(Nguồn ảnh: internet) |
BÀI HỌC ĐẮT
GIÁ
Đầu tháng 7-1983, trong khi tiểu đoàn tôi: tiểu đoàn
2, trung đoàn 4, sư đoàn 5( D2E4F5 còn có phiên hiệu khác là D2E696F5) ở
Đăng-Cum có tình hình chiến sự khá yên tĩnh, lực lượng Pa-ra đã bị suy yếu đáng
kể sau chiến dịch mùa xuân 1983, thì ở phum Chamnaom, tiểu đoàn 3 gặp rất nhiều
khó khăn khi đối đầu với lính Pôn-Pốt, là đội quân đánh du kích rất hiệu quả
với lực lượng trinh sát, tình báo, "tai mắt " ở hầu hết các phum sóc
có bộ đội VN đóng quân, chính đại đội 6, tiểu đoàn 2 khi còn ở phum Kốp, cách
Ni-mit 2 cây số bị một cán bộ phum (giống như tổ trưởng dân phố ở Việt Nam) hay
lui tới trò chuyện với anh em chiến sĩ để nắm bắt địa hình. Một đêm không trăng
đầu năm 1980 tên này đã đi đầu, cầm đèn pin dẫn lính Pôn-Pốt đánh thẳng vào Ban
Chỉ huy đại đội, gây thiệt hại nặng và là bài học trong việc giữ bí mật quân
sự. Cũng năm 1980, khi tôi học lớp quân y sơ cấp ở huyện Mongkoborei đã được
nhắc nhở khi ra khỏi doanh trại phải đi từ 2 người và một số người dân tốt cũng
cho chúng tôi biết, Pôn-Pốt đã dán thông báo trên thân cây trong khu vực huyện
treo thưởng cho bất cứ ai " lấy " được mỗi cái đầu của bộ đội Việt
Nam là 300 USD tiền mặt. Sau này tôi mới biết chính xác số tiền dồi dào ấy được
cung cấp từ Bắc-Kinh và một số nước Phương tây vì Pôn-Pốt vẫn còn đại diện cho
nước Campuchia Dân Chủ, vẫn còn ghế ở Liên Hiệp Quốc, vẫn còn được coi là chính
quyền hợp pháp nhận được nhiều tài trợ từ nước ngoài, nhất là những nước
"ghét" Việt Nam,và điều đó chứng tỏ rằng dù Pôn-Pốt đã mất hầu hết
lãnh thổ nhưng tiềm lực quân sự của chúng còn rất mạnh, được đào tạo, huấn
luyện và tham mưu trực tiếp từ các cố vấn, chuyên gia quân sự Trung Quốc…
Trong
cơ cấu phòng thủ của trung đoàn 4 có 3 tiểu đoàn bộ binh, tiểu đoàn 3 thường là
lực lượng ở phía sau gần trung đoàn vừa bảo vệ các cơ quan trung đoàn bộ, vừa
là lực lượng dự bị sẵn sàng chi viện cho 2 tiểu đoàn "cắm chốt " ở
tiền tiêu khi gặp khó khăn. Trong trận đánh ngày 6-6-1981 ở Đăng-Cum, nhờ có
tiểu đoàn 3 chi viện, tiểu đoàn tôi mới "lấy" được xác của 2 đồng đội
nằm lại trận địa. Ngoài ra, tiểu đoàn 3 còn có nhiệm vụ truy quét, "dọn
dẹp" địa bàn trước khi tiểu đoàn 1 hoặc tiểu đoàn 2 lên "cắm chốt
", cũng do đặc điểm đóng quân ở gần Ban Chỉ huy trung đoàn, gần các phum
có nhiều dân nên anh em tiểu đoàn 3 có mối quan hệ "tình quân dân cá nước
" rất tốt, đi đến đâu các anh em cũng có các "má nuôi" rất nhiệt
tình, sẵn sàng làm cơm, đãi gà vịt cho các con sau mỗi lần hành quân mệt mỏi
trở về, vì thế nhiều anh em tiểu đoàn 3 đã tự học và nói tiếng Campuchia thông
thạo, các tiểu đoàn khác khi bắt được tù binh, luôn cần một phiên dịch để thẩm
vấn, còn ở tiểu đoàn 3 thì đại đội nào cũng có thể tự khai thác tù binh được…
...Tôi
không rõ tiểu đoàn 3 đã ở Chamnaom từ khi nào nhưng ngày 4-7-1983, anh em được
lệnh hành quân về lại khu vực trung đoàn ở Tàkongkrao cách nhau khoảng 22 cây
số. Buổi chiều, sau cuộc họp giao ban, một số chiến sĩ đã gặp các "má
nuôi" để từ biệt và tin tức hành quân của tiểu đoàn 3 bị lộ. Ngay đêm đó,
lính Pôn-Pốt đã hành động…
Hơn
9 giờ sáng ngày 5-7-1983, trung đội đi đầu đã lọt hẳn vào vị trí bất lợi nhất :
thành một hàng dọc dưới chân bờ hồ Xaysimon, lính Pôn-Pốt bắt đầu nổ súng :
khẩu trung liên quét dọc theo đội hình, hàng loạt đạn B40 và đạn bắn tỉa từ các
tay súng nằm trên bờ hồ bắn vào toàn bộ đội hình tiểu đoàn 3, không có một gốc
cây hay một ụ mối nào che đỡ, hầu hết nằm lấp sấp trên mặt ruộng nước, một số
ít ở cuối đội hình nép mình sau những bờ ruộng và cũng nhờ số anh em này mà
tiểu đoàn 3 không bị "xóa sổ", toàn bộ hỏa lực gồm cối 80ly, DKZ75
đều bị các tay súng bắn tỉa vô hiệu, không ai có thể "ngóc đầu" lên
được, cậu thông tin vô tuyến của tiểu đoàn ôm máy bộ đàm PRC25 chưa báo cáo hết
câu đã bị đạn nhọn xuyên qua ngực gục xuống mặt ruộng, cậu y-tá bò lại chưa kịp
đỡ đồng đội lên đã bị bắn tỉa xuyên qua đầu… Liên lạc giữa tiểu đoàn và trung
đoàn bị cắt đứt, một số anh em chạy băng qua cánh đồng hướng về Sisophon, cách
đó hơn 10 cây số, nơi đặt chỉ huy sở sư đoàn 5 để báo cáo xin chi viện. Đến
17giờ, các anh em nằm lại cầm cự, thấy lính Pôn-Pốt mang chiến lợi phẩm đi trên
bờ hồ thành đoàn, trong đó có nhiều phụ nữ….
Đến
ngày thứ hai, lực lượng chi viện mới giải quyết xong hậu quả, kẻ thù nham hiểm
gài mìn xung quanh và lựu đạn dưới các thi thể, anh em vừa dò gỡ mìn bẫy vừa
buộc dây vào chân các thi thể lôi ra khỏi vị trí ban đầu. Ở Chamnaom người dân
đã đếm được 22 xác tử sĩ xếp theo hàng trên khoảng sân rộng chờ xe tải xuống
chở đi. Một bài học đắt giá cho sư đoàn 5 nói riêng và cho quân đội nhân dân Việt
Nam ,nếu không được ghi vào hồ sơ quân sử, không truyền lại cho các thế hệ sau,
sự hy sinh của các chiến sĩ trở thành vô nghĩa, kẻ thù ngàn đời Phương Bắc với
những mưu mô nham hiểm ngày càng thâm độc vẫn còn đó và máu của các thế hệ sau
này, máu của con cháu chúng ta sẽ vẫn tiếp tục đổ…
Tôi
đã tìm trên các trang thông tin liệt sĩ, trang Người đưa đò và trực tiếp đến
Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh, đa số liệt sĩ tiểu đoàn 3 được an
táng ở hai nghĩa trang: thành phố Hồ Chí Minh và Long Khánh nhưng một số thông
tin trên bia mộ lại thiếu, thậm chí sai lệch ngày hy sinh gần 2 tháng. Trong hồ
sơ liệt sĩ ở nghĩa trang liệt sĩ thị xã Long Khánh có bảy liệt sĩ hy sinh ngày
5-7-1983 nhưng trên bia mộ lại ghi ngày 7-5-1983, đó là sự tắc trách của các
cán bộ quản trang.
Tôi
viết bài này như lời cảnh tỉnh trong việc giữ bí mật quân sự và kể về một giai
đoạn gian khó, hiểm nguy của mình và các đồng đội. Ngày nào các liệt sĩ còn
được tưởng nhớ, còn được nhắc đến qua các hồi ức, ngày đó các liệt sĩ vẫn còn
sống trong tim của người thân, của các đồng đội ở lại...
*.
NGUYỄN ĐÌNH TẤN
Địa
chỉ: 49B, đường Cách Mạng Tháng
8,
Phường 17, quận Tân Bình, Sài
Gòn.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày
26.05.2021.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét