NHỚ
CHUYỆN THỊT HEO TẾT NĂM XƯA
*
"Thịt mỡ, dưa hành,
câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo bánh
chưng xanh "
Tết cổ truyền của
người Việt dường như không thể thiếu những món ăn làm từ thịt heo. Nhiều món
như bánh chưng, bánh tét, chả giò, nem chua, giò hầm măng, ngâm mặn, ngâm chua
… không chỉ dùng để cúng tất niên, cúng ông bà tổ tiên mà còn dùng vào bữa ăn
ngày tết như một truyền thống, một hương vị đặc trưng riêng. Dù giàu sang hay
nghèo hèn, thật khó tưởng tượng ngày tết lại vắng bóng vài món ăn từ thịt heo.(Tác giả Nhụy GiaLai)
Trước 1975 cứ tết
đến là nhà tôi đầy ắp thịt heo, phải chế biến thành nhiều món như ngâm mắm, làm
chua, kho mặn… mới để được lâu, ăn dần ra giêng vẫn chưa hết. Không phải vì nhà
tôi mua sắm dôi dư. Nguyên do do ông nội tôi nổi tiếng về nghề tay trái
đứng đầu trong tứ đại ngu (làm mai, gán nợ, gác cu, cầm chầu)- tức làm mai mối
cưới xin. Hồi ấy chưa phổ biến tự do yêu đương, tìm hiểu như bây giờ; muốn nên
vợ nên chồng đa phần đều cậy nhờ mai mối như một phần tất yếu để tiến đến hôn
nhân. Ông mai chịu trách nhiệm làm cầu nối giữa hai nhà trai, gái; thuận lợi
thì tiến đến làm lễ hỏi, lễ cưới. Dân làng Phương Hòa, Tân Điền và nghe đâu cả
thị xã KonTum hồi ấy đồn khắp và tin rằng ông tôi vô cùng mát tay, cặp
nào nên vợ nên chồng nhờ ông tôi mai mối đều hạnh phúc, con cái nếp tẻ đàng
hoàng, cả nhà mạnh khỏe, làm ăn tấn tới… Vậy nên ông tôi được “đắt sô” cậy nhờ
làm mai quanh năm. Tôi thường theo ông tôi “phụ tá”, đảm nhận việc bưng
cái mâm lót khăn điều đựng đầu heo, mấy đứa khác bưng mâm trầu cau, rượu, … lễ.
Các cặp đôi sau khi thành vợ chồng đến tết đến lại đem biếu ông mai cái đầu heo
sống kèm ít đồ lòng, thịt ngon… theo phong tục gọi là tạ ơn, sau ba năm hoặc
khi nào có con mới thôi ( cái này thì tôi không nhớ rõ). Vậy nên cứ tết là nhà
tôi ê hề thịt heo…
Sau 1975 miền nam
giải phóng, thực hiện “nếp sống văn minh mới”, chuyện mai mối bị xóa bỏ, phong
tục biếu đầu heo cho ông mai khi tết về đương nhiên cũng không còn. Mà muốn
biếu cũng chẳng có đầu heo đâu để biếu. Bởi khi đó toàn bộ nông thôn bắt buộc
phải vào hợp tác xã làm ăn- chia theo công điểm, bắt đầu một giai đoạn đói rách
thê thảm kéo dài suốt hơn thập niên. Tất cả trâu bò đều do hợp tác xã quản lý;
chỉ khi già yếu, tai nạn mới được xẻ thịt chia cho xã viên mỗi nhà vài miếng.
Heo nuôi phải đăng ký, phải bán cho hợp tác xã theo giá quy định để hợp tác xã
xẻ thịt và bán phân phối ngược lại cho xã viên. Ai lén bán ra ngoài nhỡ bị bắt
là tịch thu, phạt nặng, còn bị đem ra trước dân phê bình kiểm điểm. Nuôi lỗ lại
phiền phức chẳng được gì, riết rồi chẳng ai thèm nuôi. Thịt heo dần trở thành
một thứ lạ lẫm, ngày thường chẳng có mà ăn, tết càng trở nên xa xỉ.
Chỉ sau vài năm
thiếu đói, cả bầy anh em chúng tôi và bạn bè đồng lứa đứa nào cũng ốm tong
teo... Bữa ăn nào cơm không phải độn khoai khô, có chút cá đồng, tôm tép kho
mặn chát đã là sung sướng vô cùng. Đâu như nửa năm 1978-1979, ba má tôi quyết
định nuôi lén một con heo để tết có mà bồi dưỡng cho đàn con. Anh em chúng
tôi được dặn dò không để lộ ra ngoài, suốt ngày cứ háo hức ra vô chuồng
heo xem chừng nó lớn được bao nhiêu. Con heo cũng thiếu ăn như người nên nuôi
suốt năm sáu tháng mà chỉ khoảng 30-35kg. - “Heo đẹt thịt càng ngon”, ông nội tôi tự an ủi. Ngày cận tết, ông
dậy từ gà gáy nhóm lửa đun một nồi nước to để trụng lông heo. Tôi cũng dậy sớm
ngồi sưởi ấm bên bếp vì trời cuối đông lạnh quá không ngủ được.Thấy ông tôi
thắp 3 nén nhang đến trước chuồng heo lầm rầm khấn vái gì đó rồi bàn với ba
tôi:
- Đập đầu
thôi, chứ thọc huyết nó rống cả làng nghe thì không xong với mấy ổng đâu. Mà
mầy có biết thọc huyết bao giờ đâu.
Ba tôi: “dạ” rồi lấy cây chày vồ giã gạo bước vào
chuồng heo, đưa chày lên cao, lựa thế xuống tấn lấy đà… Nghe một tiếng “bịch”,
rồi tiếng ”éc” hoảng loạn; con heo phóng vút một cái qua thành chuồng chạy biến
vào màn sương mờ đục. Ba tôi ngẩn người buông chày, mãi vẫn như chưa hiểu
chuyện gì xảy ra. Bà nội tôi, má tôi trong bếp chạy ra, mặt người nào người nấy
méo xẹo như muốn khóc. Ông tôi thẩn thờ mất chặp sau mới thốt nên lời, giọng xứ
Nẫu rặt ri:
- Thâu
rầu, công tao nấu cái nầu nước sâu, hổng lẽ để tao trụng tao?”.
Cả nhà chia
nhau sục sạo, lục tung mọi bờ bụi khắp vườn nhà, luôn mấy đám rẫy chung quanh đến
hết ngày vẫn không thấy tăm hơi con heo đâu, yên chí là mất, không khí buồn hiu
như có đám ma. Không ngờ chạng vạng, đang bữa cơm tối thì con heo liêu xiêu mò
về. Má tôi mừng quá, quýnh quáng đem cám ra nhử. Ai nấy đều bỏ dỡ bữa ăn hồi
hộp theo dõi. Chắc do đói khát quá nên cu cậu quên mất tai họa ban sáng, vừa ăn
vừa theo lần vào chuồng. Nồi nước sôi không còn vì ông nội tôi pha tắm từ trưa,
bà nội tôi định mai lại làm thịt heo nhưng ông tôi cản:
- Đã vậy thôi
không làm nữa, nhà mình hồi giờ đâu có sát sinh…
Bà tôi
nói:
- Vậy chớ nuôi
cắc ca cắc củm để làm gì? Ông bồ tát từ bi, còn tui bụng bồ gao găm chắc? Lũ
cháu tui cả năm trời không biết đến miếng thịt kia kìa…
Ông tôi trầm ngâm
không nói, còn ba tôi cười buồn:
- Lỗi tại con.
Thôi để con bảo dượng Ba mai qua làm giúp, chia cho nhà dượng ấy một ít cùng ăn
tết vậy. Chứ con không giết nó được đâu.
Dượng
Ba vốn rể bà con với nhà tôi, nhà cách cũng không xa. Sau này tôi mới
biết đó là lần đầu tiên và duy nhất trong đời ba tôi làm cái việc sát sanh một
con vật nuôi nhưng bất thành...
Vậy là sáng hôm sau
ông nội tôi lại dậy sớm, hì hục nhóm lửa nấu nồi nước sôi khác. Đúng hẹn dượng
Ba tôi qua, chỉ bằng một khúc củi nhỏ, “bụp” một cái là xong đời con heo.
Dượng vừa làm thịt vừa kể chuyện đi rừng săn thú bằng lưới giăng rồi dùng chó
đuổi, có khi gặp heo rừng to đến vài tạ mắc vào, chỉ cần khúc cây bằng bắp chân
là dượng có thể đập một phát một chết tươi. So với heo rừng thì con heo nhà tôi
chỉ như con muỗi. Dượng chê ba tôi không biết chổ “nghiệt”, có dùng búa tạ cũng
chẳng ăn thua gì.
Khỏi cần nói thì ai cũng hiểu năm đó anh em chúng tôi có một cái tết hoành tráng, “được ăn” sung sướng biết nhường nào. Bà nội tôi cứ lui cui ra vào bếp dặn đi dặn lại má tôi: -“Nhớ nêm muối in ít thôi, nấu lạt lạt cho tụi nhỏ ăn được nhiều…”. Đủ các món chế biến từ thịt heo theo kiểu làng quê, dân dã… nhưng ngon đến mức sau mấy chục năm, cảm giác vẫn không cao lương mỹ vị nào sánh bằng. Riêng tôi vì ăn nhiều quá nên bội thực, bị “Tào tháo đuổi” suốt 3 ngày tết chẳng đi đâu được, người xanh mét như tàu lá. Đúng là nhớ đời…
Mời thư giãn với
nhạc phẩm MÙA XUÂN LÁ KHÔ
của Trần Thiện Thanh, qua tiếng hát Tuấn Vũ:
*
NHỤY
GIALAI (tên thật: Phạm Văn Nhụy)
Địa chỉ: Số 177, đường Phạm Văn Đồng,
thành
phố Pleiku, tỉnh Gialai
Email: nhuygialai@gmail.com
.
.
…………………………………………………………………………
-
Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 08.02.2021
-
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
-
Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét