MỜI ĐỌC:

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

LẬT ĐI LẬT LẠI CHUYỆN ĐẠO THƠ CHỢT NHẬN RA TRẦN MẠNH HẢO ĐẠO THƠ 6 LẦN - Tác giả: Đinh Văn Chinh (Hà Nội)

 

LẬT ĐI LẬT LẠI CHUYỆN ĐẠO THƠ CHỢT NHẬN RA

TRẦN MẠNH HẢO ĐẠO THƠ 6 LẦN

*

Cả tháng nay ông Trần Mạnh Hảo nói đi nói lại câu chuyện ông Văn Giá đạo ca từ “Ngẫu hứng phố” để làm bài thơ “Mùa thi đỏ lửa.” Tôi đã tính giữ im lặng, nhưng ông ấy cứ càng làm già, như kiểu múa gậy vườn hoang. Để bạn mình lâm vào tình thế ấy cũng không hay, nên có bài này.

 

QUY CHIẾU XUÔI

(Tác giả Đinh Văn Chinh)

Ca từ Trần Tiến và thơ Văn Giá “cùng nói về một địa danh/ một không gian và dùng phép tương phản qua các cặp tính từ trái nghĩa. Nếu như Trần Tiến dùng các cặp rẻ/đắt, buồn/vui thì Văn Giá dùng các cặp: thiếu/thừa, héo/tươi, hiền/dữ và sau đó là một số cặp tương phản nữa: ít/ chi chít, cháy xém/ trắng ngời, trong héo ngoài héo/ trong tương ngoài tươi. Ngoài ra, chữ “chỉ có” trong ca từ của Trần Tiến cũng được Văn Giá sử dụng trong những câu thơ của anh.” [Đỗ Anh Vũ]

Nhưng cái phép tương phản Trần Tiến lấy ở đâu? Ở mẹo mực ngữ pháp tiếng Việt. Tiếng Việt của người Việt, ai cũng có thể dùng; không thể bảo rằng, Trần Tiến đã dùng rồi thì Văn Giá không được phép dùng nữa. Bảo thế có 1 điều sai: Trần Tiến độc quyền mẹo ngữ pháp tương phản? Nhưng còn hơn thế nữa, Trần Tiến không sáng tạo ra phép tương phản này vậy thì cứ logic coi Văn Giá là đạo của Trần Tiến thì Trần Tiến đạo của ai?

Ta thử suy đoán xem? Tôi thì tôi ngờ rằng Trần Tiến học hỏi từ dân gian, ví như ông học từ chợ quê Nam Định:

Chợ Nghĩa Hưng trên giời dưới ngao

Chỉ người mua không có ma nào

Hay cũng có thể Trần Tiến học từ một bài thơ tôi không nhớ của ai:

Triển lãm Giảng Võ đầy hàng đắt

Chỉ người xem không có tiền mua

Chợ người Giảng Võ đầy cơ bắp

Chỉ việc làm là bói chẳng ra

Bảo thế, [tức là bảo Trần Tiến dùng rồi Văn Giá không được dùng nữa] có 1 điều bất nhân thất đức, vì như thế tiếng Việt sẽ trở nên nghèo nàn. Như mọi người biết, cả chục năm nay không nghe “Ngẫu hứng phố” sẽ không biết có cái mẹo mực tương phản này. Vâng, làm nghèo tiếng Việt đi bằng một hệ quan điểm như thế, là khiến cho tiếng Việt thế hệ sau không bằng thế hệ trước; con nghèo hơn cha là nhà vô phúc, bất nhân thất đức ở chỗ đó.

 

QUY CHIẾU NGƯỢC:

Có một cách làm nghèo tiếng Việt kiểu khác, là đạo văn/ thơ. Tức là đạo lời (cách diễn đạt), ý của A rồi “viết” thành một bài khác có nội dung A hay A’. Còn có thể có trường hợp dùng lại điển [cùng sở học, học phép cùng xuất xứ, cùng mượn lời…] của A nhưng người sau đưa văn bản đến đích B thì không thể nói là đạo. Bạn hãy đọc lại ca từ “Ngẫu hứng phố”, đây là 8 câu đầu:

Hà Nội cái gì cũng rẻ

Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi

Hà Nội cái gì cũng rẻ

Chỉ có đắt nhất tình người thôi

Hà Nội cái gì cũng rẻ

Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi

Hà Nội cái gì cũng rẻ

Chỉ có đắt nhất tình người thôi

Và đọc 8 câu đầu “Mùa thi đỏ lửa” (câu thứ 9 thực ra là câu thứ 8 cắt đôi):

Ở Quảng Trị cái gì cũng thiếu

Chỉ có gió Lào và cát trắng thừa thôi

Ở Quảng Trị cái gì cũng héo

Chỉ có phượng hồng và hoa giấy thắm tươi

Ở Quảng Trị tất thảy đều hiền lắm

Chỉ Quốc lộ là hung dữ nhất thôi

Cô giáo coi thi xe máy về phố thị

Xe tải tông ngang.

Nấm mộ chân đồi...

So sánh cặp 8 câu giữa hai bài ta thấy: Tương phản của Trần Tiến chỉ có đắt rẻ, mọi thứ đều rẻ, chỉ có tình bạn/ người là đắt. Nếu Trần Tiến là nhà thơ, tôi sẽ không bàn; bàn về cách một nhà thơ hạ cấp tình bạn/ người đến thế có mà dở hơi. Đắt rẻ là từ dùng khi nói về giá trị, ở nghĩa đắt hơn rau thì tình bạn / người ấy dẫu là cực đắt thì nó cũng chỉ hơn rau và có thể mua bán ư? Nhưng Trần Tiến là nhạc sĩ và trọng lực tài năng của anh ta nằm ở giai điệu chứ không ở ca từ. Nhưng khi bàn thì cũng cần rõ ràng: Tương phản đắt rẻ của ca từ này là khập khiễng, nó chỉ ở dạng “nay da em nâu tươi màu suy nghĩ” mà thôi.

Tám (9) câu của Văn Giá có 3 cặp tương phản: thiếu/thừa, héo/tươi, hiền/dữ. Nếu đọc hết “Ngẫu hứng phố” chừng hơn 30 câu và đọc hết “Mùa thi đỏ lửa” 12 câu nữa, ta có thêm cặp tương phản lần lượt là buồn/ vui và ít/ chi chít. Cách diễn đạt ở 8 cặp đầu “Ngẫu hứng phố” lặp lại nhau rẻ/ đắt tình bạn, rẻ/ đắt tình người còn ở “Mùa thi đỏ lửa” thì khai triển 4 cặp câu thơ, để chúng lập nên tứ thơ:

Ở Quảng Trị cái gì cũng ít

Chỉ có mộ người chi chít mà thôi

Qua cuộc chiến lính hai bên bỏ mạng

Hương khói đêm đêm cháy đỏ mặt người

Như thế, cùng motif cặp tương phản nhưng cái chúng tương phản khác nhau, lối diễn đạt của Văn Giá khác hẳn Trần Tiến, dẫn đến các hàm nghĩa khác nhau như A và B. Tiếng Việt ở đây, [ở bài thơ và ca từ] Văn Giá làm nó giàu có hơn hẳn Trần Tiến; nhất là nó có lễ phép hơn thứ tiếng Việt coi tình bạn/ người đắt hơn nói ví dụ rau cỏ.

Từ QUY CHIẾU XUÔI đến QUY CHIẾU NGƯỢC đều cho kết quả: Văn Giá không đạo ca từ “Ngẫu hứng phố” của Trần Tiến để làm ra bài thơ “Mùa thi đỏ lửa” mà chính Trần Mạnh Hảo từng khen hay.

 

QUY CHIẾU RỘNG

Tôi đã nói ở một bài khác liên quan đến chủ đề này: Hà Tốn (何遜 (?-518), một nhà thơ thời Lục triều của Trung Quốc có câu thơ nổi tiếng: Bạc vân nham tế xuất/ Sơ nguyệt ba trung thướng [Giáo sư Nguyễn Khắc Phi dịch là Mây mỏng bay lên từ đá núi/ Trăng non nhô lên trên sóng.] Đỗ Phủ ( 杜甫; 712 – 770), thi bá đời Đường đã mượn đến 7 chữ của Hà Tốn để làm nên hai câu thơ 10 chữ nổi tiếng khác và hay hơn: Bạc vân nham tế túc/ Cô nguyệt lãng trung phiên [Mây mỏng ngủ nhờ trên đá núi/ Trăng lẻ vươn mình trên sóng khơi.]

Suốt 1251 năm qua, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam không ai bảo Đỗ Phủ là đạo thơ của Hà Tốn. Riêng cá nhân tôi, tôi thán phục Đỗ Phủ ở chỗ, có mấy thứ vật liệu như nhau mà qua bàn tay phù thủy Đỗ Phủ, vẻ đẹp ngôn từ trở nên sang trọng, lộng lẫy khác thường.

Nhưng đấy là nói từ nay lộn về 1251 năm trước. Tôi đã nói ý tứ để Trần Mạnh Hảo thôi đi cái việc hồ đồ là bảo Văn Giá đạo thơ. Nhưng ông coi như không biết. Vậy thì tôi cũng mượn hệ quan điểm và phương pháp luận của Trần Mạnh Hảo và tôi phát hiện ra 6 lần Trần Mạnh Hảo đạo thơ:

 

1. TRẦN MẠNH HẢO ĐẠO THƠ CỦA NGUYỄN DU LẦN THỨ NHẤT:

Ở bài “Con cò tập viết”:

Trời in đáy nước

Cò ngỡ mực xanh

Dùng mỏ chấm mực

Viết mãi không thành

Thực ra, tứ của bài thơ là thuổng từ bức tranh dân gian Lý ngư vọng nguyệt cơ, chỉ có “Trời in đáy nước” là thuổng từ câu “Long lanh đáy nước in trời” của cụ Nguyễn Du.

 

2. TRẦN MẠNH HẢO ĐẠO THƠ CỦA NGUYỄN DU LẦN THỨ HAI:

Trần Mạnh Hảo lấy câu của cụ Nguyễn Du viết trong bài “Phản chiêu hồn

Hậu thế nhân gian giai Thượng Quan

Đại địa xứ xứ giai Mịch La,

[Ðời sau đều là Thượng Quan/ Khắp mặt đất đều là sông Mịch La]

để chế thành một câu trong bài “Nguyễn Trãi trước giờ tru di”:

“Ta thương xã tắc không mất về tay giặc

Lại mất về tay bọn nịnh thần

Triều đình ai cũng là Lê Sát”

 

3. TRẦN MẠNH HẢO ĐẠO THƠ LÝ BẠCH

Trong bài “Thương tiến tửu”, Lý Bạch viết:

Nước sông Hoàng Hà chảy từ trên trời xuống,

Chảy ra đến biển không quay trở lại nữa.

Trần Mạnh Hảo thuổng một câu chế thành câu khác trong bài “Mao Trạch Đông” của mình:

Người cầm con hồng vệ binh như cầm một tách trà

Hoàng Hà đỏ đổ từ trời như cắt tiết

 

4. TRẦN MẠNH HẢO ĐẠO THƠ NGUYỄN BÍNH

Nguyễn Bính viết trong bài “Những bóng người trên sân ga”:

Hờ hững bước đi cùng bóng lẻ

Một mình làm cả cuộc chia ly

Trần Mạnh Hảo đạo rồi chế thành:

Ngồi giữa trời đất ấy

Một mình mình chia ly (Đi tới)

 

5. TRẦN MẠNH HẢO ĐẠO THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA

Trần Đăng Khoa viết:

Trăng tròn như quả bóng

Đứa nào đá lên trời

Trần Mạnh Hảo lấy tứ thơ ấy, chế thành:

Mai rồi vũ trụ thành sân rộng

Con sút tung trời quả bóng trăng (Con tập đi)

 

6. TRẦN MẠNH HẢO ĐẠO VĂN TỪ TRUYỆN NGỤ NGÔN:

Thơ ông Hảo:

Con mọt ăn thanh gỗ xác xơ

Nào biết đâu lửa đã gần kề

Tôi quên mất tên ngụ ngôn này, ông Hảo nhớ của ai xin comment giúp. Chỉ nhớ đó là chuyện con chim đang định bắt con bọ ngựa ăn thịt, nó không biết có người đi săn đang giương súng bắn nó còn chàng thợ săn thì không biết con rắn đang định cắn mình?

--------

Nguồn: https://www.facebook.com/profile.php?id=100026073634423

*

ĐINH VĂN CHINH

Địa chỉ: (đang cập nhật)

Email: (đang cập nhật)

Điện thoại: (đang cập nhật)

 

 

 

 

..............................................................................................................

- Cập nhật từ messenger facebook Vũ Thị Hương Mai ngày 05.08.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.

1 nhận xét: