.(Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ; Nguồn ảnh: internet)
CHÂN DUNG NGUYỄN XUÂN KHÁNH
ĐẶT CẠNH NGUYỄN HUY THIỆP
*
(Tác giả Nguyễn Hoàng Đức) |
Các nhà sư phạm nói với tôi, ở Âu
- Mỹ các thầy cô kiêng, không được so sánh trực tiếp giữa trò nọ với trò kia,
vì có thể tạo ra cả định kiến lẫn mặc cảm thiên lệch không tốt. Tôi đã định đặt
tên bài là “so sánh” giữa nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và nhà văn Nguyễn Huy
Thiệp, nhưng thấy không ổn, nên đành “để cạnh” nhau thôi. Để cạnh thì cái này
làm ngời lên cái kia, hay cái ni dìm cái nớ… là việc tự nhiên, chứ không thể
quy tội trù úm??? Nhưng tại sao nhất định cứ phải đặt Nguyễn Xuân Khánh cạnh Nguyễn
Huy Thiệp? Nó có lý do không đừng được của nó, tôi sẽ minh tường sau. Nhân đây
cũng cám ơn nhà văn Uông Triều đã đưa hai nhà văn này lên trang Facebook để tôi
có nguyên do viết bài này.
Trước tiên, tôi muốn viết về
Nguyễn Xuân Khánh, không phải ưu tiên ông về tuổi tác, mà trong đám rước, bao
giờ vua cũng ra sau, tôi đã từng gọi Nguyễn Huy Thiệp là vua truyện ngắn, cho
nên để người ngồi ngai ra sau thì đúng lẽ hơn.
Nguyễn Xuân Khánh hình như là
người Hà Nội phố cổ (để tôn trọng sự bảng lảng thăng hoa của mình, tôi tự miễn
không tra trích ông). Ông có một dáng người cao trang nhã, mà tướng mạo có thể
gọi là “vóc hạc” – rất thích hợp cho tướng làm tham mưu, cũng như chữ nghĩa.
Khuôn mặt ông có thể dùng lối nói của người Việt “khô chân gân mặt đắt mấy cũng
mua” – nghĩa là làn da có hình Kim (kim loại), cộng với đôi môi vừa phải (không
dầy – không mỏng) biểu hiện ông là người có lý trí cao. Bằng bản lĩnh của lý
trí, ông chuẩn bị cho mình cho mình một kiến thức khá dồi dào, tiếng Pháp,
tiếng Anh, hình như cả tiếng Tàu, nghiên cứu triết học… Còn trải nghiệm cuộc
đời mặt ông như một thung lũng đau khổ dày vò không thể đau đớn hơn, cả khuôn
mặt ông lúc nào cũng như đang mếu khóc, có thể ông không khóc nhiều, nhưng cả
cơ hàm của ông mang cấu trúc của những hàng lệ giống như vặn máy thì ra nước
vậy. Ông đã từng là tay bút ưu tiên trong hệ tem phiếu, nhưng không hiểu cuộc
đời vật vã thế nào ông bị treo bút, rồi phải nuôi lợn để chăm lo cho bảy người
từ mẹ già đến con thơ trong nhà… Thôi, phần "khổ nhục kế" của Nguyễn
Xuân Khánh thế cũng tạm đủ rồi. Văn chương của ông thì sao? Thật sự tôi rất ít,
hoặc gần như không có thời gian đọc sách của người Việt, nhưng tôi đã đọc trọn
vẹn cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly của ông. Ông viết bằng một kiến thức sâu, rộng
và dầy, những đường công-tua (chu vi) mạch lạc rõ ràng, còn những bảng lảng mơ
hồ mà dân họa sĩ hay dùng là Sensible (run rẩy nhạy cảm) thì lúc nào cũng tràn
ngập như sương khói lam chiều đang trộn sa lát cùng nắng rụng hoàng hôn… Những
câu văn của ông dù viết về nhân vật Á Đông nhưng mang cấu trúc của ngôn từ
tiếng Pháp, tiếng Anh.
Còn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tại
sao tôi cứ phải dính mắc vào với Nguyễn Xuân Khánh? Vì anh Thiệp vốn dân sử. Sử
Việt Nam chủ yếu đằng đẵng vài ngàn năm liên đới với Tàu. Ngôn ngữ, học vấn,
bút pháp của Nguyễn Huy Thiệp chủ yếu là Tàu, và một ít văn học Nga hồi chủ nghĩa
xã hội, hay còn gọi là bao cấp tem phiếu. Gì chứ một Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân
Khánh hoàn toàn có những mặt bằng để soi sang bút pháp trần thuật Tàu, mệnh đề
ngắn đơn giản của Nguyễn Huy Thiệp. Về điểm này, thì văn anh Thiệp chỉ là đoản
ca hát xoan - xẩm của người Việt so với giao hưởng tiểu thuyết của Nguyễn Xuân
Khánh. Tôi đã gặp vô số người ca tụng Nguyễn Huy Thiệp, nhưng chưa một lần thấy
họ nói được nó hay ở cái gì? Mà chủ yếu là: “Anh Thiệp ơi, anh viết về cây đa
trong truyện sao giống hệt cây đa ở làng em…”
Anh Thiệp bé lùn, dáng đi tấp
tểnh, đặc biệt anh hay nói lắp, lắp bắp luôn. Nhà văn mà nói lắp là tối kỵ, vì
nhà văn là ngôn ngữ mà. Và chính thế mà anh Thiệp viết câu văn ngắn, điều này
còn thể hiện tất yếu, khi anh Thiệp không biết tiếng Tây và gặp vấn để về mệnh
đề phức hợp.
Với nhà văn danh tiếng bao trùm
kinh thiên động địa như Nguyễn Huy Thiệp thì tôi không thể nói vu vơ mà phải
chắc chắn với những sở cứ. Tri thức của một nhà văn như anh Thiệp là còn quá
mỏng, bằng chứng anh Thiệp vừa từ truyện ngắn chuyển lên tiểu thuyết mini như
“Tiểu Long Nữ” thì rơi thẳng đứng luôn… nếu không kịp dừng lại có nguy cơ mất
cả vốn lẫn lãi. Nhà văn Nam Cao viết: “Viết văn giống đi buôn vậy, anh không có
vốn thì buôn cái gì?”
Vậy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có
thành công không? Nguyễn Huy Thiệp đã rất thành công giữa đám cán bộ lèo tèo
lười nhác nhưng háo danh quen thói ẩn nấp trong các tòa báo công sở, viết gì
cũng được in và lo chạy giải, hà hít vài hơi ra mấy mẩu thơ hay vài truyện ngắn
kiểu người tốt việc tốt… trong khi đó Nguyễn Huy Thiệp viết bằng một mặc cảm
của Napoleon sống nơi sơn cùng thủy tận trên đảo Corse, khi bị đầy lên Sơn La
dạy học trò, và hì hục đổ mồ hôi lao động viết cả tháng mới xong một truyện
ngắn (truyện ngắn “Sang Sông” Nguyễn Huy Thiệp viết nhanh nhất là một tuần,
theo như anh tâm sự).
Rõ ràng về tri thức một giáo viên
sử học, cùng lao động văn chương miệt mài lao tâm khổ tứ, Nguyễn Huy Thiệp hơn
hẳn những cán bộ văn phòng viết văn chủ yếu là tiểu nông, già cả mà anh gọi là
“bọn giặc già thơ phú lăng nhăng”. Đấy là lý do để Nguyễn Huy Thiệp bứt phá và
vượt lên trên dãy nhà văn cán bộ. Nhưng như vậy là chưa đủ, ông mới chỉ đạt
được nhà văn nổi tiếng lẫy lừng nơi thôn quê, góc phố mà chưa thể trở thành văn
hào mang những cơn chấn động trong những sa lông sang trọng của dân trí thức
thượng thừa. Số đông rất quan trọng nhưng đó chỉ là nghệ thuật bình dân hay
nhạc pop thôi. Nhưng chỉ có giàn nhạc giao hưởng mới được biểu diễn trong nhà
hát lớn có khoảng trăm người nghe.
*.
Paul Đức 09/7/2019
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
Địa
chỉ: Số nhà 100, đường Nguyễn
Xiển
(ngã 4 Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển)
quận Thanh Xuân, thành phố Hà
Nội.
Email: Paulnguyenhoangduc@gmail.com
......................................................................................................
- Cập nhật từ
messenger facebook Vũ Thị Hương Mai ngày 16.06.2021.
- Bài viết không
thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi
rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét