MỜI ĐỌC:

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

BÌNH BÀI THƠ: THƠ VIẾNG ĐỒNG BÀO CHẾT DỊCH COVID-19 - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng)


BÌNH BÀI THƠ: THƠ VIẾNG

ĐỒNG BÀO CHẾT DỊCH COVID-19

*

THƠ VIẾNG ĐỒNG BÀO CHẾT DỊCH COVID-19

 

Tiết tháng bảy trời bừng nắng nóng

Lửa cháy rừng rực bỏng miền Trung

Được thời Covid vẫy vùng

Thành Hồ thất thủ... hãi hùng xiết bao.

 

Ngày trăm người theo nhau chết Dịch

Bình Hưng Hòa không kịp đốt thiêu

Vaccine đến chậm, ít liều

Thuốc men đặc hiệu "phăng teo" còn chờ...

 

Sốt, tắc mạch, nghẹn ho... ngạt thở

Bình Oxy chẳng đủ vạn người

Thôi thì là chết thì thôi

Chết không tang lễ, không lời điếu thương!

 

Đây những kẻ cùng đường nghèo khổ

Hy vọng vào Đất Hứa kiếm cơm

Chen nhau ổ Chuột ven đường

Gặp phen Dịch cúm lặng buồn tử vong.

 

Đây những kẻ lừng Văn nghệ sĩ

Đấng tài hoa tuyệt mỹ diễn trò

Gặp phen mắc cúm ốm o

"Ra đi" hơ hớ tuổi thơ một mình.

 

Đây những kẻ đình huỳnh Ông Chủ

Nào xe sang, biệt phủ dollar

Thị trường khuynh loát tài ba

Gặp phen mắc cúm... Tiền mà làm chi?

 

Đây những kẻ đua thi Thơ phú

Mải tào lao phố chợ ham vui

Say sưa Bia rượu quên đời

Gặp phen mắc cúm... về Trời đọc Thơ.

 

Đây những kẻ làm thuê hiện đại

Buộc chân vào cỗ máy Nhật, Hàn...

Trong khu Công nghiệp vây quanh

Gặp phen mắc cúm cũng đành tàn hơi.

 

Đây những kẻ ngời Blu trắng

Dấn thân vào cứu sống bao người

Dầm trong vùng Dịch mệt nhoài

Nhiễm Virus cúm quá... thời tử vong.

 

Đây những kẻ trong vòng "giãn cách"

Lo an dân, cấp bách tiếp nguồn...

Ngày đêm canh gác phố phường

Dính con Covid... đáng thương thật là...

 

Dịch đang Diễn dân ta khổ sở

Sẽ "Quốc tang" tưởng nhớ các người

Rằm này tháng bảy buồn thui

Nén nhang vọng tưởng thương ôi lệ tràn...

*

Hà Nội, rằm tháng 7 Tân Sửu (2021)

NGUYỄN KHÔI kính viếng

LỜI BÌNH:

(Tác giả Châu Thạch)

Dịch Covid 19 đem nỗi đau đến cho toàn thế giới. Việt Nam cũng không tránh khỏi. Thành phố Hồ Chí Minh bị “toang”. Toang là một động từ chỉ thành trì chống dịch bị vỡ, con vi rút Corona tung hoành sát hại đồng bào ta. 

Nỗi đau kêu không thấu Trời làm quặn lòng người nghệ sĩ. Từ  đó  thi ca về dịch Covid ra đời. Trong những bài thơ viết về nỗi đau do đại dịch đem đến, trường thi “Thơ Viếng Đồng Bào Chết Dịch Covid 19’ của nhà thơ Nguyễn Khôi viết theo thể Song Thất Lục bát, như tiếng rên thống thiết của mọi con người, mọi thành phần xã hôi, vang vọng nỗi bi thương mà ai đọc cũng thấy xé lòng! 

Bài thơ liền mạch. Tôi xin phép cắt ra nhiều khổ để dễ dàng đồng cảm với nỗi niềm chất chứa trong thơ. Vào đề, tác giả giới thiệu thời điểm và địa danh mà con vi-rút tung hoành: 

Tiết tháng bảy trời bừng nắng nóng 

Lửa cháy rừng rực bỏng miền Trung 

Được thời Covid vẫy vùng 

Thành Hồ thất thủ... hãi hùng xiết bao. 

Thành Hồ là thành Phố Hồ Chí Minh, ai cũng biết là một thành phố phồn hoa, năng động và đông dân nhất Việt Nam. Tính từ 18 giờ 30 ngày 19/7/2021 đến 6 giờ ngày 20/7, Thành phố ghi nhận thêm 1.519 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến 20/7, Thành phố đã có hơn 36.000 trường hợp mắc Covid-19. Như vậy có thể nói tác giả đã cho tháng 7 là thời điểm thành phố Hồ Chí Minh thất thủ trước quân xâm lăng Covid 19  rất chí lý. Sau đó số ca dương tính mỗi ngày mỗi tăng. Đến ngày 20/8  thì thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận nhiểm trong ngày 3.375 người, nâng tổng số mắc bệnh lên 166.679 người. Số người chết chỉ biết là rất nhiều. Nhà thơ Nguyễn Khôi đã mô tả sự khủng khiếp ở những câu thơ sau: 

Ngày trăm người theo nhau chết Dịch 

Bình Hưng Hòa không kịp đốt thiêu 

Vaccine đến chậm, ít liều 

Thuốc men đặc hiệu " phăng teo" còn chờ... 

Theo trang thông tin về dịch bệnh của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 6/8 thành phố Hồ Chí Minh hiện có ít nhất 2.105 ca tử vong vì Covid 19 khiến lò thiêu phải hoạt động hết công suất. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng hôm 5-8 cho hay, các bệnh nhân tử vong do Covid 19 tại thành phố được hỏa táng tại trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (Lò thiêu Bình Hưng Hòa) và lò đang hoạt động 24/24 giờ. Nhà thơ Nguyễn Khôi cho biết lò hỏa táng nầy đốt thiêu không kip, nói lên con số tử vong là nhiều không xiết kể. 

Trong hoàn cảnh cấp bách như thế, Vaccine là vũ khí duy nhất có thể đẩy lùi bọn giặc vô hình hung bạo Covid, thì nó lại đến chậm, chỉ có “ít liều” như nhà thơ đã viết. Thuốc men đặc hiệu “Phăng teo” thì không biết bao giờ mới sản xuất ra đây. “Phăng teo” là gì? Phăng teo là một lá bài đặc biệt có trong những bộ bài Tây. Lá bài nầy khi đánh ra thì cắt bỏ được bất kì con bài nào của đối phương. Vậy thuốc men đặc hiệu “phăng Teo” chính là thứ thuốc quý, chửa  trị dược dứt điểm bệnh Covid 19. Thứ thuốc ấy còn đang nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, ta chỉ mới nghe phong phanh nói đến. 

Qua 4 câu thơ kế tiếp, tác giả viết về thảm cảnh cho người mắc bệnh. Y sĩ thiếu, thuốc men thiếu, dụng cụ y tế thiếu, người bệnh đi dần vào cơn hấp hối, buông liều theo số phận: 

Sốt, tắc mạch, nghẹn ho... ngạt thở 

Bình Oxy chẳng đủ vạn người 

Thôi thì là chết thì thôi 

Chết không tang lễ, không lời điếu thương! 

Câu thơ thứ tư là nỗi đau sinh ly tử biệt hiu hắt cho người chết, thảm thương cho người sống. Điều đó đầy dẫy tin tức trên mạng xá hội, ta dễ dàng chứng kiến qua các video đăng tải hằng ngày. Nỗi bi thương đó dẫu trong thời chiến tranh cũng hầu như không có. Trong thời chiến tranh, người tử sĩ có đồng đội mình chôn cất, tệ lắm chết trong tay kẻ địch thì cũng có người đưa mình vào huyệt mộ. Ngày nay người chết vì con Covid bị quấn chặc trong túi ni lông, mọi người phải đứng xa. Túi ni lông bó kín xác người, lặng lẽ đưa vào lò hỏa thiêu, thân thể trở về vơi gia đình chỉ còn một nắm tro tàn. 

Những người phải chịu số phận đau thương như thế là ai? Nhà thơ lần lượt nêu ra cho ta biết họ là ai. Họ không phải chỉ một thành phần trong xã hôi. Họ nằm trong mọi thành phần, mọi giai cấp. Cái chết vì con Covid không phân biệt tôn ti, giai cấp giữa xã hội nầy. 

Đầu tiên nhà thơ nhắc đến những con người nghèo khổ xa phương cầu thực: 

Đây những kẻ cùng đường nghèo khổ 

Hy vọng vào Đất Hứa kiếm cơm 

Chen nhau ổ Chuột ven đường 

Gặp phen Dịch cúm lặng buồn tử vong. 

Bốn câu thơ vẽ nên một giai tầng dưới đáy xã hội ngày nay. Sự chết của họ càng nói lên sự bất công cùng tận của số phận họ, sống trong lam lũ và chết trong cô đơn. 

Tiếp theo là cái chết của những người nghệ sĩ tài hoa. Họ ra đi để thương tiếc cho bao người ái mộ, nhưng họ cũng ra đi một mình, không khác chi người nghèo khổ: 

Đây những kẻ lừng Văn nghệ sĩ 

Đấng tài hoa tuyệt mỹ diễn trò 

Gặp phen mắc cúm ốm o 

"Ra đi" hơ hớ tuổi thơ một mình. 

Nhà thơ không quên nhắc đến giai cấp thượng tầng xã hôi. Những ông chủ, những nhà kinh doanh của tiền như nước. Hóa ra  của cải cũng không cứu được họ, khi mà số phận họ nằm trong con Covid: 

Đây những kẻ đình huỳnh Ông Chủ 

Nào xe sang, biệt phủ dollar 

Thị trường khuynh loát tài ba 

Gặp phen mắc cúm... Tiền mà làm chi? 

Rồi những thi nhân. Tác giả chúc họ về Trời đọc thơ, nhưng chắc chi họ về Trời được khi tác giả nói họ lúc ở trân gian “Mãi tào lao phố chợ ham vui/ Say sưa bia rượu quên đời”, mà chẳng lo tìm trước cho mình một chổ ở Thiên Đàng: 

Đây những kẻ đua thi Thơ phú 

Mải tào lao phố chợ ham vui 

Say sưa Bia rượu quên đời 

Gặp phen mắc cúm... về Trời đọc Thơ. 

Nhà thơ còn nhắc đến những công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, nơi tập trung đông người, dễ lây bệnh nhất: 

Đây những kẻ làm thuê hiện đại 

Buộc chân vào cỗ máy Nhật, Hàn... 

Trong khu Công nghiệp vây quanh 

Gặp phen mắc cúm cũng đành tàn hơi. 

Thành phần công nhân nầy chịu chung số phận như những người nghèo ở khổ thơ đầu tiên. Họ cũng “Hy vọng vào đất Hứa kiếm cơm” và cũng “Chen chúc nhau ổ chuột” trong những con hẻm của thành phố Hồ Chí Minh. Khi thành phố toang vì cơn đại dịch, họ nhiểm bệnh chết đi là điều đau đớn, nhưng nếu chưa nhiễm bệnh, thì cũng sống lây lất trong hoàn cảnh bi thương, không cơm ăn không nhà ở vì thất nghiệp, mất đi đồng lương tối thiểu của mình. Từ đó phát sinh cụm từ “Dư biến động dân cư” để chỉ về sự di dời quay lại quê hương của họ với biết bao nhiêu câu chuyện bi đát làm nát cả lòng người. 

Và cuối cùng là những Thiên Thần Áo Trắng, những cán bộ nhận nhiệm vụ, những người làm thiện nguyện. Họ là những chiến binh lao lên tuyến đầu,  đã hy sinh vì sự an nguy của cả một dân tộc. Họ xứng đáng được vinh danh liệt sĩ, được ghi ơn, được thờ phượng bằng bia đá, bằng bia miệng, mãi mãi họ ở trong lòng của mọi người: 

Đây những kẻ ngời Blu trắng 

Dấn thân vào cứu sống bao người 

Dầm trong vùng Dịch mệt nhoài 

Nhiễm Virus cúm quá... thời tử vong. 

 

Đây những kẻ trong vòng "giãn cách" 

Lo an dân, cấp bách tiếp nguồn... 

Ngày đêm canh gác phố phường 

Dính con Covid... đáng thương thật là... 

Trường thi được khép lại bằng “Nén nhan vọng tưởng ôi lệ tràn…” của thi nhân. Nén nhan ấy như đại diện cho triệu triệu nén nhang trong tâm tư người Việt Nam, hẹn đến một ngày đất nước bình an, sẽ làm lễ “Quốc tang” cho những linh hồn đã khuất 

Dịch đang Diễn dân ta khổ sở 

Sẽ "Quốc tang" tưởng nhớ các người 

Rằm này tháng bảy buồn thui 

Nén nhang vọng tưởng thương ôi lệ tràn... 

Người viết bài nầy xin được bàn thêm đôi lời về nghệ thuật trong trường thi “Thơ Viếng Đồng Bào Chết Dịch Covid 19” của nhà thơ Nguyễn Khôi: 

Đây là một trường thi không đài lắm nhưng cô đọng, nó có âm hưởng “Văn Chiêu Hồn” của Nguyễn Du, “Thăm Mả Cũ Bên Đường” của Tản Đà, nhưng khác ở chổ văn tế và bài thơ trên dùng nhận thức bao quát trong đời sống, trong thời cuộc mà viết, còn đây thấy duy một sự kiện đang diễn ra mà viết. Ngoài ra “Thơ Viếng Đồng Bào Chết Covid 19” còn khác những bài kia ở chổ lời thơ tả chân, không đưa lời than van vào đó  để kích động nước mắt tha nhân. Thế nhưng, chính sự bình dị của lời thơ, chính sự diễn đạt khách quan của ý thơ, lại thẩm thấu vào lòng ta những tiếng kêu đau thương ẩn chứa trong các câu thơ đó. 

Thơ nói về sự chết thì phải cần cường điệu, kích động bi luy, ảm đạm trong từ ngữ, tạo hiệu ứng mạnh trong lòng người đọc, khiến cho khi đọc, thần kinh căng lên, máu chảy nhanh lên, và tim đập mạnh lên để nước mắt tuôn rơi. Nguyễn Khôi không làm những điều đó, và hình như ông cũng không có cái tài viết như thế. 

Đọc thơ Nguyễn Khôi nhiều lần, trôi có cảm tưởng, nhà thơ có cái tài truyền thông trực tiếp cảm xúc có thực trong lòng mình đến tâm tư người đọc qua những câu thơ tả thực, những câu thơ tưởng  như khô nhưng ngược lại, gây cảm ứng mạnh trong tâm hồn ta sâu và đậm. Câu nói “Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến những trái tim” áp dụng cho thơ Nguyễn Khôi thật đúng. Thơ xuất phát từ trái tim có tầng sô riêng của nó, không cần hét to la lớn.chỉ cần nhỏ nhẹ thôi cũng làm xao động lòng người! 

Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi vơi nỗi đau thật đã viết một trường thi như một trang sử ký khách quan, có giá trị lưu lại cho đời sau biết về kiếp nạn hôm nay. 

*.

CHÂU THẠCH (Trương Văn Trạn) 

Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.

ĐT: 0929128967 - 05113894610

Email: truongvantran@hotmail.com

 

 

 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 19.08.2021.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét