NHỮNG YẾU TỐ
LÀM NÊN THƠ HAY
*
(Tác giả Phạm Quốc Ca) |
Chứng chỉ
cho danh hiệu nhà thơ là những bài thơ hay. Nhưng thế nào là thơ hay? Trả lời
câu hỏi này không đơn giản và khó có được sự nhất trí. Trước hết là do sự
phân hóa về thị hiếu, quan điểm thẩm mĩ. Có bao nhiêu nhà thơ chân chính thì
cũng có bấy nhiêu cách cảm nhận thế giới, cảm nhận con người và cách thể hiện
nghệ thuật khác nhau, tạo nên sự đa dạng, phong phú muôn mặt cho thơ. Lưu Hiệp
(485-520) – nhà thi học cổ Trung Hoa đã nói về điều này trong tác phẩm nổi
tiếng "Văn tâm điêu long": “Người khảng khái gặp được âm điệu kích
ngang thì vỗ nhịp. Người hàm súc gặp bài văn chặt chẽ cứ theo đi. Người hời hợt
thấy văn chương màu mè đã rung động. Người ưa tân kỳ được câu thơ lạ cứ thích
nghe. Hợp mình thì ngợi khen, khác mình thì bỏ mặc”.
Quan niệm
thơ và thơ hay có tính lịch sử. Mỗi thời quan niệm thơ mỗi khác. Hàng ngàn năm
Trung đại, chịu ảnh hưởng của mỹ học Trung Hoa cổ ông cha ta làm thơ bằng chữ
Hán, rồi sau đó bằng chữ Nôm với hình thức thơ Đường khuôn mẫu, niêm luật chặt
chẽ, đăng đối. Tiếp xúc với văn hoá phương Tây, Phong trào Thơ mới 1932-1945 đã
làm một cuộc cách mạng thi ca, đưa thơ Việt Nam vào thời kỳ hiện đại. Tính sáng
tạo được đặt lên hàng đầu: "Lòng rộng quá chẳng chịu khung nào hết/ Chân
tự do đạp phăng cả hàng rào" (Xuân Diệu).
Thời chúng
ta đang sống sự phân hóa về thị hiếu, quan điểm thẩm mĩ càng trở nên vô cùng
phức tạp. Cánh cửa nhìn ra thế giới rộng mở, các quan điểm, trường phái thơ
cũng theo đó mà ảnh hưởng vào Việt Nam. Những tranh luận quyết liệt xung quanh
các xu hướng “thơ hiện đại”, “hậu hiện đại”, “tân hình thức”...trong những năm
qua cho thấy điều đó. Tuy vậy, thơ dù có hàng ngàn vạn nhánh phát triển
thì vẫn có chung bản chất là nghệ thuật ngôn từ. Có thể kể ra mấy tiêu chí của
thơ hay. Đó là: Thơ phải có nhạc tính, phải giàu tính nghệ thuật, sử dụng ngôn
từ theo nguyên tắc “lạ hóa”… Trên cơ sở chung ấy có khoảng tự do mênh mông cho
sáng tạo.
Có thơ hay
một cách giản dị, trong sáng. Lại có thơ hay trong sự phức tạp, không dễ hiểu.
Thật là thiên hình, vạn trạng. Tôi cho rằng thơ hay là thơ giàu tính nhân bản,
minh triết trong nội dung trữ tình và có sáng tạo về thi pháp. Thơ hay không
chỉ là thơ đậm đà chất trữ tình, làm nao lòng người đọc mà còn là thơ trí tuệ
chiếu những tia rơnghen nhận thức vào cuộc sống phức tạp, vô minh, thức tỉnh
con người:
Người ta lớn bởi vì ngươi cúi xuống
(Mara)
Bài thơ hay
là một sinh thể nghệ thuật toàn vẹn, có một vẻ riêng, độc đáo, "đọc thì xúc
động, nghĩ thì sâu xa" với những dư âm, dư vị không cùng.
Có thể nói
đến những yếu tố chính làm nên thơ hay như sau.
1. Thơ hay là khi có nội dung trữ tình
giàu tính nhân bản và mới lạ
Những gì
xuất phát từ trái tim mới đến được với trái tim. Các thời đại đi qua nhưng trái
tim con người có những hằng số, trong đó có sự xúc động trước tình người, trước
cái đẹp của thiên nhiên và cuộc sống.
Cuộc sống là
tươi đẹp. Con người thật đáng tự hào. Niềm hạnh phúc, tình yêu của con người
với con người, với thiên nhiên tất yếu là nội dung trữ tình của thơ ca. Nhưng
đó mới là một nửa sự thật đời sống. Nhìn một phía khác thì chiến tranh, áp bức,
nghèo khổ, bệnh tật, tai ương, tử biệt sinh ly …luôn rình rập, vây bủa kiếp
người trên thế gian. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói đời là bể khổ. Con
người xứng đáng là đối tượng ngợi ca đồng thời cũng là đối tượng để cảm thông,
thương xót, nâng đỡ. Thi hào Pháp Alfred De Musset đã viết:
Không gì làm ta lớn lên bằng nỗi đau
Vần thơ buồn thương là vần thơ đẹp nhất.
"Truyện
Kiều", "Văn tế thập loại chúng sinh" của Nguyễn Du là những
tiếng kêu đứt ruột, thương xót cho những kiếp người "trong trường dạ tối
tăm trời đất". Một nhà thơ của thời chúng ta là Dương Tường đã viết một
câu thơ rất được đồng cảm: Tôi đứng về phe nước mắt.
Có những bài
thơ nhất thời được tán tụng nhưng rồi đã mai một theo thời gian.Không thể có
một tác phẩm thơ được gọi là lớn, là hay mà lại xa rời tính nhân bản.
Thơ hay được
sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, nhưng đó là cái đẹp mới. Bàn về Thơ mới,
Chế Lan Viên đã viết: “Phân chia bờ cõi thơ bằng hai chữ mới, cũ chẳng có ý
nghĩa gì”. Nhà thơ Nga Voznesensky(1933-2010) cũng cho rằng: “Không có mới và
cũ, chỉ có tài và bất tài mà thôi. Ai có tài thì người đó mới”. Theo chúng tôi,
vấn đề không đơn giản như vậy. Cùng một cô gái đẹp nhưng vận áo tứ thân, nón
thúng, quai thao và diện mode 2018 cho ta hai vẻ đẹp khác nhau: Một cái đẹp đã
thuộc về quá khứ và một cái đẹp cho hôm nay. Thơ cũng vậy. Có nội dung thời đại
thì cũng có hình thức thời đại.
Nhà thơ là
người không chịu nhìn cuộc sống theo “lẽ phải thông thường” đã trở nên quen
thuộc, sáo mòn. Đối tượng công phá thường trực của thơ là sự rập khuôn, máy móc
của tư duy, của cách cảm, cách nghĩ, cách viết mà người ta sa vào một cách tự
động, nhiều khi không tự biết. Thơ phải gây được hiệu ứng tâm lý ngạc nhiên,
thú vị và khâm phục ở người tiếp nhận: Ngạc nhiên ở khả năng nhìn ra cái mới
nơi thế giới quen thuộc, ngạc nhiên ở khả năng nới rộng tính nhân bản của con
người, ngạc nhiên trước tài năng nghệ thuật và sử dụng ngôn từ. Bài thơ
"Tôi yêu em" của A. Pushkine là một ví dụ. Vượt lên sự thường tình
Thi hào Nga mãi mãi được ghi nhớ với câu thơ: "Cầu cho em được người tình
như anh đã yêu em". Ấn tượng mới lạ cũng thật đậm nét với bài thơ "Ngập
ngừng" của Hồ Dzếnh: "Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé ". Mùa
Xuân là mùa mở đầu một năm nhưng với Xuân Diệu thì "Xuân không mùa"…
Thơ không
thể không có một thông điệp gì đến người nghe, người đọc. Thông điệp ấy có thể
là một cảm xúc, một tâm trạng, một suy nghĩ có tính minh triết, một kinh nghiệm
thẩm mỹ về cuộc sống, con người và về bản thân ngôn ngữ. Vấn đề là những thông
điệp ấy phải thực sự mới mẻ. Bài thơ dân gian "Con cóc" là biếm họa
điển hình về loại thơ dở, không có thông điệp gì đáng nói.
2. Thơ hay là khi có cấu trúc tứ thơ
độc đáo
Về tầm quan
trọng của tứ thơ, Xuân Diệu đã viết: “Ngôn từ, lời chữ, vần rất quan trọng, bởi
thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ. Tuy nhiên, đó là cái quan trọng thứ hai. Mà cái
quan trọng thứ nhất làm rường cột cho tất cả là cái tứ thơ, nó chủ đạo cả bài.
Làm thơ khó nhất là tìm tứ”
Cấu trúc tứ
thơ là kết quả của tư duy sáng tạo, là mô hình nghệ thuật tổng quát làm cho mọi
thành phần, yếu tố đều tập trung cho ý đồ nghệ thuật, cho chủ đề của bài thơ.
Nhà thơ Anh S.Koleridgơ (1772-1834) đã viết: “Một bài thơ hay là những ngôn từ
sáng giá trong một cấu trúc hoàn hảo”. Tứ thơ cho thấy rõ tài năng sáng tạo của
nhà thơ. Tôi nhớ mãi một bài thơ chống chiến tranh phát xít của nhà thơ Đức
Bertolt Brecht chỉ gồm 2 câu:
Hôm nay những lứa đôi yêu nhau
Ngày mai những đứa trẻ mồ côi ra đời.
Cái găm vào
trí nhớ ta là cấu trúc tứ thơ độc đáo.
Tứ thơ phong
phú, đa dạng do sáng tạo là thuộc tính của thơ. Yêu cầu lý tưởng là mỗi bài thơ
phải có một cấu trúc tứ thơ độc đáo, không lặp lại. Tuy nhiên trong thực tiễn sáng
tạo thơ ta thường gặp một số kiểu cấu trúc tứ thơ hay như:
- Cấu trúc
tứ thơ qui nạp
Ở những bài
thơ có mục đích thuyết phục người đọc một ý tưởng nào đó, cấu trúc tứ thơ
thường có dạng vận động từ cụ thể đến khái quát. Bài thơ "Tiếng bom ở
Siêng Phan" (Phạm Tiến Duật) là một thí dụ. Kết thúc bài thơ là câu thơ cô
đúc như triết lý của những con người yêu nước, dám đánh lại kẻ thù hung bạo và
dạn dày chiến trận: "Thế đấy! Giữa chiến trường/ Nghe tiếng bom rất
nhỏ".
- Cấu trúc
tứ thơ diễn dịch
Nhà thơ đưa
ra một nhận định khái quát có tính minh triết về cuộc sống, con người rồi diễn
dịch bằng nhiều ý thơ như những luận điểm. Tiêu biểu là bài thơ "Tổ quốc
bao giờ đẹp thế này chăng?" rất nổi tiếng của Chế Lan Viên, hay bài
thơ"Xuân không mùa " của Xuân Diệu .
- Cấu trúc
tứ thơ đối lập
Cấu trúc tứ
thơ đối lập rất có hiệu quả trong việc làm nổi bật tư tưởng chủ đề của bài thơ.
Ví dụ bài "Hai câu hỏi" (Chế Lan Viên) :
Ta là ai ? Như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt.
Ta vì ai? Sẽ xoay chiều ngọn bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh.
- Cấu trúc
tứ thơ tương đồng
So sánh là
một thao tác tư duy thường xuyên của con người nhằm làm nổi bật đối tượng nhận
thức. Cấu trúc tứ thơ tương đồng làm nổi bật chủ đề trữ tình. Bài thơ
"Không đề" (Khuyết danh-Triều Tiên) là một ví dụ:
Khi trên khung cửi chỉ đứt
Cần mẫn em ngồi
Dùng răng dùng môi
Hai đầu nối lại.
Khi đứt chỉ tình yêu, ơi cô gái
Em cũng nên làm như thế đừng quên.
- Cấu trúc
tứ thơ ý tại ngôn ngoại
Đây là loại
cấu trúc tứ thơ đặc biệt tinh tế khiến ta đọc ra cái vắng mặt trong bài thơ.
Các nhà thơ Việt Nam và Trung Quốc xưa thường sử dụng loại tứ thơ này làm nên
nét đặc trưng thơ Á Đông. Trong thơ trung đại Việt Nam, bài "Bánh trôi
nước" của Hồ Xuân Hương có cấu trúc tứ thơ dạng này.
- Cấu trúc
tứ thơ song song
Ở cấu trúc
tứ thơ song song, các khổ thơ trong bài đều có một thành phần điệp cú hoặc điệp
ngữ. Tính lặp lại như vậy làm nên cấu trúc độc đáo của bài thơ. Bài "Tự
nhủ"" của Bế Kiến Quốc cấu trúc tứ thơ theo dạng này:
Bàn chân ơi, ta đưa ngươi đi
Mọi nẻo đường dù có khi ngươi vấp
Có khi dẫm vào gai và biết đâu có khi…
Ta phải đi vì ta yêu mục đích.
Vành tai ơi, ta đưa ngươi đi
Đến miệng đời dù nghe lời đắng chát
Lời thô bỉ và biết đâu có khi…
Ta phải nghe vì ta yêu tiếng hát.
...
Còn rất
nhiều kiểu tứ thơ độc đáo, giàu tính sáng tạo khác cần phải được tiếp tục tìm
hiểu. Chẳng hạn như trong Phong trào Thơ mới (1932 – 1945) đã xuất hiện những
bài cấu trúc theo âm nhạc. Các bài thơ tượng trưng, siêu thực nhìn chung là rất
khó nhận diện tứ thơ. Cảm nhận của người đọc là bài thơ được kết cấu như một
nhạc bản.
3. Thơ hay là khi có nhạc tính độc đáo
Quan niệm
thơ đã thay đổi rất nhiều theo thời gian, trường phái, cá tính sáng tạo của nhà
thơ… nhưng có một nguyên lý đã trở thành cốt lõi: Thơ phải có tính nhạc. Tính
nhạc không chỉ phân biệt thơ với các loại hình nghệ thuật ngôn từ khác mà còn
làm cho mỗi bài thơ là một sinh thể nghệ thuật. Có thể thấy mỗi bài thơ hay có
một cấu trúc nhạc tính riêng.
Bàn về thơ,
Mallarmé cho rằng: “Nhạc phải đi trước mọi sự”. Có thể dẫn ra những bài thơ hay
có nhạc tính độc đáo như: "Say" (Vũ Hoàng Chương),"Nguyệt
cầm" (Xuân Diệu)... Đặc biệt các bài thơ bình thanh của Bích Khê như:
"Hoàng hoa", "Tỳ bà", "Nghê thường"… có một chất
nhạc rất lạ và hấp dẫn:
Ôi trời hôm nay sao mà xanh
Ngọc trăng xây vàng qua muôn cành
Nhung mây tê ngời sao kim cương
Dạ lan tê ngời say men hương.
(Nghê
thường)
Bài thơ
"Cánh đồng, con ngựa và chuyến tàu" của Tô Thuỳ Yên cũng có một chất
nhạc rất thú vị:
Trên cánh đồng hoang thuần một màu
Trên cánh đồng hoang dài đến nỗi
Tàu chạy nhanh mà qua rất lâu
Tàu chạy mau tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu…
Trong thơ cổ
tính nhạc khuôn mẫu và đã được đúc kết với các thể thơ. Lao động sáng tác của
nhà thơ gợi người ta nghĩ đến công việc soạn lời cho các làn điệu dân ca. Trong
thơ hiện đại mỗi bài thơ phải có tính nhạc riêng độc đáo. Ở mỗi bài thơ hay ta
thấy lời thơ được linh cảm về nhạc của thi sĩ dẫn dắt, nhịp điệu vừa tự do, vừa
liên hệ với kết cấu nhạc tính toàn bài, cuốn hút người đọc. Thậm chí nhạc có
thể đi trước ngữ nghĩa, ta chưa kịp hiểu đã cảm thấy hay như trong thơ tượng
trưng. Ví dụ tiêu biểu là tính nhạc của bài thơ "Màu thời gian" (Đoàn
Phú Tứ). Dù không hiểu, hoặc hiểu rất ít, nhưng do nhạc tính độc đáo, bài thơ
dễ được bạn đọc đồng tình xem là một trong những tác phẩm hay nhất của Phong
trào Thơ mới (1932 – 1945).
4. Thơ hay là khi có ngôn ngữ thơ mới
lạ
Thơ là nghệ
thuật ngôn từ. Nhà thơ là nghệ sĩ ngôn từ. Thơ không chấp nhận thứ ngôn ngữ
quen thuộc đến sờn mòn. Chắc chắn là tuổi trẻ hôm nay không ai tỏ tình bằng ca
dao: “Đến đây mận mới hỏi đào/ Vườn hồng có lối ai vào hay chưa?. Để diễn tả
cảm xúc yêu đương thơ hôm nay sẽ có cách nói khác, phù hợp với tâm lý cảm nhận
của người đọc hiện đại.
Nhiều câu
thơ như găm vào trí nhớ ta do sự mới lạ:
- Trăng rất trăng là trăng của tình duyên
(Ca tụng -
Xuân Diệu)
- Ô hay! buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông.
(Tỳ bà -
Bích Khê)
- Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời.
(Thi mi ni -
Trần Dần)
- Trời cứ xanh như rút ruột mà xanh
Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc
(Ở giữa cây
và nền trời - Thi Hoàng)
- Hoa phượng đỏ tiếng kèn đồng mùa hạ
(Thanh Thảo)
Ngôn ngữ thơ
đối lập với ngôn ngữ văn xuôi, ngôn ngữ hàng ngày và ít khi là lời nói thẳng.
Có vô vàn thủ pháp nghệ thuật để lạ hóa ngôn ngữ: Nhân hóa, ẩn dụ, so sánh,
cường điệu, nói giảm, nói vòng, động từ hóa tính từ, tính từ hoá danh từ...
Lạ hoá trong
thơ hiện đại được đẩy lên một nấc mới khi tuyệt đối tự do trong việc kết hợp
từ. Nhiều trường hợp dẫn đến phi giao tiếp nhưng cũng không ít khi có những
sáng tạo tân kỳ như: "Biển pha lê", "đêm thuỷ tinh",
"lệ ngân"...(Xuân Diệu). "Nắng thuỷ tinh" trong thơ Thanh
Tâm Tuyền, trong ca từ Trịnh Công Sơn ánh lên một vẻ đẹp mới lạ.
5. Thơ hay là khi có sáng tạo về thi
pháp
Bài thơ là
một giá trị tổng hợp, nhưng trước hết là nghệ thuật ngôn từ. Vì vậy các thủ
pháp nghệ thuật có một vai trò rất quan trọng. Chất thơ thể hiện không chỉ ở
nội dung trữ tình nói điều gì? mà còn ở chỗ nhà nghệ sĩ ngôn từ đã sáng tạo
bằng các thủ pháp nào.
Trên hành
trình phát triển của mình thơ vừa tích lũy các thủ pháp nghệ thuật truyền
thống, vừa không ngừng sáng tạo các thủ pháp mới. Nhận diện những bài thơ hay
trong thơ hiện đại là không đơn giản do sự sáng tạo đã nới rộng đường biên lãnh
địa thơ. Sáng tạo của nhà thơ thường vượt lên trước tầm đón nhận của công chúng
bạn đọc. Nghĩ về Bích Khê, Chế Lan Viên đã viết: “Có những người làm thơ. Lại
có những người vừa làm thơ vừa đẩy thơ về phía trước. Khê thuộc loại thứ hai”.
Với phong trào Thơ mới (1932-1945) bên cạnh những thủ pháp nghệ thuật như: Nhân
hóa, so sánh, ẩn dụ… thơ Việt Nam đã giàu có thêm các thủ pháp mới như: Miêu tả
khách thể một cách cụ thể, cảm tính, đặt cạnh nhau những từ xa nhau về ngữ
nghĩa, kết cấu bài thơ bằng nhạc tính…Đặc biệt là với thơ tượng trưng đã xuất
hiện những câu thơ miêu tả cảm giác và tương hợp mới lạ chưa từng có trong thơ
Việt:
Này lắng nghe em khúc nhạc thơm
Say người như rượu tối tân hôn
Như hương thấm tận qua xương tuỷ
Âm điệu thấn tiên thấm tận hồn.
(Huyền diệu
- Xuân Diệu)
Tất cả kinh
nghiệm sáng tạo cổ, kim, đông, tây… đều góp phần làm giàu kho tàng thơ ca nhân
loại. Thật đáng ghi nhận là những nhà thơ đã sáng tạo nên những thủ pháp nghệ
thuật mới mẻ, mang dấu ấn phong cách riêng. Tư duy thơ tương hợp gắn với Nhà
thơ Pháp Ch. Baudelaire (1821-1867). Hình thức thơ bậc thang gắn với Nhà thơ
Nga V. Mayacovsky (1893-1930)…
Như vậy, có
thể nói mỗi tác phẩm thơ hay là một phát hiện mới về nội dung đồng thời là một
sáng tạo mới về hình thức.
*
PHẠM QUỐC CA
Địa chỉ: Đường Lý Nam Đế,
thành phố Đà
Lạt, Lâm Đồng.
.............................................................................................................
-
Cập nhật từ email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn ngày 11.01.2020.
-
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
-
Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét