NGUYỄN BÍNH VÀ
BÀI THƠ XUÂN CUỐI CÙNG
*
1.
Dưới “Bài
thơ quê hương” Nguyễn Bính ghi thời điểm sáng tác là “Tết Bính Ngọ,
1966”, nhưng vào Tết Bính Ngọ thì nhà thơ đã không còn. Sáng 20/1/1966, tức 29
tháng chạp Ất Tỵ (30 Tết năm đó), Nguyễn Bính đã vĩnh viễn ra đi sau một cơn
thổ huyết bất ngờ tại cầu ao nhà ông Tân Thanh, thường gọi là ông Lang Hứa,
người bạn vong niên hết sức hâm mộ thơ ông, ở thôn Mạc Hạ, xã Công Lý, huyện Lý
Nhân, tỉnh Hà Nam. (Tác giả: Nguyễn Thế Khoa)
Theo ông Tân Thanh thì Nguyễn Bính đã biết trước
về cái chết của mình. Trong những ngày
năm cùng tháng tận tá túc tại nhà Tân Thanh, mặc dù mới 48 tuổi, Nguyễn Bính
nói với Tân Thanh rằng theo số tử vi, ông sẽ chết trong năm Ất Tỵ. Nhà văn Chu
Văn, Trưởng ty văn hóa Nam Hà, nơi Nguyễn Bính là nhân viên hợp đồng, kể rằng
khi ra Hà Nội thông báo về cái chết đột ngột của Nguyễn Bính, nhà thơ Trần Lê
Văn, vốn là bạn thân của Nguyễn Bính, đã kêu lên kinh ngạc: “Chết trước mồng
một, Bính đã lường trước từ bao giờ!”. Trần Lê Văn cho biết trong bài thơ “Nhạc xuân” khai bút năm Canh
Thìn, 1940, Nguyễn Bính từng viết: “Năm mới tháng giêng mồng một Tết/ Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân/… Giờ đây chín
vạn bông trời nở/ Riêng có tình ta khép lại thôi”. Vậy là từ 26
năm trước Nguyễn Bính đã tiên đoán rằng một ngày ông sẽ khép lại đời mình trước
“Năm mới tháng giêng mồng một tết” .
Chu Văn còn nhớ, chuẩn bị cho kỷ niệm 200 năm
sinh Nguyễn Du (1766 -1966), ty văn hóa
Nam Hà chủ trương tạp chí xuân Bính Ngọ của Ty sẽ ra số đặc biệt về Nguyễn Du.
Nguyễn Bính, vốn xem Nguyễn Du là “tổ sư thơ” của mình, trong một đêm viết xong
bài tập Kiều cho số tạp chí
ấy. Bài tập Kiều tuy đề là
tặng Nguyễn Du mà sao như Nguyễn Bính đang tự tổng kết cuộc đời thơ “nhả ngọc
phun châu” quá long đong lận đận của mình: “Trăm năm trong cõi người ta/ Một thiên tuyệt bút gọi là để sau/ Khen tài nhả ngọc phun châu/ Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình//… Gẫm âu
người ấy, báu này/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”. Sau khi khép
lại bài tập Kiều, một “riêng có tình ta” đầy tâm sự buồn về thân phận
cay đắng của những thi tài, Nguyễn Bính đã dồn hết tâm sức vào “Bài thơ quê hương”, bài thơ cuối
cùng của mình, để bài thơ này như một khúc ca vui gửi lại quê hương đất nước…
2.
Nói về Nguyễn Bính, nhiều người cho rằng nhà thơ
được thuộc nhiều nhất của thơ Việt hiện đại hầu như đã kết thúc sự nghiệp thơ
vĩ đại của mình từ trước cách mạng tháng Tám sau 7 tập thơ được xuất bản chỉ
trong 6 năm 1936-1942 với hàng loạt tuyệt bút như Cô hái mơ, Những
bóng người trên sân ga, Mưa xuân, Chân quê, Tương tư, Người
hàng xóm, Lòng mẹ, Truyện cổ tích, Giăng sáng vườn chè,
Cô lái đò, Hành phương Nam, Giời mưa ở Huế, Oan nghiệt,
Xuân tha hương, Lỡ bước sang ngang…Không thể phủ nhận rằng không
cần tính đến phần thơ sau 1945, Nguyễn Bính đã xứng đáng được coi là một đỉnh
cao của thơ Việt, với việc tạo nên được cả một “cõi thơ” (Giáo sư Lê Đình Kỵ),
độc đáo mang đậm hồn Việt, thể hiện khả năng kỳ diệu của tiếng Việt. Tuy vậy,
chân dung thi tài Nguyễn Bính sẽ phiến diện nếu không có phần thơ tạm gọi là
“vệ quốc và cách mạng” của ông. Cần nhớ rằng trong số gần 20 tập thơ đã công bố
của Nguyễn Bính cho tới trước ngày ông mất, có tới 9 tập thơ Nguyễn Bính viết
sau cách mạng tháng Tám: “Ông lão mài
gươm” (Truyện thơ 1947), “Đồng
Tháp Mười” (thơ 1955), “Trả
ta về” (thơ 1955), “Gửi người
vợ miền Nam” (Thơ 1955), “Trong
bóng cờ bay” (Truyện thơ 1957), “Nước
giếng thơi” (Thơ 1957), “Tiếng
trống đêm xuân” (Truyện thơ 1958), “Tình nghĩa đôi ta” (Thơ 1960), “Đêm Sao Sáng” (Thơ 1962). Đó là chưa kể tới hai vở chèo “Cô Son” (1961), “Người lái đò sông Vỵ” (1964).
Đây là những tập thơ thể hiện tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân của nhà
thơ trước những thử thách sống còn của đất nước. Trong số này, có thể dễ dàng
nhận thấy nhiều tác phẩm chỉ là những bài vè, diễn ca tuyên truyền cổ động
nhưng cũng có không ít tác phẩm bộc lộ những nét mới trong thi tài Nguyễn Bính,
có sức sống vượt thời gian. Đó là những tác phẩm giúp Nguyễn Bính được truy tặng
Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng dành cho các tác phẩm văn học nghệ thuật
ra đời trong thời đại Hồ Chí Minh, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và
xây dựng tổ quốc.
3.
Có thể nói, cho đến nay, chúng ta vẫn quen nói
Nguyễn Bính là nhà thơ “chân quê” mà quên ông chính là một trong những nhà thơ
“thị dân” đầu tiên của các thành thị đất nước thời hiện đại, hay nói ông là mọt
nhà thơ lãng mạn mà không biết ông chính là một trong những nhà thơ hiện thực
nhất cũng như chỉ nhấn mạnh yếu tố truyền thống của thơ Nguyễn Bình mà không
nói đến những cách tân lớn cả về nội dung và hình thức của ông trong thơ Mới.
Đặc biệt, chúng ta chưa đánh giá thật đúng giá trị của mảng thơ của Nguyễn Bính
trong kháng chiến chống Pháp và sau năm 1954 cho đến ngày ông mất.
4.
Sau chuyến “hành phương Nam” đầu tiên đến
Huế trong hai năm 1941-1942, Nguyễn Bính trở về Hà Nội và đến đầu năm 1943, ông
lại làm chuyến “hành phương Nam” thứ hai. Lần này, không những vào tới
Sài Gòn, Nguyễn Bính còn lặn lội về tận Rạch Giá, Hà Tiên chơi với Đông Hồ,
Mộng Tuyết, Kiên Giang, tham gia Tổng khởi nghĩa 1945 tại mảnh đất cực Nam đất
nước, rồi lấy vợ sinh con và trở thành một nhà thơ toàn tâm toàn ý của Nam Bộ
kháng chiến. Trong hàng trăm bài thơ phụng sự kháng chiến của Nguyễn Bính, cần
kể đến truyện thơ “Ông lão mài gươm”
đầy chất tráng ca kể chuyện một ông già theo kháng chiến bị Tây chọc mù đôi mắt
vẫn đêm đêm mài gươm giúp bộ đội ta có vũ khí tốt diệt thù: “Xóm Đông có một
ông già. Đêm đêm ngồi dưới trăng ngà mài gươm”. Cũng không thể không nhắc
đến bài thơ dài “Máu chảy trên đường
phố” về cuộc biểu tình lịch sử của học sinh sinh viên Sài Gòn – Chợ Lớn
ngày 19/1/1950 với những câu thơ ngùn ngụt yêu thương và căm hận: ”Giữa Sài Gòn Chợ Lớn, giữa ban ngày/ Đem tuổi thơ các em đi phá ngục/ Dòng máu xuân xanh/ Chói màu bất khuất/ Đường phố chuyển mình/ Thấm sâu lòng đất/ Cả non sông rung chuyển khối căm thù”. Bên cạnh các
bài thơ khá hay về tình cảm của quân dân Nam Bộ với Bác Hồ, về người mẹ chiến
sĩ Nam Bộ hay bài thơ về tiểu đoàn 307 nổi tiếng đã được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí
phồ nhạc thành một ca khúc bất hủ, Nguyễn Bính có hai bài thơ cần được xếp
ngang với những “Đất nước”
của Nguyễn Đình Thi, “Bên kia sông
Đuống” của Hoàng Cầm, “Nhớ
máu” của Trần Mai Ninh, “Đèo
Cả” của Hữu Loan, “Bài ca vỡ
đất” của Hoàng Trung Thông, “Hoan
hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu, những bài thơ được coi là những đỉnh
cao của thơ ca Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Đó là “Đồng Tháp Mười” và “Những người của ngày mai”. Với “Đồng Tháp Mười”, cho tới bây
giờ, vẫn là bài thơ hay nhất về vùng đất đặc biệt này của Nam Bộ trong thơ ca
Việt Nam, với những câu thơ vừa hào sảng vừa đằm thắm: “Bưng sình hỗn loạn/ Kênh rạch ngổn ngang/ Muỗi mòng đỉa vắt/ Nước đọng bùn lầy/ Người dân quyết sống/ Quản gì đắng cay/ Tuần mưa cữ nắng đổi thay/ Vườn đơm trái ngọt, ruộng đầy lúa thơm/ Hình thôn dáng xóm thương thương/ Hoa ô môi nở bốn phương anh đào”. Còn “Những người của ngày mai” là bài
thơ viết về những lãnh tụ kháng chiến trong bưng biền Nam Bộ, những người “Ở
chòi hẹp nhưng hồn chìm vũ trụ/ Trái tim đau vì thương xót loài người”, những người “Họ
là đất, họ vui lòng làm đất/ Để đắp xây nền độc lập lâu dài/ Họ là ai? Là người của ngày mai!”. Bài thơ khá
hiện đại, xúc tích, cảm hứng sử thi hòa quyện trong cảm hứng đời thường, rất
mềm mại mà đầy trí tuệ.
5.
Năm 1955, sau chuyến “Hành phương Nam”
lần thứ hai kéo dài tới 12 năm, Nguyễn Bính gạt nước mắt chia tay bà mẹ già,
người vợ miền Nam thứ 2 và đứa con thơ ở xứ dừa Bến Tre để trở về miền Bắc với
tư cách một cán bộ miền Nam tập kết. Như các nhà thơ khác, thơ ông từ đây có
hai đề tài chính: đấu tranh thống nhất đất nước và ca ngợi công cuộc xây dựng
chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Ở mảng đề tài đấu tranh thống nhất đất nước,
Nguyễn Bính có những đóng góp lớn, để lại những dấu ấn sâu đậm. Ngay trong năm
1955, Nguyễn Bính đã có bài thơ “Gửi
người vợ miền Nam” làm xúc động hàng triệu người đọc. Không ít độc giả,
nhất là các cán bộ miền Nam tập kết đã thuộc lòng bài thơ song thất lục bát rất
dài này. Nguyễn Bính đã đem đến cho thể thơ truyền thống tưởng không còn chỗ
đứng trong thơ ca hiện đại một sức sống mới bằng những kỷ niệm chân thật, trong
trẻo, nỗi nhớ thương da diết và một khát vọng đoàn viên mãnh liệt. Đây là những
hình ảnh khó quên về người vợ, người mẹ miền Nam “Đường công tác thuyền anh
ghé bến/ Anh ngập ngừng em thẹn quay đi/ Mẹ cười mẹ chẳng nói chi/ Đã người kháng chiến mẹ thì cho không/…Vách
lá mới tươi cờ tổ quốc/ Xuồng hành quân mát nước sông xa/ Mẹ ngồi thức mấy canh gà/ Gói thêm bánh tét gửi ra chiến trường”. Còn đây là giấc
mơ thường trực của nhiều người Việt Nam trong những năm tháng chia cắt đau
thương ấy: “Anh sẽ đón gia đình ra Bắc/ Vợ chồng mình dạo khắp thủ đô/ Con ta được gặp Bác Hồ/ Mẹ ta được vãn cảnh chùa Ngọc Sơn/ Xe lửa ghé nông trường Phú Thọ/ Tàu thủy thăm vùng mỏ Quảng Yên/Tám thơm cũng
thể nàng tiên/Sen Tây Hồ ngát như sen Tháp Mười”. Trong đề tài
đấu tranh thống nhất, Nguyễn Bính có hai bài thơ đáng được xếp vào hàng những
tuyệt bút của ông là “Đêm sao sáng”
và “Xuân nhớ”. Bài thơ “Đêm sao sáng” thì nhiều người đã
biết, còn đây là những câu thơ đứt ruột trong bài “Xuân nhớ”: “Câu thơ đứt giữa lòng trang giấy/ Mắt rượu mờ trông mái tóc thề/ Đất Bắc phải đâu là đất khách/ Sao lòng mãi nặng mối tình quê?/ Ngày muộn, mẹ già hong tóc trắng/ Khác nào mây núi đỉnh Trường Sơn/ Mẹ ơi giữ lấy vườn mai nhé/ Cho trải vàng xuân đẹp bước con”.
6.
Ở mảng đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho tới
cuối năm 1965, ở khía cạnh ca ngợi trực tiếp, Nguyễn Bính dù viết không ít,
nhưng hầu hết chỉ là thơ tuyên truyền cổ động. Ở đây, thơ Nguyễn Bính chỉ hay
khi nói về những tỉnh ngộ sau những ấu trĩ về chủ nghĩa xã hội khi nhầm tưởng “Tất
cả là ánh sáng/ Tất cả là hoa hồng/…Những cái oan Thị Kinh/ Những cái dại Xúy Vân/ Chỉ còn trên sân khấu” (Thơ gửi Trần
Huyền Trân). Có lẽ, Nguyễn Bính là một trong những người đề cập sớm nhất trong
thơ những tỉnh ngộ cần thiết này. Điều đáng trân trọng ở nhà thơ từng phải chịu
nhiều cay đắng trong tình cảnh “sông ngang núi trái bất thường” , với “những
cái dại Xúy Vân” , “những cái oan Thị Kính”, là sau tất cả những
điều đó, Nguyễn Bính vẫn giữ được những yêu tin chân thiện “Ta vẫn là nghệ
sĩ/ Ta vẫn là nhà thơ/ Nghệ thuật vẫn chung thủy/ Không chết yểu bao giờ”(Thơ gửi Trần
Huyền Trân). Nhờ vậy, nhà thơ dễ dàng vượt qua những khổ nạn thân phận, những
uất hận riêng tư để thấy “Đất nước qua bao trận mất còn/ Vàng son vẫn vẹn giá vàng son” (Trở về quê cũ).
Hiểu điều này, chúng ta sẽ hiểu vì sao “Bài
thơ quê hương”, bài thơ cuối cùng Nguyễn Bính, một “tụng ca” về quê
hương đất nước, lại như là một “giao hưởng của niềm vui”.
7.
Mượn cách trò chuyện với bạn bè thế giới, Nguyễn
Bính lại có dịp say sưa nói về quê hương đất nước mình nhưng không phải trong
buồn tủi mà với niềm vui “Đầu ngẩng cao từ cách mạng mùa thu”. Có cảm
giác như Nguyễn Bính muốn nói cho thật hết, thật đủ những niềm vui, những tự
hào ông chưa kịp nói khi cảm nhận trên quê hương đất nước, những vẻ đẹp cũ đã
tìm lại được “chân giá trị”, những vẻ đẹp mới đang hình thành: “Và lớp lớp
những anh hùng xuất hiện/ Sức thanh niên: sức Phù Đổng là đây/ Đẩy biển lùi ra,
ngăn sông đứng lại/ Khẩu súng trường cũng hạ nổi máy bay”.
Bây giờ đọc lại “Bài thơ quê hương”, chúng ta có thể trách tác giả có vẻ tô
hồng, thậm chỉ viển vông khi gặp không ít những câu như “Đời trước thường mơ
chuyện tiên, chuyện Phật/ Truyện thiên đường trong những cõi hư vô/ Đời nay dựng thiên đường trên mặt đất/ Dựng mùa xuân trong tất cả bốn mùa”. Nhưng trong
những năm 60 của thế kỷ trước, đây là ước mơ, hy vọng rất thật của đại đa số
người Việt Nam khi một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ trong sự nghiệp xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất hai miền, đây cũng là niềm tin
của Nguyễn Bính. Chúng ta đều biết, cho đến ngày từ giã cuộc đời, Nguyễn Bính
luôn là một con người tự do, một nhà thơ tự do, tuyệt đối tự do, không ai có
thể ép buột ông viết những gì trái với lương tâm, dù đó là cơm áo hay cường
quyền.
Từ kinh nghiệm của bản thân, Nguyễn Bính thừa
biết những gì ông viết về cuộc đời mới trong bài thơ cuối cùng này mới chỉ là
“một nửa của sự thật”, mới chỉ là ước mơ hy vọng, nhưng cần phải nuôi ước mơ hy
vọng đó như một nguồn sức mạnh to lớn giúp đất nước chiến thắng trong cuộc
chiến đấu vì độc lập tự do, thống nhất thiêng liêng. Khi Nguyễn Bính kết thúc
bài thơ bằng khổ thơ nôm na: “Khi có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo/ Có truyền thống cha ông để lại tự bao đời/ Thì đánh Mỹ nhất định là phải thắng/ Chuyện ấy, quê tôi, thành chuyện dĩ nhiên rồi” giữa những trận
bom của không quân Mỹ đang bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại điên cuồng trên
miền Bắc thì ta hiểu ông muốn nhắn lại những người đang sống niềm tin sắt đá
này.
Nguyễn Bính đã đúng, chúng ta đã thắng Mỹ, đất
nước đã độc lập tự do, hòa bình, thống nhất. Nhưng cũng phải nói, còn rất nhiều
tin tưởng, hy vọng khác mà nhà thơ vĩ đại của dân tộc trao gửi trong bài thơ
cuối cùng, cho đến nay, sau hơn nửa thế kỷ ông vĩnh biệt chúng ta, vẫn chưa
thực hiện được.
Những đấy không phải là lỗi của Nguyễn Bính!
Mời thư giãn với
nhạc phẩm EM ĐI XEM HỘI TRĂNG RẰM
của Nguyễn Nghi, qua tiếng hát Như Quỳnh:
*.
NGUYỄN THẾ KHOA
Địa chỉ: phường Láng Thượng
quận Đống Đa, Hà Nội.
.
......................................................................................................
- Cập nhật từ
email: tahongtruong@yahoo.com.vn ngày 18.01.2021
- Bài viết không
thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi
rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét