MỜI ĐỌC:

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

LÙM XÙM MẤY VỤ ĐẠO THƠ - MỘT GÓC NHÌN - Tác giả: Nguyễn Hữu Quý (Quảng Bình)

 

LÙM XÙM MẤY VỤ ĐẠO THƠ

- MỘT GÓC NHÌN

*

Tôi không cho rằng, công chúng đang quay lưng lại với văn chương nước nhà. Những tác phẩm hay vẫn được người đọc hăm hở đón nhận và các nhà văn tài năng vẫn chiếm nhiều tình yêu trong lòng công chúng. Một số sinh hoạt văn chương như ngày thơ, giới thiệu tác phẩm vẫn thu hút bạn viết, bạn đọc tham dự. Đây là mặt phải. Mặt trái của đời sống văn học như đạo thơ, tranh chấp bản quyền cũng làm dậy sóng dư luận một cách ồn ào và dai dẳng. Trường hợp bài thơ Tổ quốc gọi tên in trong tập Tổ quốc gọi tên mình của Nguyễn Phan Quế Mai và bài Bạch lộ in trong tập Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư là những ví dụ gần nhất cho điều không vui tôi vừa nhắc.

Bài thơ Tổ quốc gọi tên bỗng dưng nổi tiếng khi nó được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn dùng làm ca từ trong bài hát Tổ quốc gọi tên mình. Một bài hát có giai điệu hào hùng, ngập tràn lòng yêu nước được công chúng đón nhận nhiệt tình vào đúng thời điểm Trung Quốc gây hấn trên biển Đông. Cả nước sục sôi căm phẫn trước hành vi xấu xa của kẻ láng giềng khổng lồ phương Bắc. Sự cộng hưởng giữa công chúng và người sáng tác ca khúc rất lớn, không ai có thể phủ nhận điều này. Tuy nhiên, nó có sống lâu bền với thời gian hay không thì lại là chuyện khác. Giống như nhiều ca khúc, thi phẩm chiếm lĩnh tình yêu của công chúng thời chống Mỹ nhưng lại bị mất hút, lãng quên khi đất nước hòa bình. Nếu như không có anh chàng Ngô Xuân Phúc lạ hoắc, từng là lính, bỗng nhiên đứng ra nhận bản quyền bài thơ Tổ quốc gọi tên mình thì chắc số phận của thi phẩm này rất hoành tráng. Nó sẽ tỏa sáng với cái tên Nguyễn Phan Quế Mai như một tác phẩm có giá trị lớn về lịch sử và nghệ thuật như tác giả và công chúng tưởng tượng. 

(Tác giả Nguyễn Hữu Quý)

Cái đáng trách trong vụ Tổ quốc gọi tên mình là Nguyễn Phan Quế Mai và một bộ phận công chúng vội vàng dọa dẫm, “ném đá” vào cựu binh Ngô Xuân Phúc. Mai thì dọa sẽ đưa luật sư của chị ấy vào cuộc, sẽ kiện Ngô Xuân Phúc ra tòa và bắt anh chàng cựu binh kia phải xin lỗi mình. Theo ý nhà thơ, lòng yêu nước nồng nàn của Mai đã bị anh chàng cựu binh Ngô Xuân Phúc xúc phạm, làm tổn thương. Một bộ phận công chúng, trong đó có những nhà văn, nhà báo quen mặt lên tiếng chỉ trích, mỉa mai Ngô Xuân Phúc là kẻ “điên rồ, hoang tưởng”. Thế thượng phong thuộc về Nguyễn Phan Quế Mai và những người hâm mộ cô.

Nhưng sự đời không giản đơn như vậy. Một bộ phận công chúng khác lại hoài nghi về lý lẽ của Nguyễn Phan Quế Mai, không tin chị ấy viết được bài thơ dài thế lên giấy ăn trên máy bay trong thời gian mấy tiếng đồng hồ. Nhà thơ Bàng Ái Thơ (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) và ông Nguyễn Văn Nội công tác tại Đại học Văn hóa Hà Nội cũng có bài viết hay trả lời phỏng vấn khẳng định đã từng nghe, từng đọc bài thơ này trước khi Nguyễn Phan Quế Mai công bố tác phẩm mà người viết nó mang giới tính nam.

Ý kiến riêng tôi, đây là một bài thơ không hay. Hoàn toàn không có nhiều giá trị nghệ thuật như ai đó từng ngộ nhận. Xin nói ngay rằng Tổ quốc gọi tên không phải là ý mới. Khi lâm nguy, non sông cất tiếng gọi, lớp lớp con dân đất Việt đáp lời cầm vũ khí đánh giặc. Từ năm 1967, Tố Hữu đã viết: Thiêng liêng thay, tiếng gọi của Bác Hồ: /Vì độc lập tự do, toàn dân ta quyết thắng! (Chào xuân 67). Nam Hà cũng đã dựng nên khí phách ấy: Ôi tuổi thanh xuân/ Mang bốn nghìn năm lịch sử trong tim/ Ta sung sướng được làm người con Đất nước... (Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi)...

Trong bài Tổ quốc gọi tên, cái dở nhất là Nguyễn Phan Quế Mai “dựa dẫm” hay lấy ý của những câu thơ người khác đã viết nhiều lần.

Ở khổ thơ mở đầu chị viết: Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/ Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây. Câu đầu tiên ý đã cũ như tôi phân tích ở trên. Câu thứ 3 gợi cho người đọc liên tưởng tới tên bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến.

Đến khổ thứ hai thì sự sáo mòn, lặp lại ý người khác rõ hơn. Nguyễn Phan Quế Mai viết: Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi/ Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ... Trong bài thơ Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi, xuất hiện từ năm 1966, Nam Hà đã viết rất hào sảng thế này: Đất nước/ Bốn ngàn năm không nghỉ/ những đạo quân song song cùng lịch sử/ Đi suốt thời gian, đi suốt không gian/ Sừng sững dưới trời anh dũng hiên ngang...

Trong hai câu thơ sau tôi thấy có những điều không hề ổn chút nào: Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng/ Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố. Giá như chị viết: ...Tổ quốc thiêng liêng thì không ai bắt bẻ được. Từ linh thiêng vốn dành cho cõi khác, thế giới khác mang hàm ý cao quý, ví như tổ tiên, ông bà linh thiêng, chốn tâm linh, chuyện tâm linh. Tổ quốc không bao giờ chết cả, bởi thế mà từ những ngày đầu toàn dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp, câu khẩu hiệu Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã trở thành tâm niệm của bao chiến sĩ, nhân dân ta. Và, câu thơ tiếp theo: Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố thì cái ý ấy sao mà giống thế mấy câu của Tố Hữu viết từ mùa xuân 1973: Một trời êm ả, xanh không tưởng/ Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ... (Việt Nam máu và hoa).

Lại có những câu thơ chị viết như lời nói thường vậy: Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình/ Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc. Tôi mạo muội nghĩ, đã rập rình thì không thể ngang nhiên được. Những câu như thế và những câu sau đây hàm lượng sáng tạo nghệ thuật rất ít, nó là hiện thân của sự biếng nhác, dễ dãi trong làm thơ: Sóng chẳng bình yên dẫn lối những con tàu/ Sóng quặn đỏ máu những người đã khuất/ Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc/ Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng Việt Nam. “Đầu môi chót lưỡi”, người ta hay nói vậy; tiếng trên môi dẫu có thao thức đấy nhưng sao sâu lắng bằng, nhức buốt bằng tiếng trong tim.

Cho đến nay thì vụ tranh chấp bản quyền Tổ quốc gọi tên mình đang lùm xùm. Tôi nghĩ, vụ này muốn làm rõ trắng đen thì chắc phải đưa nhau ra tòa, ai có đủ vật chứng, nhân chứng thuyết phục người đó sẽ thắng. Hoặc, một trong hai người nghĩ lại, trung thực và dũng cảm nhận phần sai về mình, xin lỗi người kia và công chúng để vụ việc khép lại có hậu. Tôi tin, người nhận ra lỗi lầm của mình sẽ được công chúng tôn trọng, quý mến. Sống trên đời có ai không mắc lỗi lầm, sai trái cơ chứ!

Trường hợp bài thơ Bạch lộ in trong tập thơ Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư, giải thưởng năm 2015 của Hội Nhà văn Hà Nội thì rõ ràng hơn. Bài thơ Bạch lộ (Độc ẩm với Lã Bất Vy) in trong tập Sẹo độc lập của Phan Huyền Thư bị nghi là đạo bài thơ Buổi sáng in trong tập Đếm cát của Phan Ngọc Thường Đoan.

Hai bài thơ na ná về cấu tứ, có nhiều câu hoàn toàn giống nhau hay chỉ đổi thay chút xíu về ngôn từ bắt buộc người đọc nghĩ tới chuyện bẩn thỉu trong nghề viết là “đạo văn”. Tuy nhiên, ai đạo ai là điều cần phải đưa ra ánh sáng để bạn đọc có cái nhìn đúng đắn về nhân cách và tài năng của người cầm bút.

Bài thơ Bạch lộ của Phan Huyền Thư in trong tập Sẹo độc lập do Công ty Nhã Nam liên kết với Nhà xuất bản Lao động ấn hành năm 2014. Bài thơ Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan in trong tập Đếm cát do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2003. Như vậy, xét về thời gian xuất hiện, tác phẩm Buổi sáng được công bố trong khuôn khổ một tập thơ trước Bạch lộ là 11 năm.

So sánh cụ thể giữa hai thi phẩm tôi thấy trong một bài thơ không dài mà có quá nhiều câu giống nhau hoặc gần giống nhau. Trong Buổi sáng Phan Ngọc Thường Đoan viết: Những gương mặt người/ Quen và không quen. Trong Bạch lộ Phan Huyền Thư diễn đạt: Những gương mặt người/ Quen mà không quen.

Câu thứ nhất giống hoàn toàn, câu thứ hai Phan Huyền Thư đã thay đổi từ “và” bằng từ “mà” do đó ý câu thơ khác đi căn bản. Tuy nhiên, hai câu này vẫn lộ tẩy sự “lấy cắp” và “dựa dẫm” vào câu thơ của Phan Ngọc Thường Đoan.

Cả hai bài Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan và Bạch lộ của Phan Huyền Thư đều có các câu: Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh; Nắng nói lời mê ngủ; Buổi sáng muốn gọi anh; Nụ hôn nửa vời/ Trái tim không cửa...

Có những câu thơ chỉ thay đổi một chút ngôn từ nhưng ý hoàn toàn giống nhau. Phan Ngọc Thường Đoan viết: Em ngồi một mình/ Khuấy loãng thời gian. Còn Phan Huyền Thư thì: Em một mình/ ngồi khuấy loãng thời gian.

Hay có những câu thơ mà tôi đồ rằng người viết sau “chôm” ý và “bắt chước” cách lập câu của người viết trước. Đó là: Quàng nỗi nhớ lên gối chăn bỏ ngỏ (Phan Huyền Thư) với Quàng nỗi nhớ chạy quanh chiếc bàn nhỏ (Phan Ngọc Thường Đoan). Bản Blues Jazz đêm qua lẩn khuất phím dương cầm (Phan Huyền Thư) với Bản giao hưởng đêm qua còn phảng phất trên phím dương cầm (Phan Ngọc Thường Đoan). Cơn đau da lươn lên men vân gốm (Phan Huyền Thư) với Cơn đau màu men ngà (Phan Ngọc Thường Đoan)...

Tuy rằng tác phẩm Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan và Bạch lộ của Phan Huyền Thư không hoàn toàn giống nhau nhưng lại có những câu thơ giống nhau và gần giống nhau.

Tôi nghĩ, nếu không có bài thơ Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan thì chắc chắn không có bài thơ Bạch lộ (như văn bản đã so sánh) của Phan Huyền Thư.

Theo tôi, đã đủ chứng cứ để khẳng định trong tác phẩm Bạch lộ, Phan Huyền Thư đã đạo (hoàn toàn và một phần) một số câu của Phan Ngọc Thường Đoan viết trong bài Buổi sáng.

Chỉ cần ngần ấy thôi, cũng đủ cho tôi và chắc chắn nhiều bạn đọc bất bình với cách làm của nhà thơ vốn đã “nổi tiếng” Phan Huyền Thư. 

*.

NGUYỄN HỮU QUÝ

Địa chỉ: Phòng 201, Chung cư M5, 56 Trần Vỹ

quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Email: nguyenhuuquy56@yahoo.com.vn

Điện thoại: 098.205.54.54

 

 

 

 

  ......................................................................................................

- Cập nhật từ email: ngocthai1948@gmail.com ngày 21.02.2016

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.  

1 nhận xét:

  1. Bài viết khá thẳng thắn, công tâm của một cây viết nhiệt huyết với văn chương!
    Rất cần tẩy chay tác phẩm với những kẻ vô liêm sỉ đi ăn cắp thơ để tự tạo tên tuổi như Nguyễn Phan Quế Mai, Phan Huyền Thư

    Trả lờiXóa