TÌM
BÓNG NÚI
THẤY
BÓNG MÌNH
Tôi
chưa gặp cô giáo dạy toán Phạm Quỳnh Loan (bút danh Hoa Cau) ở Yên Bái, mà qua
Email, cô chuyển đến bản thảo tập thơ này. Đây là tập thơ thứ hai của cô. Tuy
tiếp cận chưa nhiều với lao động nghệ thuật thơ ca nhưng đã thấp thoáng một bút
pháp thi ca khá chững chạc tinh tế giàu nữ tính:
Áo trắng sân trường mỏng mảnh tiễn heo may.
(Xửa xưa ơi nẻo cũ đợi người về)
Tinh
tế và có chiều sâu:
Mẹ cô giáo,
mẹ tảo tần
Bảng đen
lên cả
trầm luân phận nghèo
(Mẹ
tôi cô giáo)
Rất
nhiều tác phẩm viết về bảng đen, nhưng cái màu đen vận vào “trầm luân phận
nghèo” thì đây là lần đầu tôi gặp. Thơ Phạm Quỳnh Loan không quá thật thà mà
giàu liên tưởng đó là thế mạnh của cô, nhờ thế mạnh này mà phẩm chất thi nhân
của cô đã sớm hiển lộ.
Cô
sinh trưởng ở miền núi Yên Bái, những hình ảnh quen thuôc:
lũ gà rừng cao giọng gáy lưng nương
ông mặt trời ngủ nướng
chiếc cọn xoay trần thay cha cõng nước
(Hương
vị núi rừng)
Cô
sử dụng ngôn ngữ miền núi khá tự nhiên không làm bộ ra vẻ “ngô nghê” như đôi
khi ta vẫn gặp. Điều này mang lại chất “duyên thơ” rất cần thiết mà không ít
người cố tình tạo ra cũng không thành.
Phạm
Quỳnh Loan chấm phá cảnh sắc mùa xuân:
Mỏng mảnh hạt mưa gầy
Rơi trên từng lối cỏ
(Xuân
gõ cửa)
Mùa
đông vừa qua, xuân mới gõ cửa, còn mỏng manh yếu ớt lắm, nên “hạt mưa gầy” là
nhận xét thật tinh tế, chính xác và giàu chất thơ.
Cũng
trong khung cảnh mùa xuân, bài thơ có ý vị tình yêu:
Ô cửa tháng hai thẳm sâu lời chất chứa
Muốn vá chiều xé toạc áng mây trôi..
(Ô
cửa tháng hai)
Câu
thứ nhất với những từ “thẳm sâu”, “chất chứa” khá nặng đô để dẫn tới câu thứ
hai khá mạnh mẽ với “vá chiều”, “xé toạc”, một tiến trình cảm xúc rất logic.
Qua mấy dẫn chứng, ta thấy Phạm Quỳnh Loan đã rất chú trọng đến chọn lọc ngôn
từ công phu để viết nên những dòng thơ khá ấn tượng. Một nhà thơ lớn từng nói
đại ý: phải chọn lọc trong hàng tấn quặng chữ mới được vài gram ngôn từ thơ ca.
Tôi rất vui nhận thấy Phạm Quỳnh Loan sớm có ý thức trong việc tạo dựng ngôn
ngữ thơ. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là làm mới những ngôn ngữ đã quen thuộc
đến xưa cũ bằng cách tạo nên những tương quan mới trong kết cấu ngôn từ.
Giêng hai ô cửa khép hờ
Lộc ngoan tí tách nảy bờ môi xuân
“Giêng
hai” và “ô cửa” đều là những từ quen thuộc, nhưng đặt bên nhau, tạo cho nó một
tương quan mới, ta hiểu là ô cửa của giêng hai, lập tức hai từ ấy trở nên lấp
lánh, mới mẻ. Ở câu dưới, “lộc ngoan”, “bờ môi xuân” cũng vậy.
Thơ
Phạm Quỳnh Loan cũng mở rộng sang những đề tài có tầm khái quát cao rộng hơn:
Sinh ta vương kiếp đọa đày
Mai rồi chạy đủ trả vay cuộc người
Thang nào chạy tít lên trời
Cao chân, thấp gối... vợi vời ấy ư ?
(Chạy)
Đề
tài này mở rộng khái quát đến cả kiếp nhân sinh với những khái niệm mang ý
nghĩa triết học, tôn giáo: cái sự nợ vay của kiếp người. Tuy đề cập đến những
lĩnh vực rộng, trừu tượng, nhưng cô vẫn viết một cách khá tự nhiên bằng thơ lục
bát rất thanh thoát.
Vẫn
trong bài thơ này, ở một đoạn khác:
Sân si trong cõi ta bà
Lò đang nóng, khéo ra tro bụi trần
Nữa không ? chạy tới đường âm
Mới hay.. thì đã.. lửa gần nước xa.
Ở
đây Phạm Quỳnh Loan lại thể hiện khả năng viết về đề tài chính trị xã hội thời
sự rất sinh động và khéo léo.
Trong
bài “Đi tìm bóng núi” có đoạn rất đáng chú ý:
Khát tôi một ánh trăng suông
Tìm trong bóng núi một vuông vắn mình
Chim kêu vỡ ánh bình minh
Núi vờn bóng núi, tôi hình hài tôi.
Những
cụm từ “một vuông vắn mình”, “tôi hình hài tôi” cho thấy một khả năng điều
khiển chữ nghĩa tương đối có tay nghề, chứng tỏ đã có sự luyện bút công phu.
Nói chung bước vào con đường sáng tạo thi ca ai cũng phải khổ luyện cả nhưng
thành công rất ít. Ở Phạm Quỳnh Loan, chắc cũng mới là giai đoạn đầu, đó đây
vẫn còn vương lại một số chữ cũ, cô nên cẩn thận sàng lọc kỹ lưỡng hơn nữa.
Núi vờn bóng núi, tôi hình hài tôi.
Phải
chăng tình cờ nhưng cũng phải lẽ thôi, đi tìm bóng núi, nhưng cô đã tìm thấy
mình trong thơ. (Thiếu gì trường hợp viết hoài, có khi cả đời mà chả tìm thấy
bóng mình ở đâu). Chúc Phạm Quỳnh Loan sẽ gặt hái được nhiều thành công trên
con đường thi ca sương khói nhọc nhằn này.
*
NGUYỄN
VŨ TIỀM
Địa chỉ: số nhà 49A/22 phố Phan Đăng Lưu,
quận
Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn.
Email: vutiemnguyen@yahoo.com.vn
Điện thoại: 0909.450.871
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn ngày
03.08.2021.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ
nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét