MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

THÔNG ĐIỆP HOÀ HỢP DÂN TỘC CỦA NHÀ VĂN TRANG THẾ HY TRONG TRUYỆN NGẮN ‘VẾT THƯƠNG THỨ 13’ - Tác giả: Nguyễn Trọng Bình (Cần Thơ)

 

(Nhà văn Trang Thế Hy ; Nguốn ảnh: internet)

THÔNG ĐIỆP HOÀ HỢP DÂN TỘC CỦA NHÀ VĂN

TRANG THẾ HY TRONG TRUYỆN NGẮN

 ‘VẾT THƯƠNG THỨ 13’

*

 

1. Đặt vấn đề

Sau năm 1986, văn đàn Việt Nam được dịp xôn xao với những "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, "Bến không chồng" của Dương Hướng, "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của Nguyễn Khắc Trường cùng hàng loạt những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp…

Trong xu thế “bước qua lời nguyền” ấy, ở Nam bộ nhà văn Trang Thế Hy cho ra đời truyện ngắn “Vết thương thứ mười ba” (năm 1988). Tuy không “ồn ào” như những tác phẩm, tác giả vừa kể ở trên nhưng “Vết thương thứ mười ba” cũng tạo nên một dư chấn trong tâm hồn bạn đọc, đặc biệt là cái nhìn – quan niệm của tác giả về hai cuộc chiến tranh trước đó của dân tộc.

Đặt “Vết thương thứ mười ba” trong bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam vốn còn nhiều định kiến hẹp hòi sẽ thấy “người hiền của văn chương Nam bộ” có cái nhìn về chiến tranh rất táo bạo và độc đáo.

 

2. Quyền “định nghĩa” chiến tranh phải thuộc về người phụ nữ

Trước hết, về cốt truyện, “Vết thương thứ mười ba” chủ yếu xoay quanh vấn đề xung đột quan điểm về chiến tranh của cặp vợ chồng Châu – Hữu. Trong khi Hữu luôn tự hào về những vinh quang và chiến tích của mình trong hai cuộc chiến tranh trước đó thì Châu lại có cái nhìn ngược lại.

Để giải quyết sự xung đột này, Trang Thế Hy đã tạo ra một tình huống nhận thức rất độc đáo. Có thể gọi đây là tình huống vỡ lẽ và tỉnh ngộ của Hữu – người đàn ông mà theo Châu là “không biết gói kín một nỗi đau lớn”. Trang Thế Hy kết thúc “Vết thương thứ mười ba” bằng sự vỡ lẽ và tỉnh ngộ của Hữu khi biết được sự thật về một “nỗi đau lớn” của vợ. Lúc ấy, Hữu mới “ngộ” ra mười hai vết thương “trên thịt da” của mình không có nghĩa lý gì so với cái vết thương duy nhất của vợ cũng là “vết thương thứ mười ba” của chính ông.

Bên cạnh đó, về phương diện xây dựng nhân vật, “Vết thương thứ mười ba” cũng cho thấy cái nhìn đồng cảm của tác giả dành cho Châu – nhân vật người phụ nữ duy nhất trong truyện. Vấn đề này được đánh dấu bằng hai chi tiết nghệ thuật quan trọng:

Chi tiết thứ nhất là chi tiết có tính dự báo về cuộc đời của Châu qua lời kể của nhân vật Tâm – người kể chuyện xưng “tôi” (cũng là người em họ Châu). Theo đó, Châu là một phụ nữ rất đẹp nhưng đó là vẻ đẹp “vương giả của Lâm Đại Ngọc trong Hồng lâu mộng cộng với cái đẹp quyến rũ hoang đường nhiều ma lực của những “giai nhân gốc ma” trong truyện Liêu trai”; Châu là hiện thân của nàng “tiên mắc đọa nếu không chết yểu thì suốt đời sẽ khổ vì một nỗi đau bí ẩn không thể san sẻ cho ai được…”

Chi tiết thứ hai là chi tiết “tự thú” của Châu với Tâm vì sợ mình ra đi đột ngột sẽ rất có lỗi với chồng. Châu có thể lừa tất cả mọi người kể cả chồng bằng cái “hiện trường giả” về cái chết của “thằng Nhiệm” trên sông Cổ chiên suốt ba mươi lăm năm nhưng chị không thể tự lừa mình về cái gọi là “sự cao cả của một người phụ nữ” vì bất cứ lý do gì mà thất tiết với chồng. Và đây chính là nỗi đau – cái nguyên nhân cốt tử làm cho Châu mắc chứng bệnh “lên cơn buồn” - “accès de Meslancolie” nhưng Hữu thì không bao giờ biết vì không chịu tìm hiểu.

“Chính vì thương anh Hữu mà trong ba mươi mấy năm nay chị không đành bắt ảnh chia sẻ với chị nỗi đau thầm kín đã làm u ám gần trọn đời mình. Chị tưởng như vậy là cao cả. Đúng ra, đó là ngụy lý của người vợ thất tiết không có gan tự thú. Chị quyết định sẽ nói cho anh Hữu trước giờ chị chết. Nhưng nếu chị chết đột ngột như anh Hảo thì sao?”

Ngoài những vấn đề trên thì diễn ngôn của nhân vật người kể chuyện cũng là điểm nhấn quan trọng cho thấy cái nhìn của tác giả về chiến tranh. Điều này thể hiện qua quan điểm của Châu trong những lần tranh luận với Hữu được tác giả trình bày một cách rõ ràng, dứt khoát, rành mạch và chặt chẽ. Đơn cử như cuộc tranh luận giữa Châu - Hữu về quyển “Hồi ký về chiến tranh thế giới thứ hai” của cựu thủ tướng Anh Wintons Churchill được nhân vật người kể chuyện thuật lại như sau:

“Chị Châu nói nhỏ nhẹ, giọng buồn như khóc: Muốn biết chiến tranh là cái gì, người cần hỏi ý kiến, người cung cấp định nghĩa về chiến tranh chính xác nhất không phải là các nguyên thủ quốc gia, các chính khách lẻo mép và các vị thống chế tư lịnh không bị bom đạn làm trầy một miếng da nào.

“Theo em thì phải hỏi ai?” - Anh Hữu gằn giọng, tay cầm ống vố gõ cồm cộp vào bìa cứng quyển Hồi ký Churchill. Giọng chị Châu vẫn nhỏ nhẹ có thêm chút sắc lạnh: “Hỏi vợ anh, cô anh, dì anh…nói chung là những người phụ nữ đã đẻ con cho thiên hạ đem đi nướng… hỏi những bà mẹ sau chiến tranh đi hết nghĩa trang này đến nghĩa trang khác tìm nấm mộ đề tên con mình mà không gặp…”. Anh Hữu cố nén giận làm cho anh thêm lắp bắp như người cà lăm: Cái bi thảm của cuộc chiến tranh giải phóng này có thể viết ra thành nhiều pho sách chớ không phải một vài câu lâm ly như em nói. Nhưng nếu không có nó thì cuộc đời của những người còn sống như chúng ta đây sẽ ra sao?”. Giọng chị Châu vẫn lạnh ngắt: “Chúng ta sẽ sống trong cái nhục mất nước. Thảm họa lớn đó em biết từ hồi còn nhỏ, lúc ba em bị bắt đày đi Bà Rá rồi chết luôn ngoài đó chớ không phải đợi tới khi nghe người khác dạy bảo. Bây giờ nếu cần phải làm thêm một cuộc chiến tranh bất đắc dĩ nhưng cần thiết như vậy nữa và nếu như em còn sức đẻ thì em sẽ đẻ con cho anh đem đi nướng nữa. Nhưng em vừa làm việc đó, vừa đau buồn và không có chút tự nguyện nào…”

Từ những vấn đề trên có thể nói, “Vết thương thứ mười ba” là một diễn ngôn về quyền“định nghĩa chiến tranh” của Trang Thế Hy. Theo đó, Trang Thế Hy cho rằng trong mọi trường hợp quyền “định nghĩa” về chiến tranh phải thuộc về người phụ nữ; chỉ có người phụ nữ mới đủ “tư cách” viết “hồi ký về chiến tranh”; chỉ có họ mới “định nghĩa chính xác nhất” chiến tranh là gì? Vì lẽ, trong mọi cuộc chiến tranh, người bị thương đầu tiên và cuối cùng không phải những người đàn ông mà là người phụ nữ. Người phụ nữ không chỉ mất chồng, mất con mà thậm chí trong nhiều trường hợp còn mất luôn cả danh dự và phẩm giá. Con người một khi đã mất phẩm giá thì những vinh quang và chiến tích nên và cần được nhìn nhận như thế nào?

 

3. Không nên tin “các chính trị gia lẽo mép” và không được “cao hứng” khi nói về chiến tranh

Đọc “Vết thương thứ mười ba” không thể không đặt ra câu hỏi vì sao tác giả lại chọn số “mười ba” mà không phải là một con số nào khác? Vấn đề này hẳn phải thể hiện một ý đồ nghệ thuật nào đó của tác giả. Chúng tôi thử lý giải vấn đề này bằng hai giả thuyết như sau:

Giả thuyết thứ nhất

Trong một xã hội mà tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn vào máu nhiều người, phải chăng “Vết thương thứ mười ba” là cách tác giả cố tình gợi lại vấn đề “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” để độc giả tự nhìn nhận và suy ngẫm?

Ngẫm kỹ lại,“Vết thương thứ mười ba” hóa ra là câu chuyện kể về mười hai vết thương “trên thịt da” của người đàn ông cộng với một vết thương trong tâm hồn của người phụ nữ. Cụ thể, trong truyện, nhân vật Hữu thường hay kể lể tường tận mười hai vết thương của mình với mọi người trong niềm tự hào thì nhân vật Châu lại ray rứt và đớn đau với vết thương duy nhất của mình vì không thể tỏ bày, chia sẻ cùng ai.

Nói cách khác, “Vết thương thứ mười ba” trước hết là cách nói nhằm đánh lừa người đọc về những nỗi đau mà con người phải chịu trong chiến tranh. Đánh lừa ở chỗ nỗi đau của con người trong chiến tranh không thể máy móc “định lượng” mà phải “định tính” – tức phải nhìn sâu vào những sự thật mà vì lý do nào đó đã được hoặc bị chôn giấu. Vì vậy mà mười hai vết thương của Hữu cũng không đau bằng một vết thương của Châu. Nếu như trước đó Hữu rất hay “khoe” mười hai vết thương của mình nhưng làm sao ông dám “khoe” và kể tường tận cho người khác nghe về cái “vết thương lòng” duy nhất của vợ mình và cũng là của chính ông sau này?

Giả thuyết thứ hai

Là một người am tường văn hóa Đông, Tây kim cổ, hẳn Trang Thế Hy đã có ý niệm về nỗi ám ảnh con số 13 trong đời sống tâm linh của con người. Nhìn chung, cả phương Đông (Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản…) lẫn phương Tây đều xem số 13 là con số tượng trưng cho sự không may mắn.

Ở phương Tây số 13 gắn với truyền thuyết về một vị thần cũng là vị khách thứ 13 không mời mà đến trong cuộc “họp mặt” của 12 vị thần – vị khách này thường được xem là ác quỷ vì mang đến sự tang thương, tang tóc cho người khác…

Ở phương Đông số 13 là con số phá vỡ tính trọn vẹn của một hệ thống, một chu kỳ vận hành của thiên nhiên vạn vật trong nhận thức của con người như: 12 can chi, 12 cung hoàng đạo, 12 giờ trong ngày, 12 tháng trong năm…

Trong cái nhìn này, phải chăng cách nói “Vết thương thứ mười ba” vừa mang dụng ý phá vỡ sự ảo tưởng và cao ngạo của Hữu về chiến tranh đồng thời cũng mở ra một “chu kỳ” mới trong nhận thức của Hữu về vấn đề này?

Có thể thấy điều này qua chi tiết nghệ thuật ở cuối tác phẩm. Hữu đau đớn vì “Vết thương thứ mười ba từ “trên trời rơi xuống” qua lời trăn trối của vợ trước lúc lâm chung. Từ đó về sau đi đâu Hữu cũng “đính chính” với bọn thanh niên trong xóm “bây giờ tao là Út Mười Ba” chứ không còn là “Út Mười Hai” như trước đó nữa. Giờ thì Hữu mới biết và thấm thía:“Viên đạn làm tao bị thương cách đây ba mươi lăm năm, bây giờ mới chạm mục tiêu. Vết thương không làm chảy máu, để lại thẹo nhưng tao sẽ đau hoài cho tới chết.”

Từ hai giả thuyết trên có thể rút ra một vài nhận định về tư tưởng nghệ thuật của Trang Thế Hy trong “Vết thương thứ mười ba” như sau:

Thứ nhất, qua “Vết thương thứ mười ba”, Trang Thế Hy đặt ra vấn đề để mọi người cùng suy ngẫm đó là: bản chất thật của những cuộc chiến tranh mà nhân loại đã từng tiến hành đôi khi nằm ẩn sâu trong những nỗi đau mà người phụ nữ đã âm thầm chịu đựng chứ không chỉ ở những vinh quang hay chiến tích của những người đàn ông. Và người đời sẽ không bao giờ hiểu được điều này nếu như chỉ nghe và tin ở những “chính trị gia lẻo mép” - những kẻ đã “làm chiến tranh bằng máu của người khác”.

Vì vậy, khi chiến tranh đã kết thúc rồi, nếu có kể về nó dù là với mục đích gì thì cũng phải xuất phát từ sự thành thật và thận trọng. Đặc biệt khi kể về chiến tranh (cho thế hệ cháu con nghe) phải trên tinh thần lấp lại “những cái hố bom” chứ không nên say sưa và nhất “cao hứng” trong niềm hân hoan, đắc thắng để rồi vô tình hay cố ý quên đi những nỗi đau rất thật mà con người (nhất là người phụ nữ) phải âm thầm chịu đựng.

Nói cách khác, qua “Vết thương thứ mười ba” nhà văn muốn gửi đến độc giả một thông điệp: trong mọi cuộc chiến tranh thì con đường đi đến vinh quang của một cá nhân hay rộng hơn là của một dân tộc nào đó cần được hiểu là con đường “bất đắc dĩ” phải “xây xác quân thù”. Vì thế, không nên xem con đường đi đến vinh quang này là “con đường vui” (tên gọi một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân). Và khi chiến tranh đã qua rồi thì không nên nói hoài về chuyện “ta thắng, người thua”.

“Chiến tranh có khi là ân nhân của một dân tộc bất hạnh nào đó. Nhưng vị ân nhân khó thương đó đã đi qua rồi thì cứ để cho ổng đi qua luôn, mắc mớ gì níu áo ổng lại xin ý kiến? Lúc ổng làm ân nhân mình ổng dạy mình nhiều điều rất hay ho trong cảnh đầu rơi máu đổ. Nhưng trong hòa bình ông không còn là một ông cố vấn tốt nữa đâu”.

Thứ hai, từ góc nhìn văn hóa và nữ quyền luận có thể nói, “Vết thương thứ mười ba” là diễn ngôn của nhà văn nhằm bênh vực cho những người phụ nữ Việt Nam về quyền được sống thật với chính mình trong sự “toàn trị của nam giới” (dù là sống bằng những nỗi đau không ai có thể chia sẻ hay bù đắp). Ở phương diện nào đó, “Vết thương thứ mười ba” là những câu hỏi mà tác giả muốn đặt ra với tất cả mọi người: tại sao đến cả cái vết thương trong lòng mình mà người phụ nữ Việt Nam cũng phải đắn đo cân nhắc, không dám nói ra dù phải hàng ngày hàng giờ đối mặt với nó? Vì đâu mà nẩy sinh cái tâm lý đáng thương và tội nghiệp này nơi người phụ nữ Việt? Phải chăng một phần là do thói ích kỷ và sự hời hợt của giới vai u thịt bắp – những kẻ được xem là “phái mạnh”, là “bóng tùng quân” của những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” nhưng đôi khi chẳng hiểu gì về họ? Điều này cũng giống như nhân vật Hữu trong truyện dù rất yêu vợ nhưng lại không bao giờ hiểu tại sao Châu mắc chứng bệnh hay “lên cơn buồn” - “accès de Meslancolie”.

Cuối cùng, nếu như ở “Nỗi buồn chiến tranh” và “Bến không chồng” cả Bảo Ninh và Dương Hướng đều dẫn dắt người đọc bằng “mô-tip”: chiến tranh (trước hết) đã tạo ra sự ngăn cách về không gian địa lý từ đó dẫn đến sự “cách ngăn” trong tâm hồn, suy nghĩ và thân phận của những người trong cuộc thì ở “Vết thương thứ mười ba” Trang Thế Hy không dẫn dắt người đọc theo hướng này. Ở “Vết thương thứ mười ba”, người đọc không thấy có sự ngăn cách về không gian địa lý của cặp vợ chồng Châu, Hữu. Sau chiến tranh họ vẫn sống cùng nhau trong một mái nhà và vẫn rất yêu thương nhau thế nhưng trong sâu thẳm tâm hồn thì giữa hai người vẫn không có được “tiếng nói chung”. Đặc biệt với Hữu, tuy rất yêu vợ nhưng tình yêu ấy được xây dựng trên sự độc đoán và hời hợt nên chỉ càng làm cho Châu thêm ray rứt và đớn đau hơn.

Qua cách tiếp cận vấn đề như vậy, phải chăng Trang Thế Hy muốn nói rằng khi chiến tranh kết thúc, giang sơn đã thu về “một mối”, gia đình đã “đoàn tụ” nhưng điều đó không có nghĩa là không còn sự “cách ngăn” giữa những người Việt với nhau. Thậm chí là ngay cả với những người “đầu ấp tay gối” nhưng giữa họ vẫn không tìm thấy sự hòa hợp, đồng điệu trong suy nghĩ?

 

4. Thay lời kết

Nhà văn Nguyên Ngọc khi nói về Trang Thế Hy đã có một so sánh rất thú vị. Ông cho rằng giữa Trang Thế Hy và cố nhà văn Nguyễn Tuân dù rất khác nhau nhưng có điểm chung là “suốt đời chăm chú lần mò đi tìm cái đẹp, trong chốn ngổn ngang nhân sinh”. Rất đồng cảm với nhà văn Nguyên Ngọc về điểm này, tuy vậy, ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề: nếu như cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân phần nhiều đều xuất phát từ quan niệm của những “nghệ sĩ” tạt ngang cuộc đời để mà chơi cho thỏa thích (vậy nên rất dễ tạo nên tranh cãi) thì ngược lại cái đẹp trong văn Trang Thế Hy là cái đẹp của những con người bình thường ngồi chiêm nghiệm cuộc đời để mà… lớn. Cái đẹp trong văn Trang Thế Hy vì thế ít gây tranh cãi hơn (trừ khi ai đó chấp nhận chối bỏ cái phận sự làm người tử tế của mình). Và “Vết thương thứ mười ba” là một cái đẹp như vậy – có thể nói đây là cái đẹp từ tâm và “không bẹo hình bẹo dạng” của “người hiền Nam bộ” Trang Thế Hy.

—————————

Tài liệu tham khảo

1. Trang Thế Hy – Truyện ngắn Trang Thế Hy. Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2006.

2. Nguyễn Đăng Mạnh – Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn. Nhà xuất bản Giáo dục, 2006.

3. Pierre Bourdieu – Sự thống trị của nam giới (Lê Hồng Sâm dịch). Nhà xuất bản Tri thức, 2011.

4. Huỳnh Như Phương – Lý luận văn học nhập môn. Nhà xuất bản Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2010.

5. Lê Ngọc Trà – Lý luận và văn học. Nhà xuất bản Trẻ, 2005.

6. Lê Ngọc Trà – Văn chương, thẩm mĩ và văn hóa. Nhà xuất bản giáo dục, 2007.

*.

NGUYỄN TRỌNG BÌNH

(Giảng viên khoa Ngữ Văn)

Địa chỉ: Trường Đại học Cửu Long, Quốc Lộ 1A,

xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

 

 

 

 

 

 

  ......................................................................................................

- Cập nhật từ messenger facebook Vũ Thị Hương Mai ngày 12.05.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét