhiên, tránh gò ép. Bài thơ Mặt quê hương của Tế Hanh được nhà nghiên cứu Mã Giang Lân dẫn ra để khen trong công trình nghiên cứu Tìm hiểu thơ [7]. Nhưng theo tôi đây là bài thơ gò ép trong cấu tứ:
Mặt em như tấm gương
Anh nhìn thấy quê hương
Kìa đôi mắt, đôi mắt
Dòng sông yêu trong vắt
Kìa vầng trán thanh thanh
Khoảng trời xưa trong lành
Miệng em cười tươi thắm
Như vườn xanh nắng ấm
Hơi thở em chan hoà
Như không khí quê ta.
Ôi chín năm nhớ thương
Mặt em là quê hương.
Trong liên tưởng thơ của Tế Hanh, gương mặt người yêu và gương mặt quê hương có sự tương đồng. Tứ thơ được xác lập trên sự tương đồng ấy. Tình yêu quê hương trong lòng nhà thơ miền Nam tập kết khi đất nước bị cắt chia trở nên gần gũi, thiết tha hơn. Nhưng không phải bao giờ giữa hai hình tượng này cũng có sự tương đồng như mong muốn chủ quan của nhà thơ: “Miệng em cười tươi thắm/ Như vườn xanh nắng ấm”. Rõ ràng ở đây có sự gò ép.
Tứ thơ vận động nhờ khả năng liên tưởng tinh tế của nhà thơ. Liên tưởng thơ cần nhất sự tự nhiên và phóng khoáng.
2. Một số dạng tứ thơ chính
Tứ thơ vô cùng phong phú, đa dạng do sáng tạo là thuộc tính của thơ. Yêu cầu lý tưởng là mỗi bài thơ phải có một tứ thơ độc đáo, không lặp lại. Tuy nhiên trong thực tiễn sáng tạo thơ ca ta thường gặp một số dạng tứ thơ sau đây:
-Tứ thơ qui nạp
Ở những bài thơ có mục đích thuyết phục người đọc một tư tưởng nào đó, cấu trúc tứ thơ thường có dạng vận động từ cụ thể đến khái quát. Có thể liên tưởng đến thao tác qui nạp. Bài thơ Tiếng bom ở Seng Phan (Phạm Tiến Duật) đã dẫn ở trên là một thí dụ tiêu biểu. Để đưa đến triết lý khái quát: “giữa chiến trường/ Nghe tiếng bom rất nhỏ” nhà thơ đã dẫn dắt một cách tinh tế bằng hàng loạt hình ảnh sinh động của hiện thực chiến tranh ở một trọng điểm ác liệt trên Trường Sơn.
Những bài thơ có tứ vận động từ cụ thể đến khái quát thường kết thúc bằng những triết lý về cuộc sống và con người.
-Tứ thơ diễn dịch
Có thể liên tưởng tứ thơ dạng vận động từ khái quát đến cụ thể với thao tác diễn dịch. Nhà thơ đưa ra một nhận định về đời sống rồi diễn dịch bằng nhiều ý thơ như những luận điểm nhằm thuyết phục người đọc. Tiêu biểu là bài thơ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? (Chế Lan Viên):
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
Chưa đâu ngay cả những khi đất nước mình đẹp nhất!
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng.

Những ngày ta sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn
Trái cây rơi vào áo người ngắm quả
Đường nhân loại đi qua những bóng lá xanh rờn
Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ
Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn…
Dạng tứ thơ này thường gặp ở thơ chính luận, triết luận.
Tứ thơ đối lập
Đối lập là thao tác quen thuộc trong tư duy, nhận thức của con người. Văn học nghệ thuật cũng là một dạng nhận thức đặc biệt – nhận thức thẩm mỹ. Tứ thơ dạng đối lập có tác dụng làm nổi bật tư tưởng chủ đề của bài thơ. Ví dụ bài Hai câu hỏi (Chế Lan Viên):
- Ta là ai ? Như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt.
- Ta vì ai? Sẽ xoay chiều ngọn bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh.
Theo quan sát của chúng tôi, tứ thơ dạng đối lập được các nhà thơ sử dụng khá phổ biến. Đơn giản nhất là dạng đối lập quá khứ với hiện tại, đối lập không gian này với không gian khác.
-Tứ thơ tương đồng
So sánh tương đồng là một thao tác tư duy thường xuyên của con người nhằm làm sáng rõ đối tượng nhận thức. Tứ thơ tương đồng nhằm đưa đến hiệu quả thẩm mỹ là làm nổi bật chủ đề trữ tình. Bài thơ Không đề (Khuyết danh-Triều Tiên) là một ví dụ:
Khi trên khung cửi chỉ đứt
Cần mẫn em ngồi
Dùng răng dùng môi
Hai đầu nối lại
Khi đứt chỉ tình yêu, ơi cô gái
Em cũng nên làm như thế đừng quên.
Trong thơ Việt Nam hiện đại, bài thơ Trăng của Chế Lan Viên được cấu tứ theo dạng tương đồng:
Giữa hai cây lại đôi mắt em nhìn
Anh đến suối mặt em cười dưới suối
Lòng anh chạy cho lòng em theo đuổi
Đêm ái tình đâu cũng mặt trăng em.
-Tứ thơ ý tại ngôn ngoại
Đây là loại tứ thơ đặc biệt tinh tế. Các nhà thơ Việt Nam và Trung Quốc xưa thường sử dụng loại tứ thơ này làm nên nét đặc trưng thơ Á Đông. Trong thơ trung đại Việt Nam, bài Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương có tứ thơ dạng này. Với tứ thơ ý tại ngôn ngoại, người đọc phải nhận ra nghĩa bóng của bài thơ. Điều đó kích thích tính đồng sáng tạo của người đọc. Ví dụ bài thơ Người mù của nhà thơ Nga Xô viêt Vasili Fyodorov (sinh năm 1918):
Không nhìn thấy những người đi trước mình
Không bị ghế của vườn hoa quyến rũ
Một người mù đi trên đường phố
Dò dò từng bước bằng chiếc gậy con
Người ta xô lấn anh, qua mặt, dành đường
Anh bị lấn giữa vội vàng chen chúc
Có thể quát to lên với những người có mắt:
- Hãy biết thương tình, chớ lấn chen!
Nhưng không, tôi nghe rõ tiếng anh
Nhỏ nhẹ giữa ồn ào phố xá:
- Hãy cứ lấn chen, chẳng hề gì cả
Để tôi biết cạnh tôi đang có mọi người.
Phạm Quốc Ca dịch
(Văn học nước ngoài, số 2 / 2005)
Phía sau nghĩa đen: người mù đi trên đường phố, phải chăng nghĩa bóng (thật ra là nghĩa thực) của bài thơ là dù cuộc sống đầy những ồn ào, chen chúc, cạnh tranh, vô tình nhưng được sống giữa nhân quần vẫn là điều hạnh phúc.
- Tứ thơ song song
Ở cấu trúc tứ thơ song song, các khổ thơ trong bài đều có một thành phần điệp cú hoặc điệp ngữ. Tính lặp lại có quy luật như vậy làm nên cấu trúc độc đáo của bài thơ. Có thể kể tên một số bài thơ thuộc dạng này như: Mùa lá rụng (Olga Bergholts- Nga), Những cặp mắt đen (Cupala- Belaruxia). Trong thơ Việt Nam sau 1975, bài thơ Tự nhủ của Bế Kiến Quốc là một bài thơ hay được cấu tứ theo dạng này:
Bàn chân ơi, ta đưa ngươi đi
Mọi nẻo đường dù có khi ngươi vấp
Có khi dẫm vào gai và biết đâu có khi…
Ta phải đi vì ta yêu mục đích
Vành tai ơi, ta đưa ngươi đi
Đến miệng đời dù nghe lời đắng chát
Lời thô bỉ và biết đâu có khi…
Ta phải nghe vì ta yêu tiếng hát.
Cặp mắt ơi, ta đưa ngươi đi
Đến mọi nơi, thấy mọi điều đích thực,
Dù thấy điều xấu xa và biết đâu có khi…
Ta phải nhìn vì ta yêu cái đẹp.
Trái tim ơi, ta đưa ngươi ra
Khỏi lồng ngực của ta
Hiến dâng người-trái đất
Dù có buồn, dù có xót xa,
Dù có lúc nỗi đau dừng nhịp đập...
Ta phải yêu vì ta tin hạnh phúc.
Còn rất nhiều kiểu tứ thơ độc đáo, giàu tính sáng tạo khác cần phải được tiếp tục tìm hiểu. Chẳng hạn như trong phong trào Thơ mới (1932 – 1945) đã xuất hiện những bài cấu trúc theo âm nhạc. Bài thơ Màu thời gian (Đoàn Phú Tứ) là một ví dụ tiêu biểu. Việc nhận diện các dạng tứ thơ rất có ích cho người sáng tác lẫn người nghiên cứu.
___________
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Quốc Ca, Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975 – 2000, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003.
2. Huy Cận, Suy nghĩ về nghệ thuật, Báo Văn nghệ, số 48, 1979.
3. Xuân Diệu, Công việc làm thơ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1984.
4. Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Văn học, Hà Nội, 1974.
5. Hà Minh Đức, Vấn đề sáng tạo tứ thơ, Báo Văn nghệ số 37, 1997.
6. Trầm Nhân Khang, Hoàng Bội Ngọc, Cấu tứ trong thơ trữ tình, Nxb Văn học, Hà Nội, 1961.
7. Mã Giang Lân, Tìm hiểu thơ, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1997.



Mời thư giãn với nhạc phẩm CHUYỆN TÌNH THẢO NGUYÊN
của Trần Tiến, qua tiếng hát Trần Thu Hà:
           
*.
PHẠM QUỐC CA
Địa chỉ: Lý Nam Đế, Đà Lạt, Lâm Đồng.
Facebook: Quoc Ca Pham
.
.



.............................................................................................................
- Cập nhật từ email: Huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 07.04.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét