MỜI ĐỌC:

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

TRẬN PHỤC KÍCH HOÀN HẢO - Tác giả: Nguyễn Đình Tấn (Sài Gòn)

 

(Nguồn ảnh: internet)

TRẬN PHỤC KÍCH HOÀN HẢO

*

(Tác giả Nguyễn Đình Tấn)

"Hoàn hảo" ở đây chỉ mang tính tương đối, tự bằng lòng với chính mình vì nếu anh em xạ kích giỏi hơn và trận đánh không có thương binh thì mới thực sự "hoàn hảo". Đây là trận phục kích đầu tiên tôi tham gia cùng đại đội 6 giết chết một lính Pa-ra, tịch thu một súng AK47…

Sau nhiều ngày theo dõi, trinh sát tiểu đoàn đã "nắm" được qui luật hoạt động của lính Pa-ra ở căn cứ Nong-Chan: từ 6giờ30 mỗi sáng, có một tốp từ 8 đến 10 tên đi tuần tra từ căn cứ của chúng theo một trong hai đường bò (khi thì đi theo đường bên trái, khi thì theo đường bên phải) vào sâu trong nội địa Campuchia qua "Ngã ba đường bò", là tên gọi do anh em tự đặt ra để xác định vị trí, đó là nơi giao nhau của hai đường buôn bằng xe bò (có cả người đi xe đạp và đi bộ) từ bên kia biên giới, các xe bò thường chờ đợi nhau ở đây, nhập thành đoàn đông và nghỉ lại một đêm, để sáng hôm sau khởi hành về Nimit hay Sisophon đúng một ngày đường. Vì các xe bò thường xuyên qui tụ quanh ngã ba này nên lâu dần tạo thành một trảng trống đường kính khoảng 30 mét. Lính Pa-ra dù đi tuần theo đường nào cũng đều phải băng qua trảng trống này và đây là địa điểm lý tưởng để phục kích.

Cũng có một vị trí khác do anh em đặt tên là "Ngã Tư trinh sát", là nơi giao nhau giữa đường bò và đường mòn kết nối giữa tiểu đoàn ở Dangkum với đại đội 8 ở Preav có đường dây điện liên lạc hữu tuyến băng qua đường bò được anh em thông tin căng trên cao qua 2 cây ở 2 bên đường. Vị trí ngã tư này thường bị lính Pa-ra lẻn xuống cắt dây điện và tổ chức phục kích khi anh em thông tin đi tìm vị trí dây điện đứt, vì vậy tiểu đoàn thường phân công các trinh sát chốt giữ ở ngã tư này, lâu dần ngã tư này được đặt tên là "Ngã Tư trinh sát" để phân biệt với 1 ngã tư khác cách đó một cây số là "Ngã Tư đường buôn"...

15 giờ chiều ngày 3-6-1981, chúng tôi bắt đầu hành quân từ Dangkum với lực lượng 20 người gồm 2 trinh sát tiểu đoàn và 18 cán bộ chiến sĩ đại đội 6, chỉ huy là thiếu úy đại đội phó Võ Văn Cổ (hiện nay tra Google tên "Thiếu tướng Võ Văn Cổ" sẽ xuất hiện nhiều hình ảnh và tin tức liên quan đến vị tướng này). Do trận phục kích được chuẩn bị kĩ và lực lượng áp đảo nên anh Cổ không sử dụng hỏa lực B40 mà chỉ dùng toàn súng trường: 1 khẩu trung liên RPD và 18 khẩu AK47. Người duy nhất ra trận không mang súng là… tôi, một phần tôi không thích mang súng vì y tá đi theo cán bộ đại đội, lúc nào cũng ở sau lưng các chiến sĩ, mang súng để bắn vào… đít anh em mình à, nhưng khi có thương binh, tử sĩ thì súng của anh em là súng của tôi, có lần tôi phải khoác 3 dây đeo súng vào cổ (ba cây súng nặng khoảng 12kg) và từ đó tôi không muốn mang súng ra trận nữa, một phần sức khỏe tôi vẫn chưa bình phục, bụng vẫn còn quấn băng vì vết thương chưa lành hẳn sau lần bị thương một tháng trước, tôi thoát chết một cách kỳ lạ và mảnh cối 60ly đã xuyên qua gần hết thành bụng, đến màng bụng phía trong vừa chạm vào dạ dày thì dừng lại, đến cả y sĩ "Bảy Tròn", người đã phẫu thuật cho hàng ngàn thương binh từ thời chống Mỹ, khi cắt lọc vết thương trên bụng tôi đã phải thốt lên: "Thằng này là con Trời!" (chỉ gây tê tại chỗ nên tôi nghe rõ tiếng mọi người và cả tiếng kéo cắt bỏ phần mềm bị dính đất cát còn gọi là cắt lọc vết thương). Tôi nằm viện đúng 23 ngày, nhân có xe tải chở gạo vào Dangkum, tôi xin ra viện vì thuốc điều trị chỉ còn uống Sunfamit và thay băng mỗi tuần 2 lần. Trong thời gian vắng tôi, anh Thành y sĩ tiểu đoàn phân công y tá Trần Đình Cháu (quê ở Bình Trị Thiên) xuống tăng cường cho đại đội 6 và trong thời gian này có sự ganh đua giữa các cán bộ chỉ huy, xem ai đánh trận giỏi hơn: cán bộ miền Nam chỉ có anh Cổ (Củ Chi), ba cán bộ còn lại trong ban chỉ huy đại đội đều là người miền Bắc. Chính vì vậy, trận đánh do anh Cổ phụ trách chỉ toàn lính miền Nam kể cả y tá. Buổi chiều hai ngày trước, sau cuộc họp giao ban, cậu Hải đến gặp tôi: "Anh Cổ hỏi "ông" có đi tác chiến được không? (Anh biết tôi mới đi viện về nhưng muốn tôi đi với Anh chỉ vì tôi là lính miền Nam)". Tôi vừa cười vừa nói tếu với cậu Hải: "Đi được chứ! tôi bị thương ở bụng chứ có bị ở chân đâu mà không đi được!"...

17giờ, chúng tôi đến "Ngã ba đường bò", nơi đây cách căn cứ địch khoảng một cây số. Anh Cổ ra dấu cho các chiến sĩ cảnh giới xung quanh rồi tìm vị trí thích hợp quan sát rõ trận địa, khẽ gọi các cán bộ trung đội và tổ trưởng trinh sát lại, anh bẻ một nhánh cây nhỏ dài hơn gang tay rồi ngồi xổm trên đất trong khi tôi đứng phía sau lưng anh nên quan sát rất rõ, anh vừa nói vừa vẽ một vòng tròn trên nền cát: "Đây là hai nhánh đường bò bên phải và bên trái… ", vẽ xong nhánh nào, anh chỉ tay luôn vào địa hình thực tế: "thông thường chúng sẽ đi từ nhánh bên phải, khi tên đi đầu ra giữa trảng, trung liên đặt đối diện với nhánh đường này (Anh chỉ tay vào bụi cây phía sau lưng) sẽ ngắm tên đi đầu bắn dọc theo đội hình hàng một của chúng và đó là hiệu lệnh nổ súng, tình huống thứ hai nếu chúng đi từ nhánh bên trái, khi tên đi đầu ra giữa trảng, trung đội trưởng nằm đối diện với nhánh này (Anh chỉ tay vào một bụi cây bên kia đường), sẽ bắn dọc theo đội hình của nó và đó là hiệu lệnh nổ súng, các đồng chí có ý kiến gì khác không?".

Vì nhiệm vụ triển khai mạch lạc nên tất cả đều hiểu rõ và về vị trí được phân công, đội hình phục kích đã chiếm 180° hay ½ chu vi trảng, tức khi đã lọt vào phạm vi trảng, mỗi tên lính đều là mục tiêu của mười mấy tay súng một lúc. Vị trí chỉ huy là một ụ mối cao mét rưỡi, phía sau trung đội 2 khoảng 7 mét, có tầm nhìn bao quát toàn bộ địa hình. Chúng tôi ăn vội miếng cơm vắt với cá khô rồi trải tấm nylon trên cỏ, cố dỗ giấc ngủ chập chờn chờ trời sáng, do lũ muỗi cứ vo ve bên tai, vừa thiếp đi lại giật mình tỉnh giấc vì... bị đốt.

Trời chưa sáng hẳn, chúng tôi đã trỗi dậy, ba lô gọn gàng chuẩn bị cho trận đánh. Anh Cổ ngồi bên phải ụ mối, đeo khẩu súng ngắn K59 bên hông trái nhưng tay phải anh vẫn cầm khẩu AK47 chống xuống đất chờ đợi, anh là người duy nhất ra trận mang 2 khẩu súng. Cậu Nẵng cũng chống súng ngồi bên trái ụ mối. Tất cả 19 người đều chăm chú quay mặt vào trong chờ địch xuất hiện, chỉ có mình tôi quay mặt ra ngoài, dù không ai nhắc nhở nhưng tôi biết nhiệm vụ của tôi lúc này là quan sát, cảnh giới phía sau của cả đại đội…

Gần 7giờ sáng ngày 4-6-1981, khi những tia nắng đầu tiên trong ngày đã ở lưng chừng các ngọn cây, tiếng cậu Nẵng gọi khẽ: "Anh Cổ ơi! Lính nó đang xuống!", tôi quay lại bò cẩn thận lên ụ mối trong khi cậu Nẵng bồn chồn quay nhìn anh Cổ: "Anh Cổ ơi!", "Im đi! Tao thấy rồi!". Anh Cổ trả lời mà vẫn ngồi im như pho tượng, mắt chăm chú hướng về những tên Pa-ra đang đi từ nhánh đường bò bên phải. Tôi vừa ngoi lên khỏi ụ mối đã thấy rõ 4 tên đi đầu lọt vào phạm vi trảng, mỗi tên cách nhau 3 mét, tên đi đầu mang quân phục màu xanh lục, bồng súng trước ngực, cách điểm giữa trảng 5 mét, là thời điểm khẩu trung liên sẽ khai hỏa, tên đi thứ ba lại mang quân phục rằn ri, xắn 2 ống quần lên tới đầu gối như nông dân chuẩn bị lội ruộng, nó xách khẩu AK47 bên tay phải, tay trái đưa ra sau, vòng lên đầu rồi hướng thẳng ra phía trước, tự tin ra dấu cho những tên đi sau tiến lên…

Khi tên đi đầu đã ở giữa trảng, đến lượt anh Cổ bồn chồn, anh vừa làu bàu vừa nhìn về phía khẩu trung liên đang nấp trong bụi cây (sau này cậu Dũng cho biết vì không ngắm được chính xác nên chưa bắn), nếu "nó" không khai hỏa thì chỉ có anh mới có quyền ra lệnh nổ súng nhưng anh không thể bóp cò khi đang ở sau lưng các chiến sĩ, vì vậy sau 1 giây lưỡng lự, anh Cổ xách súng chạy lên ngang hàng với các chiến sĩ đúng lúc tiếng trung liên nổ giòn giã… Tên đi đầu ngã sấp xuống, đè luôn khẩu súng dưới bụng, các tên khác lăn vào các cây gần đó bắn trả, một trái B40 nổ ở tầm cao 4 mét trên thân cây phía sau, làm cậu Dũng xạ thủ trung liên bị một mảnh vào lưng, cậu Tâm chiến sĩ trinh sát bị một mảnh vào má bên phải (sau này đi viện về, được tiểu đoàn rút lên làm anh nuôi tiểu đoàn, người mà tôi có nhắc đến trong nhiều bài viết dưới tên: cậu Tâm anh nuôi.). Lính Pa-ra bị bất ngờ nên chống trả khoảng 1 phút thì bỏ chạy theo nhiều hướng khác nhau, anh Cổ và các cán bộ trung đội vừa hô xung phong vừa rời khỏi vị trí để các chiến sĩ noi theo, tất cả đứng thẳng lưng, kẹp súng bên hông " nhả đạn" như hình ảnh tôi đã thấy ở đâu đó trong một bộ phim chiến tranh. Anh Chiến (quận tư, thành phố Hồ Chí Minh) trung đội trưởng chỉ tay về phía một tên lính bị thương ở chân, đang chạy cà nhắc trên đường bò bên trái cách khoảng 50 mét: "nó bị thương rồi! Đuổi theo nó!" nhưng ngay lập tức anh Cổ ngăn lại: "Không đuổi theo! Tất cả chuẩn bị rút".

Trong khi tôi đang băng vết thương cho cậu Dũng, một số anh em chặt cây làm cáng, còn cậu Khanh( nhập ngũ 1979 ở quận 11 thành phố Hồ Chí Minh) và Trần Minh Dương cùng chạy về phía tên lính nằm sấp, Dương điểm xạ 2 phát làm cơ thể tên lính phản xạ co giật, cả hai giật mình lùi lại cảnh giác sợ tên lính quay súng bắn trả. Sau vài giây chờ đợi, cậu Khanh thận trọng bước tới bắn bồi 1 viên nữa rồi đứng cảnh giới cho Dương lôi khẩu súng bị đè dưới cơ thể tên lính. Cả hai mới đi được 10 mét thì cậu Dương như nhớ ra điều gì vội đưa khẩu súng "chiến lợi phẩm" cho Khanh rồi quay lại lột đôi giày da cổ cao của tên lính (giày Botte De Sault), đôi giày này tốt hơn nhiều lần giày vải Quân khu 7 mà bộ đội ta được trang bị.

Trên đường trở về, chúng tôi chuyền tay nhau khẩu súng của tên lính xấu số, đó là khẩu AK47 còn mới, cậu Dũng đã ngắm chính xác, viên đạn trúng ngay thân súng tạo thành một vệt xước ngang rồi đi luôn vào bụng tên lính, báng súng bằng gỗ nâu đỏ, mặt gỗ láng bóng như vừa mới đánh Vecni. Súng có buộc một chiếc nơ bằng vải đỏ rất đẹp gần nòng súng. Bỗng tôi cảm thấy thương hại, dù là kẻ thù nhưng nó cũng là con người, có số phận như bao người lính khác. Tôi thầm cầu cho linh hồn của tên lính trẻ lãng mạn này sớm được siêu thoát…

*.

NGUYỄN ĐÌNH TẤN

Địa chỉ: 49B, đường Cách Mạng Tháng 8,

Phường 17, quận Tân Bình, Sài Gòn.

 

 

 



 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 26.05.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét