MỜI ĐỌC:

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

‘KIẾP SỐNG NHỌC NHẰN LÒNG CỨ THẮM TƯƠI’ - Tác giả: Ngô Văn Giá (Bắc Giang)

 

‘KIẾP SỐNG NHỌC NHẰN

LÒNG CỨ THẮM TƯƠI’

*

(Tác giả Ngô Văn Giá)

Một tư thế phát ngôn

Thường thì khi làm một bài thơ, hoặc khi dựng một tập thơ, nhà thơ bao giờ cũng bắt đầu bằng việc xác lập cho mình một tư thế trữ tình, tư thế cất lời.

Nhà thơ đứng ở vị trí nào sẽ có một tầm nhìn, trường nhìn và một tiếng/giọng nói tương ứng.

Ở vị trí là kẻ đang yêu, sẽ lên tiếng về tình yêu. Trong vị trí là một kẻ sĩ, sẽ lên tiếng về thời thế. Nếu chọn vị trí là thường dân sẽ lên tiếng về thân phận và tâm tình của chúng sinh...

Tập thơ của Nguyễn Thành Phong có 63 bài, chia làm 9 phần được đánh dấu chữ số La Mã, tuy không gọi thành tên, nhưng người đọc có thể đọc ra được chủ đề của mỗi phần.

Tôi định làm công việc gọi tên các chủ đề này, nhưng suy cho cùng, trong thơ, chủ đề/ đề tài không hẳn quan trọng. Điều quan trọng nhất là với các chủ đề ấy, liệu có những bài thơ hay không, và từ đó chụm thành một gương mặt tinh thần thi sĩ nhất quán hay không, hay chỉ là những mảnh ghép rời rạc, tán loạn, bất định? 

Với một suy xét như vậy, đọc vào Nguyễn Thành Phong, thấy gợi lên những điều đáng ngẫm.

Số lượng 63 bài. Liệu có phải tính theo tuổi mụ, năm nay tuổi anh đã 63, đã đi qua một hội của mệnh người?

Tôi cũng chưa hỏi nhà thơ về việc chọn con số 63 này, nhưng tôi ngờ nhà thơ có ý đồ tạo dựng một sinh mệnh thơ.

Tuổi 63, “Lục thập nhi nhĩ thuận”, nghe được mọi điều của thiên hạ theo cách vô chấp. Tuổi 63 là tuổi thực hành Đạo mà mình lựa chọn...

Thêm nữa, cứ nhìn vào các địa chỉ được viết về, hoặc ghi chú dưới mỗi bài, thấy tác giả là người đi nhiều, nhìn ngắm nhiều, sống trải nhiều, nghĩ cảm nhiều.

Cái sự đi này, trước hết được giải thích bằng công việc của một nhà báo mà anh có mấy chục năm lăn lóc với nó. Nhưng còn lý do nữa, do cái máu xê dịch ở con người này, như câu thơ anh hé lộ: “Một ngày bỗng thèm muốn/ Bước chân đi la đà/ Cỏ cây xanh màu cũ/ Tang bồng sông núi xa” (Những gánh nặng…). 

Đi qua những không gian xê dịch ấy, nhà thơ không chịu khép mình vào nội giới, mà luôn mở lòng, cộng hưởng với những khung cảnh lớn của thiên nhiên, những vấn đề lớn của đất nước, những ưu tư lớn về thời thế và nhân thế trong sự cộng hưởng với nỗi niềm thân thế.

Mở đầu tập là bài thơ “Đêm ngồi ngã ba sông”, nặng nỗi suy tư về lịch sử, về đất nước. Bài thơ bộc lộ một tư thế “ngồi” vọng tưởng, ngồi trong “đêm”, ở một không gian “ngã ba sông” – Một hình ảnh có tính biểu tượng về sự phân vân. Như thế, chủ thể đã  chọn một điểm tựa, một không gian, thời gian tốt nhất để tập trung nghĩ ngợi.

Cái tư thế trữ tình này được trở đi trở lại với các biến thể khác, trong những không gian khác như Ba Vì, Xứ Thanh, Cao Pha, Nam Bộ, biển đảo... Khi ấy, cảm thức về Tổ quốc, về dân tộc và lịch sử lại có cơ hội sống dậy.

Những lúc này, nhà thơ đã lựa chọn và duy trì một tư thế phát ngôn thuộc con người công dân, con người kẻ sĩ trước thời cuộc.

Ở một đối cực khác, gần như ngược với những không gian lớn, kỳ vĩ trên kia, chủ thể trữ tình vẫn là kẻ sĩ ấy thôi, nếm trải trong những không gian nhỏ, có khi riêng tư, trong các trường hợp tự nhiên, tự nguyện hoặc bất đắc dĩ: nhà mình hoặc nhà giam.

Khi đó, thơ của Nguyễn Thành Phong dường như rẽ về hai hướng: lên tiếng về nhân thế, tức những câu chuyện thuộc nỗi đời ấm lạnh; và rút vào thân thế, cái tôi cá thể với những cảm xúc thanh xuân hoặc những phút đốn ngộ về một lẽ sống, một cách thế người…

Cho dù rất phong nhiêu, có phần bề bộn, nhưng trên những đường nét chính, nhân vật trữ tình trong toàn bộ thơ Nguyễn Thành Phong chủ yếu hiện lên như một kẻ sĩ.

Vâng, kẻ sĩ là một cách nói có từ xưa, dùng để chỉ loại người trí thức, hoặc mang tư cách trí thức đi giữa cuộc đời.

Phẩm giá số một của trí thức là luôn đặt mình giữa lòng đời sống, suy tư và lên tiếng về các vấn đề của đời sống, coi sự sống rộng lớn là mối bận tâm tha thiết và thường trực nhất của đời mình. Những người như thế luôn mắc bệnh quan hoài về số phận đất nước, con người…

Đêm ta ngồi giữa ba dòng sông sâu

Nghe nước thở mấy ngàn năm vẫn thở

Nghe nước kể chuyện những đời người

Cay đắng và vinh quang

Kiếp sống nhọc nhằn lòng cứ thắm tươi

(Đêm ngồi ngã ba sông)

Và đây nữa: 

“Đi đi suốt làm thành số phận

Khắp địa cầu đâu cũng dấu dân ta

Ngực lặng cúi trong cơ hàn xa khuất

Mắt trĩu buồn đau đáu hạt sương sa…” 

(Sao vẫn còn người Việt ra đi…)

Đó chính là những biểu hiện sống động của tiếng nói kẻ sĩ mà nhà thơ chuốc lấy, buộc vào, tự nguyện, như một lựa chọn. 

Chính vì đặt mình vào vị thế ấy, thật tự nhiên, người thơ trữ tình này tự tố cáo mình trong một câu thơ gan ruột: “Kiếp sống nhọc nhằn lòng cứ thắm tươi”.

Tôi cho rằng, bản thân nhà thơ Nguyễn Thành Phong cũng không thể ngờ câu thơ như một tự họa bản mệnh thi sĩ của chính mình. Nó là một bản mệnh gồm hai mặt: Cuộc sống mà người thơ đã lâm vào và sức sống mạnh mẽ, tự tại của chủ thể, theo đó mà nới rộng ra cùng với cõi nhân gian và đất nước.

 

Sống trải “nhọc nhằn”...

Thơ chẳng qua là một phóng chiếu của đời sống tiểu sử và tinh thần phức tạp, bí ẩn của người nghệ sĩ vào câu chữ. 

Nói về kiếp sống trải nhọc nhằn trước hết nói đến thân phận người nghệ sĩ. Về phương diện này, nếu nhìn vào đời sống mưu sinh cụ thể, không thấy nhà thơ nói gì nhiều. Cái khổ ở đây là cái khổ tinh thần. Nỗi khổ bị hàm oan, bị xúc phạm, bị làm hại.

Trong tập thơ này, có một chùm thơ được ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt: những ngày nhà thơ bị tạm giam vì một lý do vu vơ không đâu, như một cạm bẫy, như một tai họa. Thế là sinh ra một loại… “thơ tù”.

Trong thơ ca Việt Nam, có một dòng thơ tù đủ loại. Tù chính trị. Tù dân sự. Tù chính khách. Tù thường dân. Tù có hạn. Tù vô thời hạn. Tù chính đáng. Tù hàm oan…

Không cần thiết và cũng không nên so sánh. Nhưng 11 bài thơ của Nguyễn Thành Phong ra đời trong tình thế đặc biệt này đã gói ghém không ít điều khác lạ.

Nhà thơ tự ngẫm đời mình: “Anh là một người trai từng trải/ Bỗng có ngày non dại dưới mây xa(Có một chút dịu dàng).

Người ở trong hoàn cảnh đó, cũng bị nỗi nhớ về cuộc sống thường nhật vây khốn, cũng có thao thức dày vò, cũng có “nạn hữu”, cũng những chiêm ngắm rất nhân bản, ấm áp tình người…

“Con mèo nhỏ” là một câu chuyện bằng thơ kể về con mèo được bạn tù nhặt từ bãi rác về nuôi và bàn nhau  đặt tên cho nó với ngụ ý yêu quý và thương xót: “Công Tằng Tôn Nữ Phạm Thương”. Thì ra, trong những nơi tưởng như lòng người có thể sắt lại vẫn ấm lên lòng thiện bản nguyên quý giá.

Cũng trong chùm thơ “nằm mà” này, có một bài thơ rất đỗi tinh khôi: “Đêm nằm nghe mưa…”. Nếu như “Đêm ngồi ngã ba sông” là nỗi niềm cảm khái nhuốm màu bi tráng về đất nước và lịch sử dân tộc, thì “Đêm nằm nghe mưa” rút vào yên tĩnh nội tâm, nối thân phận mình với mênh mang vũ trụ:

“Mưa xa mưa xa mưa xa

Một đời dài như cơn gió

Bàn chân từng hạt mưa nhỏ

Khi khoan khi nhặt về gần…”

Tuy nhiên, nhà thơ không khoét sâu vào nỗi khổ cá nhân. Tư thế kẻ sĩ không cho phép mình nhấm nháp nỗi khổ đời tư, mà bao giờ cũng hướng mạnh mẽ ra với tha nhân, với cộng đồng.

Đó là nỗi nhọc nhằn của đất nước trong nỗi nguy nan rình rập của ngoại bang nơi biển đảo. Tiếp nữa là nỗi khổ của một “Đất nước không bình yên”, của những điềm báo và thực trạng diễn ra trên đất nước này: Đại dịch, dị quan, người bỏ nước ra đi bỏ mạng, những số phận không gặp may trong cuộc sống thường ngày.

Một loạt bài thơ trong chùm thơ thế sự (Một tin buồn, Đất nước không bình yên, Dị quan, Sao vẫn còn người Việt ra đi...; Người lính trẻ, Đại dịch, Chợ chiều, Cờ tàn, Trẻ con đừng sinh ra) khi thì là tiếng thơ phẫn uất, khi lại là nỗi xót thương, có khi là một lời kêu cứu.

Dị quan” là một bản cáo trạng đanh thép về những kẻ tha hóa trong giới cầm quyền đã tác oai tác quái lừa dối và hùa nhau hãm hại dân lành.

Trẻ con đừng sinh ra” là một nỗi buồn đau khi xã hội người lớn không thể là chỗ có đủ an ninh và yêu thương để chở che những đứa trẻ lớn lên...

Thơ ca Việt Nam ở mọi thời, nhất là thời loạn, có một truyền thống thơ phản biện, thơ tranh đấu, những câu thơ “tuẫn tiết” (như cách nói của nhà thơ Nguyễn Duy).

Mỗi người một cách và với những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm giống nhau, tiếng thơ của họ mang ý thức xã hội mạnh mẽ, đảm nhận trách nhiệm tự nguyện vì dân vì nước.

Vì thế, đó là những tiếng nói có khi hào sảng, bi tráng; cũng có khi phẫn uất, thống thiết; thậm chí có cả những tiếng thở dài.

Trong những trường hợp như thế này, bàn về nghệ thuật thi ca gần như là một điều xa xỉ. Hay nói cách khác, nghệ thuật thi ca chính là cái hào khí, hùng khí, phẫn khí mà các bài thơ tạo dựng. Thơ thế sự Nguyễn Thành Phong đã có được cái hùng tâm tráng chí đó.

Người thơ sống trải nhọc nhằn. Đất nước và nhân dân này sống nhọc nhằn. Những phận người sống nhọc nhằn. Nhưng với một tinh thần “phải sống”, họ biết vượt thoát, khẳng định tư thế làm người.

 

... “lòng cứ thắm tươi” 

Trong những khổ đau, bầm dập, kể cả đau đớn thân xác, con người ta có nhiều khả năng thay đổi. Vượt thoát đạt tới cảnh giới tự do nội tâm. Đó là chỗ đến của bậc thánh nhân. Phản kháng và thù hận. Đó là chỗ đến của thường nhân.

Còn khi con người ta cứ hướng về sự sống tươi xanh với một niềm tin nồng nhiệt, với một hy vọng khỏe khoắn, thì đó thường là chỗ đến của các thi nhân. Thi sĩ Nguyễn Thành Phong là thế.

Khi đất nước hiện lên trong tâm thế bi tráng, pha chút bùi ngùi, người thơ như thể ngộ ra: “Một kiếp sống chỉ tính bằng chớp mắt/ Cũng lộng lẫy huy hoàng trời nước giao nhau(Đêm ngồi ngã ba sông).

Khi những người lính từ chiến trận trở về cuộc sống thường ngày, biết bao nhiêu số phận khốn khổ, đảo điên, ly tán..., cho dù họ phía bên này hay phía bên kia, nhưng cuối cùng vẫn còn đây một an ủi và hy vọng: “Bọc trăm trứng vẫn hồng trong tâm tưởng/ Khắp địa cầu giăng mắc mịt mờ xa...” (Những nhà thơ chiến trường).

Trường Sa nhọc nhằn và thăm thẳm như thế, trong cảm nhận của nhà thơ vẫn vững chãi, thân thuộc tự ngàn đời: “Trưa ngồi dưới bóng phong ba/ Rưng rưng tôi gọi: Trường Sa làng mình...” (Trường Sa làng mình).

Thơ Nguyễn Thành Phong thích theo đuổi những cảm hứng lớn, những không gian kỳ vĩ, cao rộng, khoáng đạt. Nào là “Ba Vì ôm ngã ba sông”, nào “Ngùn ngụt gió Cao Pha”, nào “Trời biên tái bay đầy mây trắng/ Và dịu lành xanh mắt thẳm Hương Sơn(Nợ gì với Hương Sơn).

Mấy câu thơ viết về “Những hàng dừa nước” trên quê hương Nam Bộ thật hào sảng: “Như đội quân kỳ/ Những lá cờ biểu trưng cho sức sống/ Xanh ngút ngàn dọc các triền kênh rạch/ Châu thổ Cửu Long Giang tràn tầm mắt”...

Đọc những vần thơ này, khiến tâm hồn được chan hòa với thiên nhiên, đất trời thoáng đãng, hào phóng, mạnh mẽ. Bao nhiêu những quẩn đọng bụi bặm thường ngày như được gột rửa sạch.

Đó là  đối với hình hài đất nước. Còn đối với nhân thế? Ở cõi trần ai này, sự sống chuyển dời, tốt xấu chen nhau, được cùng với mất... Lắm khi con người rơi vào cõi hư vô, hoang mang.

Bỗng nhiên nhà thơ dựng lên câu thơ kết bài như một niềm ru vỗ: “Trong lòng ta yên tĩnh và đắm đuối/ Nơi bắt đầu những rộn rã đấy thôi” (Từ mình).

Bài thơ “Nhớ phố” gói một trạng thái khát khao về tiếng của sự sống ngoài kia với biết bao hình ảnh đẹp đẽ, chan hòa màu sắc và động cựa. Bài thơ không ngả về phía than thân trách phận hay buồn khổ đắng cay, mà chồi lên một hy vọng chắc khỏe: “Phố hiểu thế phả chút mùi thật nhẹ/ Cho ta thở căng tràn xua ăm ắp tối tăm xa”... 

Nếu để ý kỹ, việc sắp xếp chín phần trong tập thơ này đã gợi lên ý niệm về một hành trình tâm tưởng: Chuyện đất nước - chuyện nhân quần - chuyện trong nhà giam - chuyện trở về nhà/về quê. Mỗi một phần có những đặc sắc riêng, và có những thi phẩm vượt trội riêng. 

Trong phần cuối cùng của tập thơ (VIII và IX), tôi thật sự tâm đắc những bài thơ: Đưa mình xe đạp đi chơi, Dưới mái hiên quê, Đầu năm ra ngõ; Ừ, giêng.

Đó là những bài thơ được ra đời gần đây nhất, tức sau khi người thơ đã đi qua những tao loạn kiếp người. Như đã đi qua lửa và nước. Lúc này, tâm thái của người thơ thật thư nhàn, thong dong, như buông bỏ những chuyện xưa buồn để sống hiện sinh hài lòng trong thực tại.

Thì ra thi sĩ đã xem chốn quê nhà, xóm làng, nơi mà từ đó ra đi, trưởng thành, nhung nhớ và ân nghĩa như một chốn dung dưỡng, che chở, xoa dịu những đắng cay.

Khung cảnh dưới mái hiên quê thanh bình yên ả làm sao: “Lá khô cũ vun thêm vào đống rấm/ Trong vườn xưa khói ấm thơm nồng/ Nghe rét ngọt giữa chiều đang trở gió/ Cây âm thầm chuyển nhựa cuối ngày đông(Dưới mái hiên quê).

Thi phẩm “Ừ, giêng” dãi ra một khúc ru, tự ru mình, an nhiên, tự tại, một niềm hạnh phúc được tiết chế: “Ừ giêng, cỏ đã xanh mềm/ Và hoa hồng trước cửa thềm đã khoe/ Anh đang đứng lặng yên nghe/ Bao nhiêu xao xuyến rung về phía em”…

Thì ra, chỉ có làng quê với những không gian thương mến như hiên nhà, ngõ quê, bờ ruộng, đồng làng mới là những nơi an trú tin cậy, không cạm bẫy, không phải dè chừng. 

Trong số những kẻ rời làng, sống đời ở phố, có lẽ thi sĩ Nguyễn Thành Phong là một trong số ít những kẻ yêu làng, nặng lòng với làng nhất. Hồi hưu, về làng thôi. Không được chơi cờ với trẻ con thì vác cần câu cá. Thỉnh thoảng nhung nhăng đường làng bờ ruộng hít thở gió thơm hương lúa hoặc nằm khểnh mái hiên nghe mưa... Một dáng dấp tao nhã như các bậc ẩn sĩ thuở nào.

Chưa hẳn được tròn vai như thế, nhưng cái ý hướng của thi sĩ Nguyễn Thành Phong đã ngả về phía ấy. Cũng là một trong những cách ứng xử mang tinh thần kẻ sĩ. Phía cuối con đường của một “kiếp nhọc nhằn” là vậy, “lòng cứ thắm tươi”…

*

NGÔ VĂN GIÁ

(Bút danh khác: Văn Giá, Chung Sơn, Thuần Vũ)

Địa chỉ: Khoa Viết Văn, Đại học Văn Hóa

103 Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội.

 

 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật từ messenger facebook Nguyễn Đình Văn ngày 11.08.2021.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

1 nhận xét: