MỜI ĐỌC:

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

LIỆT SĨ PHÙNG VĂN MINH VÀ ĐIỀM GỞ BÁO TRƯỚC - Tác giả: Nguyễn Đình Tấn (Sài Gòn)

 

(Nguồn ảnh: internet)

LIỆT SĨ PHÙNG VĂN MINH

VÀ ĐIỀM GỞ BÁO TRƯỚC

*

(Tác giả Nguyễn Đình Tấn)

Cuối tháng 10-1980, sau khi học xong lớp y tá và thực tập thêm một tháng ở trạm xá trung đoàn, tôi được bổ sung về đại đội 6, tiểu đoàn 2 đóng quân ở Đăng-cum cách đường quốc lộ số 5 khoảng 20 cây số nếu đi về hướng Ni-mit. Hằng ngày, công việc của tôi là đi hai lần sáng, chiều qua các trung đội còn gọi là "đi thăm bệnh", nắm tình hình sức khỏe, trực tiếp theo dõi, điều trị anh em bệnh binh chủ yếu là sốt rét, trường hợp nặng thì báo về y sĩ tiểu đoàn và thông thường bệnh binh sẽ được chuyển luôn đến bệnh xá trung đoàn, tức khâu điều trị ở đại đội rất quan trọng. Ban chỉ huy đại đội còn dành hẳn một buổi sáng tập hợp các chiến sĩ lại, để tôi hướng dẫn 5 kỹ thuật cấp cứu ban đầu, anh em có thể giúp nhau khi trung đội đi tác chiến không có y tá theo cùng.

Thời gian này, lính Pa-ra thường đi từng tốp từ 8 đến 10 tên theo sau đoàn đi buôn của dân Campuchia vào sâu trong nội địa, khi gặp chốt gác của bộ đội, lúc các anh em đang kiểm tra hàng hóa có giấu vũ khí hay không thì chúng tấn công từ phía sau, gây thiệt hại đáng kể. Cấp trên đã quyết định cho đại đội tôi phục kích tốp lính này.

Trung tuần tháng 12-1980, đại đội tôi họp triển khai nhiệm vụ. Trước buổi họp, để bầu không khí bớt căng thẳng, một cán bộ đề nghị các trung đội lên giúp vui văn nghệ : một cậu chiến sĩ của trung đội 3 gốc miền Tây tình nguyện lên hát bài vọng cổ " Tình anh bán chiếu " khá hay với giọng nam cao truyền cảm, đến lượt trung đội 1, có lẽ anh Minh hay hát nghêu ngao các bài nhạc chế nên bị anh em đùn đẩy lên phía trước. Anh Minh nhập ngũ 1978 có vóc dáng nhỏ con, cao chưa tới mét sáu, có đôi mắt to tròn, anh gãi đầu trên mái tóc ngắn ba phân lộ rõ phần trán… hói. Tôi không biết bài anh hát có tựa là gì, chỉ biết anh mới "trình bày" hai câu đầu:

"Đôi bồ câu trắng bay mất một con, anh cùng em chia nhau đi tìm…", thì ở dưới đã có người bụm miệng cười, làm anh mắc cỡ "đỏ mặt tía tai" chạy thẳng xuống chỗ ngồi, úp mặt vào lưng người ngồi trước, làm cả đại đội cười nghiêng ngả…

Chiều ngày 15-12-1980, sau khi đi thăm bệnh về, tôi máng chiếc túi y tá lên vách lều, vừa quay ra cửa đã gặp anh Minh trờ tới: "Y tá! Ngày mai đi tác chiến rồi, cho tui mượn cuộn băng cá nhân đi!". Tôi ngỡ anh chưa biết nên nhìn vào đôi mắt to tròn của anh cười: "Ngày mai em cũng đi mà!". Trong mắt anh đã lộ rõ sự lúng túng, bồn chồn, lo lắng điều gì tôi không hiểu được, "Tui biết! Nhưng… nhưng y tá cứ cho tui mượn đi, tui hứa tác chiến xong tui sẽ trả liền!". Tôi nhớ chính xác số băng cá nhân có trong túi y tá: "Em chỉ có 17 cuộn băng, anh nhớ trả lại cho em đó!". Tôi do dự, miễn cưỡng quay vào vách lều vì không hiểu anh Minh nghĩ gì. Vừa chạm tay vào cuộn băng cá nhân, nét mặt anh vui hẳn lên, nói chưa dứt câu đã chạy ngay xuống trung đội như thể sợ tôi đổi ý: "Ngày mai tui sẽ trả lại…".

Các cuộn băng trong túi y tá của tôi là loại băng cuốn do Liên Xô sản xuất, có bề rộng 5cm, chiều dài 5 mét, được cuộn thành hình trụ tròn, bọc trong hai lớp vỏ: vỏ trong bằng cao su dày 1ly, vỏ ngoài bằng vải để tăng độ bền chắc và không thấm nước, hạn sử dụng 7 năm. Vỏ ngoài cuộn băng có màu xám ngà, tiệp với màu lá khô, kích thước toàn bộ bên ngoài hình hộp mỗi cạnh khoảng 6cm, có thể bỏ lọt vào túi cóc của bất kỳ chiếc bao-xe đạn nào.

Khoảng 8 giờ sáng ngày 16-12-1980, đại đội tôi bắt đầu hành quân đến điểm phục kích cách "Ngã-Tư-Trinh-Sát" một cây số về hướng Nong-chan. Theo dự kiến khoảng quá giờ trưa, dân buôn sẽ quay về và chúng tôi phải bố trí xong đội hình ở hai bên đường bò trước 10 giờ. Đến 13 giờ, dân buôn lũ lượt thành đoàn quay về bằng xe bò, xe đạp thồ và nhiều người đi bộ gồng gánh, đội hàng trên đầu, hối hả bước dưới làn bụi đường và cái nắng gay gắt như đổ lửa, cũng là lúc cả đại đội chuẩn bị nổ súng. Khoảng 5 phút sau, một loạt đạn trung liên nổ vang bên trung đội 1, như hiệu lệnh làm cả đại đội cùng "nhả đạn" theo, tiếng đạn cứ rào rào, rào rào như tiếng mưa rơi trên mái tôn. Khi tiếng đạn thưa dần cũng là lúc có tiếng gọi: "Y-tá! Y-tá! Y-tá!" làm tim tôi đập loạn xạ vì đây là ca thương binh đầu tiên trong cuộc đời y-tá. Tôi chạy băng qua đường bò về bên phải theo tiếng gọi cũng là lúc gặp anh Hữu, trung đội phó trung đội 1 vừa vác một thương binh chạy về, vừa khóc sướt mướt, ngon lành như một đứa trẻ, những giọt nước mắt này chưa chạm đất thì những giọt nước mắt khác đã ở lưng chừng khoảng không, trên trán và hai bên thái dương anh, mồ hôi đọng thành giọt và lăn dài xuống hai bên cổ. Đầu thương binh phía sau anh chúi xuống, hai tay buông thõng, đưa qua đưa lại theo nhịp chạy của anh Hữu. Tôi giơ tay phải chặn anh lại: "Anh bỏ thương binh xuống! Để em xem!", nhưng dường như anh không nghe tôi nói mà cứ chạy về đứng trước mặt anh Tấn, cán bộ đại đội. Anh Hữu không nói câu nào mà chỉ khóc, trong khi anh Lợi (nhập ngũ 1978 quê ở Thái Bình) trung đội trưởng nói gì đó với anh Tấn. Bỗng mặt anh Tấn đỏ bừng lên, tôi chưa thấy một cán bộ đẹp trai nào như anh Tấn lại khóc xấu như vậy: hai quầng mắt đỏ tròn và cái miệng méo xệch về một bên. Tay phải anh cầm khẩu súng K59, vừa khóc anh vừa nhìn anh Hữu: "Mẹ mày! Mẹ mày!" rồi bất ngờ anh tiến tới, giơ tay phải lên cao tính đập báng súng vào đầu anh Hữu làm tôi hoảng hốt giơ tay tính cản lại vì không muốn có thêm một thương binh nữa, nhưng báng súng chỉ hạ xuống một chút rồi rút lại vì anh Tấn thương chiến sĩ của mình. Tội nghiệp nhất là anh Hữu, khi thấy anh Tấn giơ tay lên, anh không lùi lại tránh mà cúi đầu chịu đựng. Cả ba anh đều đứng khóc làm tôi bắt đầu khóc theo mà vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Bên đại đội 2 khi ở CaoMeLai, lúc chiến sĩ của mình bị vướng mìn KP2 hy sinh tại chỗ, tôi thấy mắt anh Trí ráo hoảng, khuôn mặt tái nhợt đi vì tức giận, lúc đó nếu bắt được thằng gài mìn, anh sẽ bắn thẳng vào mặt nó mà không chớp mắt, còn cán bộ ở đây lại khác quá, mới có một thương binh mà đã khóc như vầy…. Tôi bồn chồn nắm vào cánh tay anh Hữu: "Anh bỏ thương binh xuống! Em xem!". Lần này anh cũng không trả lời mà quay lưng về phía tôi. Tôi ngạc nhiên vì đầu thương binh nhỏ bất thường, như đầu của một đứa trẻ 5 tuổi hơi thuôn dài, da mặt đen sạm mà tôi nhớ chưa từng gặp ai trong đại đội có nước da này cả. Trong lúc anh Hữu dậm chân, nhích người qua lại thì đầu thương binh cũng dịch chuyển qua lại, bỗng như quay mặt về phía tôi, đôi mắt nhắm lại với hai hàng lông mi nghiêng hẳn vào trong, không có tròng mắt mà chỉ là hai khoảng hở tối trong hốc mắt làm tôi rùng mình, ngỡ mình đang trong một giấc mơ, không biết chuyện gì đã xảy ra và đây là ai thì bất ngờ chiếc bao-xe đạn của người thương binh kỳ lạ tuột khỏi vai rơi thẳng xuống đất trước mặt tôi, điều khó hiểu là thương binh đã buông thõng hai tay, anh Hữu vác chạy cả trăm mét mà chiếc bao-xe đạn nặng ba ký rưỡi không rơi, chờ khi anh dừng lại, khi tôi chăm chú nhìn thì nó mới rơi. Chiếc bao-xe nằm nghiêng để lộ phần túi cóc lên trên và tôi đã tái mặt đi, tóc gáy dựng đứng khi nhìn thấy cuộn băng cá nhân. "Trời ơi! Anh Minh", tôi ngỡ ngàng kêu lên đúng lúc máu đỏ hồng có nhiều bọt và lợn cợn một ít óc trắng đục rớt lả chả, lần lượt che kín hoàn toàn cuộn băng. Sự việc diễn ra nhanh chỉ khoảng 2 giây và chỉ mình tôi thấy. Anh Minh đã hy sinh nhưng vẫn giữ đúng lời hứa trả trước mặt tôi cuộn băng nhưng trong hoàn cảnh quá đau lòng này. Tôi cảm thấy ân hận, dằn vặt vì nếu tôi cương quyết không cho anh mượn có lẽ anh không phải hy sinh thương tâm như vậy.

Đêm đó tôi bị mất ngủ, cứ trằn trọc để xâu chuỗi lại các sự kiện, cả chủ quan và khách quan đều góp phần dẫn đến sự hy sinh hay đây là số mệnh của anh mà cuộn băng cá nhân là điềm gở báo trước….

Khi trung đội bố trí đội hình phục kích, vị trí của anh Minh nằm xuất hiện rất nhiều kiến lửa, anh đã dời sang vị trí khác nhưng vẫn bị đàn kiến bám theo như con ong đã "đánh dấu" lên người kẻ thù để đồng loại tiếp tục tấn công mục tiêu, làm anh bực bội, gắt gỏng với cả trung đội trưởng. Anh Lợi đành "xuống nước": "Vậy cậu tự tìm vị trí của mình đi". Anh Minh đã lên phía trước 15 mét giăng võng nằm ngủ. Lúc dân buôn bắt đầu kéo về, anh Lợi đã đến gọi anh Minh dậy về vị trí trong đội hình chiến đấu, rồi anh đi nhắc các chiến sĩ khác mà không giám sát xem anh Minh có về vị trí cũ hay không, anh cũng không dặn trung đội phó là còn một chiến sĩ ở trước đội hình. Phần anh Minh, lúc bị gọi dậy chưa tỉnh ngủ, thay vì quay về đội hình, anh lại đi lên phía trước. Khi biết lạc hướng, anh quay về đường cũ đúng lúc anh Hữu tưởng lầm lính Pa-ra đang đến nên xiết cò khẩu trung liên RPD, loạt đạn đầu tiên đi đúng vào trán làm anh Minh vỡ sọ, hy sinh ngay lập tức…

Phần mộ của liệt sĩ Phùng Văn Minh hiện nay ở mộ 2, hàng 2, khu M12, khu vực liệt sĩ quận 10, Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Không hiểu sao, tôi luôn có cảm giác đây là một trong những ngôi mộ linh thiêng kỳ lạ.

*.

NGUYỄN ĐÌNH TẤN

Địa chỉ: 49B, đường Cách Mạng Tháng 8,

Phường 17, quận Tân Bình, Sài Gòn.

 

 

 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 26.05.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

1 nhận xét:

  1. Người tin thì cho là linh thiêng. Người không tin thì cho là sự trùng hợp

    Trả lờiXóa