MỜI ĐỌC:

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

CHỢ PHIÊN DÀO SAN: BẢN SẮC VĂN HÓA VÙNG CAO - Nhiều Tác Giả

  .

CHỢ PHIÊN DÀO SAN

*

Chợ Dào San ở xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là tâm điểm của 8 xã vùng cánh cung biên giới phía Bắc huyện Phong Thổ. Nơi đây, những người dân trong huyện đến bán những thứ gì họ có và mua những gì họ cần từ mớ rau, con gà vịt, vải, quần áo | Chợ phiên Dào San - Phong Thổ Chợ Dào San ở xã Dào San huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu là tâm điểm của 8 xã vùng cánh cung biên giới phía Bắc huyện Phong Thổ. Nơi đây những người dân trong huyện đến bán những thứ gì họ có và mua những gì họ cần từ mớ rau con gà vịt vải quần áo. Cõng rau xuống chợ Chợ cũng là nơi giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao cực Bắc như Mông Dao Hà Nhì. nơi vùng cao Tây Bắc. Ngày nay chợ phiên Dào San không chỉ là ngày hội của đồng bào 8 xã mà còn hấp dẫn nhiều người dân các nơi đến mua bán và thưởng thức nét độc đáo của phiên chợ vùng cao. Toàn cảnh phiên chợ Món bánh được làm từ cơm của đồng bào.

P/s: Ảnh minh họa trong các bài viết được sưu tầm từ trên mạng internet.

 

CHỢ PHIÊN DÀO SAN

(Tác giả: Vụ Văn hóa dân tộc)

 


Chợ Dào San tuần họp một phiên vào chủ nhật. Chợ nằm đúng tâm điểm của 8 xã vùng cánh cung biên giới phía Bắc huyện Phong Thổ( Lai Châu).

Từ thành phố Lai Châu lên chợ Dào San khoảng 50 cây số. Chợ có tự bao giờ khó ai có thể nói chính xác được, nhưng với người Mông, Dao, Hà Nhì ở vùng này phiên chợ Dào San quan trọng lắm. Chợ Dào San là nơi có thể bán được những thứ họ có, từ mớ măng, gùi su su, con gà…, rồi mua dầu, mua muối, mua vải…

Ngày xưa, khi chưa có đài, vô tuyến, phiên chợ này cũng là điểm quan trọng nhất để trao đổi thông tin. Người ta đến chợ để tìm bạn, kết bạn, trai gái nơi này tìm bạn tình chủ yếu qua chợ phiên. Người ta đến chợ phiên còn để tìm bạn cũ, cũng là nơi gần như duy nhất, có thể hi vọng, tìm lại một nửa, ngày xưa nhỡ lỗi hẹn. Ở Dào San đến bây giờ, vẫn còn có những người già đến chợ, không mua bán gì, lặng lẽ đi khắp chợ, gặp ai cũng nhìn, như tìm ai đó, rồi lại lặng lẽ về lúc xế chiều chợ tan. Dẫu cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng với những người dân 8 xã vùng biên cực Bắc của huyện Phong Thổ phiên chợ Dào San vẫn mãi là ngày hội.

Ngay từ chiều hôm trước, phụ nữ các dân tộc đã chuẩn bị váy áo cho phiên chợ sớm mai. Từ những việc trọng đại như sắm đồ đón Tết, đồ cưới, làm lý, hay đơn giản chỉ là mua vài cuộn sợi, chút ít thực phẩm cho cả tuần. Nhưng váy áo đi chợ nhất thiết là phải đẹp, bởi đi chợ còn là đi chơi. Cũng có thể chẳng mua thứ gì, nhưng với họ, vượt qua cả mấy quả núi, mấy con khe để được gặp nhau, trò chuyện là đã vui lắm rồi.

Từ tờ mờ sáng, trên các nẻo đường ẩn hiện trong sương và mây mù của các bản Mông, Thái, Dao, Hà Nhì... đã rậm rịch tiếng chân người, tiếng ngựa thồ, tiếng xe máy. Người ta tíu tít nói cười, í ới gọi nhau cùng xuống chợ phiên. Những sản vật theo đồng bào xuống chợ mang đậm hương vị núi rừng. Đấy là những gùi nếp hương, giọ mận, giọ đào; mật ong thơm ngậy, măng đắng, thảo quả hay những thẻ hương bán cúng rằm, những chiếc vòng đồng nhỏ xinh với quan niệm tránh ma tà, quỷ dữ... Cái sự mua bán ở đây cũng thật giản đơn. Người bán nói giá bao nhiêu, nếu người mua ưng bụng sẽ trả bấy nhiêu, không mặc cả. Cả chợ hiếm thấy một cái cân, bởi đơn vị cân đong ở đây được tính bằng con, bằng cái, bằng mớ.

Mỗi dân tộc có tiếng nói riêng, nhưng dường như họ nhìn nhau đã hiểu cái bụng nhau nghĩ gì. Từng dòng người với váy áo sặc sỡ xuống núi rồi hòa vào nhau tại phiên chợ. Có sắc đỏ cam rực rỡ đặc trưng của các cô gái người Dao; có sắc trắng đen trên những nếp váy bồng bềnh nhún theo từng bước của các thiếu nữ người Mông; người Hà Nhì thì mặc váy xanh dịu mát, đội vành khăn với những chùm hoa đỏ rủ dài... Tất cả tạo nên một bức tranh đa màu, sống động, một khung cảnh đặc trưng cuốn hút bất kỳ du khách nào trước nét đẹp của văn hóa Tây Bắc.

Chợ có tự bao giờ, khó ai có thể nói chính xác được, nhưng với đồng bào các dân tộc ở vùng này, chợ phiên Dào San quan trọng lắm! Trong phiên chợ còn có những ánh mắt thẹn thùng, đôi má ửng đỏ của các cô thiếu nữ trước những câu hát đối ngẫu hứng, vài điệu khèn của chàng trai. Chiều xuống, chợ tan, nhưng ai nấy đều bịn rịn, lưu luyến. Những niềm vui, hẹn ước được nhóm lên từ phiên chợ. Để rồi, họ lại háo hức đợi đến phiên chợ sau./.

----------

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/cho-phien-dao-san-20191228175015312.htm

 

 

CHỢ PHIÊN DÀO SAN

(Tác giả: Phương Liên)

 


Chợ phiên Dào San họp vào các ngày thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần ở trung tâm xã Dào San, huyện Phong Thổ. Đây là chợ vùng cao đặc trưng, điển hình của Lai Châu và cả vùng Tây Bắc.

Từ tờ mờ sáng, trên các nẻo đường ẩn hiện trong sương mây của 8 xã vùng cao, biên giới huyện Phong Thổ đã rậm rịch bước chân người, ngựa, tiếng xe máy. Núi rừng bừng thức dậy, bừng sáng, náo nức, nhộn nhịp. Từng tốp, từng đoàn trai gái Mông, Hà Nhì, Dao, Thái…váy áo xênh xang, hoa văn đủ sắc màu, cả trầm lắng, cả sặc sỡ đổ về chợ, nổi bật trên nền núi biếc, rừng xanh. Chợ Dào San không đơn thuần là chợ đầu mối trao đổi, mua bán hàng hoá như thảo quả là lâm sản có giá trị kinh tế cao, các mặt hàng lâm thổ sản, các sản phẩm nghề thủ công truyền thống…Cái đặc trưng, độc đáo, điển hình ở phiên chợ này là “văn hoá chợ’, nơi phát lộ và giao lưu bản sắc văn hoá của nhiều dân tộc. Đồng bào đi chơi chợ như trẩy hội, như đi chơi tết. Ta có thể bắt gặp những chàng trai Mông tay ôm khèn, tay dắt ngựa, vai đeo đài quay băng (radio cassette), “khoe” những bài dân ca Mông, rồi dừng chân độc diễn, thi diễn một điệu múa  khèn. Ta có thể chứng kiến các tốp trai gái Thái, Hà Nhì hát đối đáp, trao duyên. Phụ nữ Mông địu con đi chơi chợ, vừa đi vừa xe lanh, dừng chân ngồi trên đá thêu hoa, hay ngồi che ô cho chồng ngủ. Hoặc túm tụm, xúm xít từng tốp con gái Mông ríu rít nói cười, xem con trai Mông chơi cù, múa khèn, xem trai gái Thái chơi “tó mắc lẹ”…

Đi chợ phiên Dào San, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng núi trập trùng, những thác nước lấp lánh, những thửa ruộng bậc thang, những dòng suối, cầu treo, bản làng thấp thoáng, ẩn hiện trong sương mây trên dọc đoạn đường núi quanh co gần 40 km từ trung tâm huyện lỵ…

----------

Nguồn: http://laichau.tourism.vn/index.php/item/128

 

 

CHỢ PHIÊN DÀO SAN

NÉT BẢN SẮC ĐỘC ĐÁO VÙNG CAO

(Tác giả: Hồng Anh)

 


Vẹn nguyên nét đặc trưng của chợ vùng cao, cũng chẳng ai nhớ có tự bao giờ nhưng chợ phiên Dào San không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là địa điểm lý tưởng để nhen nhóm những niềm vui, hẹn ước của bà con các dân tộc 8 xã phía Bắc của huyện Phong Thổ.

Những ngày cuối tháng 7, khi những cơn mưa cuối hạ chưa đủ để làm dịu bớt cai oi ả của nắng hè, chúng tôi có dịp đi chợ phiên Dào San. Xuất phát từ thành phố lúc 5h30 sáng với bao háo hức, chưa đến 7h30 chúng tôi đã có mặt tại chợ. Vốn hay đi chợ phiên San Thàng, thưởng thức sắc màu đa dạng của thổ cẩm, của sản vật núi rừng và không khí khác biệt với các siêu thị, trung tâm mua sắm song chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng với những nét riêng biệt nơi đây. Có lẽ điều này phải bắt đầu từ con đường đến Dào San với những trảng ruộng bậc thang lấp lánh mùa nước đổ; vài chiếc cầu treo thơ mộng vắt qua con suối Nậm Củng dẫn vào các thôn bản trù phú, yên ả sớm mai; từng vạt chuối, ngô xanh mát mắt, rừng cao su nối tít tắp đến chân trời.

Đặt chân vào đất Dào San, cảm giác se lạnh, dễ chịu như đang ở đất du lịch Sa Pa bởi giữa hè mà sương mù bảng lảng quyện trên các sườn đồi, mái nhà, tiếng xe máy xình xịch, bước chân người, ngựa đi chợ cùng với tiếng nói cười náo nức… Điểm đầu tiên dễ nhận thấy là chợ nằm trên doi đất nhô ra ở lưng chừng con dốc hơi quanh co, 1 bên là đồi cao, 1 bên là thung lũng sâu thẳm được bao phủ trắng xoá bởi 1 màn mây! Nghe nói muốn phóng tầm mắt ra xa thì phải chọn ngày nắng đẹp, nhưng không phải điều dễ dàng thực hiện.

Vừa chậm rãi cùng chúng tôi vào chợ, Trung tá Vàng A Lầu – Chính trị viên Đồn Biên phòng Dào San vừa giới thiệu, ngay cả những người già nhất ở đây cũng không nhớ rõ chợ Dào San có từ khi nào, chỉ biết trước đây chợ họp vào ngày con có sừng trong 12 con giáp, nhiều năm nay thì họp vào chủ nhật hàng tuần. Đây là trung tâm buôn bán, giao thương, cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ của Nhân dân các dân tộc 8 xã phía Bắc của huyện Phong Thổ. Vì thế nên nhiều năm qua, Đồn cũng chọn chợ phiên là một trong những địa điểm lý tưởng để tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân. Khuôn viên chợ khang trang như hiện nay mới được xây dựng năm 2010, với tổng diện tích trên 1.337m2, có cả bãi để xe, buộc ngựa thồ cho bà con.

Theo quan sát của chúng tôi thì dường như cái khuôn viên chợ không đủ rộng và cũng không hợp với tư duy phóng khoáng nên bà con ngồi tràn ra cả 2 bên lề của một đoạn đường dài gần 100m. Nhìn đi nhìn lại cũng chỉ thấy người, người đi chợ đông hơn người bán! Điều này dù có phải tranh cãi bao nhiêu lần tôi cũng dám khẳng định rằng chỉ có ở chợ phiên vùng cao!

Từ các ngả vào chợ, từng tốp nam thanh, nữ tú, những cặp vợ chồng mang cả con còn rất nhỏ người Dao đỏ, người Mông, Hà Nhì với những bộ váy áo, túi, mũ sặc sỡ phải quấn áo chen chân vào chợ song vẫn cười vui hớn hở như thỏa cái khát khao đến chợ. Cái ồn ã vốn có dường như không đủ để khuất lấp âm thanh đầy ắp tín hiệu yêu đương da diết của những bài dân ca Mông được phát ra từ chiếc điện thoại hay chiếc radio của các chàng trai Mông mang đến chợ.

Chị Giàng Thị Máy - Người Mông ở xã Nậm Lỏong, thành phố Lai Châu cho biết, dù cách 50 km, nhưng mấy năm nay, dù bận rộn thì vợ chồng chị cũng cố gắng sắp xếp thời gian đi chợ Dào San. Đến chợ vốn đã không có gì mang bán mà có khi chỉ mua vài chùm mắc khén, cái gùi, vài thứ quả mà ở chợ thành phố không thiếu, nhưng chủ yếu là để được gặp gỡ bạn bè, được giao lưu. Quan trọng nhất là anh chị được sống lại những kỷ niệm của “những ngày đầu lưu luyến”, mới gặp nhau “đã ưng cái bụng”…   

Bày bán ở chợ là những gùi măng củ được gọt sạch vỏ, trắng bóc hay măng nứa được luộc vàng, bó cẩn thận; giỏ đào chín phớt hồng như má thiếu nữ Mông; những gùi cơm xôi đủ màu sắc trắng, vàng, tím tỏa hương thơm ngào ngạt; mật ong thơm nức còn nguyên sáp; những chiếc bánh rán bọc đường phên vàng đậm, thơm ngậy; những gùi hương làm bằng cây rừng được xòe ra như những chiếc quạt; những chiếc gùi được đan tỉ mỉ, công phu ..Nhiều người chỉ vài quả dưa leo hay 1 dúm ớt tươi, vài lạng mộc nhĩ, nấm hương hay dăm ba chùm mắc khén cũng cố chen lấy 1 chỗ đứng trong chợ! Không chỉ mang đậm hương vị của núi rừng mà những thứ nông sản bà con mang bán cũng rẻ như cho; cách mua bán cũng không cần mặc cả, vừa hỏi giá, trả tiền vừa hỏi thăm nhau chuyện trồng cấy, chăn nuôi con gà con lợn, chuyện nhớ con gái được gả chồng ở nơi xa….

Cùng với nông sản, thực phẩm bà con mang đến chợ là những sạp quần áo, những cửa hàng bán đồ điện tử, điện lạnh, quán ăn, nhà nghỉ. Lý giải cho những ngạc nhiên của chúng tôi, anh Lầu cho biết: Có cầu ắt có cung. Nếu như trước đây tủ lạnh, máy giặt, quạt sưởi, nồi cơm điện, tivi …vốn xa lạ với cuộc sống của bà con thì cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng các chương trình, dự án trong đó có điện, đường giao thông, việc đến chợ cũng dễ dàng hơn, không còn phải lặn lội đi bộ, xe đạp từ hôm trước thì bà con cũng biết mang những sản phẩm nông nghiệp của nhà mình đến chợ bán lấy tiền sắm đồ điện tử về phục vụ cuộc sống sinh hoạt gia đình.

Chị Phàn A Phi - dân tộc Dao vừa xếp gọn những chiếc gùi vừa chia sẻ: Nhà chị ở xã Mù Sang, hầu như phiên chợ nào chị cũng có mặt bởi với trồng ngô, lúa, nuôi lợn thì nông nhàn, chồng ở nhà đi rừng lấy nứa đan gùi, còn chị có nhiệm vụ mang ra chợ bán. Và cũng theo chị thì có phiên chợ mang 10 chiếc đi chỉ bán một loáng là hết, có khi ngồi hết buổi chợ chỉ bán được 1 chiếc như hôm nay thì chị lại cùng chồng chở về nhà, đợi đến phiên chợ sau. Nhưng với vợ chồng chị cũng như nhiều bà con nơi đây, đi chợ còn được nghe chương trình phát thanh của Đồn Biên phòng Dào San với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn bà con đưa giống, cây con mới vào sản xuất, phát triển kinh tế; xây dựng đời sống văn hóa; giữ gìn bản sắc dân tộc là đã vui lắm rồi.

Chợ tan, con đường trở về thành phố như dài hơn với bao bịn rịn với đất và người nơi đây, nhất là sự hồn hậu, cái chất phác đáng quý của người vùng cao - Những thứ chỉ qua lời kể, tả không thể thấy hết, hiểu hết mà phải được nhìn thấy, cảm nhận trực tiếp bằng cả trái tim. Chợt nhận ra có lẽ đó là thứ cảm xúc mà biết bao người khi đã một lần đặt chân đến đây đều mong ngày trở lại.

----------

Nguồn: https://baolaichau.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/ch%E1%BB%A3-phi%C3%AAn-d%C3%A0o-san-%E2%80%93-n%C3%A9t-b%E1%BA%A3n-s%E1%BA%AFc-%C4%91%E1%BB%99c-%C4%91%C3%A1o-v%C3%B9ng-cao

 

 

CÓ MỘT CHỢ PHIÊN DÀO SAN

PHONG THỔ NHƯ THẾ GIỮA NÚI RỪNG

(Tác giả: Hòa Luty)

 


Chợ phiên Dào San Phong Thổ nằm tại xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Chợ là nơi trao đổi, buôn bán, giao lưu và kết bạn giữa 8 xã của huyện mà nhiều người vẫn gọi là 8 xã “cánh cung biên giới” ở phía Bắc. Bà con dân tộc ở nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc vùng cao phía Bắc như dân tộc H’Mông, dân tộc Dao, hay dân tộc Hà Nhì,... 

Chợ nằm độ cao hơn 15000 mét so với mực nước biển. Chợ có tổng diện tích trên 1.300m2 và được xây dựng lại vào năm 2010 cho khang trang và đẹp hơn trước, xây thêm cả bãi đỗ xe cũng như những cột buộc ngựa cho bà con tới đây. Cứ cách 6 ngày chợ sẽ họp 1 lần, đến ngày sửu và ngày mùi theo lịch âm là bà con nơi đây lại tất bật chuẩn bị lên chợ Dào San. Có lẽ vì thế mà chợ phiên này vẫn hay được gọi với cái tên là “chợ sừng” – cứ đến ngày con có sừng trên lịch là chợ họp. 

Sở dĩ người dân lại lựa chọn 2 ngày này để họp chợ vì theo quan niệm của bà con nơi đây thì 2 con trâu và con dê là 2 con vật đem lại sự ấm no và sung túc. Cũng chẳng có ai nhớ nổi chợ có từ bao giờ. Cứ thế chợ tồn tại cho đến ngày nay như một nét văn hóa không thể thiếu. Ngày nay, phiên chợ còn thường xuyên họp vào những ngày chủ nhật kể cả không phải ngày con dê hay con trâu. 

Nếu bạn di chuyển từ trung tâm thành phố thì sẽ mất khoảng chừng hơn 2 tiếng để đến với nơi họp chợ. Đường đến với nơi đây, du khách có thể được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang cao thấp, nhấp nhô giữa núi rừng. Đến đây vào mùa nước đổ hay mùa lúa chín thì lại càng đẹp hơn nữa! Không khí tại đây quanh năm mát mẻ, sáng sớm ghé tới đây còn có thể thấy được sương mù hay chiêm ngưỡng cảnh tượng như đang “đi trên mây” rất thú vị. 

Đi chợ Dào San có gì?

Khác với những phiên chợ phiên khác quanh vùng, chợ phiên Dào San Phong Thổ lại có một nét độc đáo riêng. Bên trong chợ không quá rộng, các gian hàng không vì thế mà ít đi, bà con không có chỗ thì ngồi tràn ra 2 bên lề đường. Cứ mỗi ngày họp chợ thì nhìn đâu cũng sẽ thấy người.

Không chỉ có người bán hàng mà những người mua hàng ghé tới đây cũng rất đông. Nào là nam thanh, nữ tứ tú, nào là các cặp vợ chồng dắt nhau xuống chợ mua sắm. Từng bộ trang phục truyền thống sặc sỡ độc đáo khác nhau được diện lên càng làm cho phiên chợ vùng cao rực rỡ hơn bao giờ hết. Ai nấy cũng đều vui cười hớn hở như đi chơi hội.

 Đặc biệt hơn nữa, có nhiều người khi ghé tới đây cũng chẳng mua gì nhiều mà hơn hết là được gặp gỡ bạn bè, được giao lưu và lưu giữ những kỷ niệm với nhau. Ở chợ phiên Dào San Phong Thổ có đủ mọi thứ được bày bán đặc biệt là những món ăn đặc sản dân tộc tại đây. Đó là những gùi măng nứa được bà con luộc sẵn bó từng bó cẩn thận thơm nức, hay những gùi xôi ngũ sắc rực rỡ tỏa khói ngạt ngào. Đó cũng là những chiếc bánh rán giòn tan, là những chai mật ong rừng vàng ruộm hay những sọt hoa quả tươi vừa được hái xuống từ sớm, là những bao gạo nếp hương mới gặt, là mắc khén, là thảo quả,... 

Ngoài ra, tại chợ phiên Dào San Phong Thổ cũng có rất nhiều những loại nông sản, sản vật mang hương vị của núi rừng, các loại gia súc như trâu, bò, gà, chó,... hay những món đồ thủ công như quần áo, đồ điện tử, điện lạnh,... Vừa mua, vừa bán, vừa hỏi thăm nhau chuyện gia đình, chuyện con lợn con gà, phiên chợ như náo nhiệt hẳn một góc trời. Chả trách mà bà con nơi đây ai nấy đều thích và đều yêu chợ đến thế!

Bạn cũng đừng bỏ lỡ cơ hội để thưởng thức những món ăn đặc sản của bà con vùng cao trên này nhé! Nào là xôi ngũ sắc, nào là lợn cắp nách, nào là bánh rán mặn, ngọt,... Món nào, món nấy cũng ngon tuyệt! 

Phiên chợ vùng cao ấy không quá ồn ào, cũng chẳng có quy mô rộng lớn nhưng lại là nét văn hóa đặc sắc không thể nào quên được đối với bất cứ ai khi ghé tới. Bạn sẽ chẳng thể nào quên được sự đôn hậu, sự nồng nhiệt cùng với cái chân chất, thật thà của những con người nơi đây. Để rồi khi trở về mà cứ quyến luyến mãi. Thử trải nghiệm chợ phiên Dào San Phong Thổ một lần để cảm nhận hết được những cảm xúc ấy, một khi đã tới rồi chắc chắn sẽ mong muốn trở lại một lần nữa. Để nhớ, để thương về một vùng núi đá có một phiên chợ rực rỡ và rộn rã tiếng cười.

----------

Nguồn: https://luhanhvietnam.com.vn/du-lich/kham-pha-cho-phien-dao-san-phong-tho.html

 

 

 


 

 

 

- ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -

(Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến)

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét