ĐỌC ‘HÃY LÊN XỨ LẠNG’
CỦA NGUYỄN THỊ BẰNG
*
HÃY LÊN XỨ LẠNG
Một thời non nước bão giông
Anh đi - nửa cái giường không gió lùa
Em như gái bị bỏ bùa
Cứ ngơ ngẩn trước cửa chùa cầu mong
Một đêm… đã gái có chồng
Vạn đêm sống với cõi lòng xót xa
Trái ngang - Ôi! Phận đàn bà
Chính chuyên son
sắt mới là thủy chung
Hãy lên xứ Lạng mà trông
Nàng Tô Thị đợi được chồng nữa đâu
Cô đơn đá núi còn đau
Mà người vẫn hát những câu dối lòng
“Vọng Phu“ hai tiếng hãi hùng
Trong em cả một mùa Đông chưa tàn.
*.
NGUYỄN THỊ BẰNG
LỜI BÌNH:
(Tác giả Lê Thanh Long) |
Khi
đọc bài thơ HÃY LÊN XỨ LẠNG của tác giả Nguyễn Thị Bằng, tôi cứ bị ám ảnh bởi
bài thơ này.
Bài
thơ không phải nói về nàng Tô Thị hóa đá Vọng Phu. Càng không phải là bài thơ
ca ngợi sự sắt son, thủy chung chờ chồng. Mà là những suy tư, nỗi lòng, sự
thông cảm, trăn trở của tác giả về cảnh ngộ người phụ nữ trẻ thời hiện đại, còn
đang khát khao yêu thương, khi mà người chồng mới cưới phải đi xa. Nỗi chờ mong
thì biền biệt, tương lai thì vô định. Một tư tưởng khác biệt với những quan
điểm trước nay.
Trong
cả bài thơ tác giả không hề nói đến hai từ chiến tranh
Một thời non nước bão giông
Anh đi - nửa cái giường không gió lùa
Chỉ
bằng hai câu giàu hình ảnh đã mô tả đầy đủ một cuộc chiến tranh lúc nào cũng
hiện hữu, người đi, người ở lại - người vợ trẻ mới lấy chồng ngày hôm trước. Đó
là thơ.
Một đêm… đã gái có chồng
Vạn đêm sống với cõi lòng xót xa
Người
phụ nữ chờ chồng biền biệt ở phương xa - nơi bom đạn, sống-chết chỉ trong gang
tấc. Người vợ trẻ ở nhà phấp phỏng, đêm đêm giật mình, ngẩn ngơ còn biết làm gì
hơn là đến chùa để cầu mong cho người chồng trẻ được an toàn trở về. Niềm mong
ước không phải của hàng vạn, hàng triệu người phụ nữ Việt Nam đang có chồng con
ở ngoài mặt trận đó sao!
Em như gái bị bỏ bùa
Cứ ngơ ngẩn trước cổng chùa cầu mong
Và
bây giờ mới đến khổ thơ chính để tác giả bầy tỏ quan điểm của mình:
Trái ngang - Ôi! Phận đàn bà
Chính chuyên son sắt mới là thủy chung
Hãy lên xứ Lạng mà trông
Nàng Tô Thị đợi được chồng nữa đâu
Từ
trước đến nay người phụ nữ có chồng, nhất là dưới thời phong kiến, phải chính chuyên
son sắt, thủy chung. Và có thủy chung, cố đợi, thì chồng cũng có về được đâu,
như gương nàng Tô Thị còn đó! Dù người phụ nữ có làm gì đi nữa, có cố gắng bao
nhiêu chăng nữa, thì cũng không làm xoay chuyển gì được. Chiến tranh thật là
tàn khốc, mà người hứng chịu đớn đau, thiệt thòi nhiều nhất chính là người phụ
nữ.
Và
tác giả hỏi lòng và hỏi người
Cô đơn đá núi còn đau
Mà người vẫn hát những câu dối lòng
Người
ta ca ngợi sự thủy chung, son sắt của người phụ nữ chờ chồng. Đó là ai vậy? Có
lẽ đó là mong muốn của những người đàn ông? Đó có phải là sự ích kỷ? Người phụ
nữ thì cứ phải giấu kín lòng mình. Có ai biết cho nỗi lòng của người phụ nữ
trẻ, năm tháng đằng đẵng chờ chồng. Xung quanh thì từng đôi, từng đôi người đời
sống hạnh phúc, còn mình… Là con người, tình yêu vẫn thôi thúc, hóoc môn nữ
tính vẫn sản sinh, sự khát khao tình yêu và con người phải cố kìm nén lại. Đó
là sự dằn vặt cả về thể xác lẫn tinh thần mà người phụ nữ phải gánh chịu.
“Vọng Phu“ hai tiếng hãi hùng
Trong em cả một mùa Đông chưa tàn
Đây
là câu thơ hay nhất của bài thơ. Nó ám ảnh người đọc. Đó là nỗi lòng người phụ
nữ đằng đẵng chờ chồng. Sự hãi hùng trong chờ đợi. Sự nổi loạn của cõi lòng. Sự
vỡ òa của sự thật khắc nghiệt. Hãi hùng, đó là một từ rất đúng và rất đắt làm
cho người đọc cứ bị ám ảnh mãi. Hình ảnh người phụ nữ trẻ, thanh xuân, đêm này
qua đêm khác mòn mỏi đợi chờ, khi nghĩ đến mình cũng sẽ như nàng Tô Thị hóa đá,
đó là một sự thật phũ phàng khủng khiếp! Là sự giằng xé tâm can giữa thủy chung
và cuộc sống lứa đôi đời thường.
Tại
sao lại là mùa Đông chưa tàn mà không phải mùa Xuân? Nếu dùng từ Xuân
không chỉ không hợp vần, mà cũng không đắt bằng từ Đông. Người vợ trẻ đã đợi
chồng từ mùa Xuân cuộc đời, mà nay cuộc đời đã sang Đông, nghĩa là đã đợi rất
lâu rồi, nhưng chị vẫn chưa già mà vẫn còn đang xuân thì.
Bài
thơ có kết cấu rất chặt chẽ, cô đọng. Mức độ sâu sắc cứ tăng dần theo dụng ý
của tác giả, cho đến câu kết nổi loạn cuối cùng, gây nỗi ám ảnh khôn nguôi cho
người đọc. Viết được như thế là một thành công, xin chúc mừng tác giả.
*.
LÊ THANH LONG
Địa chỉ: Phòng 1132, nhà
HH03C, Khu đô thị Thanh Hà,
xã
Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Email: lethanhlong321@gmail.com
Điện thoại: 0822.098.772
...........................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày
12.10.2020
- Ảnh dùng
minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét