(Nguồn ảnh: internet) |
TRẬN PHỤC
KÍCH THẤT BẠI VÀ HAI LIỆT SĨ:
LIỆT SĨ HẢI,
LIỆT SĨ LÊ THANH LÂM
*
9 giờ sáng ngày 4-6-1981, 17 cán bộ, chiến sĩ (tất
cả đều là lính miền Nam, lính tp HCM) của đại đội 6 do anh Võ Văn Cổ chỉ huy về
đến Dangkum (2 thương binh nhẹ được chuyển về trạm phẫu trung đoàn, 1 trinh sát
còn lại về vị trí đóng quân của trung đội trinh sát, là một trong các trung đội
trực thuộc tiểu đoàn). Ai cũng vui vì đã lâu rồi đại đội 6 mới diệt được địch,
thu được súng. Những lần trước, khi thì địch đã vào đúng ý định (vào đúng ổ
phục kích do ta đã chuẩn bị sẵn) nhưng bấm mìn Claymore (mìn định hướng của Mỹ)
không nổ do… pin yếu (trước đó, đại đội đã giao cho 2 cán bộ trung đội thử
nghiệm kíp nổ điện với chiều dài dây điện 10 mét được kích nổ bằng bộ pin đại
"Con Ó" ghép nối tiếp, cả hai lần đều nổ "Ngon lành" nhưng
khi có địch, kíp không nổ vì bộ pin phóng điện vài lần đã yếu), lúc thì đánh
lớn cấp tiểu đoàn vào một chốt của lính Pa-ra đêm 23-3-1981, ta chỉ thu được
mấy thùng đạn AK và một số đạn cối 61 ly (ngoài ra có nhiều hàng hóa của dân
buôn bỏ lại: thuốc lá Samit, chiếu nylon, đèn pin…) khi áp sát chốt địch trước
giờ nổ súng, một chiến sĩ vướng mìn ( cậu Thới nhập ngũ 1980 ở phường 6 Tân
Bình) rất may chỉ có 3 người bị thương nhẹ, trong khi ta đang xử lý tình huống
ngoài dự tính này (băng bó và chặt cây làm cáng), địch đã nhanh chóng rút lui
nên khi nổ súng, trận địa đã bỏ trống. Chính vì vậy, việc đại đội 6 tịch thu
được súng không những là niềm vui cho đại đội mà còn là niềm khích lệ cho cả
tiểu đoàn. Bên cạnh đó, phong trào thi đua lập công giữa chiến sĩ với chiến sĩ,
giữa cán bộ với cán bộ dần biến tướng trở thành sự ganh tị, đối lập vùng miền:
cán bộ Miền Nam sẽ chọn chiến sĩ Miền Nam đi tác chiến và ngược lại. Sự hiềm khích
này sẽ tăng lên khi có các "quân sư" trong C bộ "đốc xúi",
đó là các văn thư, nhân viên chính trị, quản lý, hậu cần (xin lỗi chỉ có một số
ít thôi chứ không phải tất cả), những người không bao giờ "ra trận"
hoặc rất ít tham gia các trận đánh nhưng tiếng nói của họ khá quan trọng, đôi
khi làm thay đổi quyết định của cấp chỉ huy, gây ra hậu quả nghiêm trọng…(Tác giả Nguyễn Đình Tấn)
Buổi
trưa, tôi thấy anh Toàn văn thư (nhập ngũ 1978 quê ở Thái Bình) và cậu Hải nhân
viên chính trị (nhập ngũ cùng đợt với tôi) vừa cười nói vừa trao đổi với nhau
điều gì ngoài sân đại đội, lát sau, cậu Hải đến gặp anh Sắc (trong lúc anh Toàn
đứng ở xa nhìn lại) đại đội phó (cũng nhập ngũ 1978 quê ở Thái Bình):"Anh
Sắc ơi! Anh Cổ tịch thu được súng rồi! Như vậy là 1-0 rồi nhé! Bây giờ tới lượt
anh đó! Ha...ha...ha...ha!", tiếng cười kéo dài châm chọc như xoáy vào óc
người nghe khiến tôi là người ngoài cuộc cũng cảm thấy khó chịu nhưng anh Sắc
vốn tính hiền lành, cục mịch, ít nói nên lặng lẽ bỏ đi như không nghe thấy gì
dù anh là cấp chỉ huy, cấp trên của cậu Hải…
Buổi
chiều, khi tôi đi "thăm bệnh" về thì gặp anh Sắc đi ngược lại, hướng
về Ban chỉ huy tiểu đoàn. Anh như vừa trải qua một cơn giận dữ cực độ, mặt anh
đỏ bừng như người vừa uống rượu với đôi mắt đỏ đến mức tôi có thể nhìn rõ nhiều
mao mạch nhỏ trong mắt anh. Không hiểu cố ý hay vô tình mà khi đi ngang qua
tôi, anh nghiến chặt hai hàm, nói gằn qua kẽ răng: "ĐM! Lần này tao phải
"lấy" được súng!". Câu nói và sắc mặt của anh làm tôi rùng mình,
linh tính có điều gì đó " chẳng lành" sắp xảy ra…
Hôm
sau tôi mới biết anh Sắc lên tiểu đoàn xin đánh phục kích, quyết tâm "lấy
súng" bất chấp ta đã bị lộ chiến thuật và lực lượng trong trận phục kích
trước đó, vì nóng giận anh đã bỏ qua một trong những nguyên tắc quyết định
thành bại: Biết địch biết ta. Để "chắc thắng" anh đã đưa đội hình lên
thêm 500 mét so với "Ngã Ba Đường Bò", gần địch đến mức, ban đêm anh
em nghe rõ tiếng chó sủa trong căn cứ của chúng, chọn một khúc quanh để đặt
khẩu trung liên khai hỏa, căn dặn ang Vở, xạ thủ người dân tộc Tày ở miền núi
phía Bắc: "Khi nào chắc chắn bắn trúng thì mới được nổ súng!", đồng
thời anh bố trí toàn bộ lực lượng sang bên kia đường bò, để khi nổ súng xong,
anh em phải băng qua xác những tên lính Pa-ra mới trở về đơn vị được. Tiểu đoàn
biết trận đánh này có thể gặp khó khăn nên tăng cường một máy bộ đàm PRC 25 do
cậu Hải thông tin (nhập ngũ 26-3-1979 ở tp hcm) đi phối thuộc để liên lạc trực
tiếp với tiểu đoàn.
7
giờ 30 ngày 6-6-1981, anh Vở chờ cho tên Pa-ra đi đầu chỉ còn cách 5 mét, có
thể nhìn rõ nốt ruồi trên mặt nó, anh mới xiết cò khẩu trung liên khai hỏa trận
đánh. Bốn tên đi đầu nằm la liệt trên mặt đất, những tên đi sau lăn vào vệ
đường, nấp sau các gốc cây, bắn "phát một" cầm chừng như chờ đợi điều
gì chứ không bỏ chạy như tốp lính bị "đánh" hai ngày trước, làm anh
em cũng không thể ra đường "lấy súng" được. Chừng 3 phút giằng co
trong nôn nóng (anh em không ngờ lực lượng chính của chúng ở phía sau 200 mét),
sốt ruột bỗng anh Báu (nhập ngũ 1978 quê ở Hà Nam Ninh) quay nhìn phía sau thì
giật mình thấy lính Pa-ra chỉ còn cách 30 mét, chúng đông khoảng 50 tên dàn
hàng ngang, mỗi tên cách nhau 4 mét lặng lẽ tiến đến gần. Trong tình huống bất
ngờ bị bao vây, anh em hoảng loạn như rắn mất đầu, hình thành hai nhóm rút lui
: nhóm đông do anh Thặng (nhập ngũ 1978 quê ở Thái Bình) cán bộ trung đội và
anh Báu hô hào anh em "Mở đường máu" vừa chạy ra đường vừa bắn về
phía đối phương vừa giật súng từ tay những xác chết nằm trên đường, nhóm ít hơn
chạy theo anh Sắc, men theo đường bò xuôi về phía sau, cậu Hải thông tin lưỡng
lự không biết chạy hướng nào thì bị đạn nhọn xuyên từ phía sau qua máy bộ đàm
trổ ra trước ngực, anh Lâm xạ thủ B40 đã bắn hết đạn, đang chạy lom khom theo
anh Sắc thì bị một trái B40 nổ ngay trước mặt khoảng hơn một mét, anh Sắc may
mắn chỉ bị đạn nhọn trượt qua phần mềm phía trước cẳng chân trái, lộ hẳn một
đường ngang 3cm xương ống chân, chỉ có thể giải thích bản năng sinh tồn anh mới
tiếp tục chạy được…
Hơn
nửa giờ sau, các anh em đại đội 6 về đến Dangkum, ta thu được 1 súng AK và 1
súng CKC. Tôi thấy rõ sự lo lắng trong mắt anh Trần Đình Cháu (quê ở Bình Trị
Thiên) y tá đại đội 6, được bổ sung về khi tôi bị thương đi viện kể lại việc
còn hai tử sĩ nằm ngoài trận địa, mất 1 máy bộ đàm PRC 25 và 1 súng B 40.
Mấy
ngày sau, Quân báo trung đoàn (là người Campuchia được đào tạo nghiệp vụ và trà
trộn trong dân buôn, hoạt động dạng tình báo), chụp được hình chúng treo đầu
của hai đồng đội và vũ khí trên cành cây trong căn cứ của chúng để tổ chức ăn
mừng và cảnh cáo chúng tôi. Không khí toàn đại đội trầm lắng suốt nhiều ngày,
anh em rất căm phẫn và tự hứa, nếu còn sống sẽ trả thù cho đồng đội (hành động
man rợ trên thi thể của đối phương). Vì vậy, sau này các trận đánh phục kích
hiệu quả đều do đại đội 6 thực hiện.
Phần
mộ liệt sĩ Hải tôi chưa biết ở đâu, còn liệt sĩ Lê Thanh Lâm ở mộ 4, hàng 45,
khu M5, khu vực liệt sĩ quận Gò Vấp, nghĩa trang liệt sĩ tp Hồ Chí Minh.
*.
NGUYỄN ĐÌNH TẤN
Địa
chỉ: 49B, đường Cách Mạng Tháng
8,
Phường 17, quận Tân Bình, Sài
Gòn.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày
26.05.2021.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét