BÀN
VỀ ‘NGUỒN GỐC
NGƯỜI
VIỆT - NGƯỜI MƯỜNG’
Cuốn
sách “Nguồn gốc người Việt - người
Mường” của nhà nghiên cứu Tạ Đức, do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành
(2013) đang gây sự chú ý của đông đảo bạn đọc. Với 843 trang khổ 16 x 24cm, dựa
trên nguồn tư liệu đa ngành khá phong phú, bằng lối trình bày xen ghép chính
văn - phụ lục, được Nguyễn Việt - một trong những người nhận xét sách ví là
“kiểu titi - caca” trong chiến thuật và nghệ thuật bóng đá của đội Barcelona”,
sách đưa ra nhiều luận điểm lý giải về nguồn gốc của người Việt và người Mường,
trong đó hai luận điểm chính mà bài viết này muốn bàn đếnlà:
1.
Từ xa xưa, Việt và Mường đã là hai tộc người khác nhau, không phải từ một tộc
tách ra về sau, do những điều kiện lịch sử.
2.
Cả hai tộc đều không phải là cư dân bản địa ở Bắc Việt Nam mà là sự tổng hòa
các nhóm di dân từ phương Bắc. Người Mường vốn là người Mon, Man hay Mân Việt,
là di dân đường biển, đến trước, tạo lập các văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò
Mun; có mối liên hệ cội nguồn gần và trực tiếp với các văn hóa Đá mới có niên
đại sớm hơn ở Phúc Kiến, Quảng Đông, Đài Loan, Tứ Xuyên; tương đồng với người
Phok Khanom di (tổ tiên trực tiếp của người Môn ở Thái Lan).
Người
Việt vốn là người La Va hay Lạc Việt, từ vùng Chiết Giang đến sau, là chủ nhân
đích thực của văn hóa Đông Sơn. Sự ra đời và phát triển của nền văn hóa này về
cơ bản gắn với các cuộc thiên di của các nhóm Bách Việt từ phương Bắc (BXĐ nhấn
mạnh).
Đây
là những vấn đề lớn, liên quan đến nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn khác
nên trong bài viết này, chúng tôi nêu một số ý kiến ban đầu[*].
Theo
thói quen của người đọc, sau khi nhận diện nội dung sơ bộ cuốn sách, tôi để mắt
ngay đến phần Tài liệu tham khảo với 290 đầu mục của các nhà khoa học Việt Nam
và của nước ngoài thuộc nhiều ngành đã công bố ở trong và ngoài nước, các tư
liệu trên internet; từ đó, đưa ra nhiều nhận xét thu hút người đọc. Tuy nhiên,
chính điểm này lại gợi cho người đọc những trăn trở trong cách sử dụng tài liệu
của tác giả.
Trước
hết, về hình thức tài liệu, có đến 141 tài liệu internet (48,62%), 149 tài liệu
là sách, bài tạp chí (51,38%). Từ đây có ba vấn đề đặt ra:
Một là, việc sử dụng tài
liệu internet cho các công trình khoa học. Cho dù trong khoảng vài chục năm
nay, internet là “đối thủ đáng gờm” của thư viện, một công cụ tra cứu, một dịch
vụ hữu ích, song tài liệu này vẫn bộc lộ những hạn chế mà người nghiên cứu cần
thận trọng khi sử dụng. Các chuyên gia thông tin đã cảnh báo, rất hiếm “tài
nguyên thông tin” có giá trị được cung cấp miễn phí trên internet. Số tạp chí
được đăng tải trên mạng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (không đến 10%) và số lượng
sách còn ít hơn rất nhiều, bởi đó là những “tài nguyên” có giá rất đắt. Để khai
thác được những thông tin từ các tạp chí có tên tuổi (thường đã được biên tập
hay kiểm chứng), hay những cuốn sách có giá trị giới thiệu trên internet, người
ta phải trả một số tiền rất lớn. Internet giống như một kho thông tin khổng lồ
nhưng “hỗn độn”, không được chọn lọc cẩn thận. Nếu không phải là trang web của
các cơ quan khoa học chính thống thì phần lớn các thông tin khoa học trên mạng
là các giả thiết hay mới chỉ là ý tưởng, hoặc ý kiến mở, không cần chứng minh
hay chưa chứng minh được. Trong khi ở thư viện, những ấn phẩm không có giá trị
không dễ được đưa vào thì trên internet, mọi thứ, kể cả những “thông tin rác”
có thể được đưa lên. Một bộ phận không nhỏ các thông tin ít được hoặc không
được kiểm soát, nên dễ có những sai sót nghiêm trọng.
Đặc
biệt, trên wikipedia (từ điển mở) thường đưa ra các
thông tin giản lược, sơ bộ, ai cũng có thể dễ dàng bổ sung, thêm bớt hay thay
đổi; vì thế, cùng một vấn đề, thông tin ở các thời điểm rất khác nhau. Rất
nhiều nước trên thế giới quy định các công trình khoa học chỉ được phép tham
khảo, không được dùng để trích dẫn tài liệu từ internet như là một luận cứ
(việc tham khảo này cũng phải ghi rõ ngày tháng truy cập). Bộ Giáo dục và Đào
tạo Việt Nam cũng quy định, trong một luận án tiến sĩ, số tài liệu internet
không được quá 10% tổng số tài liệu tham khảo. Trong các thư viện hiện nay,
việc số hóa các tạp chí, các sách là một xu hướng, tạo ra lợi thế lớn cho người
đọc. Tuy nhiên, không phải mọi thông tin cần thiết đều được đưa lên trang web,
nhất là phần ghi chú. Khi được số hóa, các bảng, biểu đồ hay công thức trong
các cuốn sách, các bài tạp chí dễ không được hiển thị đúng, hay không thật sự
giống các bài được in và xuất bản theo cách truyền thống.
Tóm lại, nếu dựa quá nhiều vào tài liệu, các bài viết trên internet vốn có nhiều điểm bất cập, không tiếp cận với bản in gốc của các tạp chí, sách được xuất bản theo một quy trình đọc duyệt cẩn thận (đương nhiên việc này không phải lúc nào cũng thực hiện được) dễ dẫn đến những kết luận khoa học không chuẩn xác, là không đủ sức thuyết phục. Vì các lý do trên cùng nhiều lý do khác nên hiện nay, mặc dù số người truy cập thông tin qua internet có xu hướng gia tăng, nhưng internet không thể thay thế hoạt động trực tiếp của con người tới đọc sách ở thư viện. Phần đông người đọc vẫn luôn cầm sách để đọc chứ không phải là mang theo một máy tính để tra cứu một thông tin tư liệu. Cho đến nay, các sách, tạp chí trong thư viện vẫn là nguồn cung cấp thông tin có giá trị và đáng tin cậy nhất đối với đa số bạn đọc.
Trở
lại phần thư mục tài liệu tham khảo trong sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường”, tôi chưa có điều kiện để
tiếp cận được hết các tài liệu mà sách sử dụng, song sách có đến 90 trang sử
dụng tài liệu wikipedia, trong đó 7 trang sử dụng 2 lần và 1 trang sử dụng 4
lần; nhiều tài liệu wikipedia đã được trích dẫn để chứng minh cho các luận điểm
quan trọng, làm người đọc có quyền đánh dấu hỏi về những luận điểm của sách đưa
ra.
Thứ hai, xét về nguồn gốc,
trong 290 tài liệu tham khảo có 58 tài liệu Trung Quốc, chiếm 20%; 88 tài liệu
của các nhà nghiên cứu Việt Nam (bằng 30,34%) và 144 tài liệu của nước ngoài
(ngoài Trung Quốc, bằng 49,66%). Trong nghiên cứu lịch sử, các nhà khoa học
từng cảnh báo cần thận trọng khi sử dụng nguồn tài liệu Trung Quốc. Lịch sử
nhận thức (tức việc biên soạn lịch sử) khác với lịch sử thực tại, do luôn bị
chi phối bởi lập trường và lợi ích của quốc gia, giai cấp, vào quan điểm chính
trị của chính thể, của từng người, có khi vào lợi ích nhóm hay cá nhân người
biên soạn. Với sử gia phong kiến Trung Quốc, họ còn chịu sự chi phối của tư
tưởng Hán tộc, thường coi người Hán có nền văn hóa cao hơn các tộc khác, Trung
Hoa là trung tâm hình thành văn minh và lan tỏa đi các nơi khác. Lịch sử Trung
Quốc thời cổ - trung đại là lịch sử bành trướng của các thế lực phong kiến Hán
tộc, thường đi xâm lược các quốc gia láng giềng, nô dịch và đồng hóa các tộc
người lân cận. Một số nhà khoa học Pháp và Việt Nam trước đây từng dùng sử liệu
Trung Quốc mà không kiểm chứng với các tài liệu khác nên dẫn đến những luận
điểm sai về lịch sử Việt Nam.
Sử
gia phong kiến Trung Quốc thường đề cao, “phóng đại” các “chiến tích” xâm lược
của các đế chế Trung Hoa. Một bộ phận các nhà sử học Trung Quốc hiện nay cũng
không tránh khỏi tình trạng đó. Vì vậy, khi sử dụng tài liệu Trung Quốc cần
thận trọng đối chiếu với các tài liệu của Việt Nam và của các nước khác. Bên
cạnh đó, sử liệu Trung Quốc chép bằng chữ Hán có đặc điểm nổi bật là dễ “tam
sao thất bản”, nên yêu cầu bắt buộc đối với nhà nghiên cứu là phải tìm tới bản
gốc mà điều này không dễ dàng. Tiếc rằng, không có tài liệu Trung Quốc nào được
dẫn trong “Nguồn gốc người Việt -
người Mường” có tiêu đề chữ Hán (hay chữ Trung Quốc), mà phần lớn bằng
tiếng Anh phiên âm (nội dung bên trong có thể hoặc do các tác giả dịch, hoặc do
người khác dịch). Đáng lưu ý hơn, một bộ phận lớn các tài liệu tiếng Trung -
Anh này lại được khai thác trên Google, mà như đã trình bày ở trên, đây là tài
liệu trong từ điển mở, người nghiên cứu có quyền tham khảo, nhưng nếu coi là
tài liệu chính thức để trích dẫn, chứng minh cho một giả thiết hoặc luận điểm
khoa học là thiếu sức thuyết phục.
Thứ ba, nguồn tài liệu
tham khảo trong “Nguồn gốc người Việt
- người Mường” tuy phong phú, song
vẫn bộc lộ sự không đầy đủ và thiếu tính hệ thống. Điều này lại “lộ” thêm sự
thiếu thống nhất, đồng bộ trong lý giải các luận điểm. Người đọc có cảm giác
khi thiếu một tài liệu nào đó, tác giả nhanh chóng “chuyển hướng” sang nguồn
tài liệu khác, song nhiều khi không đủ tài liệu nên các lập luận mang nặng tính
suy diễn. Đáng lưu ý là rất nhiều tài liệu có giá trị của Việt Nam, trong đó có
các công trình khoa học được xuất bản gần đây lại không được sử dụng (mà ở
phần Tài liệu
tham khảo của
bài viết này, do khuôn khổ có hạn, tôi không thể liệt kê hết) để lý giải, phản
bác các vấn đề mà các công trình đó đặt ra.
Từ
những nhận định sơ bộ về nguồn tài liệu trên đây, xin bàn đến hai vấn đề chủ
đạo mà sách “Nguồn gốc người Việt -
người Mường” nêu ra.
1. Người Việt và người Mường là cùng một tộc tách ra hay
là hai tộc khác nhau từ đầu?
Luận
điểm của sách “Nguồn gốc người Việt -
người Mường” coi Việt và Mường là hai tộc khác nhau ngay từ thuở ban
đầu đã đi ngược với các kết quả nghiên cứu của giới khoa học xã hội suốt hơn
nửa thế kỷ qua. Tác giả sách lấy tài liệu khảo cổ học là nguồn tài liệu chủ đạo
để chứng minh cho luận điểm của mình; song chính các nhà khảo cổ học cũng cho
rằng, tài liệu này chỉ cho phép xác định được chủ nhân - những cộng đồng người
thuộc nhóm nhân chủng nào hay yếu tố nhân chủng nào trội hơn và niên đại xuất
hiện cùng sự tiếp nối của nền văn hóa có di chỉ khảo cổ học;không cho phép xác định tộc
người (theo
các tiêu chí của Dân tộc học Việt Nam ngày nay) tạo ra nền văn hóa đó; quá lắm
chỉ có thể xác định nhóm tộc thuộc một hệ ngôn ngữ, vì một thành phần nhân
chủng, một hệ ngôn ngữ có nhiều tộc người. Chẳng hạn, di tích khảo cổ học Óc-eo
sau khi được phát hiện đã xác định có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII và
chủ nhân của nó không phải cư dân thuộc ngôn ngữ Môn - Khơ-me mà là cư dân
thuộc ngôn ngữ Nam Đảo, song khó có thể biết được chính xác là tộc người nào.
Tài liệu khảo cổ học cho thấy những nét tương đồng giữa các nền văn hóa khảo cổ
học, nhưng không dễ dàng kết luận nguồn gốc tộc người của văn hóa; hay các yếu
tố văn hóa đó được “truyền” từ tộc này sang tộc kia.
Việc
sử dụng tài liệu dân tộc học để xem xét nguồn gốc tộc người cũng không thuận
lợi, vì tài liệu này chỉ cho phép người nghiên cứu lần về quá khứ một vài trăm
năm, phần lớn là “tài liệu tàn dư” hoặc tài liệu điều tra hồi cố.
Trong tình
hình trên, sử dụng tài liệu ngôn ngữ học là cần thiết và là một lợi thế. Ai cũng biết,
ngôn ngữ là một trong những dấu hiệu đầu tiên để nhận biết và là tiêu chí quan
trọng để phân định tộc người; là cứ liệu để xác định nguồn gốc cũng như mối
quan hệ giữa các tộc người. Lịch sử ngôn ngữ chính là lịch sử tộc người và lịch
sử quan hệ tộc người. Ngôn ngữ là yếu tố tương đối “bảo thủ” so với các yếu tố
văn hóa khác. Các nhà ngôn ngữ học đã chứng minh, có đến 81% số từ được giữ lại
trong vòng 1.000 năm[†]. Dựa vào phương pháp so sánh ngôn ngữ
lịch sử, gần 100 năm qua, các nhà ngôn ngữ học Việt Nam và nước ngoài đã chứng
minh giữa tiếng Việt và tiếng Mường có sự giống nhau rất đậm đặc về âm, thanh
điệu và vốn từ vị cơ bản, khiến cho nhiều nhà ngôn ngữ học phân vân không biết
nên coi đó là hai ngôn ngữ hay là hai phương ngôn của cùng một ngôn ngữ. Trên
cơ sở đó, các nhà ngôn ngữ học khẳng định, tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc
nhóm Việt - Mường (có nhà khoa học còn định danh thêm là tiểu chi Việt - Chứt),
trong ngữ hệ Nam Á và trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á lục địa, Đông Dương được
xem là trung tâm chính hình thành ngôn ngữ Nam Á [Nguyễn Hữu Hoành (Chủ biên),
2013, tr. 92]. Các ngôn ngữ trong tiểu chi Việt - Chứt đang còn bảo lưu một số
nét trong toàn họ Nam Á, một số nét của toàn ngành Môn - Khơ-me. Tuy còn có
những ý kiến khác nhau về địa bàn ban đầu của ngôn ngữ Việt - Chứt, song các
nhà khoa học đều thống nhất, các cư dân nói ngôn ngữ này đã tỏa đi nhiều hướng,
trong đó một bộ phận quan trọng chuyển về đồng bằng, canh tác lúa nước trong
các vùng trũng ở châu thổ Bắc Bộ, tạo tiền đề cho sự hình thành cái nôi của
vùng người Việt sau này.
Trước
đây, các nhà nghiên cứu dân tộc học và ngôn ngữ học Việt Nam thống nhất chia 54
tộc người ở nước ta thuộc 12 nhóm ngôn ngữ của ba ngữ hệ (Nam Á, Nam Đảo và Hán
Tạng), trong đó tiếng Việt và tiếng Mường thuộc nhóm Việt - Mường, ngữ hệ Nam
Á. Gần đây, việc nghiên cứu ngôn ngữ được đẩy mạnh với những kết quả rõ ràng
hơn. Cuốn Ngôn
ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (những vấn đề chung) là một phần
sản phẩm của đề tài cấp Bộ cùng tên (giai đoạn 1) - kết quả nghiên cứu mới nhất
của Viện Ngôn ngữ học - cơ quan chuyên ngành lớn nhất về ngôn ngữ của nước ta
đã xác lập và khẳng định, tiếng Việt và tiếng Mường là hai trong 11 ngôn ngữ
thuộc chi nhánh Việt (Vietic) của chi Môn -
Khơ-me, ngữ hệ Nam Á [Nguyễn Hữu Hoành (Chủ biên), 2013, tr. 51].
Sự
giống nhau trên đây giữa tiếng Mường với tiếng Việt làm cho giao tiếp giữa hai
tộc rất thuận lợi. Một minh chứng từ cá nhân: cuối năm 1963, lũ trẻ con chúng
tôi từ làng Thạch Thán, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (ở đồng bằng) cùng gia
đình chuyển cư lên xã Yên Bình, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình là vùng của đồng
bào Mường. Chỉ sau hơn một tuần tiếp xúc với bà con và các bạn học người Mường
cùng lớp, cùng trường cấp I, chúng tôi đã nghe, hiểu được kha khá và không bao
lâu sau đó đã nói tương đối thành thạo tiếng Mường. Điều này có lẽ là một trong
những bằng chứng rõ nhất về sự gần gũi giữa tiếng Mường và tiếng Việt; khác hẳn sự giống nhau giữa
ngôn ngữ của các tộc người khác. Ngay cả các nhóm địa phương của một số tộc
người thiểu số ở nước ta cũng có sự cách biệt khá lớn về ngôn ngữ, ví như người
Dao có bảy nhóm, về mặt ngôn ngữ có thể chia thành hai khối. Một khối gồm bốn
nhóm (Dao Tiền, Dao Đỏ, Lô Gang hay Thanh Phán, Quần Chẹt); khối còn lại gồm ba
nhóm (Thanh Y, Quần Trắng, Áo Dài hay Dao Tuyển). Khi giao tiếp, các nhóm trong
từng khối hiểu được nhau, song giữa hai khối lại chỉ hiểu được khoảng 10%, phải
dùng ngôn ngữ trung gian[‡].
Những cứ liệu ngôn ngữ để cho rằng Việt và Mường là hai tộc khác nhau mà sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường”
đưa ra không phù hợp với những kết quả nghiên cứu về lịch sử tiếng Việt và lịch
sử tiếng Mường đã được công bố ở trong và ngoài nước. Vì thế, các luận điểm của
sách chỉ là những
giả thiết,
do chưa được chứng minh theo những quy tắc của ngôn ngữ học lịch sử nên chưa đủ
cơ sở thuyết phục. Trong khi đó, các nhà ngôn ngữ học đã chỉ ra rất rõ những
quy luật ngữ âm (law phonétic) để chứng minh tiếng Việt và tiếng Mường tách ra
từ một ngôn ngữ chung; gồm quy luật thanh điệu (chứng minh
của A. G. Haudricourrt), cùng các quy luật vô thanh hóa, đơn tiết hóa và mũi hóa (nghiên cứu
của Nguyễn Tài Cẩn, M. Ferlus, Trần Trí Dõi). Các luận điểm mà sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường”
đưa ra chưa sử dụng hết các kết luận về mặt ngôn ngữ học mà giới ngôn ngữ học
lịch sử đã công bố. Và điều quan trọng là, sách chưa chứng minh được các kết
quả nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học là sai. Nói một cách khác, sách mới chỉ
thấy được sự tương ứng giữa các ngôn ngữ mà chưa chỉ ra được trong những tương
ứngấy, tương ứng nào có tính quy luật,tứctính lịch đại của ngôn ngữ - diachronic[§].
Các nghiên
cứu dân tộc họccũng sớm khẳng định vấn đề nguồn gốc và mối quan hệ của người Việt -
người Mường. Nhà dân tộc học người Pháp J. Cuisinier trong chuyên khảo “Les Mường - Geogrphie humaine
et sociologie” công bố cách đây gần 70 năm đã khẳng định hai tộc Mường và Việt cùng
chung một nguồn gốc, cả về mặt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, không có
sự cách biệt nào lớn; sự khác nhau trong sinh hoạt chỉ là tiểu tiết. Các tư
liệu sử học, văn học dân gian, khảo cổ học cũng cho một thông tin thống nhất:
Mường và Việt vốn xưa là một, tổ tiên trực tiếp chung của họ là người Lạc Việt.
Về sau, người Việt cổ phân thành hai nhóm, một nhóm chuyển xuống đồng bằng và
chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Hán, để trở thành người Kinh (Việt) ngày nay;
một nhóm vẫn ở miền núi và không chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, giữ được nhiều
nét của văn hóa gốc để trở thành người Mường. Sự phân tách cả về ngôn ngữ, văn
hóa và ý thức tộc người này là một quá trình lâu dài, kết thúc vào khoảng cuối
thời Bắc thuộc. Kết luận này cũng khẳng định tính bản địa của người Việt và
người Mường được trình bày ở mục sau.
2. Việt - Mường là các tộc bản địa hay từ Trung Quốc di
cư sang?
Để
chứng minh cho luận điểm Mường - Việt là hai tộc người thuộc các ngôn ngữ khác
nhau và đều từ Trung Quốc di cư sang, sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường” đưa ra các tư liệu về sự
giống nhau trên các khía cạnh văn hóa khảo cổ học Việt Nam và Trung Quốc. Tuy
nhiên, nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ học cho rằng, những so sánh này không mang
tính tiêu biểu, vì chỉ lấy một vài di vật trong văn hóa khảo cổ học Dạ Lang ở
Trung Quốc giống với các di vật (song chưa hẳn là phổ biến) trong các di tích
Đông Sơn để so sánh. Sách mới chỉ lấy những hiện tượng lẻ tẻ, cá biệt để khái
quát thành tính phổ biến, nâng lên thành quan điểm có tính khẳng định, lấy một
hiện tượng để khái quát thành bản chất, thành quy luật. Văn hóa Đông Sơn thống
nhất trong đa dạng, đa dạng mà thống nhất; đến nay đã phát hiện được hơn 270 di
tích, trong đó có hơn 60 di tích đã được khai quật. Chỉ đem một số ít di vật trong
một vài di tích có những nét tương đồng với các di tích ở Trung Quốc để so sánh
và kết luận đó là do các khối cư dân ở Trung Quốc thiên di mang sang là không
thỏa đáng, thậm chí là vội vàng. Sự giống nhau của các di vật trong các văn
hóa khảo cổ học do nhiều nguyên nhân, hoặc do tương đồng về văn hóa, hoặc do
trao đổi, có khi là quà tặng, là chiến lợi phẩm của chiến tranh, đâu phải chỉ
là kết quả của thiên di. Một ví dụ: các đồ dùng của người Pháp đưa sang nước ta
cách đây hơn một thế kỷ được người Việt sử dụng; hàng nghìn năm sau, các đồ đó
nằm sâu dưới lòng đất, được khai quật lên, lẽ nào lại có thể kết luận là do
người Pháp thiên di mang sang và khi đó, trên dải đất này chưa có người Việt?[**]
Những so sánh về sự tương đồng của các di vật khảo cổ học ở Việt Nam và Trung
Quốc trong sách “Nguồn gốc người Việt
- người Mường” có lẽ cũng không có những điểm mới hơn so với những
nghiên cứu cách đây hơn 50 năm, khi ngành khảo cổ học nước ta còn rất non trẻ,
việc phát hiện và khai quật các di chỉ khảo cổ học chưa nhiều. Trong cuốn “Lịch sử chế độ cộng sản nguyên
thủy ở Việt Nam”, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1960 (tiếc rằng, sách này không
có trong Tài
liệu tham khảo của “Nguồn gốc người Việt -
người Mường”), hai nhà khảo cổ học trẻ tuổi Trần Quốc Vượng và Hà Văn
Tấn đã lập luận một cách chắc chắn và sắc bén, chỉ ra những luận điểm không
đúng của một số học giả nước ngoài và một số nhà nghiên cứu Việt Nam, coi văn
hóa Đông Sơn có nguồn gốc Trung Hoa: “Cuộc cãi vã giữa bọn họ với nhau về niên
đại của văn hóa Đông Sơn chẳng qua chỉ xoay quanh vấn đề văn hóa Trung Hoa đã
lan tràn tới đất Đông Dương khi nào? Bằng phương thức gì? Tuyệt nhiên không có
người nào đặt vấn đề nghiên cứu văn hóa Đông Sơn như là sản phẩm hoàn toàn của
văn hóa Việt Nam hay chủ yếu của Việt Nam” (Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn,
1960, tr. 158-159). Chỉ ra những tương đồng và khác biệt giữa gốm Đông Sơn và
gốm Sông Hoài, giữa mộ Đông Sơn với mộ Hán…, hai ông khẳng định sự giống nhau
đó chỉ là ảnh hưởng qua lại giữa hai nền văn hóa; phân bố của đồ đồng Đông Sơn
đồng nhất với phạm vi phân bố của rìu đá mài - công cụ điển hình của giai đoạn
hậu kỳ Đá mới (Sách vừa dẫn, tr. 184).
Những
luận điểm trên đây được củng cố vững chắc nhờ những kết quả nghiên cứu khảo cổ
học được đẩy mạnh từ giữa những năm 60 trở đi đã đạt đến những thành tựu vô
cùng lớn, phong phú; khẳng định tính liên tục của các nền văn hóa khảo cổ học
trên vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam và đó cũng chính là tính bản địa, sở
tại của văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn.
Sách
của Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn còn chỉ ra những điểm không chuẩn xác của Đào
Duy Anh trong công trình “Nguồn gốc dân tộc Việt Nam” cũng như của một số học giả Pháp cho rằng,
người Việt từ bờ biển Giang Nam (Trung Quốc) di cư sang, gặp thổ dân thuộc
chủng Anhđônêdiêng (văn hóa đá mới) là “những người có trình độ lạc hậu, khi
tiếp xúc với những người mới đến có nền văn hóa cao hơn, phải lui dần, nhường
những vùng đất phì nhiêu, rộng rãi cho họ”. Đào Duy Anh đã mâu thuẫn khi coi
người Việt từ Giang Nam có trình độ cao hơn di cư sang Việt Nam, nhưng lại
khẳng định “Kỹ thuật trống đồng và kỹ thuật đồ đồng nói chung mà đại biểu là đồ
đồng Đông Sơn là kỹ thuật hoàn chỉnh do người bản địa sáng tạo”. Hàng loạt kết
quả nghiên cứu trong hơn nửa thế kỷ qua đã khẳng định trống đồng nói riêng, đồ
đồng nói chung là sản phẩm chung của các nhóm cư dân thuộc khối Bách Việt,
trong đó địa bàn cư trú của nhóm Lạc Việt chiếm một vị trí quan trọng.
Sách
“Nguồn gốc người Việt - người Mường”
dẫn ra sự giống nhau về âm của một số từ trong tiếng Việt với các ngôn ngữ
khác, như Cửa
Lò/Kulua,lòng thung lũng/klung… để chứng minh
nguồn gốc bên ngoài của các địa danh thuộc địa bàn người Việt sinh sống hiện
nay cũng cần bàn lại. Các nhà ngôn ngữ học đã chỉ rõ, để phục nguyên nghĩa và
âm của một từ, phải tuân theo một phương pháp nghiêm ngặt, có trình tự, không
thể căn cứ vào sự giống nhau về âm và nghĩa ở dạng thực thể đồng đại.
Nhà
dân tộc học Nguyễn Từ Chi (Trần Từ) dành gần như trọn đời khoa học của mình để
đi tìm câu trả lời về nguồn gốc của người Việt. Trong điều kiện phần lớn các
yếu tố văn hóa của tộc người này từ lâu đã bị phủ lên một lớp văn hóa Hoa - Hán
khá dày đặc sau hàng nghìn năm Bắc thuộc, để tìm được câu trả lời trên, ông
phải đi đường vòng: tìm các yếu tố “nguyên bản” của văn hóa Việt từ tộc người
láng giềng thân cận. Đó là người Mường. Trong hơn 10 năm, ông lặn lộn ở các
vùng Mường để thu tìm tư liệu mà một trong những hướng, khâu mang tính “đột
phá” là từ chiếc
cạp váy của người phụ nữ Mường. Trong cuốn Hoa văn Mường, từ những đo vẽ tỉ
mỉ, ngẫm nghĩ và so sánh đa chiều, ông đưa ra nhận xét, hoa văn cạp váy Mường
có phần lớn các điểm tương đồng với hoa văn trên trống đồng Đông Sơn - sản phẩm
mang tính tiêu biểu nhất, tượng trưng cho nền văn minh nông nghiệp - thủ công
nghiệp của người Việt cổ; từ đó đưa ra kết luận: chủ nhân của trống đồng Đông
Sơn chính là chủ nhân của hoa văn cạp váy Mường; hay trống đồng Đông Sơn phần
lớn có nguồn gốc bản địa (Trần Từ, 1978). Trong một bài viết cách đây hơn 40
năm được tìm thấy trong kho Di cảo của ông, được giới thiệu trênTạp chí Bảo tàng & Nhân
học số
1 năm 2014, Từ Chi một lần nữa chỉ ra “cái chung nổi bật giữa nghệ thuật Đông Sơn và nghệ
thuật “đầu váy” Mường”, thể hiện ở bố cục dải kín, bố cục thành ô, bố cục khối trụ, bố cục
nhìn nghiêng của các mô típ trang trí và đặc biệt là ngôi sao hình mặt trời
trên trống đồng và trên cạp váy Mường. Những dấu tích của văn hóa Đông Sơn còn
đọng lại trong nghệ thuật trang trí trên đầu rồng từ thời Lý - Trần - Lê Sơ,
trên bia đá, bệ tượng Phật, hình cá trang trí trên gỗ thời Mạc; trên diềm và
trán bia đá, đầu rồng thời Nguyễn. Tồn tích Đông Sơn còn thấy ở tục “Dô ông
đám” trong ngày hội làng Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh); ở nghi lễ chọc
lỗ - tra hạt và thu hoạch của người Mãng Ư, tục sử dụng trống đồng của người
Mường, người Lô Lô… (Nguyễn Từ Chi, 2014, tr. 6-13). Chỉ ra các dấu tích, tồn
tích trên đây, Từ Chi tin rằng, “Rồi đây, với những kết quả khai quật khảo cổ
học phong phú hơn nữa, biết đâu Đông Sơn lại sẽ được xem là một yếu tố trong
mẫu số chung củamột
Đông Nam Á sơ sử, một Đông Nam Á chưa ồ ạt tiếp xúc với các lò văn minh lớn ở
bên ngoài”
(Nguyễn Từ Chi, 2014, tr. 13). Điều tiên lượng khoa học của ông cách đây trên
40 năm đã được các thành tựu to lớn của ngành khảo cổ học chứng minh. Xin dẫn
một kết luận của Đề tài cấp Bộ mới đây do TS. Bùi Văn Liêm chủ trì: “Những ảnh
hưởng, tác động giữa văn hóa Đông Sơn và các văn hóa phương Bắc mà cụ thể là
vùng Nam Trung Quốc là mối quan hệ qua lại hai chiều” (Bùi Văn Liêm, 2010, tr.
132).
Những
phát hiện và kết luận mang tính “đột sáng” và “độc sáng” trên đây (lời của Trần Quốc Vượng) trong công trình
“Hoa văn Mường” cùng tác phẩm “Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ”
đã đưa Từ Chi vào hàng ngũ những người được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về
khoa học (năm 2000). Cho đến nay, chưa có ai phản bác những luận điểm này. Đáng
tiếc, sách “Nguồn gốc người Việt -
người Mường” không điểm lại những kết quả nghiên cứu cũng là những phát
hiện độc đáo này, trong khi các luận điểm khác lại được nhắc đến và so sánh khá
tỉ mỉ.
Sách “Nguồn gốc người Việt - người
Mường” còn đưa ra luận điểm về quan hệ biện chứng di dân - dân bản địa để chứng minh
tính “phi bản địa” của người Việt và người Mường. Những luận điểm này được thể
hiện ở trang 406. Cụ thể:
-
Đặc trưng nổi bật của các cuộc thiên di là hôn nhân hỗn hợp giữa người mới đến
(thường đa số nam giới) với phụ nữ bản xứ. Con cái họ là con lai, mang các yếu
tố di truyền của cả cha và mẹ mang tính sinh học có những đặc tính tốt hơn.
-
Người mới đến cũng phải học nói ngôn ngữ bản địa, của số đông, trước khi đưa ra
những từ mới gắn với các yếu tố chính trị - văn hóa mới. Những người mẹ nuôi
con và những đứa con lai cũng thường nói thạo tiếng mẹ đẻ hơn tiếng cha đẻ. Di
dân một mặt mang đến những yếu tố văn hóa mới, mặt khác cũng tiếp thu các phong
tục truyền thống bản địa.
Tác
giả sử dụng luận điểm này để có thêm luận cứ khẳng định Việt và Mường là hai
tộc khác nhau, từ bên ngoài thiên di vào Việt Nam, song người Việt đến sau đã
học tiếng Mường; do vậy, tiếng Việt và tiếng Mường là kết quả của sự tiếp xúc
văn hóa và ngôn ngữ của “hai tộc vốn khác nhau từ ban đầu”.
Tuy
nhiên, thuyết “thiên di” (gắn với đó là thuyết “trung tâm văn hóa”) từ lâu đã
bị các học giả phương Tây nghi ngờ, phản bác và thực tế lịch sử đã chứng minh.
Trường hợp diễn ra các cuộc thiên di của một tộc người từ một lãnh thổ, một
quốc gia sang một lãnh thổ của tộc người hay quốc gia khác, các cộng đồng cư
dân sở tại thường có thái độ bất hợp tác, thậm chí chống đối bằng cả vũ trang
để bảo vệ “lãnh thổ tộc người” hay lãnh thổ quốc gia, bảo vệ văn hóa. Chỉ sau
một thời gian dài chung sống, hai nhóm cư dân mới diễn ra các quan hệ về hôn
nhân và văn hóa, từ đó xảy ra hiện tượng đồng hóa (đồng hóa tự nhiên hoặc đồng
hóa cưỡng bức). Tuy nhiên, quá trình này không đồng nghĩa với hiện tượng nam
giới của cư dân thiên di kết hôn với nữ giới của cư dân sở tại một cách phổ
biến, với việc đa số cư dân thiên di học tiếng của cư dân sở tại để dẫn đến con
cái thuộc thế hệ “lai” nói thạo tiếng mẹ đẻ hơn tiếng cha đẻ. Mặt khác, bản
thân cư dân thiên di cũng có xu hướng bảo vệ văn hóa, tính thống nhất của mình
bằng việc không thiết lập quan hệ hôn nhân (trừ trường hợp những người thuộc
tầng lớp quý tộc quan cai trị lấy thêm vợ lẽ, nàng hầu), không học tiếng của
người sở tại, nhất là khi họ tự xưng là tộc người có văn hóa cao hơn. Vả lại,
không phải ai cũng có khả năng tiếp thu tiếng của tộc người khác (ngoại ngữ).
Có
thể thấy trường hợp người Thái thiên di vào Việt Nam (thế kỷ VIII - XIII) là
điển hình cho tình hình trên đây. Qua hàng nghìn năm, rất ít người Thái kết hôn
với các tộc người sở tại mà nguyên nhân chủ yếu là do người Thái có tổ chức xã
hội và văn hóa riêng biệt, các thế lực chúa đất Thái luôn quan niệm Thái là tộc
người có trình độ cao, nên dùng đủ các biện pháp để “Thái hóa” các tộc người
thuộc ngôn ngữ Môn - Khơ-me. Chỉ từ Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, nhất
là sau hòa bình lập lại (1954), thiết chế mường cùng chế độ tạo mường bị xóa
bỏ, giữa người Thái với các tộc người Môn - Khơ-me không còn hàng rào ngăn cách
về chính trị - xã hội và văn hóa, mới xuất hiện phổ biến việc kết hôn giữa hai
khối tộc người này. Về ngôn ngữ, các thế hệ người Thái thiên di vào Tây Bắc
không học tiếng của các tộc người Môn - Khơ-me, để tạo ra hai thứ tiếng giống
nhau với tỷ lệ cao đến mức rất dễ nhận biết cả về âm, vốn từ vựng như giữa
tiếng Việt và tiếng Mường. Ngược lại, tiếng Thái có ảnh hưởng lớn đến các tộc
người Môn - Khơ-me, nên một bộ phận khá đông cư dân các tộc này đều nói, nghe
được tiếng Thái, dùng tiếng này để giao dịch với người Thái và các tộc người
khác trong vùng. Sau hòa bình lập lại, sự ngăn cách về chính trị - xã hội bị
xóa bỏ, tạo điều kiện để người Thái và các tộc người thuộc ngôn ngữ Môn -
Khơ-me kết hôn với nhau, người Thái mới sử dụng tiếng nói của các tộc người
cộng cư. Ngoài người Thái, còn có người Hoa di cư nhiều đợt sang nước ta, rồi
người Pháp thống trị đất nước ta gần trăm năm, song họ đâu có “tạo ra thế hệ
con lai, mang các yếu tố di truyền của cả cha và mẹ mang tính sinh học có những
đặc tính tốt hơn, thạo tiếng mẹ đẻ hơn tiếng cha đẻ” như luận điểm của sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường”.
Trong quá trình thiên di của một tộc người, một nhóm cư dân, tuy có diễn ra các
cuộc hôn nhân với cư dân sở tại, song không phải là khuynh hướng chính, ít ra
là trong một thời gian dài ban đầu.
Trở
lại vấn đề ngôn ngữ và quan hệ Mường - Việt, luận điểm “người Việt đến sau đã
học tiếng Mường, do vậy, tiếng Việt và tiếng Mường là kết quả của sự tiếp xúc
văn hóa và ngôn ngữ” của sách NGNV - NM nặng tính suy đoán, bởi nếu đúng là
“người Việt đến sau”, vậy không rõ khi đó tương quan về dân số, trình độ của họ
với người Mường ra sao để có thể diễn ra quá trình giao tiếp và biến đổi về văn
hóa và ngôn ngữ theo các hướng: tộc người “mạnh” hơn phải tiếp thu văn hóa,
ngôn ngữ của tộc “yếu” hơn; tộc “mạnh” lấn át tộc “yếu”; hoặc pha trộn, giao
thoa, hoặc vay mượn các yếu tố văn hóa, ngôn ngữ của nhau[††].
Đến
đây một vấn đề khác được đặt ra: người Việt cổ là cư dân bản địa, sở tại, song
tại sao lại có truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ? Thiết nghĩ, nhân bàn về
nguồn gốc người Việt, người Mường, cần phải làm rõ một cách “sòng phẳng” truyền
thuyết này. Xin nhắc lại nội dung chính yếu của truyền thuyết trước khi bàn: Đế
Minh là cháu ba đời của Viêm đế Thần Nông đi tuần phương Nam đến Ngũ Lĩnh lấy
Vụ tiên nữ, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục được cử cai trị phương Nam nên còn gọi là
Kinh Dương Vương, sinh Sùng Lãm (hay Lạc Long Quân), Lãm lấy Âu Cơ là con gái
Đế Lai sinh trăm con trai, ấy là tổ tiên của Bách Việt, sau con trưởng lên làm vua, gọi
là Hùng Vương (Bùi Xuân Đính nhấn mạnh).
Truyền
thuyết trên đây được chép lần đầu tiên trong “Lĩnh Nam chích quái”, được Ngô Sĩ Liên
đưa vào chính sử (Đại
Việt sử ký toàn thư) nửa sau thế kỷ XV (Việt sử lược - cuốn sử được coi là đầu tiên của nước ta, soạn khoảng thế kỷ XIII
không chép Kỷ Hồng Bàng thị, Kinh Dương Vương, nước Xích Quỷ, truyện Lạc Long
Quân - Âu Cơ) [Phan Đại Doãn (Chủ biên), 1999, tr. 191]. Không rõ những người
nghĩ ra và người chép lại truyền thuyết trên có ảnh hưởng của “thuyết thiên di”
hay không; song rõ ràng, truyền thuyết có những điểm cần bàn cho rõ.
Trước
hết, như Quốc sử quán triều Nguyễn đã chỉ ra “Sử cũ (Đại Việt sử ký toàn thư - Bùi Xuân Đính)chép nhiều việc hoang đường
quái dị, không phải việc thường thấy, nay xin tước bỏ, không chép, nhưng thỉnh thoảng
cũng có giữ lại một hai sự việc mà chua bằng chữ nhỏ để truyền nghi” (Quốc sử quán
triều Nguyễn, 1998, tr. 43); hay trong lời phê: “Sinh trăm con trai là lời chúc
tụng cho nhiều con trai đấy thôi, xét đến cùng sự thật chưa đến số ấy, huống
chi lại nói là đẻ ra trăm trứng” (Sách vừa dẫn,
tr. 73). Quốc sử quán triều Nguyễn cũng chỉ tính không chính xác của
truyền thuyết trong lời Cẩn án “Đế Minh chưa từng đi tuần sang phương Nam, việc bảo
là lấy vợ tiên nữ thì thật là quái lạ lắm” (Sách vừa dẫn, tr. 72).
Truyền
thuyết trên còn có tính phi lý khi cho rằng Sùng Lãm và Âu Cơ là tổ tiên của
Bách Việt. Sự thật thì Bách Việt là khái niệm để chỉ nhiều nhóm Việt (các tộc
khác nhau) sinh sống từ xa xưa ở vùng đất rộng lớn phía Nam sông Dương Tử; đâu
phải “chờ” người Hán từ phía Bắc con sông trên tiến xuống mới sinh ra họ. Giữa
người Hán với khối Bách Việt có những điểm khác nhau rất rõ rệt về văn hóa, do
đặc thù mưu sinh trên nền cảnh quan môi trường khác nhau - đã được các công
trình nghiên cứu chỉ ra.
Về
địa giới nước Văn Lang, sử triều Nguyễn cũng chỉ ra tính không xác thực của
truyền thuyết được sử nhà Lê ghi nhận qua lời Cẩn án: “Sử cũ chép nước Văn Lang phía
tây giáp Ba Thục, phía bắc giáp Động Đình, chẳng cũng xa sự thực lắm dư! Động
Đình giáp hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc, thực ra ở phía bắc Bách Việt; mà Ba Thục
với Văn Lang còn cách Tuấn Điền (nay thuộc Vân Nam) không liền đất nhau. Chẳng
qua Sử cũ chép quá khoa trương, đều là hư truyền cả…”. Sử triều Nguyễn
cũng khẳng định, “15
bộ của nước Văn Lang mà sử cũ chép đều ở trong địa hạt Giao Chỉ và Chu Diên,
chứ không có bộ nào ở phía phương Bắc (Trung Quốc). Như thế chứng tỏ không đúng
sự thực”
(Sách vừa dẫn, tr. 74).
Như
vậy, cho dù “truyền thuyết dân gian có phản ánh một cốt lõi lịch sử” - như cố
Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định, thì không thể lấy truyền thuyết mang
nhiều yếu tố hoang đường và phi lý làm căn cứ chính để xem xét nguồn gốc người
Việt và quốc gia Việt Nam; càng không thể “dựa trên sự tổng hợp những thành tựu
mới nhất của các ngành khảo cổ học, ngôn ngữ học, sử học, dân tộc học, di
truyền học… để đưa ra những câu trả lời mới nhưng về cơ bản đồng thuận với
những câu trả lời đã có trong truyền thuyết Họ Hồng Bàng cũng như trong hai
công trình của hai học giả Đào Duy Anh, Bình Nguyên Lộc” về nguồn gốc người
Viêt- như Tạ Đức viết ở trang 816 sách “Nguồn
gốc người Việt - người Mường”. Đó là sai lầm về phương pháp luận; vì
truyền thuyết có nhiều tình tiết hoang đường, còn luận điểm của hai học giả Đào
Duy Anh và Bình Nguyên Lộc thì đâu đã được giới khoa học xã hội Việt Nam thừa
nhận.
Trong
nỗ lực tìm câu trả lời suốt hơn nửa thế kỷ qua, giới khoa học xã hội nước nhà
đã khẳng định, trên vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cách đây trên dưới 3.000 năm,
đã tồn tại cộng đồng Việt cổ, cùng khối Tày Thái cổ lập ra quốc gia Văn Lang;
có nhiều mối liên hệ về kinh tế - văn hóa với các quốc gia khác ở Nam Trung
Quốc.
Vậy
tại sao lại có truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ? Điều này chỉ có thể cắt
nghĩa từ mối quan hệ về phương diện văn hóa và chính trị giữa người Việt và
người Hán, giữa Việt Nam với Trung Quốc. Lịch sử giao lưu, giao tiếp văn hóa
Việt - Trung qua nghìn năm Bắc thuộc và nghìn năm thời phong kiến tự chủ đã chỉ
ra một hiện tượng mang tính quy luật “Trong không ít trường hợp, những yếu tố
mà tổ tiên của người Việt hiện nay đã lần lượt tiếp thu từ nền văn minh Trung
Hoa qua một thiên niên kỷ Bắc thuộc, và cả về sau nữa, khi được tích hợp vào
cuộc sống thường ngày của người bản địa, chỉ còn giữ được của nơi xuất phát cái
vỏ hình thức (thường là tên gọi), trong khi nội hàm của khái niệm tiếp thu đó
đã biến đổi hẳn” (Nguyễn Từ Chi, 2003, tr. 316). Điều này đúng, song theo tôi,
cần bổ sung thêm một ý khác:trong mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc qua hơn hai nghìn năm lịch sử,
rất nhiều yếu tố văn hóa gốc Việt, thuần Việt cổ đã bị phủ lên hoặc buộc phải
phủ lên một lớp Hán hay khoác một “áo” Hán, ví như tục thờ thần bếp ngày 23 tháng Chạp
(bị khoác áo “ông Công ông Táo”); tục ăn bánh trôi mồng 3 tháng Ba (bị khoác áo
“tưởng nhớ Giới Tử Thôi”)...
Với
tinh thần trên, có thể hiểu, ẩn bên dưới truyện “Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh
trăm trứng, thành Bách Việt” là lớp truyền thuyết của người Việt cổ còn tồn
tích trong truyền thuyết của người Mường, như truyện “Chim Ây cái Ứa” hay trong
mo “Đẻ đất đẻ nước”, sinh nhiều trứng sau nở thành muôn loài, trong đó có người
Mói (Mol, Mường) và người Đáo (hay Táo, tức Việt - Kinh); truyện Chàng Hươu và
Nàng Sao, hay truyện Long Vương (Long Quân?) kết duyên nàng Ngu Cơ (Âu Cơ?) đẻ
được trăm trứng và nở thành 50 con gái, 50 con trai. Về sau hai người chia tay
nhau, 50 con theo cha ra miền bể, lập nên dòng vua áo vàng (người Mường thường
nói “vua Táo áo vàng”), còn Ngu Cơ dẫn 50 con lên vùng đồi núi lập nên dòng vua
áo đen. Mô típ “Chim Ây - Cái Ứa, Long Quân - Ngu Cơ, Hươu và Sao...” là một
dạng biểu hiện của hệ thống tư duy lưỡng phân và lưỡng hợp (núi và sông, lửa và
nước, chim hươu cà và rắn rồng rùa, sơn tinh và thủy tinh, Âu và Lạc…) của các
cư dân nông nghiệp cổ, đã được Trần Quốc Vượng chỉ ra (Trần Quốc Vượng, 1974,
tr. 71-81). Như vậy, “cốt lõi lịch sử” của truyền
thuyết “Lạc Long Quân- Âu Cơ” ở đây không thể là việc có một người đàn ông từ
phía Bắc xuống kết hôn với một phụ nữ để sinh ra “Bách Việt”; mà là “cuộc hôn
nhân nội tại”, đến thế kỷ XIII mới được khoác lên một “vỏ Trung Quốc”.
Vậy
còn khái niệm “Hùng Vương”? Đây cũng là khái niệm Hán, xuất hiện muộn, đã phủ
lên một khái niệm không phải Hán: Vua Hùng. Trần Quốc Vượng cho rằng “Vua Hùng” là khái
niệm có yếu tố Thái cổ: “Pò Khun” (bố của một vùng) và ông thường nhắc các học trò luôn phải dùng “Vua
Hùng”, không nên dùng khái niệm “Hùng Vương”. Điều này đúng (Chủ tịch Hồ Chí
Minh trên đường cùng bộ đội về giải phóng Thủ đô tháng 9 năm 1954, ghé thăm Đền
Hùng cũng nói “Các
Vua Hùng đã có công dựng nước…”). Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học không chia
sẻ lý giải của Trần Quốc Vượng về khái niệm “Vua Hùng” có nguồn gốc ngôn ngữ
Thái. Tôi cho rằng, cần phải tìm khái niệm đó ở tiếng Mường. Truyền thuyết
Mường khẳng định có một vị vua Dịt Dàng lập nước. Phải chăng “Hùng
Vương” là khái niệm xuất hiện sau, phủ lên các khái niệm có trước là “Dịt
Dàng”, “Vua Hùng”. Xin chờ các nhà ngôn ngữ học lý giải.
Vậy
lý do cụ thể hơn của việc truyền thuyết “Chim Ây - Cái Ứa, Long Quân - Ngu Cơ,
Chàng Hươu - Nàng Sao” lại bị khoác lên một chiếc “áo Tàu”? Ở đây có hai khả
năng. Một là, do tâm lý tự ti, sính ngoại và sùng ngoại của một bộ phận không
nhỏ người Việt (rất nhiều nghề thủ công vốn là của ta, có gốc gác bản địa từ
lâu đời, nhưng thường bị khoác lên một sự tích “có người đi sứ Trung Quốc học
được, đem về nước truyền nghề” là một bằng chứng). Hai là, có thể do “khát
vọng” - cũng là ý chí của tổ tiên ta muốn được bình đẳng, ngang bằng với Trung
Quốc - một đế chế rộng lớn, luôn tự coi là “văn minh”, “trung tâm”, tìm cách
xâm lược, nô dịch các tộc người và quốc gia lân cận. Và như vậy, phải chăng đó
cũng là phương cách đối phó của cha ông ta với đế chế Trung Hoa trên bình diện
tư tưởng chính trị và văn hóa?
Tóm
lại, những luận điểm trên đây trong sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường” chưa đủ sức thuyết phục.
Những thành tựu của khoa học xã hội trong hơn nửa thế kỷ qua đã khẳng định
người Việt và người Mường (Lạc Việt) cùng với người Tày và một bộ phận Nùng,
Thái cổ (Âu Việt) là các cư dân bản địa, sở tại, sinh sống từ rất lâu đời ở
vùng Bắc Việt Nam, tạo lập ra các nền văn hóa mang tính liên tục để bước vào
thời kỳ dựng nước với đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn rực rỡ. Song lập nước chưa
được bao lâu, người Lạc Việt và Âu Việt đã phải đương đầu với dã tâm bành
trướng, xâm lược và nô dịch của phong kiến Hán tộc. Khi người Hán vượt sông
Dương Tử, các quốc gia của khối Bách Việt ở Nam Trung Quốc lần lượt bị xâm
lược, sáp nhập vào lãnh thổ của đế chế Trung Hoa sau này; chỉ riêng nước Văn
Lang của nhóm Lạc Việt và Âu Việt là quốc gia kiên cường nhất, mãi đến năm 111
trước Công nguyên mới trở thành “quận huyện” của phong kiến Hán tộc. Song hơn
1.000 năm sau, lại giành được độc lập, tự chủ. Người Việt vẫn trường tồn với
những làng mang tên “Kẻ” (Kẻ Noi, Kẻ
Gối,Kẻ Cót,Kẻ Vèn…) còn được sử dụng
đến ngày nay. Chắc chắn, nếu không trải qua một quá trình tụ cư lâu dài, một
quá trình hình thành và phát triển để lập thành quốc gia riêng, với một bản sắc
văn hóa riêng và một bản lĩnh tự cường, ý chí cùng khát vọng được sống trong
độc lập, tự do ở trên mảnh đất Việt Nam này, người Lạc Việt và Âu Việt không
thể “trụ” được trước âm mưu nô dịch và đồng hóa thâm độc của phong kiến Hán
tộc, không thể giành lại quyền tự chủ sau “đêm dài nô lệ” hàng nghìn năm. Chân
lý ấy không có gì phải bàn cãi.
Sách “Nguồn gốc người Việt - người
Mường” tuy đưa ra được một khối lượng tư liệu khá phong phú, song những
luận điểm của nó liệu có phải là “góp phần đánh thức tình trạng như có vẻ ly bì, mệt
mỏi, bế tắc của nền học thuật nhân văn nước nhà” - như Nguyễn Việt
viết trong Nhận xét 2 của sách (tr. 824) cần được trao đổi rộng rãi trong giới
khoa học các ngành có liên quan. Phản bác thành quả nghiên cứu của nhiều ngành
khoa học của cả một đất nước trong hơn nửa thế kỷ cần một sự thận trọng tuyệt
đối và phải có đủ cơ sở, không thể hồ đồ. Không rõ Nguyễn Việt nhân danh gì mà
có thể ngạo mạn, coi thường cả một nền khoa học xã hội và nhân văn của nước nhà
như vậy ? Cũng vậy, không rõ Đỗ Lai Thúy dựa trên cơ sở nào mà kết luận
rằng, sản phẩm khoa học của các cán bộ khoa học của nước ta bấy lâu nay “chỉ ở
dạng tầm tầm”; vì một loạt lý do như không có kiến thức chuyên/ liên ngành,
không đầu tư lớn, không biết nhiều ngoại ngữ, không thạo internet và còn phải
lo kiếm ăn; chỉ có Tạ Đức mới là “một mẫu hình nhà khoa học kiểu mới” nên mới
ra được “một tác phẩm chững chạc” ? (Đỗ Lai Thúy, 2014, tr. 79).
Nhà
nước và nhân dân ta luôn trân trọng tinh thần lao động với lòng đam mê hết
mình, với ý thức, trách nhiệm công dân và lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc
của các thế hệ khoa học xã hội nước nhà suốt hơn nửa thế kỷ qua, đã cho ra đời
bao sản phẩm khoa học, chứng minh hùng hồn với thế giới rằng, mảnh đất Việt Nam
này là nơi sinh tụ từ ngàn ngàn xưa của người Lạc Việt và Âu Việt, để tổ tiên
ta bước vào thời kỳ dựng nước, sau đó trải qua hàng nghìn năm đấu tranh để sinh
tồn, phát triển và gìn giữ non sông gấm vóc đến ngày nay.
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Từ Chi
(1996), Góp
phần nghiên cứu văn hóa & tộc người,Nxb Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội.
Nguyễn Từ Chi
(2014), “Sức sống Đông Sơn”, Tạp chí Bảo tàng & Nhân học, Số 1, tr.
6-13.
Phan Đại Doãn (Chủ
biên) (1999), Ngô
Sĩ Liên và Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội.
Trần Trí Dõi
(2011), Giáo
trình lịch sử tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Nguyễn Hữu Hoành
(Chủ biên) (2013), Ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (những vấn đề chung),
Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.
Bùi Văn Liêm
(2010), Quá
trình chiếm lĩnh và làm chủ đồng bằng châu thổ sông Hồng của cư dân văn hóa
Đông Sơn,
Báo cáo đề tài cấp Bộ, lưu tại Phòng Lưu trữ - Văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học
xã hội Việt Nam, ký hiệu HS: 77/KH/2010.
Quốc sử quán triều
Nguyễn (1998), Khâm
định Việt sử thông giám cương mục, Tập 1, Bản dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Đỗ Lai Thúy (2014),
“Một cuộc tìm cội nguồn dân tộc”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 357, tháng 3,
trang 78- 79.
Trần Quốc Vượng, Hà
Văn Tấn (1960), Lịch
sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Trần Quốc Vượng,
Nguyễn Dương Bình (1965), “Một vài nhận xét về mối quan hệ Mường - Việt và quá
trình phân hóa giữa tộc Mường và tộc Việt”, Thông báo Sử học, Tập V, Trường Đại
học Tổng hợp Hà Nội.
Trần Quốc Vượng
(1974), “Vài suy nghĩ tản mạn về trống đồng”, Tạp chí Khảo cổ học (Chuyên đề Trống
đồng cổ, Tập 2), Số 14,tr. 71-81.
[*]Để có thêm những
luận điểm bàn luận, tôi đã gặp gỡ, tham khảo ý kiến với các nhà khoa học thuộc
các chuyên ngành khác nhau: Nguyễn Duy Thiệu, Vương Xuân Tình, Lý Hành Sơn (Dân
tộc học); Phạm Như Hồ, Trình Năng Chung (Khảo cổ học), Nguyễn Văn Lợi, Trần Trí
Dõi, Nguyễn Văn Khang, Tạ Văn Thông (Ngôn ngữ học). Xin cảm ơn các nhà khoa
học.
[†]Ý kiến của Giáo sư Nguyễn Văn Lợi trong buổi trao đổi ngày 25/2/2014.
[‡]Ý kiến của Tiến sĩ Lý
Hành Sơn trong buổi trao đổi ngày 31/3/2014.
[§]Ý kiến của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Dõi trong buổi trao đổi ngày 19/3/2014.
[**]Ý kiến trao đổi với
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trình Năng Chung ngày 26/3/2014.
[††]Ý kiến của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang trong cuộc trao đổi ngày 4/4/2014.
*.
BÙI
XUÂN ĐÍNH
Địa chỉ: Viện Dân Tộc Học Việt Nam, số 1
phố
Liễu Giai, quận Ba Đình, tp Hà Nội.
Email: buixuandinh.dth@mail.com.
Điện thoại: 097.378.62.03
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ messenger facebook Trần Hải Sơn ngày 17.02.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét