(Nguồn ảnh: internet) |
ĐỌC ‘VỀ LẠI
CHỢ GIỒNG’
THƠ TRẦN
NGỌC HƯỞNG
*
VỀ LẠI CHỢ GIỒNG
Nhiều năm đi biệt
không tăm tích
Về chẳng còn ai
nhận được ta
Đường cũ thay tên
nhà đổi chủ
Lối vào kỷ niệm…
biết đâu là
Chợ Giồng đó buổi
ta thăm lại
Ở ấp Đông mà nhớ ấp
Tây
Ở ấp Thượng mà
thương ấp Hạ
Lòng ta bởi thế cứ
vơi đầy
Ta nhớ Vĩnh Bình
thương Vĩnh Lợi
Chưa nguôi ngày cũ
tuổi thơ hồng
Chiều nay trở lại
bờ sông vắng
Biết kể cùng ai
chuyện đục trong
Trôi giạt đâu rồi
bao bạn lứa
Thời tươi thắm nhứt
mái trường thơ
Đứa còn đứa mất
ngàn dâu biển
Kí ức mù giăng lớp
bụi mờ
Tóc thề ngả hẳn
sang màu bạc
Bạn học giờ thành
U60
Ai đứng bên nhà
bồng cháu nội
Ngỡ vầng mây bạc…
lặng lờ trôi
Phố mới dựng trên
nền chợ cũ
Toà ngang dãy dọc
Chợ Giồng ơi!
Đường thi xưa Hạ
Tri Chương cũng
Về lại thăm quê
phải hỏi người!
*.
TRẦN NGỌC HƯỞNG
Nhà
thơ Trần Ngọc Hưởng sinh ra ở xã Tân Thới thuộc cù lao Lợi Quan (nay là huyện
Tân Phú Đông) giữa bộn bề sông nước Tiền Giang.
Trươc
năm 1975 nhà thơ là sinh viên Đại Học Sư Phạm và Văn Khoa Sài Gòn. Thời kỳ nầy
nhà thơ đã cọng tác với một số tờ báo văn học ở miền Nam. Tốt nghiệp Đại Học Sư
Phạm sau mùa hè đỏ lửa 1972, nhà thơ làm nghề thầy giáo suốt 40 năm và viết văn
làm thơ, đã xuất bản 9 tác phẩm.
Trần
Ngọc Hưởng tâm sự rằng; “Chợ Giồng là chợ
Giồng ông Huê, quận lỵ Hòa Đồng xưa, thị trấn Vĩnh Bình, nay của huyện Gò Công
Tây, tỉnh Tiền Giang, cách Tân Thới quê tui mươi cây số. Năm chín tuổi tránh
giặc giã tui qua đây học cuối lớp nhì và trọn năm lớp nhứt.Nơi đây có các ấp:
Thượng, Hạ , Đông và ấp Tây.”
Kỷ
niệm về tuổi thơ là kỷ niệm thắm thiết, nhớ rất lâu dài. Khung trời tuổi thơ
thường hiện ra nhiều trong những giấc ngủ, làm cho ta nôn nao muốn quay lại để
nhìn lại cảnh vật, để thăm lại người quen, để hít lại không khí của một thời xa
xưa mà kỷ niệm còn đọng hoài trong ký ức của ta. Cũng bởi vì vậy mà nhà thơ
Trần Ngọc Hưởng đã quay lại chợ Giồng, và đem đến cho ta một nỗi buồn đúng là “hồn thu thảo, bóng tịch dương”, nhưng
không phải dấu tích của một hoàng thành xiêu đổ như thơ bà Huyện Thanh Quan, mà
là dấu tích của một “quê hương chùm khế
ngọt” trong tâm hồn tác giả.
Khổ
thơ đầu, Trần Ngọc Hưởng đã đem đến cho ta sự lạc lỏng tựa như Từ Thức ngày ấy
đi xa ngàn năm, từ xứ tiên quay lại trần gian:
Nhiều năm đi biệt không tăm tích
Về chẳng còn ai nhận được ta
Đường cũ thay tên nhà đổi chủ
Lối vào kỷ niệm… biết đâu là
Đọc
khổ thơ ta biết ngay tâm trạng thất vọng của tác giả, tâm trạng quay về háo hức
mà sự đón chào thì lạnh nhạt. Người xưa không còn một ai, đường thay tên nhà
đổi chủ, cho đến lối vào kỷ niệm cũng không biết là có đúng hay không, tất cả
vẫn còn nhưng tất cả quay lưng, tất cả không có cảm xúc quen thân, khiến người
quay lại ngỡ ngàng như nhìn vào khuôn mặt ai đó, giống người yêu của mình mà
không phải người yêu của mình.
Bốn
câu thơ chỉ bình dị thôi, rất dễ hiểu, nhưng bốn câu thơ truyền cảm xúc cho
hàng vạn người bỏ quê hương ra đi, xa chốn cư ngụ một thời yêu mến, khi quay
lại thấy niềm vui không như mong muốn, và khi rời đi lại, lòng bâng khuâng,
nặng nề như một nỗi đau nhẹ quyện mãi trong lòng.
Qua
khổ thứ hai, Trần Ngọc Hưởng diễn tả sự nôn nóng háo hức trong lòng mình, muốn
thăm lại hết những chốn xưa, như muốn gặp lại tất cả niềm thân yêu mà mình ấp ũ
trong lòng, qua năm tháng trở thành nhu cầu cấp bách chất chứa trong con tim:
Chợ Giồng đó buổi ta thăm lại
Ở ấp Đông mà nhớ ấp Tây
Ở ấp Thượng mà thương ấp Hạ
Lòng ta bởi thế cứ vơi đầy
Khổ
thơ thứ nhì cho ta hiểu, mặc dầu cảnh xưa đã đổi thay, gần như trở thành xa lạ,
nhưng niềm vui trong lòng tác giả vẫn dậy lên bồng bột khi “Ở ấp Đông thì nhớ ấp Tây/ Ở ấp Thượng mà
thương ấp Hạ”. Niềm vui đó làm cho tác giả lúc “vơi” lúc “đầy” tùy theo
sự còn hay mất, sự thay đổi ít hay nhiều của cảnh vật năm xưa mà tác giả gặp
lại bây giờ. Điều nầy thật dễ hiểu, bởi ai quay lại chốn xưa mà lòng không rung
động.
Dầu
chốn xưa có đổi thay nhưng lòng ta đâu có đổi thay. Con đường đã thay tên nhưng
con đường vẫn còn đó, ngôi nhà đã đổi chủ nhưng ngôi nhà vẫn còn đây, người
không quen nữa nhưng người đang sinh hoạt trong khung trời cũ, tất cả đều đem
đến cho người quay về niềm vui của sự đoàn tụ và nỗi buồn của sự mất mát mà
không ai tránh khỏi được khi trở về sau tháng năm dài xa cách.
Qua
khổ thơ thứ ba và thứ tư, là tiếng kêu trong lòng tác giả. Nỗi sầu ấp ũ trong
lòng bao lâu nay, nhân cơ hội cảnh cũ đổi thay, người xưa không còn, tác giả
thốt lên lời thở than buồn não nuột:
Ta nhớ Vĩnh Bình thương Vĩnh Lợi
Chưa nguôi ngày cũ tuổi thơ hồng
Chiều nay trở lại bờ sông vắng
Biết kể cùng ai chuyện đục trong
Trôi giạt đâu rồi bao bạn lứa
Thời tươi thắm nhứt mái trường thơ
Đứa còn đứa mất ngàn dâu biển
Kí ức mù giăng lớp bụi mờ
Trở
lại bờ sông vắng, nhớ những người bạn tuổi thơ, nhà thơ than: “Biết kể cùng ai chuyện đục trong”.
Chuyện đục trong là chuyện thăng trầm của cuộc đời không xảy ra tại nơi đây,
nhưng nhà thơ ao ước tại nơi đây có bạn xưa để tâm sự.
Ở
khổ thơ trên, nhà thơ hướng suy tư về cuộc đời chìm nổi bao nhiêu năm của mình.
Vì sao? Vì nhà thơ đang đứng trước một khung trời bình an mà nhà thơ đã hưởng
trong tuổi thơ ngây. Bây giờ, nhà thơ muốn kể cho nghe những năm lưu lạc của
mình, nhưng cảnh củ xa lạ còn người xưa thì không còn nữa. Cho nên câu thơ “Chiều nay trở lại bờ sông vắng/ Biết kể cùng
ai chuyện đục trong” khơi gợi lên sự cô đơn của tâm hồn trước khung cảnh bờ
sông vắng vẽ, làm cảnh và tình thấm lạnh vào hồn, cho ta nỗi buồn mênh mang,
điệp điệp của nước và nỗi ưu tư thầm lặng của người.
Ở
khổ thơ dưới nhà thơ cất tiếng than về sự vô thường trong kiếp sống. “Thời tươi thắm nhất mái trường thơ”
không còn nữa, bạn bè đứa còn đứa mất như chịu biến động của cả ngàn năm bãi
biển hóa nương dâu, ký ức cũng bị lu mờ dưới lớp bụi thời gian. Bốn câu thơ là
nỗi bi quan chứa đọng nỗi nhớ nhung, tiếc thương, bày tỏ một cõi lòng đông
tuyết, bày tỏ cả dòng sông ký ức của nhà thơ đang chảy trước khung trời quá
khứ, với sự cô đơn tận cùng, với sự chiêm nghiệm lẽ vô thường thấm thía trong
con tim mình.
Bước
qua khổ thơ áp chót, trần Ngọc Hưởng chợt nhớ đến mình đã ở tuổi 60, chợt hoài
niệm về người con gái ở tuổi còn thơ chưa yêu, cũng có thể đã yêu mà chưa biết:
Tóc thề ngả hẳn sang màu bạc
Bạn học giờ thành U60
Ai đứng bên nhà bồng cháu nội
Ngỡ vầng mây bạc… lặng lờ trôi
Bài
thơ đến đây, nhờ khổ thơ nầy mà trở nên man mác, tình yêu phơn phớt nhưng nhớ
mãi không thôi chắp đôi cánh cho bài thơ bay vào không gian tinh khôi, trong
trắng, đánh động tâm hồn những ai đọc thấy, đều liên nghĩ đến tuổi thơ của mình
cũng có những bóng dáng đáng yêu đáng nhớ và một chút đáng buồn như hình ảnh “Ai đứng bên nhà bồng cháu nội/ Ngỡ vầng mây
bạc…lặng lờ trôi”. Câu thơ không nhắc đến tóc bạc màu, chỉ nhắc dáng ai như
vầng mây bạc, vầng mây bạc đó lặng lờ trôi, lặng lờ trôi trong cuộc đời và trôi
trong nỗi nhớ cúa thi nhân. Câu thơ đẹp làm dáng người năm xưa trở nên thi vị,
như là hình tượng của sự phôi pha, của màu thời gian nhuộm lên con người, tựa
như nhuộm lên vầng mây bay trong không gian vô định.
Bình
về hai câu thơ trên, nhà thơ ZuLu DC đã viết:
“Ai đứng bên nhà bồng cháu nội
Ngỡ vầng mây bạc ..... lặng lờ trôi”
“Chữ “ai” đa đoan, duyên nợ. Chữ “ai” hờ
hừng, đáng thương hay đáng ghét đây - chữ ai này nó gieo vào người đọc sự tò
mò, ai là cô hàng xóm, là bạn học hay người yêu mà “Tóc thề ngả sang màu BẠC” ,
màu bạc làm tác giả “Ngỡ vầng mây BẠC”. Dụng hai lần chữ BẠC trong một khổ thơ
thì nhất định có lý do: bạc bẽo bạc tình, nghĩa là “AI” chính là người yêu năm
xưa của chàng.
Hai câu thơ độc đáo, vượt lên “Hồi hương ngẫu
thư “ của Hạ Tri Chương xưa!”
Tác
giả cho biêt đến chợ Giồng hồi còn 9 tuổi, hai năm sau ra đi, thì tình sâu đậm
hay sự bạc tình, bạc bẽo chắc không có. Thế nhưng với một đứa bé có tâm hồn thi
nhân, thì dầu 9 tuổi sự rung cảm của quyến luyến tự nhiên hay rung cảm của ái
tinh buổi sơ khai đã có trong hồn. Tác giả dùng chữ “Bạc” trong thơ ở tuổi 60, chữ bạc nầy dầu thật hay là hư cấu thì
nhận định của nhà thơ ZuLu DC vẫn chính xác, bởi câu thơ độc đáo mang nhiều ý
nghĩa, nói hộ cho chúng ta, những người có một “ai” nào đó không bạc tình cũng bạc tóc mà dáng xưa còn ở mãi trong
lòng.
Qua
khổ cuối bài thơ, Trần Ngọc Hưởng mô tả sơ về chợ Giồng ngày nay. Nhà thơ nhắc
lại bài thơ của một thi nhân thời xa xưa ngàn năm trước, để nhấn mạnh cái lẽ vô
thường luôn luôn xảy ra, như một lời an ũi cho mình, cho người, làm vơi đi bao
nhiêu trăn trở vì những đổi thay xảy ra trước mắt, hầu cho cõi lòng dịu xuống
khi quay bước ra về, bỏ lại chốn xưa trong tương lai sẽ còn thay đổi nhiều hơn
thế nữa:
Phố mới dựng trên nền chợ cũ
Toà ngang dãy dọc Chợ Giồng ơi!
Đường thi xưa Hạ Tri Chương cũng
Về lại thăm quê phải hỏi người!
Khổ
thơ nhắc đến Hạ Tri Chương, một thi nhân nỗi tiếng thời Đường, để lại cho đời
bài thơ thất ngôn tứ tuyệt tựa đề là Hồi Hương Ngẫu Thư mà Trần Trọng Kim đã
dịch ra quốc âm như sau:
Về Quê Tự Dưng Viết
Bé đi, già mới về nhà,
Tiếng quê vẫn thế, tóc đà rụng thưa.
Trẻ con trong thấy hững hờ,
Cười ồ, hỏi khách lại từ phương nao.
Tất
nhiên tâm sự người xưa và Trần Ngọc Hưởng ngày nay thật giống nhau. Bé đi, già
mới về, và chắc chắn Hạ Tri Chương thuở ấy cũng như Trần Ngọc Hưởng ngày nầy: “Về thăm lại quê phải hỏi đường”. Câu thơ
cuối khẳng định quy luật của trời đất, tất cả sẽ lui về quá khứ và quá khứ sẽ
tồn tại trong tâm hồn, còn mọi vật thì vô thường, sẽ biến đổi với thời gian.
Bài
thơ “Về Lại Chợ Giồng” của nhà
thơ Trần Ngọc Hưởng là tâm sự một cuộc trở về, lời thơ bình dị, nhẹ nhàng, thế
nhưng từ tâm sự đó, đã mang về cho mỗi người chúng ta một khung trời quá khứ
của mình, một tuổi thơ ngây của mình, để yêu, nhớ và trân trọng những tháng
ngày ta có. Những tháng ngày đó không bao giờ có nữa cho dẫu ta đi tìm khắp
trên thế gian nầy ./.
*.
CHÂU THẠCH (Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày
05.06 .2021.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét