(Nguồn ảnh: internet) |
THÀNH DŨNG
CÀ RỠN MÀ CẮT CỨA NỖI ĐAU
Mến nhau qua facebook, chắc
cũng do cái duyên hội ngộ nó ghị níu nên đôi khi người ta tin nhau đến kì lạ.
Đối với người viết, còn có gì quý hơn con chữ sản phẩm mình đã tạo ra? Và anh
đã đem nguyên cả tập thơ của mình mới ở dạng bản thảo file nén thảy qua
messengert cho tôi. Dĩ nhiên là tôi rất vui, vui vì được một người anh, cả tuổi
đời lẫn tuổi viết, đã rất tin tưởng trao đứa con tinh thần của ảnh cho mình đọc
trước. Còn gì trân trọng hơn!?
Thế là tôi đã đọc tập thơ “Tương đối hẹp” của nhà thơ Thành
Dũng trong một tâm thế như vậy, kể cũng thú vị!
Ấn tượng và cảm nghĩ ban đầu
khi tôi đọc tập thơ “Tương đối hẹp”
của anh là thấy bao trùm lên tác phẩm một cảm giác nao niết buồn. Nỗi buồn phủ
lên không gian cảnh vật và đằng đẵng mỏi mòn theo thời gian. Phải vậy chăng mà
câu thơ lục bát của tác giả thường bị xé nhỏ ra nhiều mảnh, rồi loi thoi cất
tiếng ở từng dòng. Cái này không mới trong thơ nhưng đến với Thành Dũng thì nó
trở nên một ý đồ, một lợi thế cho sự chọn lựa. Dòng một chữ, hai chữ, rồi ba
chữ… cứ lơ thơ rạc rời ra như thế nhưng khi đọc xong bài thơ người đọc lại bị
ám ảnh bởi phía sau cách dụng ngôn kia là ngồn ngộn những suy nghĩ được tác giả
khoác vào câu từ khiến cho mỗi chữ dường như có sức nặng tự thân mà vẫn đảm bảo
được ý liền mạch của toàn bài.
“bao giờ
số hóa ruộng đồng
trăng về ngơ ngác
bên song
phố
lầu”
(Phố lầu)
Thơ Thành Dũng mạnh ở tứ và táo
bạo về cách sử dụng từ. Anh không ngần ngại treo lên ý thơ những con chữ lạ lẫm
đầy tự tin. Vẫn là những câu chữ quen thuộc đấy thôi nhưng qua bàn tay gọt đẽo
xếp đặt của anh, con chữ biết nhảy múa, đôi lúc chữ nghĩa nó còn quay cuồng,
diễn đạt rất hay và ấn tượng những điều anh gửi gắm.
Nhìn bề ngoài thơ Thành Dũng có
vẻ tưng tửng khác đời, thêm giọng giễu nhại đùa bỡn:
“Tôi đi
ừ…
(tôi đi đây)
phố là phố Sóc mỗi ngày vẫn yêu”
(Miền xa)
Nhưng ẩn bên trong là những
thao thức, cắt cứa đến xót xa. Những thay đổi manh nha rạn nứt (Cối đá đã rêu),
những ồn ào hào nhoáng nhưng lại đang đe dọa xóa nhòa bao hồn cốt di sản (Phố
làng, Quê bây giờ)… Nỗi đau có lúc tưởng rằng được giấu kín đi nhưng qua xàng
xê câu chữ nó như lại được nổi phồng lên ám ảnh. Có những lúc, nỗi niềm ấy được
ẩn trong sự từng trải chân thành mà da diết. Anh gửi gắm những suy tư và khát
khao xóa tan đi khoảng cách của những suy nghĩ vùng miền hẹp hòi, cục bộ thường
gặp trong xã hội thời hậu chiến:
“mỗi một lần qua là chặng đời ở đó
dẫu chẳng chôn nhau cũng da diết những cung đường
…
Đã lâu rồi hình như quên nỗi quê hương
vì quê hương mình giờ đâu đâu cũng có
miền Bắc miền Trung miền Nam chẳng rõ
bởi quê hương sao chỉ có mỗi vùng miền?”
(Quê bây giờ)
Thơ Thành Dũng trong “Tương đối hẹp” thường chắc phần đầu
và lỏng phần sau, có những bài vì đầu tư quá nhiều ở phần đầu mà phần sau có vẻ
hụt hơi, ý buông ra mông lung chứ không chặt như ta thường thấy. Đây là sự đáng
tiếc hay là có ý đồ của tác giả? Kiểu gì thì khi cầm ngọn đuốc thi luật mà soi
vào thơ anh, người đọc cũng sẽ thấy rõ ràng có gì đó như là sự thòm thèm lơ
lửng phía sau một số bài.
Tôi đồ rằng Thành Dũng làm thơ
thường ở trong tâm trạng đùa giỡn hoặc trong những lúc bù khú bia rượu khề khà
nâng cốc với anh em bầu bạn. Nên giọng thơ anh vừa như tưng tửng chọc ngoáy
người ta lại vừa như xót xa chiêm nghiệm mang hơi hướng sẻ chia với cuộc đời.
Đọc lướt qua có bài tưởng anh giỡn cợt tung hứng câu chữ cho vui nhưng đọc kĩ
lại ta không khỏi ngồi thừ người ra vì đụng phải dư âm chát đắng nỗi người:
“rót trăng tràn chén mà say
uống đi!
nhấm nháp đọa đày
nỗi nhau
sụt sùi ấm chén bờ lau
cay xè đọt mắt
trắng phau phận mình
nuốt vào dạ
mủi, sầu ên
hà hơi đắng
lả đoạn mình khói mây
đêm nay
ừ lạ đêm nay
uống cho
tỉnh
biệt khúc ngày xát đêm.”
(Rót)
Đọc “Tương đối hẹp” người ta còn bắt gặp một Thành Dũng có biệt tài
xếp đặt những con chữ lạ hoắc lạ huơ những tưởng chả liên quan gì đến nhau
nhưng khi chúng được đặt gần lại với nhau để diễn tả một ý nào đó thì nó lại có
sức tỏa sáng và cộng hưởng độc đáo, câu chữ có hồn có vía và cựa quậy ngay: “sụt sùi ấm chén bờ lau, cay xè đọt mắt/
trắng phau phận mình” (Rót); “Cơ
trời/ bứng chữ trồng thơ/ tưới cây lêu lổng/ phun khờ khạo sương/ cắt cành tỉa
lá/ đả thương/ buộc/ gô/ kéo/ nắn/ tróc thương nỗi mình” (Bon sai, con
chữ). Thơ cũ nói mắt có đuôi nhưng với Thành Dũng thì mắt như có ngọn, diễn tả
nỗi đau được lạ hóa và hình ảnh hóa khiến độc giả dễ mường tượng và chia sẻ
hơn.
Đọc xong “Tương đối hẹp”, người ta có cảm
tưởng rằng sức nặng của tập thơ hình như vẫn dồn cả vào giai điệu lục bát. Lục
bát vẫn là sở trường của Thành Dũng. Với lục bát anh như nghệ sĩ xiếc chữ trên
dây ngôn ngữ, con chữ được anh làm mới và được anh đảo lộn xoay vòng, độc giả
có tí mệt nhưng bù lại là sự thú vị bởi có nhiều điều lạ lẫm. Anh ví chuyện làm
thơ như là “cơ trời” đầy những nhọc
nhằn “bứng” và “trồng” cây, nhưng cây ấy là “cây
lêu lổng” và được tưới tẩm bằng những hạt “sương khờ khạo”; làm đẹp thơ là đang tự “đả thương” mình; làm thơ
là làm “bon - sai câu chữ”, mặc cho “bon - sai chữ” là những bộ cánh “khóc, cười” và cả sự đọa đày “làm tình tội nhau”:
“Cơ trời
bứng chữ trồng thơ
tưới cây lêu lổng
phun khờ khạo sương
cắt cành tỉa lá
đả thương
buộc
gô
kéo
nắn
tróc thương nỗi mình
bon- sai chữ
mặc trọng khinh
mặc cười
mặc khóc
mặc tình tội nhau
rồi một ngày
không phải lâu
vục trăng
xuống
tiễn nông sâu phận mình!”
(Bon-sai, con chữ)
Có thể nói, với “Tương đối hẹp” Thành Dũng đã đem đến
cho độc giả một bữa tiệc ngôn ngữ đùa cợt mà đầy những chất chứa nỗi lòng của
mình. Anh như đang cà rỡn với cuộc đời bằng ngôn ngữ mà dai dẳng cắt cứa nỗi
đau đến độ âm ỉ. Anh chiêm nghiệm thân phận thế thái nhân tình qua kiểu tếu táo
câu từ. Đùa mà lại không đùa. Đôi khi tưởng thản nhiên như không đấy mà lại móc
níu bao nhiêu những vật vã kiếp nhân sinh.
Xin mượn câu nói của danh y,
nhà văn Hải Thượng Lãn Ông để kết thúc bài viết này: “Thơ cốt ở ý, ý cốt sâu xa thì thơ mới hay. Không phải bất cứ điều gì
phải nói ra bằng lời thì mới là thơ có giá trị. Ý hết mà lời dừng là cái lời
hết mực. Song lời dừng mà ý chưa hết thì lại càng hay tuyệt”.
*.
Sài Gòn, cuối thu 2020
KHANG QUỐC NGỌC (tên thật
Nguyễn Ngọc tân)
Địa chỉ: Chung cư 1050, đường Phan Chu
Trinh,
phường 12, quận Bình Thạnh, thành
phố Sài Gòn.
Email: nntantvt@gmail.com
Điện thoại: 090.742.54.76
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua
email ngày 12.06.2021.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang
Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét