(Nguồn ảnh: internet) |
Chuyện xưa tích cũ:
QUAN
THẾ NÀY,
DÂN
TRÔNG CẬY VÀO ĐÂU?
*
(Tác giả Bùi Xuân Đính) |
Tháng
Bảy năm Nhâm Tý, đời Vua Tự Đức (khoảng tháng 8 năm 1852), tại nha huyện Trà
Vinh, phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long có một tù nhân phạm tội ăn trộm, bị giam
trong nhà lao rồi ốm chết. Trương Phúc Cương là Tri phủ nghe tin đã đến tận nơi
xem xét. Thay vì xem xét thận trọng để làm tờ tâu lên trên về nguyên nhân cái
chết của phạm nhân, Trương Phúc Cương đã dùng quyền của quan trên để dọa nạt
viên quan đứng đầu huyện Trà Vinh là Tri huyện Phan Đắc Thông rằng, chính Thông
đã đánh đập phạm nhân đến chết và Cương sẽ bẩm báo việc này lên tỉnh để quan
trên xử lý (!?). Lo sợ phải “mang tội”, Phan Đắc Thông đã đi vay tiền của rất
nhiều người để đút lót Phúc Cương, mong được quan phủ “im đi” cho.
Song
vụ việc trên đã lọt đến tai một số quan tỉnh và họ đem việc ấy tâu về Kinh đô
Huế. Vua Tự Đức đọc kỹ lời tâu, liền lệnh cho giải chức của Trương Phúc Cương
ngay và giao cho các quan tỉnh tra xét.
Trương
Phúc Cương bèn làm đơn giải trình. Trong đơn, không những không nhận tội, mà
còn khẳng định những lời tham hặc của các quan tỉnh đối với ông ta là bịa đặt;
hơn nữa Cương còn tố giác những việc làm sai trái của các quan trong tỉnh, đứng
đầu là Tuần phủ Nguyễn Hữu Cơ; sau đo sai con đem đơn đến tỉnh Định Tường nhờ
quan tỉnh này kêu giúp !
Vua
Tự Đức bèn phái một đoàn thanh tra đứng đầu là Quyền Tuần phủ tỉnh Gia Định
Phan Thanh Giản và Khoa đạo Phan Đình Tuyển về phủ Lạc Hóa để tra xét, làm rõ
thực hư. Sau một thời gian, các quan thanh tra triều đình đã khẳng định với đầy
đủ chứng cớ, Trương Phúc Cương không chỉ dùng cường quyền để dọa nạt, bức bách,
buộc Tri huyện Phan Đắc Thông phải “làm luật” cho mình tới 460 quan mà còn với
rất nhiều người khác. Cũng với cách “làm tiền” như vậy, Cương còn phạm một loạt
tội nghiêm trọng, gây họa cho nhiều người. Tại một làng nọ, có người phụ nữ vì
giận chồng mà nông nổi, dại dột tự chọn cái chết cho mình. Do thiếu hiểu biết,
dân làng ấy đã không cho người lên báo với quan trên về khám nghiệm tử thi, mà
đem mai táng ngay. Cương dựa vào đó đã bức bách, doạ nạt họ là “làm sai luật”,
sẽ bẩm báo lên quan trên để “trị tội nặng tất cả những người phạm tội”. Lo sợ
bị vạ, dân làng ấy nhà nhà phải vội vàng bán thóc lúa, đồ đạc, góp tiền, thậm
chí có người không có đồ đạc gì đáng giá, phải bán vợ đợ con để có tiền nộp cho
Cương !
Một
vụ nghiêm trọng khác là một người buôn ở làng nọ trên đường đi buôn bị một tên
cướp chặn lại và cướp của. Nhưng người buôn đó đã khôn khéo bắt được tên cướp
và giao lại cho quan phủ. Lạ thay, Tri phủ Trương Phúc Cương không những không
xử hoặc giao xử tội tên cướp kia, tâu báo vụ việc lên trên; mà còn mớm lời rồi
cưỡng ép tên cướp khai man rằng, chính người buôn kia cướp của, do vậy người
buôn đó phải cống nạp cho Cương để mong tránh tội ! Cả các chánh phó tổng, lý
trưởng, phó lý trong vùng cũng là nạn nhân của cách “làm luật” của quan Tri phủ
Cương với đủ các nguyên cớ và hình thức. Tính ra, Cương đã tham tang, trấn lột
bằng kiểu này tới 126 lạng bạc. Không những vậy, Cương còn dung túng cho con em
và những người thân thuộc trốn lính.
Bộ
Hình cùng các quan kham sai nghị án, buộc Cương phải chịu tội giảo giam hậu (bị
hình phạt thắt cổ cho chết, nhưng còn giam lại đợi phúc tra lại). Nhưng Vua Tự
Đức đổi thành mức giảo quyết (thắt cổ cho chết ngay) để “răn kẻ tham tang, lợi
dụng chức quyền làm bậy, cho hả lòng dân”. Phan Đắc Thông vì không tố giác hành
vi sai trái của Cương, lại làm việc hối lộ nên phạt tội mãn trượng (đánh 100
gậy) và mãn đồ (làm lao dịch với các công việc nặng nhất).
Lời bàn:
Hình phạt từ “giảo giam hậu” mà các quan bộ Hình đưa ra,
được Vua Tự Đức đổi thành “giảo quyết” là sự trừng phạt đích đáng, nghiêm khắc,
đủ tính răn đe đối với hành động “coi trời bằng vung” của kẻ gian tham, cường
hào hay loại “quan lưu manh” Trương Phúc Cương.
Từ câu chuyện trên đây, có thể luận bàn thêm một vấn đề
quan trọng khác : vì sao Tri phủ Trương Phúc Cương có thể lộng hành, có hàng
loạt hành vi sai trái, vi phạm pháp luật đến mức trở thành một vị “quan cường
hào, lưu manh”, không chỉ người dân mà cả quan lại dưới quyền cũng phải khiếp
sợ ? Điều này liên quan đến thể chế quan trường, thể chế công vụ và thanh tra,
giám sát của nhà nước phong kiến.
Trương Phúc Cương “làm bậy” được trước hết là do lỗi của
các quan lại thuộc quyền của viên Tri phủ này, từ Tri huyện Phan Đắc Thông đến
các lại viên trong phủ huyện, xuống các tổng lý ở các làng xã. Họ là những
người được học, được đào tạo, ít nhiều nắm được pháp luật, hiểu được nguyên tắc
thể chế của việc thanh tra, nhất là những điều luật về đàn hặc, tố cáo được nhà
nước phong kiến quy định. Vậy mà, họ không những đã không dựa các điều luật,
nguyên tắc đó để tố cáo các hành vi sai trái, phạm tội của Tri phủ Trương Phúc
Cương, mà còn dùng tiền bạc để hối lộ Cương. Chính sự thiếu dũng khí, dẫn đến
làm sai luật của các quan, lại viên trong phủ huyện, các tổng lý làng xã đã
“tiếp sức” cho Trương Phúc Cương, để viên quan này tiếp tục, ngang nhiên và
thỏa sức thực hiện các hành vi làm luật đến mức trắng trợn, lưu manh của mình.
Thứ hai, khi các quan huyện, các lại viên, các tổng lý
còn thiếu dũng khí trước uy quyền của Trương Phúc Cương, rồi vi phạm pháp luật
như vậy thì người dân đã bị Cương “làm u mê’ cũng là điều dễ hiểu, bởi họ không
hiểu biết pháp luật, không đủ sức “đối trọng” với những vị quan có uy quyền
nhưng đầy thủ đoạn mưu mô, lại càng không biết được và không có đủ các điều
kiện để thực hiện “đường đi nước bước” của việc tố cáo các hành vi sai trái của
quan lại; chưa kể, nhiều người dân thừa hiểu rằng, “thà mất tiền còn hơn đi
kiện quan”, nên đành “đám miệng quan” để được “yên thân, êm chuyện”.
Thứ ba, việc Trương Phúc Cương mặc sức lộng hành trấn lột
trong một thời gian dài, trên một vùng rộng lớn, còn có nguyên do của việc
thanh tra thường xuyên hầu như “vắng bóng”. Trước sự lộng hành của Trương Phúc
Cương; sự ấm ức của các quan và lại viên trong phủ huyện, các tổng lý ở làng
xã; sự đau khổ, nỗi kinh hoàng của người dân trong một thời gian dài, vậy mà
không hề có những bóng “ngựa vằn” (ngựa của các quan Ngự sử, tức quan làm nhiệm
vụ thanh tra thường xuyên) lui tới. Chính điều này đã “tiếp sức” cho Trương
Phúc Cương “vững tin” hơn trong việc thực hiện các hành vi trấn lột của mình.
Từ câu chuyện trên cho hay, để hạn chế sự tha hóa, lộng
quyền của quan lại, nhanh chóng phát hiện các việc làm sai trái của họ và đưa
ra xét xử, phải tạo ra “quan khí” và “dân khí” (tức thái độ cương quyết, khí thế
và bản lĩnh của quan lại và người dân trước các hành vi sai phạm của quan
trên). Để làm được việc đó, phải có được các quy định cụ thể bảo đảm quyền tố
cáo cho người dân và quan lại, đặt ra các điều kiện để bảo đảm cho các nguyên
tắc đó thành hiện thực, đi vào cuộc sống; công tác thanh tra phải tiến hành
thường xuyên, làm chỗ dựa vững chắc để dân và các quan, lại viên chân chính đấu
tranh với những hành vi sai trái của quan trên.
------------
* Bài đã đăng trong sách “Những câu chuyện pháp luật thời
phong kiến Việt Nam” (sách của tác giả), Nhà xuất bản Tư pháp, 2005. Nhân vụ
Tiên Lãng, tác giả bổ sung phần lời bình, nội dung câu chuyện có thật được chép
trong sách Đại Nam thực lục - bộ chính sử của nhà Nguyễn.
*.
BÙI
XUÂN ĐÍNH
Địa chỉ: Viện Dân Tộc Học Việt Nam, số 1
phố
Liễu Giai, quận Ba Đình, tp Hà Nội.
Email: buixuandinh.dth@mail.com.
Điện thoại: 097.378.62.03
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ messenger facebook Trần Hải Sơn ngày 17.02.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét