MỜI ĐỌC:

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

ĐẶNG ĐÌNH HƯNG, 'MỘT BẾN LẠ' - Tác giả: Đặng Văn Sinh (Hải Dương)

 

ĐẶNG ĐÌNH HƯNG,

"MỘT BẾN LẠ

*

 (Lancement du livre et de l’exposition Dang Dinh Hung - Rice inconnue)

5 giờ chiều 20 tháng 01 năm 2021, tại VIỆN PHÁP HÀ NỘI L’ESPACE (L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội) khai mạc tọa đàm giới thiệu tập thơ và họa MỘT BẾN LẠ của nhà thơ Đặng Đình Hưng nhân kỷ niệm 30 năm ngày tác giả qua đời.

(Tác giả Đặng Văn Sinh)

Đây là sự kiện văn hóa đặc biệt hiếm thấy từ trước đến nay diễn ra ở Viện Pháp tại Việt Nam (Institut Français), khách mời có cả đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp, ngài Nicolas Warnery. Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội – L’espace Thiery Vergon phát biểu chào mừng. Nhà thơ Hoàng Hưng giới thiệu nội dung sách và dẫn chương trình. Nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn kể đôi dòng hồi ức về cha. Nghệ sĩ Giang Trang cùng nhà thơ Hoàng Hưng đọc một số bài thơ trong «Một bến lạ». Tiến sĩ Đỗ Lai Thúy trình bày tóm tắt ba nội dung chính trong tiểu luận «Người thèm» về thơ Đặng Đình Hưng. Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hạnh (Viện Văn) phác họa mấy nét về cơ chế tạo chữ trong thơ Đặng Đình Hưng.

Phần cuối pianiste Đặng Thái Sơn và nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc song tấu một etude về Đặng Đình Hưng do Đặng Hữu Phúc soạn cho piano. Trước khi kết thúc chương trình, Đặng Thái Sơn trình tấu một niệm khúc để tưởng nhớ người cha thân thương nhưng cuộc đời đầy trắc trở của mình. Tiếng đàn vừa dứt, người nghệ sĩ tài năng, quán quân cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X (tháng 10 năm 1980) cùng tất cả khán giả lặng lẽ cúi đầu mặc niệm trước màn hình có bức chân dung Đặng Đình Hưng.

Đặng Đình Hưng là nhà thơ đa tài thuộc thời kỳ Hậu Nhân văn Giai phẩm, bạn thân thiết với Văn Cao, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần... Ông vừa sáng tác nhạc, vừa làm thơ và vẽ. Hầu như ở lĩnh vực nào cũng ghi dấu ấn sáng tạo. Vì thế, những người đọc ông, nghiên cứu về ông đều có những nhận xét khá giống nhau. Hoàng Cầm viết «Thơ ông là những đợt sóng ngược xuôi ngang dọc của trí tuệ. Mỗi hình ảnh mỗi cách nói đều có sự lấp lánh. Lại lắm khi lời, chữ tự động cuốn nhau đi như bị dẫn dắt bởi một lực giấu mặt, tạo ra một trường gợi tưởng hơn là một ý tưởng. Và trong dòng tâm thức triền miên thỉnh thoảng nhói lên một vết đau khiến ai cũng phải cảm thương». Còn nhà phê bình văn học Thụy Khuê ở Pháp thì viết «Nếu ‘Bến lạ’ mang hình ảnh tù tội của chữ đi - cứ đến 1 tôi nhớ lộn về - thì ‘Ô mai’ dang tay mở rộng, vẽ nên hình hài, não trạng của chữ ‘thèm’ kèm theo định mệnh jan truân, jời đầy, của những con người vì ngòi bút, vì nghệ thuật, vì nhân cách, phải… xuống hầm, phải siêu hầm suốt cuộc đời». Vì thế, trong khi Đỗ Lai Thúy nêu khái quát «Viết là tạo ra đời sống. Khám phá viết cũng là khám phá đời sống, một thứ đời sống của đời sống. Đến đây, Đặng Đình Hưng dã đạt đến viết về viết. Ở cấp độ này, ‘Ô mai’ là một tác phẩm độc nhất vô nhị», thì Nguyễn Thị Thúy Hạnh mặc định ngắn gọn «Đặng Đình Hưng đã nắm lấy di sản tiếng Việt, chơi và tháo dỡ, lắp ráp hoặc thay thế, tham dự và tái tạo, nghe – nhìn - nếm - ngửi những chữ». Nhưng không phải chỉ có thế, ở nghệ thuật hội họa, Trần Lưu Hậu không tiếc lời vinh danh họa sĩ Đặng Đình Hưng «Hai mươi nhăm tranh ở tập này (…) được trích trong Phòng tranh trên ba trăm bức của ông (thuốc nước, sơn màu, giấy dó). Tác phẩm của ông mang lại cho hội họa một ngôn ngữ mới. Ngôn ngữ nặng tình quê hương, ấu thơ, ngôn ngữ đậm tính thời đại». Còn danh họa Dương Bích Liên ngắn gọn hơn nhưng cô đọng, sâu sắc «Xem tranh Đặng Đình Hưng làm tôi nhớ đến một câu của Baudelaire: Trật tự và cái đẹp - Lặng lẽ và gợi đời».

Trong «Những hồi ức về cha» (Souvenirs et anecdotes sur mon père par Dang Thai Son) Đặng Thái Sơn kể lại vắn tắt chỉ trong khoảng 10 phút nhưng vô cùng xúc động, có những lúc giọng nghẹn lại khi rơi vào hoàn cảnh bố mẹ buộc phải chia tay nhau, gia đình tan đàn sẻ nghé, nhất là ở thời điểm Đặng Đình Hưng bị khối u trong phổi, không tiền bạc, không thuốc chữa, cái chết đến bất cứ lúc nào. Tạo hóa thật trớ trêu, vào lúc tính mạng thân phụ thập tử nhất sinh thì Đặng Thái Sơn vào chơi chung kết, và cuối cùng giành giải nhất cuộc thi dương cầm quốc tế mang tên Chopin. Tin vui về nước, và thật may, tác giả «Ô mai» được đưa vào bệnh viện cao cấp, đích thân giáo sư Tôn Thất Tùng và giáo sư Hoàng Đình Cầu làm phẫu thuật. Ca mổ thành công. Đặng Đình Hưng sống thêm được 10 năm cho đến năm 1990 ông rời cõi thế. Nhân sự kiện này, Đặng Thái Sơn bảo, có thể nói, Giải thưởng cuộc thi piano quốc tế mang tên Chopin đã cứu sống gia đình tôi. Nghe đến đây, khán phòng lặng đi. Ai cũng ngậm ngùi cho một kiếp tài hoa...

Giấy mời hạn chế vì khán phòng chật. Khách mời hầu hết thuộc giới tinh hoa nên trong vòng hai tiếng đồng hồ đều tuyệt đối im lặng, chỉ đến phần cuối mới có tiếng vỗ tay tiết mục đọc thơ và song tấu piano. Tuy nhiên, vì yêu mến tác giả, rất nhiều khán giả đề nghị được tham dự chương trình cho dù phải đứng ken nhau giữa các hàng ghế hay ngoài hành lang. Thế mới biết, văn hóa nghệ thuật đích thực luôn có sức hấp dẫn con người…

Lúc xuống tầng trệt dự tiệc cocktail do hai doanh nghiệp Yamaha và Việt Thương tài trợ, bằng hữu Hà thành, Sài thành và một vài văn nghệ sĩ tỉnh lẻ gặp nhau rất vui. Chúng tôi vừa hàn huyên vừa thưởng thức tranh Đặng Đình Hưng. Nói thật, thơ ông đã khác người, họa của ông còn gây ấn tượng mạnh hơn nhiều.

Tôi, người trần mắt thịt, kính cẩn chắp tay trước những danh phẩm của ông, nhưng còn lâu mới hiểu được ông, bởi Đặng Đình Hưng là người khổng lồ trong một thời đại có nhiều bi kịch...

*

Hà Nội, đêm 20 tháng 01-2021

ĐẶNG VĂN SINH

Địa chỉ: nhà văn, giáo viên nghỉ hưu -

An Bình, Nam Sách, Hải Dương.

 

.

 

 

 

  ........................................................................................

- Cập nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com ngày 21.01.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét