MỜI ĐỌC:

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

PHỎNG VẤN NHÀ THƠ NGUYỄN KHÔI - Tác giả: Nguyễn Văn Hoa (Bắc Ninh)

 

PHỎNG VẤN NHÀ THƠ

NGUYỄN KHÔI

*

27.12.2011: Nhà thơ Nguyễn Khôi bước sang Mùa Xuân thứ 75. Nhân dịp này Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoa (Kinh Bắc) đã công phu tổ chức một cuộc phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Khôi xoay quanh câu chuyện Văn Chương. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng Độc giả yêu thơ Kinh Bắc bài phỏng vấn này.

 

Nguyễn Văn Hoa: Thưa nhà thơ Nguyễn Khôi, Anh sinh vào năm nào?

Nguyễn Khôi: Nguyễn Khôi sinh vào năm 1938, cầm tinh CON CỌP.

 

Nguyễn Văn Hoa: Vậy là Nguyễn Khôi cầm tinh Hổ -  Ông Ba Mươi)

Nguyễn Khôi: Đúng vậy, Nguyễn Khôi tuổi Mậu Dần.

 

Nguyễn Văn Hoa: Anh sinh ở đâu?

Nguyễn Khôi: Nguyễn Khôi sinh ở Yên Bái.

 

Nguyễn Văn Hoa: Nơi sinh là Yên Bái?

Nguyễn Khôi: Yên Bái chỉ là nơi sinh. Gốc gác của Nguyễn Khôi là Làng (nay là Phường) Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Khôi từ nhỏ đến này vẫn giữ trọn vẹn Hồn quê Kinh Bắc: Nguyễn Khôi đẻ ở Yên Bái, nhưng ngay sau đó - gửi về quê ở Vú (U nuôi) tại làng, lên 4 "bắt" về ở nhà Ông bà ngoại (Đồ Nho) đi học, năm 1945, lên 7 tuổi đã học lớp 2 trường tiểu học Đình Bảng, 1946 tản cư lên Yên Thế, 1948 về Bắc phần Bắc Ninh (tự do) rồi lên Hiệp hòa học lớp 3, lớp nhì tiểu học.

Như vậy là từ lên 1 đến 12 tuổi Nguyễn Khôi sống ở quê hương Kinh Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang). Năm 1950 tản cư lên Thái Nguyên, học cấp 1, cấp 2 / hệ 9 năm, nhưng vẫn sống trong cộng đồng người Bắc Ninh (tản cư ở theo cả họ cả làng thành 1 khu vực kiểu "tự trị")... 1955-1958 học cấp 3 Lương Ngọc Quyến - Thái Nguyên, nhưng trọ học vẫn mấy người Bắc Ninh với nhau... Do đó ăn nói (ngôn ngữ) từ bé đến lớn vẫn giữ được ngôn ngữ phong tục tập quán “Người Đình Bảng - Bắc Ninh.”

 

Nguyễn Văn Hoa: 21 năm công tác ở Tây Bắc, anh còn nhớ gì nhất?

Nguyễn Khôi: Khi vác ba- lô đi Tây Bắc (15-4-1963) trong hành trang của Nguyễn Khôi là tập "Thái dương vu thổ nhưỡng" - "Ánh sáng và phù sa" của Chế Lan Viên (bằng tiếng Trung) và các cuốn Đường thi nhất bách thủ, Tống thi nhất bách thủ, thơ ca Trung Hoa từ cổ đại tới Minh - Thanh, Thơ và từ Mao Trạch Đông (1 bản tiếng Trung và 1 bản tiếng Việt)...

Sau này ghiền thêm cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh in ở trong Thành hồi 1950. Lên Sơn La, Nguyễn Khôi là cán bộ "cắm bản" chỉ đạo Hợp tác xã nông nghiệp phải học tiếng Thái để 3 cùng với dân bản, thế là có điều kiện đi vào Sống Chụ Son Sao... Thơ Mới (1930-1945) nhất là Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Hoàng Cầm cùng 3 tác phẩm cổ điển Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung Oán ngâm khúc... + thơ Trung Hoa + thơ Thái... đã cho Nguyễn Khôi cái vốn (chữ nghĩa) để làm thơ và dịch thơ.

 

Nguyễn Văn Hoa: Nguyễn Khôi đã được giải thưởng văn chương nào?

Nguyễn Khôi: Nguyễn Khôi đã nhận các Giải thưởng ví dụ như :

- Giải thưởng viết về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội - bài thơ "Về Hà Nội".

- Giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Thủ Đô 2008 cho bộ sử Làng Cổ Pháp Cố Sự.

 

Nguyễn Văn Hoa: Nguyễn Khôi hiện nay ở đâu ?

Nguyễn Khôi: Tại số 259/39 phố Vọng - Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Nhà riêng hiện nay: P12A05 nhà 17T, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội.)

 

Nguyễn Văn Hoa: Độc giả yêu thơ Nguyễn Khôi có thể liên lạc với Nguyễn Khôi thế nào?

Nguyễn Khôi: Điện thoại cố định có khi Nguyễn Khôi ra khỏi nhà, Điện thoại di động có khi hết Pin, cho nên tốt nhất là các bạn ấy có thể liên lạc qua hộp thư điện tử sau đây: khoidinhbang@gmail.com

 

Nguyễn Văn Hoa: Nguyễn Khôi tham gia những Hội văn học nghệ thuật nào?

Nguyễn Khôi: Nguyễn Khôi là hội viên của các Hội:

-  Hội Viên Hội Nhà Văn Hà Nội.

- Ủy viên Ban cháp hành Hội Văn nghệ Dân Gian Hà Nội.

- Ủy viên Ban cháp hành Hội Văn Học Nghệ Thuật các Dân tộc Thiểu Số Việt Nam (khóa 2).

 

Nguyễn Văn Hoa: Trước khi nghỉ hưu Nguyễn Khôi công tác ở đâu?

Nguyễn Khôi: Chuyên viên Cao cấp, nguyên phó Vụ trưởng Văn Phòng Quốc Hội Việt Nam

 

Nguyễn Văn Hoa: Nguyễn Khôi đã xuất bản được bao nhiêu cuốn sách? 

Nguyễn Khôi: Tác phẩm Nguyễn Khôi đã cho ra mắt:

- Trai Đình Bảng (thơ) Nhà xuất bản Văn học 1995, Nhà xuất bản Văn hóa Thông Tin , Hà Nội, năm 2000

- Gửi Mường Bản xa xăm (thơ) Nhà xuất bản Văn hóa Thông Tin , Hà Nội 1998 - Giải thưởng Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam 1998.

- Trưa rừng ấy (thơ tứ tuyệt 100 bài) Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc 2005

- Bắc Ninh thi thoại (biên khảo) đã tái bản lần thứ 3.

- Các dân tộc ở Việt Nam - cách dùng họ và đặt tên (biên khảo) Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc 2006.

- Cổ Pháp cố sự - 4 tập, 920 trang, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc  viết về cội nguồn Nhà Lý.

- Có thơ in ở: tuyển tập thơ Việt Nam 1945-2000 (Nhà xuất bản Lao động);tuyển tập thơ Việt Nam 1975-2000, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn; tuyển tập Văn học Miền Núi - Nhà xuất bản Giáo dục 1998; tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ 20 (Nhà xuất bản Giáo dục-2005)  v.v. ...

Về phần Dịch thuật:

- Sống chụ son sao (tiễn dặn người yêu) - truyện thơ dân tộc Thái

- Tiếng hát làm dâu (dân ca HMômg)...

 

Nguyễn Văn Hoa: Thơ của Nguyễn Khôi đã ‘lọt vào mắt’ của các người làm tuyển tập thơ Việt nam?

Nguyễn Khôi: Thơ Nguyễn Khôi được in trong các tuyển tập thơ Quốc gia:

1. Người H'Mông, Tuyển tập thơ Việt Nam 1975-2000, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội ;

2. Mùa thu này em đi Paris , Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-2000, Nhà xuất bản Lao Động

3. Gửi Tuyên Quang, Tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ 20. Nhà xuất bản Giáo dục

4. 2 bài thơ: Bản Chiềng Ly & Người H'Mông, Tuyển tập văn học Dân tộc - miền núi 1945-2000, Nhà xuất bản Giáo dục

5. Về Hà Nội, Tuyển tập thơ Nghìn năm thơ Việt , Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

6. Về Hà Nội, Tuyển tập thơ 10 năm đầu thế kỷ 21 , Nhà xuất bản Hội Nhà Văn.

7. Gửi em Paris mùa thu tím, Tuyển tập 100 bài thi tình Hà Nội, Nhà xuất bản Trẻ.

In trong các Tuyển tập thơ các tỉnh thành phố khác ví dụ như Hà Bắc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Châu Đốc, 700 năm thơ Huế, thơ Huế - Hà Nội, Quảng Nam, Bình Định...

 

Nguyễn Văn Hoa: Thể thơ nào Nguyễn Khôi “thuận tay” nhất?

Nguyễn Khôi: Nguyễn Khôi vận dụng khá thành thạo nhuần nhuyễn các thể thơ truyền thống cũ/mới: Song thất lục bát (đã xuất bản tác phẩm dịch gồm: Tiễn dặn người yêu (Sống Chụ Son Sao) 1024 câu, Khun Lú - Nàng Ủa, Út Ỏ về Kinh, Dặn lại Mường,Tiếng hát làm dâu, Em bé - nàng Hổ...  -- tổng cộng 2060 câu đã được in ấn và phát hành với số lượng sách là 84.000 bản của Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, Nhà xuất bản Kim Đồng từ năm 1996-2003.

Các thể thơ khác được Nguyễn Khôi dùng đan xen tùy theo cảm hứng nên đã tạo được các bài thơ hay như:

MIỀN QUÊ KINH BẮC

 

Đây miền quê Quan Họ

Qua sông Cầu để yêu

Xa sông Thương để nhớ

Dải yếm hong ráng chiều

 

Đây dòng Tiêu sương mờ

Chèo đò Trương Chi hát

Chiêng Trõ gọi trống Chờ

Đợi ai trên Quán Dốc

 

Pháo Đồng Kỵ vừa dứt

Bổi hổi vào Hội Lim

Đình Bảng nổi trống vật

Trai Yên Thế đua chen...

 

Ngực nào đầy ánh trăng

Môi nào trầu cắn chỉ

Ai đến hẹn lại lên

Đôi mắt đen đến thế !

 

Tôi đi bao miền quê

Ngày về trông xa lắc

Bỗng gặp cánh chim chiều

Gửi hồn về Kinh Bắc...

*

Biên giới Việt - Lào 1967

 

- Gửi Tuyên Quang, Bản Chiềng Ly (7, 8 chữ)

- Người H'Mông , Về Hà Nội, Gửi em Paris mùa thu tím (tự do)

- Người đi tìm lá diêu bông (lục bát) Tuyển thơ tứ tuyệt 100 bài v.v...

Nguyễn Khôi là một cao thủ về thơ tứ tuyệt (nổi tiếng nhất là bài "Ao Làng") - (ghi chú của Nguyễn Văn Hoa.)

 

Nguyễn Văn Hoa: Bạn đọc yêu thơ Nguyễn Khôi có thể đọc tác phẩm Nguyễn Khôi trên mạng Internet?

Nguyễn Khôi: Văn thơ Nguyễn Khôi đầu tiên được đăng tải trên website Newvietart của Từ Vũ mà trụ sở đặt tại Paris (Pháp) từ năm 2004 - vào thời điểm này, web gọi là Vietart. Đây là tờ báo điện tử ra mắt vào tháng 8 năm 1994 do Từ Vũ, Nguyễn Mai (đã qua đời), Nguyễn Khôi... chủ trương với tôn chỉ-mục đích hoàn toàn độc lập, không bè phe nhóm, trở về cội nguồn Dân tộc, trên Newvietart.com người đọc chỉ tìm thấy những người cầm bút Việt Nam dù cho ở miền Bắc, miền Nam, ở Trong hay ở Ngoài Nước không phân biệt chính kiến...

Hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Khôi đều được đăng toàn văn hoặc trích giới thiệu trên http://www.newvietart.com.

Sau này các tác phẩm của Nguyễn Khôi được phổ biến trên các báo điện tử ở trong nước như:

- Người Đại Biểu Nhân Dân (của Quốc hội)

- Văn VN.net (Hội Nhà văn Việt Nam) giới thiệu toàn văn bản dich Sống Chụ Son Sao - 1024 câu (Tiễn dặn Người yêu) của Nguyễn Khôi.

- Các trang Websites như Văn Chương Việt ở Tp Hồ Chí Minh. "Vandanviet", Lengoctrac, nguyennguyenbay, vanhac, hxh, tranhuythuan, trannhuong,  phongdiep, nguyentrongtao, thaidoanhieu, datdung, vannghe songcuulong, phungphuongquy, vunho, sieuthi saigon... Khoa văn Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí MInh, Thi Viện.net,Quancoc online... Hoặc trên các báo Điện tử ở hải ngoại như: Chimvietcanhnam (Paris), sachhiem, Sontrung (canada), saimonthidan (Hoakỳ), khekinhkha,(canada), Nguoibanduong (Mockba), Amvc-free (Paris) , Người Hà Nội tại Đức...

 

Nguyễn Văn Hoa: "Cổ pháp cố sự" ra đời trong hoàn cảnh nào?

Nguyễn Khôi: Cổ Pháp Cố Sự (bộ sách viết về cội nguồn nhà Lý.) Nguyễn Khôi quê gốc làng Cổ Pháp, sau đổi là Đình Bảng, đất phát tích Vương triều Lý; từ năm 2002 đã dành thời gian và tâm huyết viết Bộ Sử Làng "Cổ Pháp Cố Sự" 4 tập, dày 970 trang. Tập 1+ 2+ 3 đã xuất bản, vừa được Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Thủ Đô 2008 (cùng đợt với tập" Thơ Trần Dần"). Tập 4 đã viết xong (Chuyện làng Đình Bảng từ 1945 đến nay) sẽ xuất bản trong dịp tới. Newvietart đã đăng một số chương của Cổ Pháp Cố Sự http://newvietart.com/index4.500.html.

 

Nguyễn Văn Hoa: "Bắc Ninh thi thoại" (tập 1) đã gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước! Có phải anh đã công bố rộng rãi bản thảo "Bắc Ninh thi thoại "(tập 2) ?

Nguyễn Khôi: Đúng vậy. Trên Newvietart.com đã giới thiệu 2 cuốn sách này của Nguyễn Khôi. ví dụ: http://newvietart.com/index4.171.html

 

Nguyễn Văn Hoa: Theo Nguyễn Khôi thì làm thế nào để có thơ hay?

Nguyễn Khôi: Câu hỏi thú vị đấy !

Mời bạn đọc tìm đọc trên Newvietart.com: LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THƠ HAY? tại: http://newvietart.com/index4.460.html.

 

Nguyễn Văn Hoa:  Thơ dịch của Nguyễn Khôi. Một mảnh rất thành công trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Khôi là mảng thơ dịch!. Tôi nghĩ rằng thể thơ Song Thất Lục Bát mà hình như sắp bị thất truyền ở Việt Nam. Rất may có bản dịch "Tiễn dặn người yêu" của Nguyễn Khôi, nhà thơ dịch giả có gì nói thêm với độc giả.

Một điều ngẫu nhiên thú vị là: các dịch giả (Điêu Chính Ngâu - Mạc Phi - Nguyễn Khôi) có thời đều ở Bản Nà Coóng, xã Chiềng Cơi, huyện Mường La, tỉnh Sơn La- nơi khu gia đình cán bộ Khu Tây Bắc và tỉnh Sơn La cư trú - phải chăng đó là duyên tiền định để các "Nhà" cùng Hứng khởi trước sau cất công thả hồn "dịch" Sống Chụ Son Sao" cho mọi người (các Dân tộc anh em trong mái nhà Việt Nam) cùng ngâm nga thưởng thức thiên tình sử bất hủ này!

Ghi chú: “Tiễn dặn người yêu” toàn tập - Nguyễn Khôi (biên soạn) 418 trang, khổ 13x19, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc - Hà Nội - năm 2000

 

Nguyễn Văn Hoa: Nguyễn Khôi làm việc ở Văn phòng Quốc Hội, theo dõi các dân tộc thiểu số , do vậy anh có điều kiện hoàn thành cuốn sách "Cách dùng họ và tên của các dân tộc Việt nam"

Nguyễn Khôi: Mỗi một giai đoạn công tác, Nguyễn Khôi đều có để lại dấu ấn riêng, ví dụ Tiễn dặn người yêu gắn với 21 năm ở Tây Bắc, cuốn sách Cách dùng họ và tên của các dân tộc Việt nam là những ghi chép đúc kết của Nguyễn Khôi để kỉ niệm và tri ân những con người khắp mọi miền đất nước mà Nguyễn Khôi đã gặp gỡ giao lưu .

Cuốn CÁCH DÙNG HỌ VÀ TÊN CỦA CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM: Nguyễn Khôi cho phát hành cuốn Các Dân Tộc Ở Việt Nam Cách Dùng Họ & Đặt Tên, Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, Hà Nội - 2006. Cách dùng họ và đặt tên của Việt nam rất độc đáo, nó mang đặc sắc văn hoá Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

Trên Newvietart.com đã trích giới thiệu 6 bài trên 54 bài về giải mã họ và tên 54 tộc người ở Việt nam.

 

Nguyễn Văn Hoa: Phê bình là công việc rất khó. Khen không đúng thì độc giả cho là “phê bình theo cánh hẩu”, “phê bình bốc thơm” “Phê bình đánh hội đồng”. Có người chỉ chăm chăm “soi xét lí lịch tác giả”, đã là VIP thì thơ không hay cũng cũng được giải thưởng này giải thưởng nọ. Kinh nghiệm chỉ ra rằng: Khi phê bình “chuyện Nôm khuyết danh” thì Phương pháp phê bình cứ bám vào lí lịch tác giả đã “phá sản”.

Nhiều người biết ngoại ngữ “vận dụng lí luận của nước ngoài” để phê bình tác phẩm Việt nam thành ra “ông nói gà bà nói vịt”. Khi đọc các bài phê bình kiểu này “Đầu ngô mình Sở” khó phù hợp với “tâm hồn Việt” khi cảm thụ các tác phẩm thơ Việt. Nếu cứ cho rằng Nguyễn Khôi là người phê bình thơ theo “phương pháp truyền thống” cộng hưởng với tâm hồn Kinh Bắc, xin Nguyễn Khôi đơn cử mấy bài phê bình thơ mà mình tạm ưng ý?

Nguyễn Khôi: Nguyễn Khôi đã bình thơ:

 - Hoàng Cầm (Bùi Tằng Việt) với Lá Diêu Bông ...

 - Quang Dũng (Bùi Đình Diệm) với Tây Tiến, Đôi Mắt người Sơn Tây ...

- Bùi Giáng với Mắt Buồn ...    

Đó là 3 trái Núi thơ (Thi Sơn) sừng sững trên bầu trời thơ Việt đứng sau Nguyễn Trái, Nguyễn Du... Để cho ta tự hào về sự tài hoa trong sáng của tiếng Việt đầy ắp hồn quên. Để thêm yêu tiếng Việt như "ngàn mày tràng giang" say muôn đời.

 

Nguyễn Văn Hoa: Số lượng thơ của Nguyễn Khôi hàng nghìn bài hay viết về Quê Hương, tình yêu, thế sự… nhưng trong phỏng vấn này, Nguyễn Khôi thử chọn nhanh những bài thơ hay mình tạm ưng ý nhất.

Nguyễn Khôi: Nguyễn Khôi có mấy bài thấy bạn đọc phản hồi cho là đọc được, ví dụ:

AO LÀNG

 

Vượt biển, chơi hồ trở quá giang

Bỗng dưng lại thấy nhớ Ao Làng

Cái đêm hè ấy ai ra tắm

Để cả bầu trời phải tắt trăng.

 

BẢN CHIỀNG LY

       (Tặng T.H)

 

Bản Chiềng Ly chưa đi đã nhớ

Phố chênh vênh bên núi bên hồ

Gái bản từ lâu quen chợ búa

Trai Thuận Châu bao bạn nằm mơ.

 

Người Chiềng Ly hay đi đây đó

Mùa hoa Ban về dự hội làng

Quả Còn lửa bay ngang trời phố nhỏ

Trái tim hồng thiếu nữ đón xuân sang.

 

Tôi say đắm yêu cô nàng như thế

Cha mẹ thương cho về ở Kinh Kỳ

Không ở rể mà vẫn là rể quý

Để mỗi năm lại lên Tết Chiềng Ly.

*

Thuận Châu, hè 1993

            

GỬI TUYÊN QUANG

 

Ừ có hẹn cũng chưa về Tuyên được

Bếp lửa nhen ai đó sưởt riêng lòng

Đêm Hà Nội đã nhạt mùi hoa sữa

Tưởng tóc ai phảng phất hương rừng

 

Xa để nhớ một khúc thành sót lại

Một đoạn đường cát bụi tím bằng lăng

Một bến thuyền bắc cầu trong mong đợi

Một đêm thơ ai đọc lệ rơi thầm.

 

Để ai đấy ở lại cùng thành cổ

Mỗi sớm mai xuống chợ thả xuôi dòng

Ngồi thư viện xem chừng chưa ấm chỗ

Nghe gió mùa xao xác suốt triền sông.

 

Từ thượng nguồn ai trông về cuối bãi

Để ai kia khắc khoải những mong chờ

Thôi, cứ thế cho thời gian gió thổi

Gieo vào lòng một chút sóng sông Lô.

 

MIỀN QUÊ KINH BẮC

 

Đây miền quê Quan Họ

Qua sông Cầu để yêu

Xa sông Thương để nhớ

Dải yếm hong ráng chiều

 

Đây dòng Tiêu sương mờ

Chèo đò Trương Chi hát

 

Chiêng

Trõ gọi trống Chờ

Đợi ai trên Quán Dốc

 

Pháo Đồng Kỵ vừa dứt

Bổi hổi vào Hội Lim

Đình Bảng nổi trống vật

Trai Yên Thế đua chen...

 

Ngực nào đầy ánh trăng

Môi nào trầu cắn chỉ

Ai đến hẹn lại lên

Đôi mắt đen đến thế !

 

Tôi đi bao miền quê

Ngày về trông xa lắc

Bỗng gặp cánh chim chiều

Gửi hồn về Kinh Bắc...

*

Biên giới Việt - Lào 1967

                                            

GỬI EM - PARIS, MÙA THU TÍM

 

Sớm Hà Nội...Sương Thu huyền ảo

Ngồi café vỉa hè

 

lặng ngắm sóng Hồ gươm

để nhớ Paris

khúc Autumn Leave

thánh thót vọng tâm hồn

cùng em dạo

Paris, mùa thu tím...

Paris đấy, của những ai mộng tưởng

“của đôi ta” tự thuở xa vời Anh như thể bỏ quên... đời vất vưởng

cuộc

tình nào

còn mãi?

 

Hà Nội ơi!

Thôi, mai em về Cửu Long giang cuộn sóng

Nhớ sông Seine ...thời khắc chẳng ngừng trôi

khung cửa hẹp

ôi thu, hừng sắc tím

tím cả hồn thơ thả mộng lên trời...

*

Hà Nội, 15.11.2006

 

VỀ HÀ NỘI

 

Viết một trăm câu thơ

Chưa viết được một câu thơ về Hà Nội

Thơ in ra như cát bụi sông Hồng

Đâu viên gạch thành Thăng Long chôn đáy dòng lịch sử

Chút hồn xưa toả nắng sớm Ba Đình

Người Hà Nội – Ơi em,người Hà Nội

ở bên em chừng thấy sáng ngời lên

nét thanh lịch kiêu sa đang vươn tới

Tính hào hoa ta có tự nơi em

Ôi phố cổ – như tìm vào ma trận

Nào Hàng Da, Chợ Gạo, Hàng Đào...

ba mươi sáu phố phường ta thơ thẩn

để nhớ thời Kẻ Chợ trốn tìm nhau

Hoa sữa đấy thơm riêng lòng Hà Nội

chỉ mùa thu và chỉ một con đường

hồn thi sĩ Nguyễn Du

bay len lỏi đến mỗi lòng Hà Nội một niềm riêng

Niềm tâm sự đi tha phương bốn bể

vẫn thèm về một gợn sóng Hồ Gươm

một ánh rêu trên Tháp Rùa mờ tỏ

một tiếng rao đêm, một khúc đoạn trường

Bạn thương mến từ xa về Hà Nội

Nơi hồn thiêng sông núi tụ bến bờ

nhẩm câu thơ “Thăng Long thành hoài cổ”

Màu thời gian còn phảng phất ưu tư.

*

Hà Nội 10.10.1995

 

CHIỀU PHỐ VỌNG

 

“Người ta vọng chức quên tình

Tôi nay phố Vọng một mình Vọng Em”

 

Nắng óng ả xanh cao chiều phố Vọng

Hoa sữa vương hương cốm đầu mùa

Em xuất hiện như thiên thần lồng lộng

Rất diệu kỳ mà lại rất thơ

 

Đâu có phải bờ sông Lô hoang vắng

Gió dập dờn mây trắng ngút ngàn lau

Sông cứ chảy vờn sau tà áo trắng

Mặc thời gian như nước chảy qua cầu…

 

Ai mơ tưởng từ lâu câu chuyện cũ

Mối duyên thơ như trời đã đặt bày

Em cứ nói lòng mình qua hơi thở

Để cho anh uống cả tứ thơ say

 

Thật mộng ảo đâu đây chiều phố Vọng

Em có duyên rạng rỡ lạ kỳ

Anh trẻ lại với tình thơ sống động

Sông Lô hời…

ai đó gọi trên kia.

*

Phố Vọng, Hà Nội 2-9-2000

Gửi chú "tuyển tập thơ Nguyễn Khôi 63 bài do Hội Nhà Văn Hà Nội cho tiền vừa in xong . "Chiều Phố Vọng". Có mấy bài bạn bè thích như:

TRƯA MƯỜNG ẢNG

 

Trưa Mường Ảng cam vàng và lúa chín

Về Sơn La còn ghé viếng bạn xưa

Nắng như cả khoảng trời tây đổ xuống

Một màu vàng no ấm ngập trời trưa.

Ai đó hát ngất ngư Phố Bản

Lũ nghé tơ nhảy giỡn rộn bờ khe

Ngọn gió quẩn thổi tung viền váy đỏ

Làm ngả nghiêng lơi lả cánh rừng tre.

Suối như nghỉ chỉ tiếng gà tao tác

Ai đó ra bến tắm thả hạc vàng

Thả cả tiếng đàn môi sang xứ khác

Trời Điện Biên mây trắng lang thang...

 

Chẳng ai nói...nghe thầm thì từ đất

Tình thoảng qua... chất ngất tựa Pha Đin

Trưa Mường Ảng hồn nhiên và hoang ngát

Một tiếng lòng thao thiết... phải không em?

*

Lai Châu 3-11-2000

 

LÊN MAI CHÂU NGỦ NHÀ SÀN

 (tặng: Nhà Thơ Vũ Quang Tần)

 

Lên Mai Châu qua đêm Bản Lác

Gái Thái tóc thơm, da trắng , thịt mềm

Đôi bầu Nhật Nguyệt như mộng ước

Ru hồn trai lên cõi trời tiên...

 

Thật "hên" còn xứ hoang sơ thế

Tắm suối nguồn, hái hoa Vông Vang

- Chai Rượu ngất ngư bên bếp lửa

Được "chết" trong say đắm mắt Nàng...

 

Ai đã từng sang Nga, sang Pháp

"Của Lạ" đâu bằng ở Việt Nam ? (1)

- Nhớ ơi Tây Tiến...thiên đường ngát

Lên ở Mai Châu ngủ Nhà sàn...

 -------

- (1) Việt Nam ta có 54 dân tộc (ngót 100 tộc người) nên các Bông hoa Rừng, Bông hoa Châu thổ, Bông hoa miền Biển... cực kỳ phong phú rất đẹp và rất lạ... thả sức cho các Nhà Văn, Nhà thơ tìm hiểu, khám phá...

_____________________

Kỷ niệm chuyến đi Mai Châu (Hội Nhà Văn Hà Nội) cùng nhà văn  Tô Hoài + nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Nguyễn Khôi thân tặng

Tô Hoài [ i.e. nguyễn sen 1920- 2014 hanoi]

- Bến Tạ Bú

- Trưa rừng ấy

- Trăng giữa rừng

- Đèo Pha Đin...

Tùy Nguyễn Văn Hoa chọn cho vừa ý.

 

Nguyễn Văn Hoa: Tác phẩm “Tiễn Dặn Người Yêu” Nguyễn Khôi thai nghén hàng mấy chục năm (trực tiếp 21 năm ở Tây Bắc đã chuyển từ “văn hóa Thái” sang “văn Hóa Kinh Bắc”, cô đọng lại Nguyễn Khôi có “bí quyết” gì chia sẻ với bạn đọc yếu tác phẩm dịch “Song thất lục bát” bất hủ này?

Nguyễn Khôi: Bí quyết của dịch thơ

1 - Trước hết phải nắm vững ngôn ngữ Việt (tiếng mẹ đẻ) luôn có ý thức phấn đấu làm "chuyên viên ngôn ngữ" như cụ Nguyễn Tuân...NK luôn nghiền ngẫm các cuốn tự điền như Tự điển Văn Tân(cả tiến Việt lẫn tiếng Trung), Tự điển Đào Duy Anh, Tự điển Truyện Kiều, Tự điển Hoàng Phê, tự điển Latinh-Annam, các từ điển Trung- Việt,Hán -Việt,Việt-Hán, Pháp-Việt, tự điển Thái-Việt, Mèo (H'mông)-Việt, Giải thích Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang, các sách về ngôn ngữ học, các sách về Thi thoại - bàn về thơ cổ kim đông Tây, các hợp tuyển thơ văn... nghĩa là đọc 1 núi sách, đọc suốt đời... để có vốn chữ nghĩa.

2 - Khi đã định "dịch" một tác phẩm nào thì trước tiên phải nghiền ngẫm đọc tác phẩm đó để hiểu 1 cách thấu triệt về nội dung, cách diễn đạt, cái "thần" của tác phẩm là gì?

Người dịch phải xuống tận nơi "đẻ" ra tác phẩm "3 cùng" với đồng bào, xem & nghe họ kể-đọc-hát ở đâu (đám cưới, đám ma. lễ lên nhà mới, vui chơi, tình tự) Dịch giả hòa đồng (nhập thân) với con người cùng phong tục tập quán bản địa đã kể trong tác phẩm (như "Sống Chụ Son Sao", "Khun Lú-Nàng Ủa," "Tiếng hát làm dâu...")

3 - dịch thơ bản gốc ra văn xuôi cho "hết ý" (dịch nghĩa từ tiếng Thái ra tiếng Việt)

4 - Tham khảo các bản dịch đã có: đối chiếu /so sánh để rút ra cái hay cái dở mà liệu...

5 - Chọn thể thơ để "ghép vần": tức là thi công đẻ ra bản dịch mới... Bản dịch Thơ thành công, thường phải là Nhà thơ đã có tay nghề cao, vì "dịch là sáng tác lại" cũng 1 câu thơ gốc đơn giản mộc mạc, khi chuyển thể (dịch) để cho câu thơ có hồn,sống động, có hình tượng thì người dịch không thể dịch chữ = chữ ,đơn điệu, mà là dịch Ý-tứ hồn vía (cái thần) của câu thơ mà người sáng tác đã gửi vào trong đó. (Thúy Toàn dịch bài "Tôi yêu em" của Pus-kin đạt "hay", Việt Nam đưa vào sách Giáo khoa, nhưng tiếc là dịch sai ý của Pus-kin trong nguyên tác "câu cuối")... Cái thú vị của dịch thơ là có câu đã 1000 năm rồi mà vẫn bàn cãi mãi chưa xong như "Phong kiều dạ bạc" của Trương Kế, "Lương Châu từ" của.Vương Hàn, đời Đường...

Vậy bí quyết dịch thơ là Dịch giả phải có tâm có tài hiểu thấu hết nhẽ cái mà mình định dịch (hóa thân vào tác giả) rồi xuất thần ứng tác một mạch đẻ ra 1 tác phẩm mới dâng Đời...

 

Nguyễn Văn Hoa: Nguyễn Khôi có nhiều tác phẩm viết về thơ Đường, ví dụ bài nào Nguyễn Khôi ưng ý nhất ?

Nguyễn Khôi: Nguyễn Khôi đã say mê nghiên cứu thơ Đường hàng chục năm nay, nhưng Nguyễn Khôi có cảm xúc mạnh khi bình thơ Đỗ Phủ, Lý Bạch

 

Nguyễn Văn Hoa: Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi đã giành gian quý báu để trả lời bài phỏng vấn đáng ghi nhớ này.

-----------

HÀ NỘI, MÙA RƯƠI TÂN MÃO (2012)

Nguyễn Văn Hoa thực hiện phỏng vấn

*

NGUYỄN VĂN HOA

Địa chỉ: (đang cập nhật)

Email: (đang cập nhật)

Điện thoại: (đang cập nhật)

 

 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật từ email: khoidinhbang@gmail.com ngày 06 tháng 08.2021

- Nhà thơ Nguyễn Khôi: thứ 3 từ trái sang phải, nguồn ảnh: tác giả.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

1 nhận xét: