MỜI ĐỌC:

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

LỊCH SỬ DU NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN ĐẠO PHẬT Ở VIỆT NAM - Tác giả: Đoàn Mạnh Thế (Hà Nội)



LỊCH SỬ DU NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

ĐẠO PHẬT Ở VIỆT NAM

*

(Tác giả Đoàn Mạnh Thế)

I. KHỞI NGUYÊN

Hơn 2600 năm trước, một hoàng tử của nước Vệ Xá quyết định dứt áo ra đi, hòng truy cầu sự "giải thoát", tìm câu trả lời cho vạn vật trong cuộc sống này. Hơn 20 năm tu tập, chiêm nghiệm, cuối cùng hoàng tử đã "ngộ" ra chân lý, từ đó ngài đi khắp nơi, truyền bá tư tưởng, cách tu tập của ngài, đạo Phật đã ra đời như vậy.

400 năm trước công nguyên, đạo Phật được truyền bá rộng rãi khắp tiểu lục địa Ấn Độ và truyền bá sang các nước láng giềng như Nepal, Miến Điện, Tây Tạng, Xiêm La, Vạn Tượng, Phù Nam và đến An Nam. Người Việt tiếp thu Phật Giáo sớm hơn Trung Hoa, vì đường biển từ Ấn Độ sang An Nam thuận lợi hơn so với đường bộ từ Thiên Trúc sang Trung Hoa phải băng qua dãy Hy Mã Lạp Sơn vô cùng hiểm trở. Khi truyền vào An Nam, ban đầu dân ta gọi là Đạo Bụt, phiên âm từ chữ Buddha - nghĩa là đấng giác ngộ trong tiếng Phạn. Dễ hiểu vì sao trong các câu chuyện cổ, khi nhân vật chính khổ quá, ngồi khóc thì Bụt hiện ra, Bụt chính là Phật vậy. Sau đó, ảnh hưởng phật giáo Bắc Tông từ Trung Hoa lại truyền ngược sang An Nam và ảnh hưởng đén cách gọi truyền thống của người Việt: Từ Buddha phiên âm sang tiếng Trung lại gọi thành Phật Đà, lâu dần chúng ta gọi luôn là Đạo Phật.

Ai là người đầu tiên đem đạo Bụt (Phật) vào An Nam?

Theo truyền thuyết dân gian, có lẽ là sư phụ của Chử Đồng Tử, sư Phật Quang. Chuyện kể rằng khi Chử Đồng Tử và Tiên Dung quyết lấy nhau, mặc cho vua Hùng phản đối, hai vợ chồng bỏ trốn, dạt nhà khởi nghiệp. Một ngày nọ, Chử Đồng Tử đi qua ngọn núi giữa biển tên Quỳnh Viên sơn bèn trèo lên am trên núi và gặp một tăng sĩ tên Phật Quang. Chử Đồng Tử bèn ở lại học phép thuật. Sau này, trước lúc hạ sơn, Phật Quang tặng Chử Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón lá, dụ rằng đây là vật thần thông.

Về nhà, Chử Đồng Tử truyền mọi sự lại cho vợ. Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ việc buôn bán, cùng chồng chu du tìm thầy học đạo. Một hôm tối trời, đã mệt mà không có hàng quán ven đường, hai vợ chồng dừng lại cắm gậy úp nón lên trên cùng nghỉ. Bỗng nửa đêm, chỗ đó nổi dậy thành quách, cung vàng điện ngọc sung túc, người hầu lính tráng, văn võ bá quan lẫn tiên đồng ngọc nữ đều sẵn sàng để hầu hạ. Sáng hôm sau, dân chúng quanh vùng kinh ngạc bèn dâng hương hoa quả ngọt đến xin làm bầy tôi. Từ đấy chỗ đó phồn thịnh, sung túc như một nước riêng. Sau đó hai vợ chồng hóa thành thần bay luôn về trời.

Qua câu chuyện trên, có thể tạm suy đoán rằng Đạo Phật đã có ở Việt Nam từ thời thượng cổ, không biết bao nhiêu nhưng chắc chắn hơn 2000 năm. Về mặt lịch sử, thì chính sử Tàu cũng công nhận rằng: Ba trung tâm Phật giáo thời Hậu Hán là: Luy Lâu, Lạc Dương và Bành Thành. Sử liệu cổ của Trung Hoa cũng không ghi nhận được rõ ràng sự hình thành của hai trung tâm Lạc Dương và Bành Thành, chỉ có Luy Lâu thuộc Giao Chỉ là được xác định rõ ràng và sớm nhất, và còn là bàn đạp cho việc hình thành hai trung tâm kia. À mà quên nói cho các vạn: Luy Lâu ngày nay ở vào Bắc Ninh, hehe. Từ nửa sau thế kỷ thứ hai, Luy Lâu đã tồn tại như một trung tâm Phật giáo quan trọng và phồn thịnh.

Người Việt bắt đầu có ngôi chùa đầu tiên của mình là chùa Dâu, ngôi chùa gắn với truyền thuyết Man Nương phật mẫu, có lẽ là vị phật bản địa đầu tiên của Việt Nam. Truyền thuyết kể rằng thuở xưa có bà A Man, là một người con gái rất sùng đạo, năm 10 tuổi đến theo học đạo với thiền sư Khâu Đà La là một vị cao tăng Thiên Trúc đầu tiên sang Việt Nam truyền đạo tại đây. Một hôm, thiền sư đi vắng và dặn Man Nương trông coi chùa cẩn thận. Tối đến Man Nương ngủ ở thềm, Khâu Đà La về và bước qua người, sau đó bà thụ thai (sao nghe giống giống Thánh Gióng...). Cha mẹ Man Nương trách cứ thì Khâu Đà La dặn rằng đó là con Phật, không phải lo phiền.

Hai mươi tháng sau, Man Nương sinh hạ một người con gái vào ngày 8 tháng Tư (âm lịch), đem đến chùa trả lại Thiền sư. Ông dùng cây gậy tích trượng gõ vào cây Dâu ở cạnh chùa; cây dâu tách ra, thiền sư để đứa trẻ vào trong, cây lại khép vào. Khâu Đà La trao cho Man Nương cây gậy và dặn khi nào hạn hán thì đem gậy cắm xuống đất để cứu nhân dân. Khi vùng Dâu bị hạn hán ba năm liền, nhớ đến lời dặn của ông, Man Nương đã đem cây gậy thần cắm xuống đất. Ngay lập tức nước phun lên, cây cối, ruộng đồng lại tươi tốt và chúng sinh thoát nạn hạn hán.

Tiếp đó có trận mưa to, cây dâu bị gió bão quật đổ xuống sông Thiên Đức (sông Dâu) rồi trôi về Luy Lâu. Khi đó, Thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp thấy cây gỗ đẹp nên cho quân lính vớt lên để làm nóc điện Kính Thiên, nhưng không ai lay chuyển nổi. Man Nương đi qua liền lội xuống sông, buộc dải yếm vào và bảo "Có phải con mẹ thì đi lên theo mẹ" lập tức kéo cây lên dễ dàng. Sĩ Nhiếp thấy thế kính sợ, tuyển mười người họ Đào tạc tượng Tứ pháp là Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Điện tượng trưng cho Mây, Mưa, Sấm, Chớp để thờ. Bốn bức tượng phật đó được đặt ở bốn ngôi chùa khác nhau ở trên cùng một khu vực là Chùa Dâu, Chùa Đậu, Chùa Dàn, Chùa Tướng. Khi thợ tạc tượng gặp trong thân cây một khối đá bèn vứt xuống sông. Đến đêm thấy lòng sông rực sáng, Sĩ Nhiếp cho người vớt nhưng không tài nào vớt được. Man Nương liền đi thuyền ra giữa sông thì khì khối đá tự nhiên nhảy vào lòng. Khối đá ấy được gọi là Thạch Quang Phật (Phật đá tỏa sáng), ngày nay tất cả tượng và đá ấy đều được thờ ở chùa Dâu - Thuận Thành, Bắc Ninh.

 

II. PHẬT GIÁO TỪ TRUNG HOA

Tôn giáo đặc trưng của Trung Hoa ấy là Đạo Giáo, nói vậy cho nhanh. Ai sáng lập Đạo Giáo? - Là Lão Tử, cho nên Đạo Giáo còn có tên khác là Lão Giáo. Tất nhiên, như một số nhân vật đình đám của các tôn giáo khác, cuộc đời Lão Tử phủ đầy một lớp sương huyền thoại, vd như ông sinh ra tóc đã bạc trắng vì đã nằm trong bụng mẹ quá lâu, 8 hay 80 năm tôi ko chắc vì nhiều thuyết quá, rồi ông đã đọc hết sạch sành sanh mọi cuốn sách trong thư viện của nhà Chu, hay Khổng Tử đã đén gặp ông để đàm đạo, sau khi về nhà thì cấm khẩu 3 ngày ko nói vì sock trước kiến thức của Lão Tử ... vân vân và mây mây. Đạo giáo ảnh hưởng rất nhiều đến văn hóa và đời sống Trung Hoa như phong thủy, tử vi, âm dương, ngũ hành... thời cực thịnh của Đạo Giáo là Xuân Thu - Chiến Quốc, tuy nhiên sau thời Hán thì Trung Hoa đã về một mối, Nho Giáo của Khổng Tử được các đệ tử quảng bá và vua quan nhận ra cái lợi mà Nho Giáo đem lại để quản lý xã hội mà còn bảo vệ chặt chẽ đặc quyền của giai cấp mình. Thế là tự nhiên Nho Giáo được đưa lên vị trí độc tôn, suốt hơn 2000 năm cho đến tận thế kỷ 20.

Nếu như Nho Giáo là lựa chọn của quan lại vua chúa thì bá tánh lúc đó hơi khác chút xíu: Để được gọi là Nho Sinh, aka môn đệ Khổng Tử, bắt buộc anh phải biết chữ, mà thời xưa đó là chuyện hiếm hoi. Thế là Đạo Giáo vẫn tìm được chỗ trong nhân gian và tiếp tục chi phối mọi mặt trong đời sống dân chúng. Nhưng rồi khi nhà Hán suy vong, chiến tranh loạn lạc gần trăm năm, Thập Lục Quốc, rồi Ngũ Hồ Loạn Hoa, dân chúng chạy loạn phà ơi, khổ quá... thì họ nhìn thấy ở đạo Phật một con đường cứu rỗi. Ờ tất nhiên, một đạo mà khuyến khích người ta lấy đức từ bi hỉ sả, đặt hiếu sinh lên làm đầu, thoát cảnh máu chảy đầu rơi thì ai chả thích? - Đạo Phật từ từ bén rễ và thâm nhập vào quảng đại quần chúng Trung Hoa. Thế rồi tầm năm 502, miền Nam Trung Hoa có một người họ Tiêu tên Diễn lập ra nhà Lương, anh Diễn này lại rất thích Đạo Phật. Dưới thời của anh, Đạo Phật được bảo trợ và phát triển mạnh mẽ ở miền nam Trung Hoa, và của đáng tội, có lẽ công đức dày quá nên anh Diễn trị vì những 40 năm, thọ 85 tuổi, chỉ sau mỗi Càn Long sau này, hê hê. Anh Diễn quý Phật Pháp nhưng anh còn làm 1 điều hay ho hơn nữa, ấy là làm cho đạo Phật trở nên "có màu sắc Trung Quốc hơn".

- Đầu tiên là anh cấm thêu dệt những hình tượng thánh thần lên y phục quan lại vì sợ rằng áo rớt xuống đất hay cũ sờn thì sẽ mang tội bất kính với thần thánh.

- Anh Diễn là hoàng đế đầu tiên tổ chức ... cúng chay cho tổ tiên. Khi xưa, theo Lễ Kinh thì khi cúng tế phải có đủ tam sinh, dê - lợn - bò. Anh Diễn năm đầu thì chơi... thịt khô, thấy thiên hạ vẫn thái bình, năm thứ hai anh chơi bột nhào thành các thứ bò, dê, lợn vẫn ko sao, thế là năm thứ ba chơi luôn rau củ quả.

- Anh Diễn cũng là hoàng đế Trung Hoa đầu tiên xuống tóc làm sư tự nguyện, tận những 3 lần, và mỗi lần đều ở hẳn trong chùa hơn tháng.

- Ngũ giới của Phật được quy định triệt để, như ta thấy ngày nay, mà rõ nhất là: Người xuất gia không ăn thịt (thật ra Phật răn rằng không sát sinh tức là chỉ cần ko trực tiếp xuống tay, còn ăn thì được).

- Lương Vũ Đế cũng phóng đôi tuệ nhãn sang xứ Giao Chỉ và từng đề nghị cao tăng sang phổ độ và truyền đạo cho xứ ấy. Nhưng vị cao tăng ấy bình thản trả lời: Xứ ấy còn theo đạo phật trước cả chúng ta, trước khi ngài sáng triều lập đại thì ở Giao Chỉ đã có hơn trăm nóc chùa và chép được mười mấy bộ kinh rồi...

Đấy, đại để là như thế, chính nhờ anh Diễn này mà đạo Phật khi truyền sang Trung Hoa ít nhiều đã thay đổi. Càng về sau thì càng có sự "giao thoa" với Đạo Giáo: Có giải hạn, có tử vi, có xem quá khứ vị lai... thậm chí, có một thời người ta còn lưu truyền truyền thuyết rằng: Lão Tử khi thấy được thiên hạ sắp đại loạn đã rũ áo ra đi, ngồi trên lưng trâu ông đi về phía tây, khi đén nước Tần, sắp vào sa mạc thì một người lính gác tên Doãn Hỉ thuyết phục ông viết lại mấy lời, thế là có cuốn Đạo Đức Kinh lưu truyền như ngày nay, sau đó ông lên lưng trâu đi tiếp, từ đó không ai gặp ông nữa. Đoạn này ai cũng biết rồi. Nhưng còn 1 đoạn sau, ấy là người ta cho rằng Lão Tử đã qua đến tận Tây Trúc, và tái sinh vào làm ... Phật Thích Ca, thuyết này để lý giải cho sự dung hợp giữa Phật giáo và Đạo Giáo.

 

III. CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO

Ngay khi còn tại thế, Phật Thích Ca từng tiên đoán rằng: Đạo của ta sẽ phát dương được khoảng 500 năm, sau đó là thời mạt pháp. Nhưng trước tình hình này thì có lẽ chỉ được khoảng 200 năm thôi. Thế nhưng khi sắp tịch, ngài lại dặn đệ tử quên hết những gì ngài nói đi, xem như ngài ko nói gì. Không phải ngài chối bỏ trách nhiệm đâu, mà vì ngài đã đoán rằng những đạo lý, huyền cơ mà ngài nói đến đã là những thứ vĩnh hằng bất biến rồi, dù vạn năm sau vẫn thế, nhưng lời nói của ngài thì ko như thế, đó chỉ là phương tiện để giúp các đệ tử hiểu được cái lớn lao mà ngài đã nói tới, nhưng theo thời gian, những lời ấy sẽ ko còn phù hợp nữa, cũng sẽ bị biến đổi, cho nên tốt nhất là... quên sạch đi.

Sau này Phật giáo phân ra thành nhiều nhánh, trong đó có thể kể đến các nhánh thường gặp nhất là:

- Đại Thừa - hay còn gọi là Bắc Tông

- Tiểu Thừa - còn gọi là Nam Tông

- Thiền Tông

- Mật Tông

- Tịnh Độ Tông

Mỗi nhánh như thế lại có các nghi thức tu tập và luận giải khác nhau dẫn đến Phật Giáo ngày nay bị sai khác nhiều so với nguyên thủy, cùng với đó, tư tưởng Phật Giáo tỏ ra không phù hợp với một xã hội chuyên chế, cho nên ngay trên đất Ấn, Phật Giáo đã bị Ấn Giáo lấy lại thế độc tôn, ở Trung Hoa, đặc biệt là từ thời Minh, Chu Trùng Bát - Chu Nguyên Chương phá hàng loạt chùa chiền bắt sư sãi hoàn tục, đạo Phật bị suy vi trên chính hai đất nước mà nó đã từng rất hưng thịnh. Còn ở Việt Nam thì dưới thời Minh Mạng Phật Giáo cũng bị triều đình o ép nhiều thứ, các dòng Tịnh Độ Tông và Thiền Tông ở VN gần như thất truyền vào thế kỷ 19.

Đầu thế kỉ 20, trên thế giới xuất hiện nhiều phong trào tìm hiểu khôi phục lại các giá trị của Phật giáo, chấn hưng Phật học. Bắt đầu từ cư sĩ David Hewavitarane, người Sri Lanka, phong trào này lan rộng nhanh chóng. Tại Trung Quốc, cư sĩ Dương Nhân Sơn đã đứng lên thiết lập Kỳ Hoàn Tịnh xá, triệu tập nghiên cứu Phật học qua chữ Hán, Anh văn và Pali. Tiếp đó Thiền sư Thái Hư lập Phật học viện Vũ Xương năm 1912, ra Tạp chí Giác Xã năm 1918, sau đổi thành Hải Triều Âm, làm tiền đề cho nhiều Phật học viện ra đời; các hiệp hội Tăng Giáo dục, Phật giáo Hợp Tiến, Phật giáo Tổng Hội, Phật giáo Liên Hiệp, Phật giáo Cư Sĩ Lâm... liên tiếp ra đời. Tại Myanma, Sri Lanka, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan phong trào đổi mới Phật sự cũng được lan rộng. Và tất nhiên phong trào này cũng lan tới Việt Nam.

Tại Việt Nam lúc bấy giờ là đầu thập niên 1930s, các Hội Đoàn nghiên cứu về Phật pháp được thành lập ở cả ba kỳ, lần lượt là:

- Năm 1930, tại Sài Gòn, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập, trụ sở tại chùa Linh Sơn, Hội trưởng là Thiền sư Từ Phong. Hội cũng xuất bản tạp chí Từ Bi Âm do thiền sư Khánh Hòa chủ nhiệm, số đầu tiên ra mắt vào ngày 1 tháng 3 năm 1932.

- Năm 1932, tại Huế, Hội An Nam Phật học được thành lập, do cư sĩ Lê Đình Thám làm Hội trưởng, Thiền sư Giác Tiên làm Chứng minh Đạo sư, trụ sở đặt tại chùa Trúc Lâm. Hội xuất bản tạp chí Viên Âm, ra số đầu tiên ngày 1 tháng 12 năm 1933.

- Năm 1934, tại Hà Nội, Hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập, do cư sĩ Nguyễn Năng Quốc làm hội trưởng, tôn Thiền sư Thích Thanh Hanh (Tổ Vĩnh Nghiêm) làm Thiền gia Pháp chủ. Hội xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ năm 1935.

Tất nhiên còn nhiều tổ chức khác, nhưng có 1 điều là đây chỉ là các hội riêng lẻ, chưa thống nhất được thành Giáo Hội như ngày nay. Tuy nhiên hầu hết các hội này đều đề suất Chân Hưng Phật Giáo và xuất bản các ấn phẩm, mở nhiều trung tâm đào tạo tăng ni quy củ và bài bản. Lễ Phật Đản năm 1935 tổ chức ở Huế đã được vua Bảo Đại và đức Thái Hậu Từ Cung đứng ra làm Hội Chủ danh dự.

Phong trào Chấn Hưng Phật giáo phát triển rộng khắp cả nước, bất chấp những biến động thời cuộc như Chiến Tranh Việt Nam. Ở miền Bắc cuộc Chấn Hưng kết thúc vào năm 1955, ở miền nam thì kết thúc vào năm 1960. Ở phía bắc, cuộc Chấn Hưng phật giáo bị ngừng lại trùng với thời điểm diễn ra cải cách ruộng đất, và trong giai đoạn này, một vị cư sĩ nổi tiếng của Phật Giáo phía bắc bị khép tội là Thiều Chửu. Thời điểm đó, Thiều Chửu không những là một cư sĩ nổi tiếng mà còn là một học giả nổi tiếng ở Bắc Kỳ. Các sách của ông đến ngày nay vẫn còn được tái bản đều như vắt chanh như Phật học cương yếu, Hán Việt tự điển, Khóa Hư Kinh, Tây Du Ký (dịch và bình giải) .... đặc biệt Hán Việt tự điển của ông đến ngày nay vẫn được sử dụng rộng rãi. Năm 1954, ông là nạn nhân của Cải Cách Ruộng Đất, bị đem ra đấu tố vì bố ông và ông nội ông từng là quan lại nhà Nguyễn. Bị công kích và nghe xỉ nhục suốt nhiều giờ liền, ngày 15/7/1954, ông nhảy xuống sông Cầu tự vẫn, trước đó để lại lá thư tự bạch gửi cho chính Chủ Tịch Hồ Chí Minh: Cái án "mạc tu hữu" mà ông Nhạc Phi phải gánh thời phong kiến còn có lẽ; ai ngờ đời nay chính tôi lại bị, thì tôi còn biết van vỉ làm sao được nữa"...

Trong khi đó ở miền nam, biến cố năm 1963 dưới thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa đã làm cho các tổ chức phật giáo ở miền nam thống nhất lại lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (trong khi ở miền bắc khi ấy là Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, hehe, đảo có vài chữ thôi nhể?). Tuy nhiên sau thời kỳ đầu hoạt động suôn sẻ thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bắt đầu phân rã: Khối Ấn Quang ủng hộ Mặt trận Giải phóng Miền Nam và khối Việt Nam Quốc tự theo đường lối ôn hòa hơn, vì ủng hộ Mặt trận Giải phóng Miền Nam nên đại đức Thích Nhất Hạnh bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cấm quay lại Việt Nam từ năm 1973, sau đó mãi đến năm 2005 ông mới được trở về. Sau năm 1975, Giáo hội phật giáo Việt Nam Thống nhất bị giải thể, các người lãnh đạo như Thích Huyền Quang, Thích Tuệ Sỹ có thời gian đi cải tạo đến tận năm 1981 và hầu như không còn có hoạt động chính trị nào từ đó đến nay. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất các tổ chức Phật giáo trong nước.

*

ĐOÀN MẠNH THẾ

Địa chỉ: Số nhà 12 Ngách 32 Ngõ 133 phố Hồng Mai

quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.        

Điện thoại: 039.627.97.29

.

 

 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 15.10.2017.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.    .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét