MỜI ĐỌC:

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

SUY NGHĨ VỀ THƠ - Tác giả: Nguyễn Khôi (Hà Nội)

 

SUY NGHĨ VỀ THƠ

*

Thơ - là một bài văn gồm những câu ngắn, dài (có vần hoặc không vần) có thanh âm từ điệu của một thứ tiếng mà nhà thơ sáng tác ra, thường theo những niêm luật nhất định. Người ta thường hay nói “thơ ca”, nhưng cũng cần phân biệt sự khác nhau giữa thơ và ca. Nếu Ca diễn tấu ca ngợi một cái đẹp thì Thơ với ý tứ sâu xa, với cấu trúc độc đáo được kết tinh từ cái đẹp đó làm cho mọi người ngây ngất chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền diệu tâm linh rất thơ đó.

Có nhiều cách định nghĩa về thơ: 

(Tác giả Nguyễn Khôi)

- Thơ là tiếng kêu tự nhiên của con tim. Một bài thơ là một cõi thế giới.

- Thơ là một thể loại văn học sử dụng vần điệu, hình ảnh, tình cảm, để thể hiện một tư tưởng nào đó.

- Thơ là tiếng lòng, là sự giãi bày (tiếng nói độc bạch) để diễn tả nỗi oán than, một niềm vui, một nỗi nhớ, một suy tưởng (còn tiểu thuyết là đối thoại, nhiều tiếng nói, nhiều bè, hoà nhịp với nhau, cãi nhau, đối chọi nhau)

- Thơ là tiếng vọng của tâm hồn (là bữa tiệc của tâm hồn).

- Thơ là tiếng hát, nhà thơ là người hát rong. Hát lên niềm khao khát cuộc sống, tình yêu, tự do. Người làm thơ trước tiên phải có cảm hứng mãnh liệt (thi hứng) và phải biết làm thơ theo đúng nghĩa của nó (vì thơ là văn bản được tổ chức bằng nhịp điệu của ngôn từ) tức là phải nắm những đặc trưng (thi pháp) của thơ để mà vận dụng khi sáng tác. Đó là về:

+ Cấu trúc trùng điệp (âm thanh, nhịp điệu, ngữ nghĩa)

+ Kiến trúc đầy âm thanh

+ Nhiều khoảng trắng trên không gian in thơ (nhằm tạo ra cách nói “Thơ một chút” - thơ kỵ lộ liễu - để thơ có nhiều khoảng “lặng” tạo ngân vang cái “ý chưa dứt làm day dứt lòng người”.

+ Thơ phái có chất nhạc tràn đầy và cần cái ảo đan xen cái thục (sản phẩm của trí tưởng tượng) trong thơ.

Thơ Tàu trọng ý tại ngôn ngoại, còn Thơ Việt ta là tình thì kín mà ý thì sang. Tâm hồn là hoa, còn thơ là quả. Hoa đẹp nhưng chưa chắc đã có hương thơm, cũng như tâm hồn mãi nhưng chưa chắc thơ đã hay.

Thơ chắp cánh cho con người bay bổng, do đó mới gọi là “hồn thơ” là vậy. Tức cảnh sinh tình tạo thi hứng cho nguồn thơ dào dạt tuôn trào như suối, như sông là thế.

Thơ không phải của riêng ai, nhưng không phải ai làm thơ cũng thành nhà thơ. Mỗi nhà thơ có phong cách ý vị riêng. Thơ chí là lều lán tới nhà và lâu đài, ngọn núi… và dù chỉ một vài bài, thậm chí chỉ một câu cũng tạo được đỉnh cao, dấu ấn của thời đại và khắc sâu vào hồn người - thơ bất tử là vậy

Xứ Bắc Ninh ta: Người làm thơ (so với xứ khác) không nhiều nhưng nhà thơ có tên tuổi thì lại không ít.

Đất Bắc Ninh hẹp (hiện nay bé hơn cả thủ đô Hà Nội), nhưng là nơi địa linh, nhân kiệt. Là lỵ sở đầu tiên của quận Giao Chỉ, nơi sinh ra Lý Công Uẩn - người quyết định ban Chiếu dời Đô về thành Đại La, lập nên kinh đô Thăng Long, nghìn năm văn hiến. Từ vị trạng nguyên đầu tiên của nước Nam ta (Lê Văn Thịnh), những thi sỹ tiên khởi với những văn ánh thơ đẹp, bất hủ của nước Đại Việt ta thì nhiều đấng tài hoa ấy được sinh ra ở đất Bắc Ninh - Kinh Bắc này.

Làm thơ là làm việc của riêng mình. Viết Thi Thoại là làm việc chung cho mình và cho mọi người... Bắc Ninh Kinh Bắc ta, xưa nay chưa có Thi xã và cũng chưa có ai làm Thi Thoại.

Kẻ hậu sinh Nguyễn Khôi ở làng Đình Bảng này cúi xin các bậc tiền nhân ông cha thủa trước, nghiêng mình xin phép các anh các chị thi nhân kẻ sỹ đương thời của tỉnh nhà, mạo muội căm cụi viết một quyển Bắc Ninh Thi Thoại gọi là điểm dẫn, sưu tầm, hệ thống lại, có đôi lời cảm nhận (theo thiển ý) để góp vui cho nhũng người đồng hương trong lúc vui chơi giải trí khi ly rượu, chén trà “nghênh phong thưởng nguyệt” với hồn quê Kinh Bắc, sâu sắc tình đời. Có điều gì thô lậu mong bạn đọc quê hương lượng thứ.

*.

NGUYỄN KHÔI

Địa chỉ: P12A05 nhà 17T, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội.

Email: khoidinhbang@gmail.com

Điện thoại: 097.955.62.05  

.

 

 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 17.04.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét